Tóm tắt bài viết

  • Triều Tiên ngỏ lời đàm phán với Mỹ sau khi nếm trải "áp lực tối đa" từ Mỹ và các nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
  • Hàn Quốc, Thụy Sĩ hoặc Singapore có thể sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Kim Jong Un.
  • Mối lo ngại từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về cự ly gần với Triều Tien.
  • Năng lực ngoại giao của Kim Jong Un là một dấu hỏi lớn.
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi ông đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, mở ra một tiến trình đột phá giữa hai quốc gia mới đây vẫn còn đe dọa tấn công nhau.
Hiện vẫn còn quá xa vời để dự đoán về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, những thông tin dưới đây có thể đem đến những hình dung rõ nét hơn về cuộc gặp lịch sử được cả thế giới đều dõi theo.
Tại sao cuộc gặp diễn ra vào thời điểm này?
Một trong các lý do khiến Triều Tiên ngỏ ý tổ chức cuộc gặp có thể là vì cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến Bình Nhưỡng lo ngại về nguy cơ đối mặt với các biện pháp quân sự từ Washington, theo Nikkei. Thêm nữa, sự xa lánh của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đối với phái đoàn Triều Tiên tại Olympic Pyeongchang đã làm gia tăng nỗi sợ hãi đó.

Việc Triều Tiên đề xuất đàm phán dường như có 2 mục đích. Một là nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó gồm cả Trung Quốc. Các chế tài đã bóp nghẹt chế độ Kim Jong Un, làm cho việc giải tỏa áp lực kinh tế là một vấn đề khẩn cấp mà họ phải đối mặt. Mục đích thứ 2 là Triều Triên có thể kéo dài thời gian để tiếp tục xây dựng vũ khí hạt nhân trong khi các cuộc đàm phán diễn ra. Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên cần thêm một khoảng thời gian nữa để hoàn thiện các chương trình về hạt nhân và tên lửa.
Mỹ dường như có suy nghĩ ngược lại, siêu cường quốc đang tìm cách chấm dứt sự phát triển của tên lửa và hạt nhân Triều Tiên càng sớm càng tốt, trước khi chính quyền Kim Jong Un phát triển thành công tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công diện rộng vào lãnh thổ Hoa Kỳ. “Kim Jong Un là người duy nhất có thể đưa ra các quyết định”, một quan chức Hoa Kỳ cho biết. Vì vậy, để thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì việc thuyết phục nhà lãnh đạo họ Kim được cho là cách thức hiệu quả nhất.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ở đâu?

Suy đoán về nơi tổ chức cuộc họp lịch sử đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo đang gia tăng. Mỹ chỉ nói rằng cuộc họp sẽ được tổ chức tại “một nơi và thời gian sẽ được xác định”.
Ông Nam Sung-wook, giáo sư đại học Sejong, Hàn Quốc nói rằng Hàn Quốc là một lựa chọn thích hợp cho địa điểm gặp gỡ vì cả Tổng thống Trump và Kim Jong Un khả năng đều không muốn đến đất nước của nhau vì e ngại vấn đề an ninh.
“Phương án đầu tiên có thể là Panmunjeon bởi vì họ không cần phải ngủ ở đó”, ông nói. Panmunjeom nằm trong khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vì vậy ông Kim có thể trở lại Bình Nhưỡng và Tổng thống Trump sẽ ở lại Seoul sau cuộc họp”.
“Phương án khác có thể là đảo Jeju”, theo ông Nam. Đảo Jeju là một hòn đảo nghỉ mát của Hàn Quốc, nơi đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế.
Để tránh phát sinh quá nhiều sự nhượng bộ, 2 bên có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước thứ 3 như là Thụy Sĩ hoặc Singapore.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc phản ứng như thế nào?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với quyết định của Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un. “Nếu hai người gặp gỡ, theo sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ được đi đúng hướng”, ông Moon cho biết trong một tuyên bố.
Nhật Bản đang cảm thấy lo lắng, theo Nikkei. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao thái độ của Bình Nhưỡng, nhưng nói rằng chính phủ của ông “sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa cho tới khi Triều Tiên thực hiện một bước đi chắc chắn [về việc phi hạt nhân hóa]”. Ông Abe đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Trump hôm thứ Sáu (9/3) và đồng ý với Mỹ về việc gây áp lực cực đại cho Triều Tiên.
Đối với Nhật Bản, cho dù Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa hay chỉ đơn thuần là làm đóng băng chương trình hạt nhân của họ, thì điều đó cũng đều cấp thiết như nhau. Một số chuyên gia tin rằng việc đóng băng sẽ chỉ cản trở một phần năng lực hạt nhân của Triều Tiên vì họ vẫn có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Hoa Kỳ thì ở ngoài phạm vi.
Trung Quốc hoan nghênh những tín hiệu từ Mỹ và Triều Tiên. “Chúng tôi hy vọng rằng các bên sẽ thể hiện sự can đảm chính trị”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng (Geng Shuang) cho biết hôm thứ Sáu. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên sẽ “làm tốt nhất để khởi động lại cuộc đối thoại và đàm phán cho việc thiết lập hòa bình của bán đảo hạt nhân”.
Tuy nhiên, tuyên bố này có thể chỉ là biểu hiện bề mặt. Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn khi Hoa Kỳ và Triều Tiên tiến đến gần nhau hơn. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đóng vai trò là một trong những nhân tố chủ chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Ở một mức độ nào đó, vai trò này đã giúp Trung Quốc phần nào né tránh được những biện pháp cứng rắn của Mỹ trong các vấn đề khác, như thương mại.

Kỳ vọng gì từ Hội nghị thượng đỉnh?

Paik Hak-soon, chuyên gia cao cấp tại viện Sejong, người đã nghiên cứu về Triều Tiên trong hơn hai thập kỷ qua, nói rằng một con đường dài và khúc khuỷu đang chờ đón các cuộc đàm phán phi hạt nhân. Ông cũng cho rằng thành công của Bình Nhưỡng trong phát triển tên lửa đạn đạo và bom hydro khiến Triều Tiên tự tin rằng họ có thể đàm phán với Mỹ với cùng một vị thế tương xứng.
“Tôi đoán rằng [các cuộc đàm phán] sẽ mất rất nhiều thời gian và trải qua một quá trình phức tạp. Sẽ có rất nhiều thăng trầm, vì Mỹ sẽ yêu cầu việc phi hạt nhân hóa phải triệt để, xác nhận được và không thể đảo ngược, trong khi Triều Tiên lại muốn đảm bảo những gì họ đang có”.
Một số chuyên gia cho biết cuộc họp có thể không xảy ra nếu quá trình tiền đàm phán không được thực hiện tốt.
“Triều Tiên phải gửi tới Mỹ các bước cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa để cuộc gặp gỡ thực sự diễn ra”, theo ông Lee Jong-wong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Waseda cho biết.
“Đồng thời, Triều Tiên phải thuyết phục công dân của họ về lợi ích mà họ có được khi các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ để đổi lại việc giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Năng lực ngoại giao của Kim Jong Un ra sao?

Thế giới chưa biết đến khả năng ngoại giao của ông Kim, đơn giản là vì nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa bao giờ gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới từ khi lên nắm quyền. Ông Kim thậm chí còn chưa bao giờ ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, cuộc họp 4 tiếng đồng hồ với các đặc phái viên Hàn Quốc hôm thứ Hai (5/3) đã đem lại một số góc nhìn khác với về phong cách ngoại giao của ông Kim.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc – còn gọi là Nhà Xanh – cho biết ông Kim đã thẳng thắn và quyết đoán trong cuộc họp ở Bình Nhưỡng, thảo luận về tất cả các chương trình nghị sự mà Tổng thống Moon Jae In đã đề nghị trong cuộc họp của ông với Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un tại Seoul tháng trước.
Ông Kim Jong II, người tiền nhiệm, đồng thời là người cha của Kim Jong Un, cũng được biết đến là một nhà ngoại giao thận trọng và cứng rắn. Trong năm 2002 và 2004, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã từng thăm Bình Nhưỡng để gặp Kim Jong II.
Kết quả của cuộc đàm phán giữa hai nước vào thời điểm đó là Tokyo đã giải cứu những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc. Đổi lại, Triều Tiên đã nhận được 250 tấn lương thực và các sản phẩm y tế trị giá 10 triệu USD.
An Hòa
Xem thêm: