Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

ADB: ‘Kinh tế VN bứt phá trong năm 2018’

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh và có các yếu tố tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong 2018 và 2019, theo ADB
Báo cáo ra ngày 11/4 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nói Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

"Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực' ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nói.

"Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp."

"Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô," ông Sidgwick nói thêm.

Báo cáo nói rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh bất ngờ.

ADB cũng lưu ý một số nguy cơ lớn đối với triển vọng này, gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu, cụ thể là điều được cho là "một sự cố nghiêm trọng" trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Hoa Kỳ mới đây công bố kế hoạch áp thuế quan hàng chục tỷ đô la lên các hàng hóa Trung Quốc và hạn chế các hoạt động đầu tư của nước này vào Mỹ.

Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền ông Trump xác định rằng Bắc Kinh khuyến khích việc đánh cắp tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ và buộc các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ.

"Mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại - như triển vọng Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm - sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam."

"Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị."

Báo cáo của ADB nói chính phủ Việt Nam đã thoái vốn trong 39 doanh nghiệp nhà nước, so với chỉ tiêu đề ra là 44, thu về cho nhà nước 1 tỉ USD, là thu nhập thoái vốn cao nhất trong một năm kể từ khi khởi động chương trình vào năm 2013.

"Một yếu tố làm cho thu nhập thoái vốn tăng là hoạt động khởi sắc của thị trường chứng khoán, với chỉ số giá cổ phiếu tăng mạnh 48% trong năm ngoái, nâng mức vốn hoá thị trường của thị trường chứng khoán lên gần 75% GDP,'' ADB nói.

(BBC)

Không có nhận xét nào: