09/05/2016 02:01 GMT+7
- Trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Vũ Trọng Hồng về dự án trên sông Hồng.
GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích: Trước tiên phải nói về bản chất của dự án này. Họ tập trung vào mục đích giao thông thủy nối dự án đường thủy xuyên Á vào Việt Nam sang Trung Quốc qua sông Hồng ở Lào Cai. Còn việc làm những thủy điện nhỏ cũng chỉ là cái làm thêm để họ cho rằng có thủy điện, tức là có nguồn nước hạ du thì dự án mới dễ được chấp nhận.
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Chưa quốc gia nào cho phép làm dòng sông biên giới nối nhau, vì đó là vấn đề an ninh quốc phòng. Ảnh: Kiên Trung
|
Quy mô những dự án thủy điện nhỏ vài chục MW, nhà nước đã loại bỏ nhiều. Cho nên, bản chất của cái này (thủy điện - PV) là họ muốn đi kèm, thu lợi không được bao nhiêu vì nó làm ở vùng nước thấp.
Thủy điện đầu nước cao mấy chục mét trên sông Hồng thì không ai dám làm. Thủy điện ở đây chỉ là cái cớ khi họ trình dự án.
Như vậy, rõ ràng mục đích chính của dự án này là giao thông thủy. Nếu khai thác trên sông Hồng, nó có thực sự là mục đích cuối cùng của chủ đầu tư?
Khi lập quy hoạch các dòng sông, bao giờ người ta cũng tính tới mục tiêu giao thông thủy tạo dòng chảy, còn việc làm đập trên dòng thì lại trở ngại cho giao thông thủy. Dự án này chỉ dâng nước lên để cho giao thông đi thôi.
Trong quy hoạch sông Hồng đã tính tới lưu lượng nước có bao nhiêu để chảy. Nhưng dự án giao thông thủy này, chủ đầu tư không sử dụng quy hoạch mà ngành thủy lợi đã làm.
Sông Hồng là huyết mạch của ĐBSH. Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình có mấy chục con sông, trong đó sông Hồng là lớn nhất. Lưu lượng nước của sông Hồng dùng để nuôi vùng đồng bằng, từ nước sinh hoạt, nước trồng lúa, nước cho môi trường, cho công nghiệp…
Dự án này đánh đổi giao thông thủy thay thế tất cả các mục tiêu kia. Sông Hồng không còn là huyết mạch của ĐBSH nữa.
Sông Hồng là tài sản quốc gia, chắc chắn Nhà nước phải xem xét kỹ nếu đánh đổi cả nguồn nước cho giao thông thủy, mà giao thông thủy này chỉ phục vụ cho giao thông Trung Quốc với Việt Nam chứ không phải nội địa.
Chưa quốc gia nào cho phép làm dòng sông biên giới nối nhau, vì đó là vấn đề an ninh quốc phòng. Họ làm cái việc nhập dòng nước thành chung, tôi tin Nhà nước sẽ không đồng ý.
Trên lưu vực sông Hồng, ngoài giá trị tài nguyên nước, còn rất nhiều trữ lượng khoáng sản như cát, sa khoáng. Ảnh: Phạm Hải |
Thưa ông, trên lưu vực sông Hồng, ngoài giá trị tài nguyên nước, còn rất nhiều trữ lượng khoáng sản như cát, sa khoáng… Trong đề án, chủ đầu tư đưa ra có nội dung nạo vét để khơi thông dòng chảy?
Theo tôi, đấy là một lý do. Tại sao Bộ KH-ĐT là cơ quan trình, nhưng vẫn thắc mắc, vốn pháp định của công ty Xuân Thiện có 1.200 tỷ nhưng dự án này là 24.510 tỷ, chưa được 10%. Tôi được biết, Bộ có hỏi chủ đầu tư về việc cân đối nguồn vốn, thì Xuân Thiện cho biết, họ có nhiều cách.
Nhìn vào 288km là một nguồn khai thác không chỉ cát, đặc biệt là sa khoáng và những kim loại quý.
Họ biết rằng, mới đây Thủ tướng có chỉ đạo, khai thác nạo vét không được tận dụng, tận thu khoáng sản, tức là Thủ tướng có ý ngăn cản cái này. Nhưng họ sẽ chỉ làm một vài đoạn là cũng đủ mang lại nguồn thu lớn. Đấy là điều giấu đằng sau dự án, đó là nguồn lợi chính của họ.
Như vậy, cũng không phải hoàn toàn mục đích giao thông thủy nữa. Nếu cho họ triển khai, chỉ vài chục năm sau khi họ hoàn vốn, họ vứt dự án, công trình khi đó họ sẽ mặc cho ai kêu cũng được. Đấy là điều mà họ sẽ lập luận nếu dư luận hỏi họ.
Tôi cho rằng, việc khai thác khoáng sản trên 288km sông này, họ sẽ thu hồi vốn nhanh. Thứ 2 là thu phí.
Vì thế, điều mà các nhà khoa học phản đối nhất nhưng chưa ai kết luận được, tại sao lại giao mạch sống đó cho công ty tư nhân. Bộ KH-ĐT hơi suy nghĩ, Bộ Tài chính cũng nói vô lý, nhưng các bộ này có thể chưa nghĩ đến nguồn lợi khác nếu giao vào tay họ.
Vậy, ai đứng đằng sau công ty Xuân Thiện? Bởi không công ty nào tổng vốn pháp định chỉ bằng 5% tổng vốn đầu tư lại dám nhận một dự án tầm quốc gia như vậy.
Nếu họ được thực hiện dự án giao thông thủy mà vẫn đảm bảo được nước cho hạ du và nước cho thủy lợi, họ có thể không làm thủy điện trên sông Hồng vì chi phí lớn, hiệu quả thấp?
Hệ lụy lớn nhất chính là dòng sông Hồng sẽ biến mất. Khi anh làm dâng nước thượng lưu cho vận tải, có nghĩa là anh phải tích nước, kể cả mùa kiệt, vì nó mớn nước tàu thuyền mới chạy được.
Nhưng sông Hồng, cái chính lại cần mùa kiệt, chứ mùa lũ người ta sợ lắm. Đặc biệt là vụ đông xuân, Tết ra sông kiệt lắm. Lúc đó chúng ta cần nước. Nếu như dự án được duyệt, khi đó ai dám rút nước xuống, vì giao thông thủy của họ không đủ nước để vận hành. Tôi làm thứ trưởng 10 năm, chưa bao giờ ngành thủy lợi, ngành nông nghiệp đặt vấn đề làm thủy lợi trên dòng sông Hồng.
Khi làm thủy điện Hòa Bình chúng ta đã hỏi Liên Xô, liệu thủy điện Hòa Bình có làm cho dòng sông Hồng biến đổi không?
Liên Xô đã phải tính toán rất nghiêm túc và kết luận rằng, độ dốc lòng sông Hồng ở hạ du không thay đổi, lúc đó ta mới quyết định làm thủy điện Hòa Bình.
Hiện nay đáy sông Hồng đã tụt xuống 1m. Trên thế giới, việc đáy sông tụt xuống cả mét là một điều đặc biệt nguy hiểm, bởi sông là một vùng sinh thái, nó không phải tạo nước mặt cho chúng ta mà quan trọng hơn cả đó là lượng nước ngầm. Đáy sông tụt xuống đồng nghĩa với việc nước ngầm cũng tụt. Nước ngầm tụt đồng nghĩa toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất sẽ bị ảnh hưởng theo, bởi theo nguyên tắc mao dẫn nó đẩy (nước) lên.
Kiên Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét