Sáng 9.3, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập đã khai trương trưng bày tập hợp hơn 500 tư liệu, có giá trị lịch sử và hiện vật quý lớn nhất từ trước đến nay.
Từ Dinh Norodom tới Dinh Độc Lập 1868-1966, thực hiện công phu, quá trình tìm kiếm tư liệu ròng rã trong vòng 4 năm trời, vừa được khai mạc trong ngôi nhà duy nhất còn lại của quần thể Dinh Norodom được xây dựng từ thời Pháp nhằm giải mã những bí ẩn ít được biết đến. Dưới thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, ngôi nhà này từng là trụ sở làm việc của Đảng Dân chủ nằm ngay tại một góc dinh phía đường Nguyễn Du (Q.1).
Theo tài liệu của Hội trường Thống Nhất: “Với mục đích cai trị lâu dài VN, năm 1868 chính quyền Pháp chọn khu đất rộng 12ha ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn để xây dựng một dinh thự cho Thống đốc Nam kỳ. Công trình khởi công ngày 23.2.1868, khánh thành ngày 25.9.1869 nhưng tới năm 1875 mới hoàn tất việc trang trí. Sau khi xây dựng xong dinh thự có tên gọi dinh Norodom, tuy nhiên khi Pháp thành lập Liên bang Đông Dương thì dinh Norodom còn được làm Phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Trước khi rời khỏi Sài Gòn, thay mặt cho chính quyền Pháp tại Đông dương, Cao ủy Pháp - Đại tướng Paul Ely đã bàn giao Dinh Norodom cho đại diện chính quyền Sài Gòn là Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông Diệm coi buổi lễ chuyển giao này như một biểu tượng của nền độc lập, vì vậy ngay ngày hôm sau (8.9.1954) Dinh Norodom chính thức được đổi tên thành Dinh Độc Lập, trở thành cơ quan quyền lực tối cao và nơi ở của Ngô Đình Diệm cùng gia đình người em trai - cố vấn Ngô Đình Nhu (vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân)”.
Toàn bộ hình ảnh trong thời kỳ này của dinh đặc biệt thu hút khách tham quan vì ai cũng muốn biết về thời kỳ đầu tiên xây dựng và một giai đoạn lịch sử quan trọng của Sài Gòn.
Người xem còn tự khám phá hơn 60 bức ảnh giới thiệu quá trình Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống và sự phân chia quyền lực trong gia đình họ Ngô với nhiều bí ẩn, phức tạp của những nhân vật: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân và cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Sài Gòn… cùng một số hiện vật đồng thời hoặc giống như các đồ dùng liên quan đến các nhân vật trong gia đình họ Ngô: khăn đóng, máy chụp hình (của Ngô Đình Diệm), gạt tàn, tẩu thuốc (Ngô Đình Nhu), cơi đựng trầu (Ngô Đình Cẩn), khẩu súng (của bà Trần Lệ Xuân)… Hình ảnh Ngô Đình Diệm cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên tháng 5.1955, ảnh Nguyễn Thành Phương và Trịnh Minh Thế đem quân về hợp tác với chính phủ quốc gia và được Ngô Đình Diệm đón tiếp long trọng, còn Lê Quang Vinh thì bị xét xử tại tòa án Quốc gia là những tư liệu quý, hiếm.
Sau cái chết của Ngô Đình Diệm, chính quyền Sài Gòn càng trở lên hỗn loạn, trong hai năm mà có tới hơn 10 cuộc đảo chính thanh trừng lẫn nhau. Tháng 6.1965, Hội đồng quân lực lật đổ chính quyền dân sự Phan Huy Quát, lập Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia do Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch, Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tương đương như Thủ tướng). Ngày 31.10.1966, với tư cách là những người lãnh đạo cao nhất, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đồng chủ tọa cắt băng khánh thành Dinh Độc Lập tuy công trình chưa xong phần trang trí. Các tư liệu bằng ảnh trong giai đoạn này cũng được trưng bày với lời chú thích chi tiết.
Được sự cho phép của lãnh đạo Hội trường Thống Nhất, Thanh Niên xin giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc triển lãm vừa khai mạc sáng nay:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét