Thỉnh thoảng, ‘phụ thuộc Mỹ/ lệ thuộc Mỹ’ vẫn được nhắc lại như một câu thách đố của thì hiện tại, bởi một quá khứ ‘chống Mỹ/ đuổi Mỹ’ quá lẫy lừng.
Chúng ta lệ thuộc và phụ thuộc Mỹ? |
Việt nam đang rời sự che chở của bạn hàng vũ khí người Nga để tìm đến Washington, Ấn Độ trong hợp tác quốc phòng. Một phần là nhằm giữ gìn ‘hòa bình, ổn định’ khu vực biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn đã và đang tiến hành kế hoạch đường lưỡi bò một cách có kế hoạch và với tiến độ nhanh hơn Hà nội tưởng tượng.
Vẫn trong câu chuyện quốc phòng, nếu ở khu vực châu Á, thì Ấn Độ vẫn là một người đủ tầm để nói chuyện với Trung Quốc, thì trên bình diện quốc tế, Mỹ vẫn đóng một vai trò cảnh sát quốc tế (mặc dù trong thời đại Donald Trump – phương diện này bị mờ đi ít nhiều). Cụm từ ‘tự do hàng hải’ đi qua vùng Biển Đông vẫn có sức nặng đáng kể để giám sát các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này, và Việt nam rõ ràng đang rất cần điều ấy.
Về mặt thương mại, sự gắn bó chặt chẽ thương mại Việt – Trung thường có xu hướng bất lợi cho phía Hà nội. Bởi nếu Trung Quốc chỉ cần khép nhẹ cách cửa tại cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn thì nền nông nghiệp của Việt nam sẽ gặp nạn. Nhẹ nhất là mới đây, vào những ngày đầu tháng 02.2018, khoảng 1000 xe oto chở hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, một cảnh tượng từng xảy ra vào năm 2012 – và tất nhiên xuất phát từ ‘hàng rào kỹ thuật’ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng. Trong khi đó, quan hệ Việt - Trung luôn trong trạng thái 'nóng-lạnh bất thường' - từ thời điểm Trung Quốc hỗ trợ Hà nội trong cuộc chiến chống Pháp (1946 - 1954) cho đến xua quân tấn công Biên giới Việt nam (1979) hay đưa dàn khoan dầu sâu HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt nam cách đây vài năm! Điều đó đồng nghĩa, hiểm hoạ cao hơn cơ hội trong mối quan hệ này!
Dường như tự nhận thức về sự lệ thuộc có hại đó, nên Hà nội tìm cách mở đường thương mại bằng các hiệp định thương mại tự do, trong đó có cả với Mỹ, EU, và nhóm nước Á châu. Và Mỹ vẫn là một trọng tâm trong kế hoạch có phần ‘thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc’.
Trở lại câu chuyện ‘lệ thuộc/ phụ thuộc Mỹ’, thực ra nó là cụm từ miêu tả tầm nhìn lãnh đạo hơn là một cụm từ đặc tả chính xác tình trạng hai nước Mỹ - Việt.
Trở về quá khứ, vào ngày 22.10.2017, nhà báo Nguyễn Công Khế chia sẻ câu chuyện lịch sử, theo đó, giải thích tại sao hiệp định thương mại Việt – Mỹ năm 1999 bị trì hoãn. Câu chuyện cho biết, Thủ tướng Phan Văn Khải từng qua New Zealand bằng tay không, tức là Bộ Chính trị lúc ấy không đồng ý ký Hiệp định song phương Việt-Mỹ nhân Hội nghị Apec tại đây mà hai bên đã thỏa thuận từ trước.
Theo ông Khế, khi biết tin, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã ‘rất phiền và thất vọng’, vì đơn giản: Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc...
Nhưng chi tiết đáng giá lại nằm ở việc ông Nguyễn Chí Trung [*] trợ lý của TBT Lê Khả Phiêu lúc đó về việc chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ - Bill Clinton. Ông Trung cho biết quan điểm của ông khi đọc toàn văn bản hiệp định Việt nam gia nhập WTO và hiệp định song phương với Mỹ - ông đã khóc vì cho rằng Việt nam đã mất độc lập và lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ và phương Tây. Ông Nguyễn Chí Trung, được cánh nhà báo Quảng Đà cho biết, ‘thanh liêm không ai bằng mà bảo thủ cũng không ai sánh được’.
Hiện nay, sau gia nhập WTO và ký hiệp định song phương với Mỹ, ‘mất độc lập hay lệ thuộc Mỹ’ đã không diễn ra, trong khi chính tầm nhìn lãnh đạo cứng nhắc, lỗi thời của Bộ Chính trị ĐCSVN đã khiến Việt nam mất quá nhiều cơ hội về sự tận dụng thời cơ kinh tế. Giả như, Hà nội tiếp tục ngả theo những giọt nước mắt của ông Nguyễn Chí Trung gắn với tầm nhìn của TBT Lê Khả Phiêu, thì có lẽ đến giờ - Việt nam đã hoàn toàn ‘lệ thuộc/ phụ thuộc’ vào Trung Quốc về tất cả các mặt, với sự tụt hậu kéo dài đến hết thế kỷ!.
Câu chuyện về giọt nước mắt của ông Nguyễn Chí Trung cũng là cách hiểu khác về ‘phụ thuộc Mỹ/ lệ thuộc Mỹ’ như đã đề cập trên! Nó đã không miêu tả thực trạng bất công bằng 2 nước hay là một hệ quả của ‘thực dân kiểu mới’, mà nó chính là cho thấy tư duy và tầm nhìn của lãnh đạo trong những thời điểm lịch sử sẽ đi đến đâu.
Trở lại với thực tại, quan hệ với Mỹ vẫn là câu chuyện quan hệ tới đâu, và trong mối quan hệ này, vẫn có những tư duy về ‘địch-ta’ dập dìu, nhưng nó biến chuyển dưới một hình thức khác: ‘diễn biến hòa bình’. Hà nội vẫn cảnh giác với Mỹ, với những dự án của Mỹ vào Việt nam. Và điều này có thể nhận diện rõ ràng hơn qua video nói chuyện với lớp cán bộ nguồn vào năm 2016 của Thiếu tướng công an Trương Giang Long (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân). Với tư duy nghi ngờ như vậy, trong bóng màn của giữ vững định hướng XHCN, Việt nam ít nhiều cũng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội ‘tiến triển có lợi’ với Mỹ, như đã từng diễn ra vào năm 1978 (bình thường hóa với Mỹ) hay trễ cơ hội gia nhập WTO vào năm 2000.
Vì đúng như tầm nhìn ông T.T Võ Văn Kiệt từng bày tỏ với nhà báo Nguyễn Công Khế: Bây giờ nếu muốn biết ký, ai có lợi và ai không có lợi, phân tích ra thì biết liền hà. Mỹ là một nền kinh tế lớn, ký hay không ký với ta họ không quan trọng lắm. Ta là một nền kinh nhỏ, èo uột và rất cần thị trường Mỹ. Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc.
Nếu thay từ 'ký' thành 'quan hệ tốt hơn với Mỹ' thì có thể nhận diện được tương lai của Việt nam đẹp xấu đến mức nào! Một phần vì, Trung Quốc vẫn đang tập trung quyền lực cao độ, vị trí quốc tế đang tiếp tục đi lên, nền kinh tế đang được củng cố theo hướng công nghệ cao, thì lăn tăn ‘diễn biến hòa bình’ từ Mỹ hay tư duy địch-ta sẽ khiến Việt nam sẽ là người chết trước.
Một chế độ hay thể chế chính trị liệu chịu trách nhiệm như thế nào trước sự lỡ thời của cô gái Việt nam?
Và Việt nam, nơi lực lượng bảo thủ vẫn ngoan cố chiếm lĩnh pháo đài chính trị.
Ánh Liên
[*] Ông Nguyễn Chí Trung là nhà văn, Thiếu tướng, sinh ra tại xã Hòa Phước (Hòa Vang, Quảng Nam), là trợ lý TBT ĐCSVN Lê Khả Phiêu.
(VNTB)
Việt-Mỹ cần tận dụng lực đẩy từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson
Chuyến thăm của Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3 năm 2018 là một cột mốc quan trọng mới trong tiến trình tăng cường mối liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam sau Chiến tranh Việt Nam, và cùng với hai tàu chiến cùng 6.000 binh sĩ đi kèm, tạo nên sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ thời điểm đó.
Hồi năm 2010, khi hai nước tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tàu sân bay Mỹ USS George Washington đã neo ngoài khơi Đà Nẵng và tiếp đón các quan chức Việt Nam lên thăm tàu bằng trực thăng từ đất liền. Do đó, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng lần này có thể được xem như là một bước đi quan trọng mà theo đúng nghĩa đen đã đưa hai cựu thù xích lại gần nhau hơn, đồng thời cho thấy một mức độ tin cậy lẫn nhau cao hơn giữa hai nước.
Quan trọng hơn, chuyến thăm cũng cho thấy hai nước đã cảm thấy thoải mái hơn 8 năm trước khi tiến hành các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao, quy mô lớn. Đây là một kết quả tự nhiên nhưng không hề dễ dàng có được từ nỗ lực liên tục của hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ quốc phòng song phương trong suốt 10 năm qua.
Sau khi hai nước ký một Bản ghi nhớ về quan hệ quốc phòng năm 2011, hợp tác quốc phòng giữa hai bên đã có những tiến bộ nhanh chóng. Các hoạt động hợp tác nổi bật nhất hiện bao gồm trao đổi các chuyến thăm của các quan chức quốc phòng cấp cao, các chuyến thăm Việt Nam của tàu chiến Hoa Kỳ, và việc Washington cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho Hà Nội. Sau khi Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016, hai nước đang thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí tiềm năng và Việt Nam có thể mua một số hệ thống vũ khí hoặc thiết bị quân sự của Mỹ trong tương lai gần. Hai năm trước, hai nước cũng tuyên bố rằng họ đang cân nhắc việc sản xuất chung các thiết bị quân sự.
Hai bên cần tận dụng động lực tích cực từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson để biến các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương cấp cao, quy mô lớn thành một tình trạng “bình thường mới”. Theo đó, hai bên nên xem các hoạt động hợp tác quốc phòng cao cấp, thực chất hay quy mô lớn như các hoạt động bình thường mà cả hai bên đều không coi là “nhạy cảm”. Tương tự, họ không nên lo lắng rằng các hoạt động như vậy sẽ gây “xúc phạm” cho một bên thứ ba bất kỳ miễn là chúng không gây ra các mối đe dọa trực tiếp cho bên đó.
Hiện tại, các hoạt động hợp tác này có thể bao gồm các chuyến thăm thường xuyên của tàu chiến Hoa Kỳ, bao gồm tàu sân bay, tới Việt Nam; các cuộc tập trận chung; hoạt động mua bán trang thiết bị, vũ khí; và sản xuất chung vũ khí và trang thiết bị quân sự. Các hoạt động khác có thể dần dần được thêm vào danh sách khi hai bên thấy phù hợp. Trong ngắn hạn, một cách đơn giản để bắt đầu quá trình này có lẽ là đưa các chuyến thăm của các tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam trở thành một sự kiện định kỳ, có thể diễn ra hàng năm.
Việc “bình thường hoá” và thể chế hoá các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao như vậy sẽ giúp làm sâu sắc hơn và thực chất hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, giúp hai bên đối phó tốt hơn với những thách thức an ninh mới phát sinh từ những thay đổi đáng lo ngại trong bối cảnh địa chiến lược khu vực hiện nay.
Lê Hồng Hiệp
(Nghiên cứu Quốc tế)
Nền Ngoại giao “cân bằng động” sẽ sang trang
Với “các thao tác lịch sử”, vào những tuần cuối năm Đinh Dậu này, liệu có thể hy vọng rằng, Ngoại giao Việt Nam sẽ chuyển sang một thời kỳ mới, cân bằng và năng động hơn đối với các cường quốc, tiến lên vị thế trung tâm của ASEAN, tiếp tục hội nhập sâu rộng cùng các trào lưu thời đại, và như vậy, ưu tiên cao nhất trong kỷ nguyên tới sẽ được tập trung vào các lợi ích quốc gia-dân tộc?
Lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam sau Tết Nguyên đán (tháng 3/2018). Đây sẽ là cơ hội lịch sử đối với hai quốc gia cựu thù nhưng từ nay lại trở thành gần như là những đối tác đặc biệt, đang hợp lực phấn đầu vì an ninh và an toàn trên khu vực biển Đông. Thông tin này đã được đưa ra hôm 25/1/2018, ngày thứ hai của chuyến thăm Việt Nam, trong khuôn khổ vòng công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Cách đây gần sáu tháng, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Việt ngày 8/8/2017 đã chính thức xác nhận, sang năm 2018, một chiếc hàng không mẫu hạm, biểu tượng cho sức mạnh quân sự của nước Mỹ sẽ ghé cảng Việt Nam trong một chuyến thăm hữu nghị. Trước đấy, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du Hoa Kỳ và đến Nhà Trắng hội đàm với ông Trump hôm 31/5/2017, chính Tổng thống Donald Trump đã hứa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc điều tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam.
Cũng là “vì độc lập, vì tự do…”
Đúng như một trong những nội dung cốt yếu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tại trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, ngày 25/1/2018, khi ông nhấn mạnh phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Sứ mệnh này rõ ràng cần được tích hợp với xu thế “tích cực và chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng vào chiều 25/1/2018 ấy, tại Trụ sở Trung ương Đảng, khi tiếp xã giao Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dẫn đầu, đang có chuyến thăm chính thức Hà Nội, Tổng Bí thư đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện ấy đi vào chiều sâu, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư còn cho rằng chuyến thăm lần này của Bộ trưởng James Mattis sẽ góp phần củng cố và triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có khả năng, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có việc rà phá bom mìn, tẩy độc môi trường, hỗ trợ nhân đạo và tìm kiếm quân nhân mất tích, tăng cường lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, gác lại quá khứ, cùng nhau vượt qua khác biệt, phát huy điểm đồng, hướng tới tương lai để đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chính dư địa của quan hệ song phương Việt-Mỹ qua đánh giá của Tổng Bí thư, cho ta thấy triển vọng tươi sáng của quá trình thực thi hai bản Tuyên bố chung có ý nghĩa lịch sử Mỹ-Việt (31/5/2017) và Việt-Mỹ (12/11/2017) cách nhau chưa đầy nửa năm.
Cũng đúng vào chiều 25/1/2018, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại điểm lại mối quan hệ lịch sử về thương mại và văn hóa giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, tái khẳng định ASEAN và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực suốt phần tư thế kỷ qua. Tin rằng hợp tác ASEAN - Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong thành công của thế kỷ “Ấn Thái Dương”, Thủ tướng Việt Nam đã chia sẻ một số phương hướng hợp tác trong thời gian tới, theo đó coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng khẳng định hai bên cần tăng cường kết nối, bảo đảm tính bền vững liên khu vực bằng cách sớm triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển, hoàn tất đàm phán các hiệp định vận tải biển và hàng không… Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Luật biển 1982, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực “Ấn Thái Dương”.
Trở lại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đại tá Jeff Davis cho biết, lãnh đạo hai nước đã chuẩn thuận tổ chức chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, đây sẽ là một cột mốc lịch sử, vì cho tới nay, chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh, các hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng chỉ di chuyển ngoài khơi, chứ chưa hề ghé vào các cảng biển của Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Jim Mattis, ông đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cũng như khi gặp các lãnh đạo Indonesia ở Jakarta trước đó và khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an ninh, an toàn và quyền tự do hàng hải trên toàn vùng biển Đông.
Cân bằng và đối trọng giữa các bên
Đối với giới quan sát, quyết định điều tàu sân bay ghé thăm Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quyết tâm cao của Washington can dự vào Đông Nam Á để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Đông đang ngày càng bị đe dọa. Mục tiêu của Mỹ được thể hiện một cách rõ rệt trong bản thông cáo được Lầu Năm Góc công bố ngày 9/8/2017, theo đó, các bên nhấn mạnh đến lợi ích chung Mỹ-Việt, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia. Dù không chính thức nhấn mạnh, nhưng khi nhắc đến nhu cầu an ninh, an toàn và bảo vệ quyền tự do hàng hải ở biển Đông, rõ ràng là hai nước Mỹ-Việt ám chỉ các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại biển Đông vừa qua như: Bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này, đe dọa tự do lưu thông trong khu vực. TờInternational Business Times, thuộc tổ hợp truyền thông Newsweek, vào ngày 9/8 năm ngoái đã bình luận rằng quyết định gửi một tàu sân bay tới Việt Nam, một trong những nước can trường dám thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông, là tín hiệu mà chính quyền Donald Trump đưa ra cho thấy đà tăng cường quan hệ song phương.
Theo chuyên gia phân tích chiến lược Rodger Baker từ Trung tâm tham vấn địa - chính trị có uy tín (Stratfor), cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phúc và Tổng thống Trump hồi mùa hè 2017 là một “động thái đã được tính toán cẩn trọng nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ để đối phó lại những nỗ lực liên tục của Trung Quốc âm mưu quân sự hóa các hòn đảo trên biển Đông”. Đối với chuyên gia này, Việt Nam có một vị trí rất đáng chú ý tại Đông Nam Á. Chính quyền Mỹ đã bắt đầu chuyển giao một số tàu tuần tra nhỏ cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, đã có những chuyến thăm viếng giao lưu giữa hải quân hai bên và Mỹ cũng đã bãi bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam. Đối với Mỹ, Việt Nam là một đồng minh tự nhiên, có thể cùng Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch bành trướng Trung Quốc. Một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề Đông Nam Á tại đại học Tế Nam ở Quảng Châu, gần đây đã khẳng định rằng “Việt Nam luôn luôn là quốc gia ở ASEAN có thái độ nghi kỵ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất... bởi vì Việt Nam có chung biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc”. Việt Nam cũng đã tăng cường hải quân, gia cố một số hòn đảo và đã không ngần ngại lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Trước khi đón tiếp người đồng nhiệm từ Washington, ngày 23/1/2017, đại tướng Ngô Xuân lịch cũng đã có một ngày bận rộn với người đồng cấp đến từ nước Nga là ông Sergei Shoigu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu thăm chính thức Việt Nam trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một ngày. Theo phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, bà Markovskaya, ông Sergei Shoigu sang Hà Nội là để thảo luận về các quan hệ hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật quân sự. Nga hiện nay là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, từ máy bay chiến đấu, tên lửa phòng thủ bờ biển, cho đến chiến hạm và tàu ngầm. Chuyến công du Việt Nam gần như cùng một thời điểm của cả hai Bộ trưởng Quốc phòng cả Nga lẫn Mỹ cũng đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Ngày 22/1 mới đây, Hoàn cầu Thời báo (GT) (một phiên bản tiếng Anh của cơ quan ngôn luận chính thức từ Bắc Kinh) đã nhắc lại Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ coi Trung Quốc và Nga là “các đối thủ” của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa công khai đả kích chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Hôm 26/1, khi được hỏi về việc này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc không phản đối “quan hệ hợp tác, thân thiện bình thường giữa các nước”.
Tuy nhiên, vào thời điểm chiếc khu trục hạm USS Hopper của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý ở bãi cạn Scaborough trước đây, trang mạng “GT”vẫn bình luận, hoạt động của khu trục hạm USS Hopper có thể là để khởi động cho chuyến công du của James Mattis đến Indonesia và Việt Nam. Liên quan đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở Biển Đông thời gian qua (FONOB), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 7/9/2017 tuyên bố rằng, Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải - hàng không phù hợp với luật quốc tế. Tuyên bố này là cách Việt Nam ủng hộ các hoạt động FONOP của Mỹ. Trong khi đó, trang mạng “GT” lại thách thức, nếu Mỹ muốn gia tăng cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc tại Biển Đông thì quả thật, đấy sẽ là một trong những nơi tốt nhất. Hẳn nhiên, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ cách thức mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quản trị vấn đề biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam lần này. “GT” nhắc nhở Hoa Kỳ chớ có quá tự tin về vai trò của Mỹ tại khu vực và cũng đừng quá lý tưởng về mức độ các nước ASEAN sẽ đi theo chính sách của Mỹ.
Nguồn Văn nghệ số 5/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét