Sẽ là khá bất công khi mà chỉ một mình Đạm Ninh Bình bị “điểm mặt chỉ tên” bởi vì người anh em Đạm Hà Bắc thậm chí còn lỗ lớn hơn nhiều.
Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang gây xôn xao dư luận sau khi công khai những con số lỗ triền miên và to như đá tảng. Tổng lỗ lũy kế hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhưng sẽ là khá bất công khi mà chỉ một mình Đạm Ninh Bình bị “điểm mặt chỉ tên” bởi vì người anh em Đạm Hà Bắc thậm chí còn lỗ lớn hơn nhiều. Riêng trong năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 665 tỷ đồng. Cả 2 công ty phân đạm đều trực thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam - Vinachem.
Ngành phân đạm Ure đã qua thời hoàng kim
Ngành sản xuất phân đạm Ure đã có giai đoạn rất hoàng kim. Trong những năm 2011-2012, mỗi năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ (DPM) lên đến 3.500 tỷ đồng – con số đáng mơ ước không chỉ đối với các doanh nghiệp phân bón mà còn là ước mơ của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Nhưng rồi thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa do nguồn cung tăng lên nhanh chóng khi một loạt nhà máy mới đi vào hoạt động, từ Đạm Cà Mau (công suất tương đương Đạm Phú Mỹ, 800.000 tấn/năm), Đạm Ninh Bình (550.000 tấn/năm) đến Đạm Hà Bắc (nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm).
Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu phân đạm trong nước chỉ vào khoảng 2 triệu tấn mỗi năm trong khi bốn nhà máy này có công suất lên đến 2,65 triệu tấn, chưa kể phân bón nhập khẩu.
Công suất dư thừa dẫn đến mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ngay cả Đạm Phú Mỹ là công ty có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất ngành thì lãi cùng ngày một mỏng đi: từ mức 3.500 tỷ của năm 2012 giảm xuống còn 1.200 tỷ vào năm 2014 trước khi tăng lại lên 1.800 tỷ vào năm ngoái.
Trâu chậm uống nước đục
Vốn đã khấu hao gần hết máy móc, tiền mặt rủng rỉnh không vay nợ mà lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ còn bị tác động mạnh như vậy thì không khó để dự báo tình cảnh thua lỗ nặng nề của những nhà máy mới đưa vào hoạt động như Đạm Ninh Bình hay Đạm Hà Bắc mở rộng.
Đối với Đạm Ninh Bình, nhà máy được khởi công năm 2008 với vốn đầu tư 647 triệu USD. Ngay năm đầu hoạt động là năm 2012, nhà máy này lỗ 75 tỷ đồng. Năm 2013 lỗ 759 tỷ, năm 2014 và 2015 lần lượt là 500 tỷ và 370 tỷ. Đạm Ninh Bình đã phải dừng hoạt động.
Còn Đạm Hà Bắc vốn là một trong những nhà máy sản xuất phân đạm lớn và lâu đời nhất miền Bắc. Năm 2010, công ty khởi công dự án cải tạo và mở rộng nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm.
Cũng từ năm này, Đạm Hà Bắc mới bắt đầu lỗ. Nhưng đáng nói là công ty đã báo lỗ ngay 665 tỷ đồng – cao hơn khá nhiều so với mức lỗ 370 tỷ của Đạm Ninh Bình.
Đạm Hà Bắc cho biết đó là những con số nằm trong kế hoạch. Năm 2016, công ty này đặt kế hoạch lỗ tiếp 488 tỷ đồng, bắt đầu từ năm 2017 hoạt động có lãi và đến năm 2019, tức 4 năm nữa, công ty hết lỗ lũy kế.
Tuy nhiên, con số lỗ dự kiến cho năm 2016 đã tăng đáng kể so với mức 212 tỷ mà công ty đưa ra khi IPO. Do vậy chưa có gì chắc chắn về việc công ty có thể có lãi trở lại từ năm 2017.
Lại còn không có lợi thế cạnh tranh
Ra đời khi thị trường bão hòa, các doanh nghiệp này còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của phân bón nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia cung cấp tới 49% tổng sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam. Giá phân bón Trung Quốc thường được bán ở mức thấp hơn so với giá phân bón Việt Nam.
Không những thế, trong khi các nhà máy sản xuất Ure trên thế giới hay Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau (những nhà máy thuộc PVN sản xuất đạm từ khí đồng hành khi khai thác dầu) thì 2 DN thua lỗ kia thuộc tập đoàn Vinachem, sản xuất Ure từ than đá. Khi giá dầu giảm, giá khí cũng xuống giúp các DN giảm giá thành nhưng Đạm Ninh Bình và Hà Bắc không được hưởng lợi, kéo theo đó là không có sự cạnh tranh về giá.
Việc đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô là điều bình thường của các doanh nghiệp nếu xác định phương án đó là phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường. Nhưng rõ ràng việc đầu tư của Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình đã sai thời điểm. Những năm đầu dự án thường lỗ do chi phí tài chính và chi phí khấu hao cao trong khi doanh thu chưa đủ bù đắp, nhưng nếu thị trường phân đạm vẫn dư cung như hiện nay, liệu khả năng hết lỗ của các doanh nghiệp này có rộng mở?
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét