Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Thu hồi tiền vụ Mobifone-AVG 'phải qua tòa án'

Một luật sư ở TP Hồ Chí Minh nói rằng kết luận thanh tra vụ Mobifone - AVG cần dự trên pháp luật và các luận cứ kinh tế, chứ "không thể duy ý chí".
Ông Trương Minh Tuấn hiện là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Trương Minh Tuấn hiện là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cơ quan phụ trách Mobifone và quản lý các lãnh đạo công ty này
Hôm 15/3, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế giới Luật pháp, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt:
"Trừ khi có sự thỏa thuận giữa các bên, việc thu hồi tiền từ các cá nhân, tổ chức liên quan đến thương vụ này chỉ có thể được thực hiện theo phán quyết của tòa án có thẩm quyền.
Việc này không thể thực hiện được bằng một kết luận thanh tra hay quyết định hành chính."

Không thể tự nhiên coi 'hợp đồng vô hiệu'

"Nếu các công ty, cá nhân liên quan không tự nguyện trả lại tiền thì cách duy nhất mà Mobifone có thể lấy lại tiền là khởi kiện những công ty, cá nhân tham gia giao dịch với Mobifone ra tòa án có thẩm quyền để tuyên hủy hợp đồng đã ký."

"Mà muốn hủy hợp đồng thì phải căn cứ vào quy định pháp luật, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu không chứng minh được giao dịch đó bị lừa dối, đe dọa, ép buộc; đối tượng giao dịch, mục đích giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức; giao dịch giả tạo; người ký hợp đồng không có thẩm quyền hoặc chưa được người có thẩm quyền chấp thuận thì không thể tuyên hợp đồng vô hiệu."
"Và ngay cả khi hợp đồng bị vô hiệu thì vấn đề bồi thường thiệt hại vẫn phải đặt ra. Bên nào có lỗi dẫn đến việc hợp đồng bị vô hiệu thì có trách nhiệm bồi thường.
Nếu cả hai bên đều có lỗi thì việc bồi thường sẽ được xem xét trên cơ sở mức độ lỗi."
Luật sư Sơn phân tích thêm:
"Vấn đề giá cao hay thấp không phải là yếu tố để hủy bỏ hợp đồng, đòi tiền lại. Mặc dù Mobifone là doanh nghiệp nhà nước nhưng trong quan hệ kinh tế với các tổ chức, cá nhân khác thì hoàn toàn bình đẳng."
"Về nguyên tắc, thuận mua vừa bán nên không thể xử lý trách nhiệm của bên bán, trừ khi chứng minh được có sự móc nối giữa bên mua và bên bán để nâng khống giá trị giao dịch để rút tiền của nhà nước."
"Riêng các cá nhân liên quan của bên mua, như lãnh đạo Mobifone, Bộ Thông tin-Truyền thông, các bộ ngành liên quan...nếu không làm hết các trách nhiệm luật định dẫn đến mua hớ cổ phần AVG thì có thể đối diện với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Mobifone và AVG chính thức 'chia tay nhau từ đây'?Bản quyền hình ảnhMOBIFONE VÀ AVG
Image captionMobifone và AVG chính thức 'chia tay nhau từ đây'?
Hôm 13/03, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, nói với BBC:
"Có thể AVG nghĩ việc hoàn trả lại số tiền đã bán cổ phần thì nó sẽ trở thành một giao dịch bình thường, không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản nhà nước."
"Tôi nghĩ cơ quan điều tra vẫn nên điều tra, thoả thuận thì thoả thuận, nếu có dấu hiệu gian dối, lừa đảo thì vẫn nên xử lý."
Còn luật sư Phùng Thanh Sơn thì cho rằng về mặt thủ tục, cần xem rõ có cá nhân nào cần bị xử lý theo luật hình sự hay là không:
"Trong trường hợp biết rõ việc mua cổ phần AVG phải trải qua các trình tự thủ tục nhất định nhưng không thực hiện thì những các cá nhân liên quan sẽ không bị xử lý hình sự, vì theo Bộ luật Hình sự 2015 thì tội danh cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không còn áp dụng nữa"
"Nếu cơ quan điều tra chứng minh được có sự móc nối, thông đồng giữa các cá nhân bên bán và bên mua để nâng khống giá trị giao dịch nhằm rút tiền của nhà nước thì vụ việc có dấu hiệu của tội tham ô tài sản."
Tiềm năng của công ty mục tiêu thì không phải ai cũng có thể nhận ra, theo LS Phùng Xuân Sơn.Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Image captionTrong hoạt động M&A, nhà đầu tư không chỉ dựa vào tình hình tài chính hiện tại mà còn dựa vào tiềm năng tương lai của công ty mục tiêu, theo LS Phùng Xuân Sơn. (Hình minh họa).

Giá mua và tài sản

Dư luận vẫn đang quan tâm đến 'giá mua bán' từ mấy năm trước của hợp đồng Mobifone - AVG, nhưng theo ông Phùng Thanh Sơn, cần có cái nhìn khác:
"Trong hoạt động M&A thì việc quyết định mua lại một công ty nào đó (thông qua việc mua bán cổ phần, phần vốn góp), nhà đầu tư không chỉ dựa vào tình hình tài chính hiện tại mà còn dựa vào tiềm năng tương lai của công ty mục tiêu.
"Mà tiềm năng của công ty mục tiêu thì không phải ai cũng có thể nhận ra. Đối với nhà đầu tư này thì nó không tiềm năng nhưng đối với nhà đầu tư khác thì nó lại là tiềm năng.
"Do đó, việc mua bán cổ phần của AVG giá cao hay giá thấp không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là cơ quan điều tra phải chứng minh được có sự móc nối giữa các cá nhân liên quan để rút tiền của nhà nước hay không.
"Nếu chỉ căn cứ vào giá trị giao dịch cao hơn giá trị tài sản của công ty mục tiêu (AVG) gấp nhiều lần hay tình hình kinh doanh của công ty mục tiêu không sáng sủa để cho rằng giao dịch đó vi phạm pháp luật là không có cơ sở pháp lý."
Theo LS Sơn, cần phân biệt pháp nhân AVG khỏi tài sản của doanh nghiệp này:
"Trong thương vụ này, Mobifone mua lại pháp nhân AVG chứ không phải mua lại tài sản của AVG nên không thể tránh khỏi việc một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của AVG vượt ra khỏi ngành nghề mà Mobifone hướng đến.
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn công bố quyết định điều chuyển ở Mobifone
Image captionBộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn công bố quyết định điều chuyển ở Mobifone hồi tháng 6/2017
"Tôi nghĩ điều này cũng là bình thường. Mobifone hoàn toàn có quyền chấm dứt lĩnh vực ngành nghề kinh doanh đó sau khi thâu tóm được AVG.
"Do đó, việc Mobifone mua AVG với một số lĩnh vực kinh doanh không phù hợp với chiến lược của Mobifone là điều hết sức bình thường trong M&A.
"Còn việc một lãnh đạo công ty là cổ đông, thành viên góp vốn của công ty khác nhưng chính công ty này tiến hành giao dịch với công ty mà các cổ đông, thành viên góp vốn đang quản lý thì cũng là điều bình thường trên thực tế và luật cũng đã chấp nhận những giao dịch giữa các công ty liên kết như thế này.
"Tuy nhiên, những giao dịch này cần phải trải qua trình tự thủ tục đặc biệt hơn như là phải niêm yết, thông báo công khai nội dung giao dịch; phải lấy ý kiến của Hội đồng Quản trị, Hội đồng Thành viên, Đại hội cổ đông và khi đó những cá nhân có liên quan không được biểu quyết thông qua các giao dịch đó.
"Do đó, nếu những giao dịch giữa các công ty liên kết trong thương vụ thâu tóm AVG đã tuân thủ đúng các trình tự thủ tục luật định thì nó đương nhiên có giá trị pháp lý, dù giá cả giao dịch như thế nào đi chăng nữa."

Bộ Thông tin -Truyền thông và Mobifone

Việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã gây ra nhiều tranh cãi và đồn đoán từ mấy năm qua.
Cuối năm 2015, MobiFone công bố việc mua lại AVG nhưng giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Tháng 11/2016, lần đầu tiên MobiFone công bố giá trị thương vụ này là 8.889 tỷ đồng.
Việc thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bắt đầu từ tháng 9/2016.
Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đặt vụ Mobifone- AVG vào nhóm các vụ cần "khẩn trương thanh tra".
Nhưng tiến trình được đẩy tới bước ngoặt sau khi Ban Bí thư Đảng Cộng sản, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố hôm 8/03" đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm".
Sáng hôm 13/3 Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Tổng Công ty Viễn thông MobiFone thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, Trương Minh Tuấn, trong việc giám sát thương vụ này.
Hồi tháng 11/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã bị một đại biểu Quốc hội chất vấn về thương vụ Mobifone mua AVG.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, ông Trương Minh cho biết đến thời điểm đó, ông "chưa nhận được kết luận từ Thanh tra Chính phủ", dù công tác thanh tra đã tiến hành xong 15 tháng trước, theo báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone Lê Nam Trà được chuyển về Bộ Thông tin - Truyền thông, còn Thứ trưởng Phạm Hồng Hải được cử sang tạm thời điều hành MobiFone.
Sáng tháng 8, ông Hải trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Thắng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone.
Đến tháng 12/2017, ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc MobiFone đã được lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông "cho phép nghỉ ốm để chữa bệnh".

Không có nhận xét nào: