Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Cách mạng Văn hóa và vấn đề Việt Nam

  • 15 tháng 5 2016
Nhân ngày 50 năm Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa 16/05/1966, BBC Tiếng Việt giới thiệu lại tư liệu lịch sử với đánh giá của một tác giả Trung Quốc về quan hệ Việt – Trung giai đoạn này.
Bài ‘China's Involvement in the Vietnam War, 1964-69’ giải thích vì sao quan hệ Bắc Kinh và Hà Nội lộ ra dấu hiệu rạn nứt khi Trung Quốc biến động nội bộ và cuộc chiến của Hà Nội tại phía Nam tăng độ nóng.
Theo tác giả, quan hệ Trung – Việt khi đó chịu tác động của ba vấn đề: chủ trương chiến tranh ở miền Nam của Đảng Lao động Việt Nam; chính sách ‘xuất khẩu cách mạng’ của Mao, và đổ vỡ ý thức hệ Trung – Xô.
Nhưng quan hệ cá nhân của các lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai không chỉ khiến Trung Quốc thay đổi quan điểm từ chỗ không mặn mà với cuộc chiến mà Hà Nội muốn tiến hành ở miền Nam năm 1958, đến chỗ ủng hộ hết mức về quân sự, kinh tế đầu thập niên 1960.

Image copyrightGETTY IMAGES
Image captionHai lãnh tụ Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh tại Bắc Kinh tháng 6/1955
Các quan hệ này cũng làm chậm lại quá trình rạn nứt Trung - Việt mà như tác giả nhận định, có nguyên nhân sâu xa từ tâm lý nước lớn và cách nghĩ ‘bề trên’ truyền thống kiểu đế chế đối với Việt Nam của ban lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là Mao, trong khi các biểu hiện cách mạng và ý thức hệ chỉ là vỏ bọc.

Nhập Việt ồ ạt

“ Trong cuộc gặp của Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông ở Trường Sa, Hồ Nam ngày 16/05/1965, ông Hồ xin Mao viện trợ xây 12 con đường ở Bắc Việt và được Mao đồng ý. Sau khi có lệnh của Mao, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc nhanh chóng lên kế hoạch đưa 100 nghìn công binh sang xây đường cho Bắc Việt...
Ngay tháng 6/1965, đã có bảy sư đoàn công binh Trung Quốc bắt đầu lần lượt vào Việt Nam.
Sư đoàn CPVEF (quân tình nguyện) đầu tiên gồm 6 trung đoàn công binh và 10 tiểu đoàn phòng không...Quân số của sư đoàn này lên đến đỉnh cao là 32700 quân, ở Việt Nam từ 23/06/1965 đến cuối 1969...
Sư đoàn thứ 2 gồm ba trung đoàn công binh, một thủy lợi, một vận tải biển, một vận tải...để xây dựng tuyến phòng thủ ven biển, các trạm thông tin liên lạc trên 15 đảo ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ và 8 cứ điểm ven bờ...
Sư đoàn thứ 3 gồm toàn bộ ba trung đoàn công binh cho không quân, chủ yếu để xây sân bay Yên Bái...

Sư đoàn thứ 4, 5 và 6 chuyên xây cầu và các tuyến xa lộ nối Quảng Châu với Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội. Họ cũng xây đường nối Côn Minh với Yên Bái và các tuyến đường dọc biên giới Việt Trung. Tổng cộng cho đến tháng 10/1968, họ đã xây 1206 km đường, 395 cầu...
Sư đoàn thứ 7 vào thay sư đoàn 2, đến Việt Nam tháng 12/1966, gồm các trung đoàn công binh và bảy tiểu đoàn phòng không.
"Tháng 7/1965, Trung – Việt đạt thỏa thuận tăng cường quân Trung Quốc nhập Việt để lo công tác phòng không.
Ngày 9 tháng 8/1965, cao xạ Trung Quốc tại thuộc sư đoàn 61, đến đóng tại Yên Bái mới 4 ngày trước, đã bắn hạ máy bay Mỹ đầu tiên, một chiếc F-4, theo các tài liệu của phía Trung Quốc.
Ngày 23/08, sư đoàn 63 bảo vệ Kép lại bắn hạ một phi cơ Mỹ và làm hư hại một chiếc khác.
Nhìn chung, từ tháng 8/1965 đến tháng 3/1969, có tổng số 16 sư đoàn, gồm 63 trung đoàn quân Trung Quốc thuộc binh chủng phòng không (150 nghìn quân) tham chiến tại Việt Nam.
Image copyrightGETTY
Image captionPhía TQ nói họ bắn rơi 1707 phi cơ của Không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Bắc Việt Nam
Áp dụng chiến thuật từ Cuộc chiến Triều Tiên, bộ tư lệnh Trung Quốc cho luân chuyển quân tại Việt Nam, mỗi đơn vị thường ở 6 tháng rồi được thay.
Phía Trung Quốc nêu ra các con số nói họ đã tham chiến 2154 trận và bắn rơi 1707 phi cơ Mỹ, làm hư hại 1608 chiếc.”

Ưu tiên khác nhau

Nhưng quan hệ Trung – Việt bắt đầu ngả sang hướng khác, từ Cách mạng Văn hóa.
Tác giả Chen Jian cho rằng lý do chính là Hà Nội và Bắc Kinh “có những tiêu chí khác nhau thúc đẩy chính sách của họ”.
“Chiến lược của phía Việt Nam là làm sao thống nhất đất nước bằng cách thắng cuộc chiến, còn định hướng của Trung Quốc là ý tưởng của Mao muốn dùng cuộc chiến tại Việt Nam để thúc đẩy ‘cách mạng liên tục’ ra thế giới.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow xấu đi cùng cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vốn cũng làm nổ ra căng thẳng và xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Từ giữa thập niên 1960, Bắc Kinh cứ ngỡ rằng Đảng Lao động Việt Nam ở cùng phe họ chống lại “chủ nghĩa xét lại Xô Viết”. Nhưng quan hệ Hà Nội và Moscow lại thêm phần thắt chặt cùng tiến bộ cuộc chiến [ở Nam Việt Nam]. Sau khi Khrushchev bị các đồng chí của ông ta loại ra thì Moscow tăng đáng kể viện trợ cho Bắc Việt, đồng thời kêu gọi các nước xã hội chủ nghĩa chọn quan điểm thống nhất ủng hộ Bắc Việt Nam.”
"Ngày 11/02/1965, Thủ tướng A.N. Kosygin thăm Hà Nội và có dừng lại ở Bắc Kinh trên đường đi. Ông hội kiến cả Mao và Chu Ân Lai để gợi ý rằng Liên Xô cùng Trung Quốc nên ngưng cuộc khẩu chiến để có thể có các bước đi cụ thể giúp cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Mao bác bỏ ý tưởng của Kosygin ngay và còn nói tranh luận của ông với người Liên Xô có thể kéo dài thêm 900 năm nữa. Hà Nội thì từ khi ấy đã tỏ thái độ im lặng không công kích chủ nghĩa xét lại."

‘Tổ quốc thứ hai’

Image copyrightVIETNAM ARCHIVE
Image captionÔng Lê Duẩn (bìa phải) đã gọi Liên Xô là 'Tổ quốc thứ hai'
"Tháng 3/1966, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Đại hội 23 Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow. Ông tuyên bố Liên Xô “là tổ quốc thứ hai”, khiến lãnh đạo Bắc Kinh bị choáng và hết sức tức giận (nguyên văn: ‘angrily shocked’).
Tháng 7/1966, một sư đoàn công binh Trung Quốc rút về nước dù phía Việt Nam yêu cầu họ ở lại."
Đầu 1966 cũng đã có sự kiện cho thấy thái độ bực bội của Trung Quốc với Hà Nội. Chiếc tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc chở viện trợ cho Việt Nam bị chặn lại gần Hải Phòng để cho một tàu Liên Xô, cũng chở viện trợ nhưng đến sau, được vào cảng trước. Vì lý do phải chờ, tàu Hồng Kỳ bị trúng bom Mỹ và bị hư hại.
Vào tháng 4/1966, khi gặp Chu Ân Lai, Lê Duẩn mới biết đó là câu hỏi đầu tiên Chu nêu ra. Chu kiên quyết đòi Lê Duẩn giải thích vì sao tàu Liên Xô được ưu tiên còn tàu Trung Quốc bị đối xử không công bằng. Theo nguồn Trung Quốc, ông Duẩn phải xấu hổ hứa rằng chuyện như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa."

Với Liên Xô và Mỹ

“Tuy thế, đến năm 1968, Bắc Kinh cảm thấy chuyện Hà Nội ngả về Moscow đã quá rõ. Tháng 4/1968, khi một đơn vị Trung Quốc đóng ở Điện Biên Phủ có xung khắc với một nhóm sỹ quan Liên Xô tại đó, các quân nhân Trung Quốc đã tạm giữ người Liên Xô, và dùng cách thức đấu tố kiểu Cách mạng Văn hóa để tổ chức một cuộc lên án họ là “bọn xét lại Liên Xô”. Phía Việt Nam ngay lập tức đã phản đối và cho rằng phía Trung Quốc đã 'xâm phạm chủ quyền Việt Nam'.
Từ 1967, câu hỏi chủ chốt trong quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội xoay quanh việc có hội đàm với Hoa Kỳ hay không:
“Kể từ khi Hà Nội bày tỏ sự quan tâmđến cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã nêu ra phản đối mạnh mẽ. Trong những lần trao đổi với lãnh đạo Hà Nội vào cuối năm 1967 và đầu năm 1968, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đều tư vấn để Hà Nội duy trì đường lối quân sự. Khi Phạm Văn Đồng thăm Bắc Kinh vào tháng 4/1968, Mao và lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh với ông ta nhiều lần rằng ‘điều không đạt được ở chiến trường thì cũng sẽ không đạt được ở bàn đàm phán’.
Nhưng Bắc Kinh cũng hiểu rằng ảnh hưởng của họ lên các chính sách của Hà Nội nay đã quá hạn hẹp và Hà Nội sẽ đi con đường riêng. Chu Ân Lai cũng nói với Xuân Thủy, trưởng phái đoàn đàm phán của Việt Nam vào tháng 5 rằng ‘hội đàm với Hoa Kỳ là quá sớm, quá vội vàng’. Trung Quốc giữ vẻ im lặng để che dấu bực bội về các tiếp xúc Hà Nội với Washington đầu năm 1968. Cùng lúc, các đơn vị công binh và cao xạ Trung Quốc rút dần về nước.”

Thái độ nước lớn

Image copyrightAIHUA
Image captionTrung Quốc biến động mạnh thời Cách mạng Văn hóa
Nguyên nhân chính cho cuộc rạn nứt Việt – Trung, theo Chen Jian, đến từ hai yếu tố, thái độ của Mao và nền văn hóa ‘Hoa trung’ của Bắc Kinh:
“Chính sách đối ngoại của Mao luôn là một phần của học thuyết và hành động vì ‘cuộc cách mạng liên tục’ của ông ta, nhằm thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi bằng hình thức cách mạng, từ một nhà nước cũ kỹ sang nước ‘Tân Trung Hoa’ mà Mao cho là sẽ đóng vai trò trọng tâm chứ không nhất thiết là thống trị thế giới (central but not dominant).”
Điều này cộng với yếu tố bên trong là Cách mạng Văn hóa làm xã hội Trung Quốc bị đẩy đến bờ vực tan rã và đấu tranh giữa các phái trong nội bộ Trung Quốc khiến Mao không thể nào còn có thể tác động mạnh đến Việt Nam.
“Sự ủng hộ của Bắc Kinh cho Hà Nội có quan hệ chặt chẽ với mong muốn của Mao dùng sự căng thẳng từ cuộc khủng hoảng ở Việt Nam để vận động quần chúng vốn là trọng tâm của việc tạo nên Cách mạng Văn hóa và còn góp phần thổi lên vai trò và uy tín của Trung Quốc ở Đông Nam Á cùng các phần còn lại của thế giới.”
...”Còn nhìn từ góc độ văn hóa và lịch sử, chính sách có vẻ như mang tính cách mạng và lý tưởng của Bắc Kinh đối với Việt Nam, trớ trêu thay, lại thấm nhuần chủ nghĩa Đại Hán (nguyên văn: Chinese ethnocentrism) và tính phổ quát. Khi lãnh đạo Trung Quốc, nhất là Mao, luôn nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại là phải đối xử với người Việt Nam ‘bình đẳng’, thì chính điều đó làm lộ ra cảm giác ‘bề trên’ của những nhà cách mạng Trung Quốc và còn hàm ý phía Trung Quốc đứng ở vị trí ‘chiếu trên’ để rao rảng, áp đặt các giá trị và hệ quy chiếu ứng xử như đã xảy ra trong quan hệ với các láng giềng....”
Image copyrightGETTY IMAGES
Image captionCách mạng Văn hóa bắt đầu năm 1966
“Trung Quốc không tìm cách kiểm soát Việt Nam về chính trị và kinh tế vì cho Việt Nam là mục tiêu thấp kém (inferior aim) để đáng làm chuyện đó, và đã cung cấp viện trợ rất lớn về quân sự và kinh tế mà không đòi điều kiện kèm theo gì, nhưng Bắc Kinh cũng cùng lúc đòi một thứ còn lớn hơn, đó là Việt Nam phải chấp nhận vị trí đạo đức cao hơn của Trung Quốc. Nói ngắn gọn thì Trung Quốc muốn thực hiện một lần nữa mô hình quan hệ giữa Đế chế Trung Hoa và các quốc gia thần phục xung quanh.”
Tác giả Chen Jian kết luận bằng nhận định lý giải cho giai đoạn từ rạn nứt đến đổ vỡ và hoàn toàn thù định trong quan hệ Trung – Việt sau nay:
“Khi Bắc Kinh giảm sự trợ giúp vì các lý do nội bộ và bên ngoài thì mối nghi ngại có sẵn của Việt Nam chuyển thành xa lánh. Sau khi Việt Nam thống nhất và có đủ sức cho chế độ ở Hà Nội đối đầu trước ảnh hưởng của Trung Quốc thì sự xa lánh đó biến thành thù địch. Trung Quốc lại coi việc trừng phạt ‘cựu đồng chí’ là cần thiết để bảo vệ cho cảm giác ‘bề trên’ bị tổn thương. Hậu quả là mối quan hệ ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’ hoàn toàn sụp đổ.”
Bài của Chen Jian đã đăng trên The China Quarterly, No. 142 (Jun., 1995, Cambridge University Press).

Không có nhận xét nào: