Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

THƯ NGỎ GỬI TT. NGUYỄN XUÂN PHÚC VỀ VIỆC XỬ LÝ THẢM HỌA VÀ BIỂU TÌNH CỦA ĐÀO TIẾN THI




Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2016

Kính gửi ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trước hết xin bày tỏ sự cảm thông của tôi tới ngài Thủ tướng: Ngài vừa nhậm chức mà đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn của đất nước, trong đó có cả sự kiện bất thường và nghiêm trọng. Tôi cũng hoan nghênh một số việc làm tích cực của ngài Thủ tướng trong thời gian gần đây, chẳng hạn chỉ đạo xử lý nghiêm vụ khởi tố trái pháp luật đối với chủ quán cà phê “Xin chào”, tổ chức đối thoại với công nhân 8 tỉnh phía Nam nhân ngày Quốc tế Lao động,…

Tuy nhiên, đối với thảm họa biển miền Trung – một sự kiện nghiêm trọng không những đối với 4 tỉnh đang gặp thảm họa mà nó còn là vấn đề sống còn của quốc gia – thì Chính phủ do Ngài đứng đầu đã tỏ ra lúng túng và có nhiều việc làm không minh bạch, phản cảm, phản tác dụng. Ở đây tôi chỉ nêu ba việc chính:

1. Các cơ quan chức năng vào cuộc quá muộn. Sự kiện cá chết đã được báo chí nêu từ ngày 6-4-2016 nhưng suốt khoảng 20 ngày, các cơ quan chức năng vẫn không có một động thái tích cực nào. Trong khi đó nhiều dấu hiệu cho thấy nguyên nhân là do khu công nghiệp Formosa xả thải chất độc. Cho mãi đến 27-4-2016 mới có thông cáo chính thức của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Nhưng thông cáo của ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã làm cho nhân dân thất vọng và nghi ngờ. 

2. Sự việc trên là nguyên nhân nổ ra các cuộc biểu tình ở một số địa phương xảy ra thảm họa, tiếp theo là cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày 1-5 và 8-5-2016. Các cuộc biểu tình này không những hợp pháp, chính đáng mà còn có tác dụng thúc đẩy Chính phủ giải quyết thảm họa sao cho nhanh chóng và có hiệu quả. Đáng tiếc, chính quyền hai thành phố lớn nói trên đã không hoan nghênh nhân dân lại còn tung ra một lực lượng khổng lồ để ngăn cản, bắt bớ, đánh đập, giam cầm những người biểu tình.


3. Cho đến tận hôm nay (15-5-2016), các cơ quan chức năng vẫn không có được bước tiến nào trong việc tìm ra nguyên nhân thảm họa. Điều này thể hiện rất rõ trong trả lời phỏng vấn VTV1 ngày 14-5-2016 của ông Thứ trưởng Phạm Công Tạc (Bộ Tài Nguyên – Môi trường). Ông Thứ trưởng vẫn chỉ nêu được hai nhóm nguyên nhân chính là “độc tố học và tảo độc” – nghĩa là hoàn toàn không có gì mới so với thông cáo báo chí ngày 27-4-2016, tức là 17 ngày trước đó của ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (Bộ Tài Nguyên – Môi trường). Đó là một sự chậm trễ và thiếu trách nhiệm đến khó hiểu.

Trong bối cảnh bế tắc đó, quan chức hai thành phố nói trên vẫn tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào việc đàn áp biểu tình. Đặc biệt, trong mấy ngày vừa qua và hôm nay (15-5), ngoài các biện pháp ngăn chặn bất hợp pháp và vô văn hóa, một số quan chức và cơ quan báo chí (kể cả trung ương) đã tập trung vào việc vu cáo những người biểu tình. Họ tạo ra cái gọi là “tổ chức khủng bố Việt Tân kêu gọi tụ tập gây rối” để bôi nhọ người biểu tình và khủng bố tinh thần nhân dân. Việc làm này tuy rằng nhất thời cản phá được biểu tình nhưng hậu quả tai hại của nó lại trút lên đầu Chính phủ, vì đó là cách Chính phủ tự làm xấu mình đồng thời vô tình quảng cáo cho Việt Tân. Xin nói thêm: Giả sử Việt Tân hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng biểu tình để gây rối, thì nhiệm vụ tìm ra và xử lý là của các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, chứ người biểu tình khó có thể biết và không phải chịu trách nhiệm.

Thưa ngài Thủ tướng 

Nếu vì một sự quan ngại nào đó, Chính phủ do Ngài đứng đầu không muốn nhân dân biểu tình, vẫn có thể có cách làm khả dĩ hơn. Tôi nghĩ Ngài hãy lấy tinh thần của Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng làm kinh nghiệm. Hồi tháng 5-2014, khi nhân dân căm phẫn trước hành động gây hấn của Trung Cộng, ngoài một số cuộc biểu tình do các trí thức là linh hồn diễn ra ôn hòa, đúng pháp luật, có tác dụng tốt, còn có hàng loạt cuộc biểu tình bạo động của công nhân ở một số khu công nghiệp (mà tôi ngờ do chính Trung Cộng đứng đằng sau để phá ta từ bên trong) gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình nguy hiểm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn có cách hành xử tốt hơn hiện nay: Trong Công điện 15-5-2016, trước hết ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “những ngày qua nhân dân cả nước đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam là việc làm chính đáng”, sau đó ông mới đề cập một số địa phương có “một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất…” và ông chỉ yêu cầu xử lý những đối tượng này. Trong Chỉ thị ngày 17-7-2014, Thủ tướng cũng chỉ yêu cầu “xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động”, yêu cầu “tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật”, chứ không phải biểu tình nói chung. Rõ ràng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân biệt người biểu tình yêu nước với những phần tử quá khích, phá hoại mà thực tế đã xảy ra rất nghiêm trọng lúc đó (chứ không phải như bây giờ, hoàn toàn không có). Chính bản thân tôi lúc đó vì cảm thông những khó khăn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên mặc dù biết biểu tình là quyền hiến định, mặc dù rất căm phẫn nhà cầm quyền Trung Cộng, đã không đi biểu tình. Còn lần này tôi và những người đã tham gia hai cuộc biểu tình 1-5 và 8-5 rất bức xúc, cảm thấy mình bị vu cáo, bị xúc phạm trắng trợn. Sự bức xúc đối với Chính phủ có lẽ còn hơn cả đối với thủ phạm đã gây nên thảm họa biển miền Trung. Lòng yêu nước, yêu đồng bào, ý thức trách nhiệm của người công dân, của người trí thức đã bị tổn thương rất nặng nề.

Vì vậy tôi yêu cầu Ngài (xin nhắc lại, “yêu cầu” chứ không phải “đề nghị”, vì nhân dân là người làm chủ đất nước, các quan chức Chính phủ là công bộc của nhân dân), với cương vị đứng đầu Chính phủ, song song với việc chỉ đạo ráo riết để xử lý thảm họa, phải chỉ đạo các quan chức trong bộ máy của mình chấm dứt ngay các hành động trên và lệnh cho những quan chức nào đã hành xử sai phải xin lỗi nhân dân, đặc biệt, xin lỗi những người đã tham gia biểu tình.

Vì tình hình khẩn cấp, tôi phải gửi nhanh thư này đến Ngài thông qua một số trang mạng; tôi sẽ gửi trực tiếp cho Ngài bằng đường bưu điện sau. 

Trân trọng cảm ơn và hy vọng sự sáng suốt của ngài Thủ tướng.
Kính thư
Đào Tiến Thi
Phòng 409, Nhà CT7E, Chung cư Dương Nội, 
Hà Đông, Hà Nội

Đây là bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc sở Văn hoá thông tin Tp.HCM, cựu đại biểu HĐND TP.HCM, cựu phó chủ tịch Hội phụ nữ TP.
Vợ của luật sư Trương Trọng Nghĩa, đang là ĐBQH.
Tôi gặp bà trong đoàn biểu tình vì môi trường ngày 1/5.

Đây là Hoàng Thị Minh Hồng, đã 2 lần thám hiểm Nam cực, từng làm Đại sứ thiện chí của UNESCO tại VN và Đại diện Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã (WWF) tại VN.
Giống như...bắt động vật hoang dã...


ƠN TRỜI, TÔI ĐÃ BỊ BẮT! 
Lời dẫn của Ba Sàm: Một bài viết rất hay của bà Phan Thị Châu. Được biết bà từng là trưởng ban Hôn nhân Gia Đình của báo Phụ nữ Thành phố. Bài viết kể chuyện bà tham gia biểu tình hôm Chủ Nhật 8/5 vừa qua, đã bị bắt cùng với một số người ra sao. Bà Phan Thị Châu là phu nhân của nhà báo Nam Đồng, từng là Phó TBT báo Tuổi Trẻ, TBT báo Pháp luật Thành phố.


Bị bắt giữ nhưng thật tình lòng tôi vui. Vui vì chính mắt mình chứng kiến mọi chuyện để thấy đau cùng nỗi đau của mọi người. Và tôi sẽ làm NGƯỜI KỂ CHUYỆN một cách trung thực nhất.

Ra khỏi nhà lúc 9 giờ nhưng do nhầm địa điểm biểu tình, phải đi loanh quanh đến gần 10 h tôi với hoà nhập được với dòng người biểu tình đang di chuyển từ công viên 30/4 sang Nhà thờ Đức Bà.

Mặc dầu tất cả đoàn người biểu tình giương cao biểu ngữ, ngồi hoặc đi trong ôn hoà nhưng đám công an, cảnh sát cơ động, thanh niên xung phong và một lô lốc áo xanh dương, cùng đám người mặc thường phục cố tình thọc sâu vào nhóm biểu tình nhằm xé lẻ đoàn người thành từng nhóm nhỏ bị cô lập.

Chen lấn, dùi cui, hơi cay bắt đầu quật xuống. Máu đã đổ, tiếng người kêu khóc, phản đối và lần lượt nhiều người bị tống lên xe buýt. Tôi cũng nằm trong số người bị bắt, kéo lên xe buýt. Nhiều thanh niên, thiếu nữ bị đánh bể đầu, máu chảy thấm vai áo, chúng tôi la ó phản đối hành vi đánh người và yêu cầu đưa những người bị nạn cấp cứu. Nhưng tất cả bị lờ đi. Số thanh niên bị đánh nặng nề và bị khiêng quăng lên xe buýt lúc càng nhiều. Trên chiếc xe buýt của tôi, có khá nhiều thanh niên không chỉ bị đánh bị đá vào đầu vào mặt, vào bụng, bẻ tay… mặt mũi sưng tím, máu loang dầm dề vậy mà có hai thanh niên còn bị nhóm mặc đồ dân sự đứng dưới xe nhoài người vô đánh tới tấp vào đầu và bóp vào hạ bộ để hành hạ dù hai thanh niên kia đã bị đánh tơi tả và bị quăng lên xe buýt.

Trên xe có hai bậc cha, mẹ run rẩy đề nghị cho họ xuống vì con của họ một đứa hai tuổi, một đứa bốn tuổi đang bơ vơ dưới đường không biết về đâu. Nhưng người mặc thường phục trên xe cương quyết không cho xuống. Đã vậy, anh ta còn xỉa xói như muốn đánh người.

Tất cả xe buýt chở người bị bắt về sân Hoa Lư, Q.1 đều được mấy chiếc xe mô tô do công an cầm lái chạy trước, đèn chớp, còi hụ như rước lãnh đạo. Vào sân mọi người bị phân tán thành từng nhóm nhỏ dưới sự vây quanh của cảnh sát cơ động. Tất cả điện thoại đều bị buộc tập trung một chỗ và bị xoá sạch mọi dữ liệu. Riêng điện thoại cùi bắp của tôi, sau khi bị an ninh kiểm tra kỹ càng, chúng cho phép tôi giữ lại với điều kiện không được sử dụng trong thời gian bị tạm bắt giữ.

Trên hai trăm người bị bắt giữ tại sân vận động Hoa Lư ngoài việc bị kêu lên khai báo, bắt lăn tay chụp hình có gắn bảng số như tội phạm trộm cướp (đối với những người biểu tình không mang theo giấy tờ như tôi) đều bị vây chặt bởi lực lượng an ninh chìm, nổi. Thậm chí thoạt đầu có người đau bụng muốn đi toilette họ cũng không cho. Trước tình hình đó mọi người xúm lại la ó và bảo người kia cứ ị tại chỗ, mọi người sẽ đứng vòng quanh bảo vệ. Lúc đó mấy tay an ninh mới cho cảnh sát cơ động đi theo canh chừng. Một hình ảnh rất buồn cười cứ một người đi toilette, nếu người đi là nam thanh niên thì có tới hai tới ba cảnh sát cơ động đi theo. Còn mấy bà già như tôi thì chỉ có một người cảnh vệ thôi.

Trời thì hầm hập nóng, đói và khát khiến nhiều người mệt lả. Bà con bắt đầu lên tiếng phản đối khi thấy an ninh, công an, cảnh sát cơ động thì ngồi trên ghế chễm chệ uống nước tinh khiết đóng chai, còn bà con thì áo quần xốc xếch, bầm dập ngồi bệt dưới đất chỉ được cấp một xô nước đá và một cái ly nhựa xốp. Chẳng biết lúc đầu xô nước ra sao nhưng tới lúc tôi định uống thì nhìn dưới đáy xô rất dơ nên tôi đành bỏ ly xuống. Mãi về sau, họ mới thay bằng bình nước của một cơ sở vô danh mà chất lượng nước rất đáng ngờ và đến gần 17 h thì chúng tôi mới được cấp cho vài chai nước dung tích nhỏ chia nhau uống để quên đi một ngày đói meo. Chẳng ai đoái hoài gì trong số những người bị bắt giữ đã có vài người quỵ ngã vì lên cơn đau tim hay bị xuống đường huyết ngã lăn ra đất vì đói và mệt.

Có một tay thanh niên mặt thường phục, mặt mày hợm hĩnh cứ chĩa máy quay (có lẽ để quay từng gương mặt). Người nào cãi lý, hô hào nhiều thì anh ta cố ý chĩa máy quay như hăm doạ. Có hai phụ nữ do tranh luận cũng như đòi hỏi công lý bị lôi đi. Mọi người đồng lòng chống lại thì bị cảnh sát cơ động khống chế để lôi hai người phụ nữ lên xe cảnh sát đi đâu không rõ.

Hầu như đa phần đều từ chối lăn tay, chụp hình cũng như ký tên vào biên bản do chính tay công an viết “tự khai nhận tụ tập gây rối an ninh”. Một số nhỏ bị dụ “cầm bảng số chụp hình, lăn tay đi rồi được về sớm”, nhưng cuối cùng mấy người bị lừa này cũng phải ở lại với chúng tôi tới chiều và sau đó bị dẫn độ về công an quận (nơi người biểu tình cư ngụ) để tiếp tục bị tra vấn có lẽ cũng tới khuya như chúng tôi mới được cho về.

Nói cho công bằng thì cũng có một số khá đông anh em thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động, công an và an ninh cư xử khá tốt: nhũn nhặn, dịu dàng khi bị chúng tôi từ chối thẳng thừng và phản ứng gay gắt về việc lăn tay, chụp hình. Hoặc khi thấy một số người quật dùi cui xuống dân biểu tình, họ hò hét che chắn cho những người già như tôi. Một số khác cũng biết lắng nghe, dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi thầm hiểu họ chỉ vì công vụ mà bắt giữ chúng tôi thôi.

Bởi vì như tôi nói với họ: “gia đình các con có dám ăn cá không? Bao nhiêu ngư dân bị mất điều kiện để sinh sống. Biển chết, ngư dân đói, môi trường trên cạn cũng như dưới nước đều bị đe doạ. Hoàng Sa đã mất, Trường Sa thì một số hòn đảo ta không còn quyền kiểm soát. Lòng các con đau không? Căm thù không?”

Khi công an quận 2 hỏi “lần sau bà có tiếp tục đi biểu tình không?”. Tôi đã nhìn thẳng họ trả lời: “Tôi sẽ tiếp tục đi cùng mọi người trong những cuộc biểu tình ôn hoà chống Trung Quốc và để yêu cầu chính quyền có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường”.

Và các cậu ấy vẫn lặng lẽ khi tôi nói tiếp: “cô tin với trái tim của NGƯỜI VIỆT CHÂN CHÍNH, các con cũng sẽ làm như cô nếu như các con không mặc sắc phục này, phải không?”

Không có nhận xét nào: