Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn: 'Ông chủ' siêu dự án 14.000 tỷ là ai?
NGHI ĐIỀN
27, Tháng 11, 2017 | 08:04
Nhàđầutư
Phương Thành Tranconsin thoái lui khỏi dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, nhường chỗ cho cái tên còn khá mới mẻ trong lĩnh vực cầu đường.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 17/11/2017 của Công ty CP BOT Biên Cương, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã hạ vốn góp từ 54,062 tỷ đồng về 108 triệu đồng, tỷ lệ sở hữu theo đó giảm từ 5% về 0,01%.
Công ty BOT Biên Cương được thành lập tháng 5/2015, là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức khái toán 14.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là trên 10.000 tỷ đồng.
Với sự rút lui của Phương Thành Tranconsin, tỷ lệ sở hữu của cổ đông còn lại là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Công Thành tăng từ 94,99% lên mức gần như tuyệt đối 99,98%.
Phương Thành Tranconsin là cái tên có truyền thống và đã chứng tỏ được năng lực trong ngành xây dựng cầu đường. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 886 tỷ đồng đã và đang tham gia nhiều gói thầu lớn như QL37 Bắc Giang - Thái Nguyên; QL 38 Hải Dương - Cầu Tràng; Gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Ở chiều ngược lại, Công Thành lại là đơn vị không mấy tên tuổi. Pháp nhân này chỉ mới thành lập trước thời điểm được cấp phép dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chưa đầy một năm.
'Ông chủ' siêu dự án 14.000 tỷ là ai?
Được thành lập chưa lâu và không có nhiều kinh nghiệm so với các tên tuổi khác, việc Công ty Công Thành nắm tới 95% dự án BOT Hạ Long - Vân Đồn và nay nâng tỷ lệ lên gần 100% không khỏi gây băn khoăn về cái tên này.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công Thành được thành lập vào tháng 6/2014 với vốn điều lệ ban đầu 3,6 tỷ
Sau nhiều lần thay đổi cổ đông và vốn góp, vốn điều lệ của Công Thành đến tháng 5/2015 được tăng lên mức 1.566 tỷ đồng, gấp tới 435 lần so với ban đầu.
Trong đó, ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (trú tại cùng địa chỉ) góp lần lượt 52% và 33%, thành tiền quy đổi tổng cộng là 1.331 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng chưa tới một năm, việc đổ hơn nghìn tỷ đồng tăng vốn cho Công Thành cho thấy độ giàu có của những cá nhân này.
Tuy vậy, nhóm cổ đông trên thực tế còn giàu có hơn nhiều, khi sở hữu một doanh nghiệp rất lớn khác cũng hoạt động trong lĩnh vực BOT là Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát.
Công ty Minh Phát được các ông Đỗ Minh Đức và Đỗ Ngọc Minh thành lập năm 2008, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Đỗ Ngọc Minh cùng cựu Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm là các cổ đông sáng lập của Công ty CP Tập đoàn Minh Tâm, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.
Trở lại với Minh Phát, tháng 3/2014, pháp nhân này tăng vốn lên 889 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Ngọc Minh nắm cổ phần chi phối (51%), bà Nguyễn Thị Cẩm Tú sở hữu 26%.
Công ty Minh Phát không có hoạt động gì đáng chú ý cho tới khi được cấp phép dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ năm 2014, cùng với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Phương Thành Tranconsin.
Minh Phát, dù là cái tên kém tiếng hơn, lại nắm 65% dự án BOT 'màu mỡ' nằm ngay cửa ngõ Thủ đô. Hai đơn vị uy tín trong ngành cầu đường chia nhau 35% còn lại.
Dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng. Như vậy, các doanh nghiệp của nhóm nhà đầu tư họ Đỗ chỉ trong thời gian ngắn đã được cấp phép hai dự án với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, dù mới được thành lập chưa lâu và thiếu rõ ràng về năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án.
(http://www.nhadautu.vn/du-an-cao-toc-ha-long--van-don-ong-chu-sieu-du-an-14000-ty-la-ai-d4779.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét