03/06/2016
3-6-2016
Tiếp theo: Hồi ký Lê Phú Khải: Lời ai điếu
(kỳ 5) — Hồi ký Lê Phú Khải – Lời ai điếu
(4 kỳ) (NV
Books/ Văn Việt/ BS).
Chuyện thím tôi
… Tôi có bà thím, vợ người chú thứ ba, quê ở Chí Chủ, Phú Thọ
nơi đại gia đình tôi đi tản cư kháng chiến như đã kể trên đây. Bà là người đảm
đang, thuộc nhiều ca dao tục ngữ, có khí phách kiên cường. Bà giỏi buôn bán hai
mặt hàng là chè và sơn. Phú Thọ là đất “rừng cọ đồi chè” và rừng sơn, một loại
cây cho nhựa để làm sơn như cây cao su. Trong kháng chiến bà vẫn ngược xuôi
buôn bán nuôi cả gia đình đông con để ông chú tôi đi kháng chiến. Hòa bình lập
lại 1954, bà theo chồng về Hà Nội. Bà tự tay thuê mướn, chặt đốn và đóng cả một
bè tre nứa, gỗ, rồi cưỡi bè xuôi sông Hồng về đến bãi Phúc Xá Hà Nội là quê
chồng để dựng nhà.
Nếu được tiếp tục tự do buôn bán sau khi đất nước có hòa bình
thì người phụ nữ có chí, có gan như bà giàu có biết chừng nào. Nhưng cộng sản
đã triệt hạ buôn bán, chồng bà lại là cán bộ cao cấp ngành công an nên bà đành
phải ở nhà túc thủ. Chú tôi xin cho vợ vào làm tạp vụ trong cơ quan Bộ Công An.
Được ít bữa bà thấy phát ngán cái thứ cán bộ, công nhân viên hàng ngày thì lãn
công nhưng đến cuối năm thì lại tranh nhau “lao động tiên tiến”. Bà bỏ cơ quan,
về nhà bên bãi Phúc Xá trồng cây, nuôi lợn. Hàng ngày bà phải đi qua cầu Long
Biên gánh nước gạo về nuôi lợn. Đi về hàng chục cây số rất nặng nhọc. Thấy vợ
một ông cán bộ cao cấp mà phải lao động quá vất vả như thế (vì làm tự do không
được cấp sổ mua gạo) ai cũng ái ngại cho bà. Nhưng bà tuyên bố: “Không có gì
quý hơn độc lập tự do”! Đó là cụm từ lần đầu tiên tôi nghe được trên cõi đời
này từ mồm bà thím đáng kính của tôi từ ngày mới giải phóng thủ đô. Sau này đài
báo ca tụng ầm ĩ khi nó được cụ Hồ nói vào những năm chống Mỹ sau này.
Bà thím tôi thường than với các con: Vì bố anh là cán bộ nên tôi
mới phải bó tay thế này… Bà thường phê phán, nhà nước có phải là con bò sữa đâu
mà ai cũng xúm vào vắt. Bà đã nhìn thấy sự phá sản của kinh tế bao cấp. Người
em dâu của bà là công nhân nhà máy giấy có từ trong kháng chiến ở Ao Châu, Phú
Thọ, có chồng là sỹ quan quân đội sắm cho chiếc đài bán dẫn Nhật Bản. Thời ấy
làm công nhân mà đã có chiếc đài bán dẫn là giá trị lắm, là sang lắm. Về quê
chơi, bà thấy cô em dâu ở tập thể nên mắng cho một chập. Bà khuyên bán cái đài
đi mà mua đất làm nhà riêng mà ở, không ai có thể ở tập thể cả đời!
Cách đây chừng 2 năm tôi có về Phú Thọ chơi, lên thăm bà Giang
(tên bà em dâu của thím tôi), thấy nhà bà xây cất trên một quả đồi rất nên thơ.
Bà Giang nói với vợ chồng tôi: Nhờ bà Ba (thím tôi) nhìn xa trông rộng, bảo bán
cái đài bán dẫn ngày ấy đi nên tôi mới mua được quả đồi này, làm được cái nhà
này, ăn nên làm ra… Nếu không thì bây giờ vẫn chui rúc trong một gian nhà tập
thể. Tôi đi vòng ra sau nhà, thấy vườn rau, dàn mướp, vườn xoan, đàn gà ríu
rít… mà thầm khen thím Ba của tôi đúng là “nhìn xa trông rộng”.
Chưa hết, bà Ba còn có đứa cháu ruột gọi bằng cô, là cán bộ của
Bộ Giáo Dục. Năm đó, ông được mua phân phối một chiếc xe đạp Phượng Hoàng của
Trung Quốc. Ở miền Bắc trước 1975 mà ai được mua phân phối xe đạp là may mắn
như trúng số độc đắc. Bà Ba bảo ông cháu: Nhà anh một lũ con gái, anh không có
một tấc đất thì sau này chó nó lấy con anh à. Bà bắt ông cháu phải bán xe đạp
đi để mua đất. Hồi ấy, đất rẻ như bèo, xin không có nơi người ta cũng cho vì ai
cũng nghĩ sau này lên CNXH thì ai ai cũng ở nhà nhà nước cấp dại gì mà mua đất
làm nhà. Nhưng người cháu vẫn nghe cô mình khuyên. Bán chiếc xe đạp đi, ông
cháu mua được cả khu đất rộng bên Gia Lâm. Bây giờ, thời kinh tế thị trường,
đất đắt như vàng. Các con ông đều có chồng và được chia mỗi đứa một mảnh để làm
nhà. Ông nói với mọi người là nhớ ơn bà Ba muôn đời!
Ngày trước, mỗi lần thím Ba tôi về quê, thấy đất cát bỏ không
nhưng nếu ai khai khẩn thì bị kết tội là tư hữu, bị cấm đoán có khi còn mang
họa vào thân. Thấy cảnh quê hương Phú Thọ của mình như thế, bà tuyên bố: Cái
nước này rồi sẽ lụi bại! Mà lụi bại thật. Giả sử, nếu Liên Xô không sụp đổ,
Việt Nam không đổi mới thì bây giờ chúng ta sẽ như Bắc Triều Tiên, chết đói như
rạ. Khi bà thím tôi tuyên bố như thế, nhiều người thời đó không đồng tình. Bây
giờ ngồi nghĩ lại, tôi thật khâm phục một người nông dân ít học như thím tôi,
nhưng do độc lập suy nghĩ, không cần kẻ khác “bao cấp” tư tưởng cho mình nên bà
sáng suốt và nhìn xa trông rộng hơn cái Đảng Cộng sản mà ông chồng bà cả đời
trung thành phục vụ.
Nói cho thật công bằng, thời đó các vị “Nhân Văn Giai Phẩm” cũng
đã nhìn thấy, nhưng chỉ vì họ là nhà văn, là họa sỹ… họ công bố tư tưởng của
mình, công bố tác phẩm của mình… nên mang họa vào thân. Bà thím tôi chỉ xuất
bản tư tưởng của mình bằng lời nói nên không sao. Thật may cho bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét