Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

NHÀ VĂN HOÀNG QUẢNG UYÊN: CHẤP TAY XIN LẠY MẤY ANH !; Nhà văn xin phép xây chuồng gà, chính quyền họp lên xuống rồi…bác bỏ!; Hoàng Quảng Uyên viết 5 tập về Hồ Chí Minh được giải Hội Nhà văn VN; xây chuồng gà xin phép 4 cơ quan tại Cao Bằng mà không được xây ?; Đình chỉ công trình chuồng gà, 4 cơ quan vào cuộc; Làm chuồng gà cũng phải xin phép là đúng Luật Xây dựng

Đau đớn chi bằng mất tự do; Đến xây chuồng gà...cũng không 

cho...( Lẩy thơ Hồ Chí Minh


Nhà văn Hoàng Quảng Uyên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp...


Nhà văn xin phép xây chuồng gà, chính quyền họp lên xuống rồi…bác bỏ!




Dân trí Muốn xây dựng chuồng nuôi gà trên mảnh vườn của mình, ông Hoàng Dương Quý (nhà văn Hoàng Quảng Uyên - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) bị Chủ tịch UBND phường Sông Bằng (TP Cao Bằng) yêu cầu xin cấp phép. Sau đó, hàng loạt sở ngành tỉnh Cao Bằng họp và ra quyết định không cấp phép cho ông Quý xây chuồng gà.
 >> Số phận hàng chục người dân 146 Quán Thánh nhìn từ vụ áp thuế 5,7 tỷ
 >> Vụ 146 Quán Thánh: Điển hình của chuyện “Hà Nội không vội được đâu”!
 >> Vụ 146 Quán Thánh: UBND quận Ba Đình phải làm gì để đúng luật, hợp lòng dân?

Sau hơn một tháng nộp đơn xin cấp phép xây chuồng gà nhưng bị bác bỏ, ông Hoàng Dương Quý bày tỏ bức xúc: “Khởi đầu ngày 13/04/2016 tôi xây một hàng gạch (cao 25 cm) trên thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liền bị ông Lê Hồng Hà, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng dẫn cán bộ đến lập biên bản “không được tiếp tục thi công” vì không có giấy phép xây dựng!

Chủ tịch phường Sông Bằng khẳng định không phải là chuồng gà mà dù chỉ 1 viên gạch có vữa cũng phải xin phép.
Chủ tịch phường Sông Bằng khẳng định không phải là chuồng gà mà dù chỉ 1 viên gạch có vữa cũng phải xin phép.
Theo lời ông chủ tịch, ngày 5/05/2016 tôi làm đơn xin cấp giấy phép xây dựng một chuồng gà (chiều rộng 0,8 m, cao 0,5 m, sâu 0,25 m, tổng diện tích sàn là 2m2, mái lợp bằng lá cọ) chủ tịch phường rất hài lòng, “ủng hộ” việc xin giấy phép bằng lời phê vào đơn xin: “Kính mong phòng quản lý đô thị thành phố Cao Bằng xem xét tạo điều kiện”.
Ngày 6/05/2016 phòng quản lý đô thị trả lời bằng văn bản (số 02/TB/QLĐT: “Sau khi xem xét, kiểm tra thành phần hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng không nêu rõ, hướng dẫn cụ thể đối với dạng công trình cấp phép nêu trên nên phòng quản lý đô thị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có công văn số 467/UBND – QLĐT gửi Sở xây dựng” (do phó chủ tịch UBND thành phố Lâm Đức Xuân ký). Nội dung là hỏi: Xây chuồng gà diện tích sử dụng 2m2 thì cấp giấy phép theo điều luật nào?. Ngày 20/05/2016 Sở xây dựng có công văn số 380/SXD - PXD do Phó giám đốc Sở Lý Văn Thẳng ký cũng chỉ trả lời chung chung.

Đơn xin cấp phép xây dựng chuồng gà và 1 hàng gạch của nhà văn Hoàng Quảng Uyên có đóng dấu và bút phê của Chủ tịch phường Sông Bằng.
Đơn xin cấp phép xây dựng chuồng gà và 1 hàng gạch của nhà văn Hoàng Quảng Uyên có đóng dấu và "bút phê" của Chủ tịch phường Sông Bằng.
Hơn một tháng sau, ngày 8/06/2016 phòng quản lý đô thị có công văn số 43/QLĐT trả lời với kết luận: “Đối chiếu với điều 93 Luật xây dựng ngày 18/06/2014 thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của ông Hoàng Dương Quý (Hoàng Quảng Uyên) không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng!”.
Buồn và hài hước quá! - Có Luật nào bắt xây một “công trình” nhỏ như chuồng gà phải xin giấy phép xây dựng? Có Luật nào buộc “dù xây 01 viên gạch có vữa gắn liền trên đất đô thị đều phải xin giấy phép”.

Vị trí nhà văn Hoàng Quảng Uyên xin cấp phép xây chuồng gà.
Vị trí nhà văn Hoàng Quảng Uyên xin cấp phép xây chuồng gà.

Hàng gạch xin được cấp giấy phép xây dựng.
Hàng gạch xin được cấp giấy phép xây dựng.
Liên quan đến sự việc, theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 4/5/2016, UBND phường Sông Bằng đã có Công văn số 50/CV-UBND do ông Lê Hồng Hà - Chủ tịch UBND phường ký gửi ông Hoàng Dương Quý viện dẫn một loạt các căn cứ để khẳng định: “Tôi, chủ tịch phường Sông Bằng đã trả lời cho ông Quý “việc xây kè hay xây dựng chuồng gà hay chuồng lợn, dù 01 viên gạch, có vữa gắn liền trên đất đô thị, trừ khoản 2 điều 89 luật xây dựng đều phải xin phép hoặc làm thủ tục xin cấp phép xây dựng”.
Thực hiện yêu cầu của vị Chủ tịch phường Sông Bằng, Ông Quý làm đơn xin cấp phép xây dựng chuồng gà và hàng gạch bao.
Ngày 7/6/2016, Phòng Quản lý đô thị (UBND TP Cao Bằng) có Công văn số 43/QLĐT cho biết rất “bối rối” do đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành cơ quan này không có có cơ sở tham mưu Thường trực UBND TP Cao Bằng cấp phép xây dựng công trình này nên đành gửi công văn xin hướng dẫn từ Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng và sự phối hợp từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng.

Phòng quản lý đô thị TP Cao Bằng cùng nhiều Sở ngành họp thống nhất bác bỏ đơn xin cấp phép xây chuồng gà của nhà văn Hoàng Quảng Uyên.
Phòng quản lý đô thị TP Cao Bằng cùng nhiều Sở ngành họp thống nhất bác bỏ đơn xin cấp phép xây chuồng gà của nhà văn Hoàng Quảng Uyên.
Sau một quá trình khảo sát, so sánh đối chiếu pháp luật, Phòng Quản lý đô thị, Sở Xây dựng, Sở GTVT tỉnh Cao Bằng thống nhất trả lời hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của ông Hoàng Dương Quý không đủ điều kiện để cấp giấy phép theo quy định.
“Ông chủ tịch phường Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là “không đủ điều kiện”. Lối hành xử này buộc tôi không được xây dựng bất cứ “công trình” gì trên thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính tôi. Nếu tôi “cố tình” xây chuồng gà thì ông Lê Hồng Hà lại đến “lập biên bản”. Và kết quả là trải quá một loạt các thủ tục hành chính, đến giờ tôi đã bị cấm, không thể xây dựng được một cái chuồng gà trên mảnh đất của mình”, ông Quý bất bình.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế

Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép

12/06/2016 10:33 GMT+7
TTO - Bị chủ tịch phường Sông Bằng buộc phải làm thủ tục xin phép khi xây chuồng gà nhưng khi ông Hoàng Quảng Uyên làm đơn thì Phòng Quản lý đô thị không giải quyết.
Công văn của Phòng QLĐT TP Cao Bằng từ chối cấp phép xây dựng chuồng gà cho ông Uyên và bản vẽ xây dựng... chuồng gà
"Nghe đọc bài Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép"
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý, sống ở Cao Bằng) đang rất bức xúc về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không?

Trong khi đó, chính quyền sở tại yêu cầu xây một viên gạch có vữa đã phải xin phép, dẫn đến việc “công trình” bị ngưng trệ đến nay đã gần 2 tháng.
Xây tường gạch 25cm cũng phải xin phép
Trong thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hoàng Anh, bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Uyên cho biết ngày 13-4, ông xây một hàng gạch cao 25cm, dài 45m để giữ đất khỏi đổ ở thửa đất mà ông có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Theo ý định ban đầu của ông Uyên, sau khi xây xong tường gạch sẽ làm một cái chuồng gà. Trong lúc thi công, ông Lê Hồng Hà - chủ tịch UBND P.Sông Bằng, TP Cao Bằng - dẫn cán bộ đến yêu cầu ngừng vì không có giấy phép.
“Tôi có thắc mắc xây một hàng gạch cao 25cm vẫn phải xin phép ư, ông chủ tịch phường cho biết dù là xây chuồng gà chuồng lợn hay một viên gạch có vữa đều phải xin phép. Tôi mới phải đi xin giấy phép xây một hàng gạch và cái chuồng gà” 
- ông Uyên nói.
Trong hồ sơ mà ông Uyên gửi tới Tuổi Trẻ có nhiều văn bản của Phòng quản lý đô thị (QLĐT) TP Cao Bằng và UBND P.Sông Bằng trao đổi về việc có cấp phép cho ông Uyên xây chuồng gà và hàng gạch hay không!
Đến ngày 
25-5, Phòng QLĐT có văn bản cho biết: “Quy định hiện hành không nêu rõ, không hướng dẫn cụ thể với loại công trình này.
Phòng QLĐT đã trao đổi và đề nghị Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng Cao Bằng kiểm tra thực tế hiện trạng và hướng dẫn Phòng QLĐT có cơ sở giải quyết. Trong thời gian chờ đợi đề nghị ông Hoàng Quảng Uyên không tự ý thi công công trình nêu trên”.
Xin xây hàng gạch, chuồng gà: 4 cơ quan giải quyết
Theo ông Uyên, khi gửi đề nghị đến UBND phường đề nghị cấp phép xây dựng hàng gạch và chuồng gà, ông đã nghĩ không thể nào có chuyện lạ kỳ này.
“Nhưng ông chủ tịch phường lại bút phê vào đơn xin cấp phép của tôi là chuyển Phòng QLĐT xem xét, tạo điều kiện. Phường cũng có văn bản cho rằng căn cứ Luật xây dựng năm 2014 thì “công trình” của tôi không thuộc diện được miễn cấp phép.
Văn bản cũng nói rằng một cá nhân/tổ chức đặt 1 viên gạch để xây dựng gắn liền trên đất cũng phải thông báo và xin phép chính quyền địa phương.
Tính từ khi tôi khởi công xây hàng gạch đến nay là gần hai tháng đã có bốn cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ xây dựng chuồng gà và hàng gạch này” - ông Uyên nói.
Ngày 7-6, Phòng QLĐT TP Cao Bằng có công văn trả lời ông Uyên rằng công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình...”.
Ông Uyên cười chua chát: “Ông chủ tịch P.Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng Phòng QLĐT lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là không 
đủ điều kiện!?”.
LAN ANH




NHÀ VĂN HOÀNG QUẢNG UYÊN: CHẤP TAY XIN LẠY MẤY ANH !

Hoàng Quảng Uyên
Thứ năm ngày 14 tháng 5 năm 2015 2:08 PM

TNc: Nhà văn Hoàng Quảng Uyên từ Cao Bằng về Hà Nội nhận giải sáng tác viết về Bác Hồ. Ông đến cơ quan tôi và nhờ đưa bài viết này muốn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng. Với tình đồng nghiệp, bầu bạn tôi đưa bài lên mong được "mọi việc như ý"...

Bức ảnh của tôi (Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Quảng Uyên) là một khoảnh khắc thực về tình cảnh người dân “thấp cổ, bé họng”, bị oan trái, bị dồn đến chân tường,phản kháng lối hành xử trái pháp luật của “cán bộ công quyền” tỉnh Cao Bằng.

Vì đâu nên nỗi? Chuyện cứ như trêu cợt. 

Tôi xin trình bày tóm tắt như sau: Tháng 10 năm 2014, dành dụm được một ít tiền từ nhuận bút những bài viết báo, những công trình nghiên cứu lý luận văn học, nghiên cứu lịch sử, những tác phẩm văn học (đặc biệt là bộ tiểu thuyết 5 tập về Bác Hồ: MẶT TRỜI PÁC BÓ; GIẢI PHÓNG…) , tôi tiến hành sửa lại phần sân trước nhà: lát gạch, làm mái nhựa cao 5m trên phần đất cũ (không mở rộng, không lấn chiếm). Đột nhiên ngày 31-10-2014, một nhóm 5 người là cán bộ Phường Sông Bằng và thành phố Cao Bằng đến lập biên bản bắt dừng thi công và tháo dỡ công trình với lý do: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép (Biên bản số 296/BB – VPHC ngày 31-10-2014).
Tôi hết sức sửng sốt, cố trình bày rằng “cỡ” công trình làm mái trần nhựa che mưa nắng sân trước nhà như của tôi không thuộc công trình phải xin giấy phép xây dựng và suốt dọc đường từ nhà tôi ra đầu cầu Sông Bằng, có gần mười “công trình” làm mái sân như của tôi mà không thấy bị “lập biên bản” nhưng các cán bộ công quyền không nghe lập biên bản xong rồi đi.
Quá bức xúc và lo sợ, ngày 7-11-2014, tôi gửi đơn tố cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng kèm danh sách những người bị tố cáo và sự việc tố cáo, đúng thủ tục của đơn tố cáo, khiếu nại nhưng chờ đợi một thời gian dài (hơn 4 tháng) không thấy trả lời, ngày 25-3-2015 tôi làm đơn gửi lần 2 – vẫn không có văn bản trả lời. Ngày 4-4-2015 tôi gửi đơn lần thứ ba. Vẫn im lặng. Như vậy tính đến ngày 12-4-2015, bốn tháng đã trôi qua kể từ ngày tôi “bị” lập biên bản, tôi luôn sống trong lo âu, không biết “công trình xây dựng” của mình bị cưỡng chế, đập phá lúc nào? Hình ảnh vụ cưỡng chế đất đai nổi tiếng ở Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng) ngày 5-1-2012 tại phần đất của ông Đoàn văn Vươn gây đổ máu, tù tội… luôn ám ảnh tôi. Nỗi lo âu, sợ hãi tăng đến đỉnh điểm khi Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng gửi tôi văn bản tái khẳng định việc lập biên bản ngày 31-10-2104 là đúng và cảnh báo (hăm dọa): “Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Pháp luật nào? Pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay luật (lệ) do Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng vẽ ra hay là luật rừng? Tôi rất muốn được đối thoại, trình bày trên cơ sở pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng không chấp nhận! và thật kỳ lạ là từ ngày lập biên bản (31-10-2014) đến nay không có một cán bộ công quyền nào đến “công trình” của tôi khảo sát tại chỗ để tận mắt thấy việc lập biên bản ngày 31-10-2014 là hoàn toàn trái pháp luật! Thấy chính quyền cố tình dồn ép, tôi làm đơn gửi Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Cao Bằng (ngày 13-4-2015) và được Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy trả lời: “ Nay chuyển lại đơn khiếu nại, tố cáo cho ông. Ông có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng để được xem xét, giải quyết theo quy định (Công văn số 245/GB/UBKTTU ngày 20-4-2015).

Trời đất! Vì ba lần gửi đơn lên Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng không được “xem xét” nên tôi mới có đơn khiếu nại, tố cáo chính Ủy ban nhân dân thành phố lên cơ quan Đảng bởi những cán bộ lãnh đạo UBND thành phố do tỉnh ủy quản lý, nay lại bảo gửi đơn lên UBND thành phố để “xem xét” chẳng khác gì là trò đánh đố! (Có thể cách giải quyết của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy là đúng nhưng tôi vẫn có cảm giác mình bị bỏ rơi!). Tôi đang trù tính có nên kêu tới trung ương hay không (vì vụ việc này quá nhỏ - chỉ cấp phường, thành phố là giải quyết được) thì một đoàn cán bộ công quyền lại đến phần đất của tôi “thực thi công vụ”. Trong lúc túng quẫn tôi chợt nhớ chuyện cầu thủ bóng đá Tấn Tài quỳ lạy trọng tài giữa sân trong một trận đấu, tôi bèn vái lại (chứ không quỳ) những cán bộ công quyền, xin cán bộ thực thi công vụ theo đúng pháp luật chứ không xin “tha tội”! Xem ảnh sẽ có người bảo tôi là hèn, là nhục nhã… nhưng đây chỉ là hành động phản kháng (có thể có một chút tiêu cực!). Chứ còn biết làm sao! Trong tình cảnh bi đát này tôi không đủ điều kiện, không đủ lực, đủ gan gài mìn, bắn súng đạn hoa cải “chống lại” những người thực thi công vụ như Đoàn Văn Vươn (không biết Đoàn Văn Vươn đã được ra tù chưa?!.) Cũng có người thông cảm với tôi mà rằng: “Ngày xưa Hàn Tín còn chịu chui qua háng kẻ vô lại để được yên thân, mưu cầu việc lớn và phục thù.” Tôi không phải là Hàn Tín, lại càng không phải là Đoàn Văn Vươn, tôi chỉ là một công dân sống bên chân một quả đồi để viết về lịch sử, văn hóa và những tấm gương đẹp đẽ trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… dâng bạn đọc yêu quý, nay bất chợt bị dồn tới chân tường mà bột phát hành động như vậy. Tôi mong hình ảnh của tôi có thể giúp ích một chút cho đời, làm cho những ai tự cho mình đứng trên pháp luật, nhũng nhiễu, hành hạ những người dân “thấp cổ, bé họng” sẽ bớt đi những việc làm sai trái và góp phần làm bớt đi những nỗi oan trái mà người dân Cao Bằng đã, đang và sẽ phải hứng chịu và tôi mong hình ảnh “kêu cứu” của tôi thấu tới trung ương. Được như thế từ trong tâm khảm tôi cũng đôi phần được an ủi, lấy lại niềm tin về Đảng và chế độ tươi đẹp.
Tất cả những điều tôi trình bày trên đây là sự thật. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và rất mong được pháp luật che chở, bảo vệ.

PHẦN II

Đọc phần “giải trình” của tôi, nhiều người sẽ ngỡ ngàng mà rằng: “Cứ như tưởng tượng, hư cấu! Thật đúng là nhà văn”. Xin thưa: Một trăm phần trăm là sự thật không hề có chút hư cấu, tưởng tượng nào!
Tôi xin trình ra đây “công trình” cải tạo, sửa chữa nhà ở của tôi để mọi người thấy: Trên phần đất cũ sân trước nhà, tôi lát gạch (trước đây láng xi măng) và dựng một mái nhựa cao 5 mét che mưa nắng. Với “quy mô” công trình như thế thì khi cải tạo, sủa chữa không cần phải xin giấy phép xây dựng! Điều này Nghị định 64/2012/NĐ – CP -ngày 4-9-2012 về cấp giấy phép xây dựng ghi rõ. Xin dẫn nguyên văn khoản 6, điều 2 “giấy phép xây dựng, cải tạo: là giấy phép được cấp để thực hiện sửa chữa, cải tạo công trình đang tồn tại có thay đổi về kiến trúc các mặt đứng, thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi về quy mô công trình và công năng sử dụng”.
Soi trong khoản 6, điều 2 “công trình” của tôi trong 4 yếu tố ghi: có thay đổi thì cả 4 yếu tố của tôi đều không thay đổi, do vậy không nằm trong diện phải xin giấy phép xây dựng!
Để khẳng định và làm rõ điều này, mục d, khoản 1, điều 3 một lần nữa ghi trên giấy trắng mực đen rằng: “1 – Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:
d./ Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài, kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình”.
“Công trình” của tôi chỉ làm thêm mái che bằng nhựa, lát gạch trên nền sân cũ, không làm thay đổi kiến trúc các mặt đứng của ngôi nhà, không làm thay đổi kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình nên được “miễn” giấy phép xây dựng.
Pháp luật ghi rõ ràng như vậy nhưng những người thực thi công quyền vẫn không nghe, “quyết tâm” lập biên bản vi phạm! Tôi đấu tranh đến cùng nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng đưa luật xây dựng ra để “minh chứng” ,“bảo vệ” cho việc tôi phải xin giấy phép xây dựng:” Theo quy định tại điều 62 luật xây dựng ngày 26/11/2003 và điều 89 luật xây dựng ngày 18/6/2014 thì trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng” (công văn số 240/ UBND – VP ngày 17/4/2015). Luật xây dựng không sai nhưng không phải công trình nào cũng phải xin giấy phép xây dựng, điều này ghi rõ tại Nghị định 64/2012/NĐ - CP (tôi đã dẫn ở phần trên). Như vậy là mọi việc liên quan đến giấy phép xây dựng và xử phạt không có giấy phép xây dựng phải dựa trên Nghị định 64/2012/NĐ – CP. Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng “chủ ý” lờ đi Nghị định này,tổ chức đánh tổng lực (đánh hội đồng) nhằm hạ gục tôi bởi tôi là kẻ “cứng đầu, cứng cổ”, dám “cãi lại” các cơ quan công quyền.
Đó là hành động vi phạm nhân quyền, tôi phải tự đứng lên bảo vệ mình. Yêu cầu cơ bản của tôi là các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Cao Bằng (và trung ương) đưa ra kết luận cuối cùng “việc lập biên bản số 296 ngày 31/10/2014 là đúng hay sai? Nếu đúng thì tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tháo dỡ công trình. Nếu sai thì người làm sai phải sửa sai, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng phải nhận ra sự sai sót của mình mà hủy bỏ biên bản 296 để tôi “an cư, lạc nghiệp” – khỏi phải sống trong lo âu, hoảng sợ”. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng : “làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che dấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được.” Việc giải quyết sự việc xảy ra đối với tôi bây giờ đúng như việc xử lý vụ Tiên Lãng nhưng năm trước đây: Không dám nhận sai, che dấu sai phạm, trả lời loanh quanh, tiền hậu bất nhất.
Tôi đang chờ một sự giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật từ Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng. Người có quyền , có thế là dao, người dân “thấp cổ, bé họng” là thớt, muốn băm, muốn vằm thế nào cũng được sao? Phật đã từng dạy:” Buông dao có thể thành phật!” Hãy nhớ!
Nhiều người biết sự thực đã an ủi tôi: Những sự việc xảy ra với ông, là nguồn tưu liệu phong phú để ông viết nên những cuốn tiểu thuyết, những kịch bản phim cực kỳ sinh động theo “chủ nghĩa hiện thực phê phán xã hội chủ nghĩa”. Ờ! biết đâu đấy: trong rủi có may, trong may có rủi mà! Hãy cứ chờ! Nhưng trước mắt là làm sao giải được nỗi oan mà tôi đã chịu đựng hơn 6 tháng qua!


Đình chỉ công trình chuồng gà, 4 cơ quan vào cuộc

(Người Việt) - Một công dân ở Cao Bằng xây chuồng gà trên thửa đất mình sở hữu, nhưng đã bị 4 cơ quan vào cuộc đình chỉ công trình này suốt 2 tháng nay.

Dinh chi cong trinh chuong ga, 4 co quan vao cuoc
Phóng to
Công văn từ chối cấp phép và bản vẽ thiết kế xây dựng chuồng gà. Ảnh: Tuổi trẻ
Một vài tháng trước, dư luận ồn lên vì vụ ông chủ chòi vịt ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) bị đề nghị xử lý hình sự vì tội cất chòi mà không xin phép. Câu chuyện tưởng thế đã là có 1 không 2, đáng ghi vào lịch sử ngành quản lý đô thị, thế nhưng không, ở Cao Bằng cũng có chuyện lạ kỳ không kém.
Báo Tuổi trẻ cho biết, nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý, sống ở Cao Bằng) đang rất bức xúc về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không, dẫn đến việc “công trình” bị ngưng trệ đến nay đã gần 2 tháng.
Trước đó, khi ông Hoàng Quảng Uyên định xây 1 hàng gạch cao 25cm để giữ đất trên thửa đất thuộc quyền sở hữu của gia đình tại tổ 8, phường Sông Bằng, TP Cao Bằng thì bị ông chủ tịch phường dẫn cán bộ đến đình chỉ vì công trình không phép. Theo phường thì dù xây 1 hòn gạch mà có vữa thì cũng phải xin phép mới được xây, dù đó là chuồng gà hay chuồng lợn.
Theo yêu cầu của phường, ông Uyên đi làm đơn xin phép phòng Quản lý đô thị thành phố, tuy nhiên, ngày 7/6, phòng có công văn trả lời: công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình...”.
Buộc lòng ông phải gửi thư kêu lên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, gửi kèm văn bản trả lời của phòng Quản lý đô thị TP Cao Bằng về việc không đồng ý cấp phép cho công trình chuồng gà, kèm theo là bản vẽ thiết kế chuồng gà với kích thước cụ thể cao: 0,5m, rộng 0,25m, dài 0,8m, diện tích nền 2m2.
Đọc câu chuyện về hành trình xây dựng hàng gạch giữ đất và cái chuồng gà của nhà văn Hoàng Quảng Uyên ở Cao Bằng, có người đã cười ra nước mắt. Bởi 1 cái chuồng gà cao nửa mét, rộng 1/4m, dài chưa đến 1m mà cơ quan quản lý đô thị lo ngại nền đất yếu không đảm bảo cho công trình để từ chối cấp phép thì đúng là cười ra nước mắt thật.
Ôi, giá như ở đâu mà tính mạng con người cũng được coi trọng như tính mạng của lũ gà sẽ được nuôi trong cái chuồng gà của ông Uyên, thì dân được nhờ quá. Ông Uyên muốn được cấp phép xây cái chuồng gà này trót lọt, chắc chắn phải thuê khoan thăm dò địa chất, phải mời kiến trúc sư có bằng cấp hẳn hoi vào cuộc để thiết kế cái chuồng gà.
Một công trình chuồng gà bị 4 cơ quan vào cuộc đình chỉ xây dựng, chủ nhân phải viết thư cầu cứu lên Bí thư Tỉnh ủy bởi không biết số phận công trình của mình sẽ ra sao khi mà phường đẩy lên thành phố cấp phép, thành phố bảo không đủ điều kiện cấp phép vì nền đất yếu.
Công chức của chúng ta nhiệt tình và mẫn cán đến thế sao? Thế thì mừng quá đi chứ phải không thưa bạn đọc? Một hàng gạch xây có vữa cũng phải được cấp phép mới cho dân xây. Thế mà có chỗ có nơi, những chuyện tày trời hỏi đến không ai thèm biết, hoặc biết mà người ta cứ nhắm mắt đạp lên các quy định của luật pháp như thường.
Những ngày này, dư luận đang sôi lên với vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi tư đeo xe biển xanh sai quy định đã khiến Tổng Bí thư phải vào cuộc yêu cầu làm rõ. Bây giờ người ta mới phát hiện ra, các cán bộ ở tỉnh Hậu Giang làm việc rất vô nguyên tắc, đem biển xanh đeo cho xe tư, mà với tiêu chuẩn của ông Thanh, không thuộc diện được xe công đưa đón.
Lại một chuyện nữa, khi báo chí vào cuộc phát giác ra 4 chiếc xe Lexus của công an Sóc Trăng mua bằng tiền phạt giao thông là sai quy định, ông quan tỉnh nói: “Tôi thấy tự ái vì lùm xùm quá nên đã yêu cầu văn phòng Tỉnh ủy đem đi trả cho công an rồi”.
Thế đấy, một công dân xây hàng gạch và chuồng gà trên thửa đất hợp pháp của mình thì bị đình chỉ suốt 2 tháng này, mà các cán bộ cấp cao ở hàng tỉnh thì tự ý đeo biển công cho xe tư, đi xe vượt trần quy định cứ thản nhiên như không. Như thể trên đời tồn tại 2 loại luật, 1 loại dùng cho dân và 1 loại dành riêng cho cán bộ vậy.
Không biết sau khi gửi đơn kêu lên Bí thư tỉnh ủy về số phận cái chuồng gà, nguyện vọng của gia đình ông Hoàng Quảng Uyên sẽ được xử lý thế nào. Chỉ biết rằng, những câu chuyện “hành dân ra bã, vã mồ hôi” của các công chức thế này, khiến cho dân nản lắm.  

  • Mi An
  • Làm chuồng gà cũng phải xin phép là đúng Luật Xây dựng

    Hoàng Đan | 
    Làm chuồng gà cũng phải xin phép là đúng Luật Xây dựng
    Công văn của Phòng QLĐT TP Cao Bằng từ chối cấp phép xây dựng chuồng gà cho ông Uyên và bản vẽ xây dựng... chuồng gà. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Luật sư cho rằng, việc UBND phường Sông Bằng yêu cầu làm chuồng gà cũng phải xin phép là đúng nhưng phải tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục cụ thể cho người dân.




    Yêu cầu xin phép xây dựng là đúng
    Bị Chủ tịch UBND phường Sông Bằng (TP Cao Bằng) buộc phải làm thủ tục xin phép khi xâychuồng gà nhưng khi ông Hoàng Quảng Uyên làm đơn thì Phòng Quản lý đô thị thành phố lại không giải quyết.
    Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng, khoản 10, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014 quy định:
    Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế.
    Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
    "Như vậy, với khái niệm công trình xây dựng theo quy định của luật xây dựng hiện hành thì tường rào, chuồng gà cũng là "công trình xây dựng", việc xây dựng, sửa chữa, tháo dỡ… phải tuân thủ các quy định của luật xây dựng và các văn bản có liên quan", luật sư Cường nói.
    Cụ thể, theo luật sư Cường, xây dựng mới chuồng gà, tường rào... ở khu vực nông thôn thì không phải xin phép, nhưng nếu xây dựng các công trình này ở đô thị mà không thuộc trường hợp được miễn giấy phép tại Điều 89 Luật Xây dựng thì phải xin giấy phép trước khi khởi công.
    Nếu không có giấy phép thì cơ quan quản lý xây dựng có quyền tạm đình chỉ thi công công trình để bắt buộc xin giấy phép và cấp giấy phép theo quy định.
    Làm chuồng gà cũng phải xin phép là đúng Luật Xây dựng - Ảnh 1.
    Luật sư Đặng Văn Cường.
    "Thực tế, Luật chỉ có quy định công trình được miễn giấy phép (có nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị dưới 7 tầng, nhà ở riêng lẻ thuộc khu dân cư nông thôn... - Điều 89 Luật Nhà ở).
    Nhưng không liệt kê "chuồng gà", "tường rào"... trong đô thị nên vẫn phải xin giấy phép theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng.
    Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn mở rộng các đối tượng được miễn giấy phép theo quy định của Điều 89 Luật xây dựng nên việc Chủ tịch UBND phường Sông Bằng, Cao Bằng yêu cầu phải xin giấy phép là đúng.
    Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các cơ quan khi tiếp nhận đơn của người dân phải hướng dẫn thủ tục và tạo điều kiện cấp giấy phép chứ không nên gây phiền hà, sách nhiễu với người dân...", luật sư Cường nêu.
    Đồng quan điểm đó, luật sư Hương Giang (Hà Nội) cũng cho hay, theo các quy định hiện hành thì đối với các công trình xây dựng ở đô thị không thuộc loại công trình được miễn giấy phép thì vẫn phải xin giấy phép xây dựng.
    Nhưng với các công trình như tường rào, chuồng gà... thì các cơ quan chức năng khi cấp phép cần tạo điều kiện hướng dẫn các thủ tục và cấp phép cho người dân.
    Người dân có quyền khởi kiện
    Theo luật sư Cường, căn cứ vào Điều 95 Luật Xây dựng thì không quy định xây tường rào, chuồng gà thì phải khảo sát thiết kế, phải có bản vẽ kỹ thuật... nên không thể vin lý do là "đất yếu" như trả lời của Phòng Quản lý đô thị TP Cao Bằng được.
    Trong trường hợp chính quyền cố tình cản trở xây dựng, không cấp phép khi đã có đơn và giấy tờ về quyền sử dụng đất thì người dân có quyền khởi kiện cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo thủ tục tố tụng hành chính.
    "Ở trường hợp này người dân có quyền yêu cầu dừng hành vi vi phạm, buộc cải chính, xin lỗi công khai và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi hành chính là không cấp giấy phép xây dựng gây ra.
    Người khởi kiện cũng có quyền ủy quyền cho luật sư hoặc yêu cầu luật sư tham gia vụ kiện đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện.
    Những cán bộ có hành vi sách nhiễu, phiền hà, cản trở quyền sử dụng đất, quyền xây dựng hợp pháp của người dân sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường và phải xin lỗi công khai sau vụ kiện.
    Ngược lại, nếu người dân xây dựng sai phép, không có giấy phép xây dựng (trong trường hợp bắt buộc phải có giấy phép theo Điều 89 Luật xây dựng) thì cũng bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
    Cụ thể có thể bị phạt tiền, bị đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ công trình vi phạm...", luật sư Cường nêu rõ.
    Luật sư Hương Giang cũng nhấn mạnh, ở đây, nếu không đồng ý với văn bản trả lời của Phòng quản lý đô thị TP Cao Bằng thì ông Uyên có quyền kiện cơ quan nhà nước tới tòa để được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.
    "Nếu cơ quan nhà nước thua kiện thì phải bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai đối với hành vi vi phạm của mình. Đó là các quyền của đã được luật định", luật sư Giang nói.
    Trao đổi với chúng tôi vào tối 12/6, ông Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý) đã bày tỏ sự bức xúc về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không?
    "Tôi có thắc mắc xây một hàng gạch cao 25cm vẫn phải xin phép ư, ông chủ tịch phường cho biết dù là xây chuồng gà chuồng lợn hay một viên gạch có vữa đều phải xin phép. Sau đó, tôi phải đi xin giấy phép xây một hàng gạch và cái chuồng gà", ông Uyên nói.
    Theo ông Uyên, khi gửi đề nghị đến UBND phường đề nghị cấp phép xây dựng hàng gạch và chuồng gà, ông chủ tịch phường lại bút phê vào đơn xin cấp phép là chuyển Phòng QLĐT xem xét, tạo điều kiện.
    Phường cũng có văn bản cho rằng căn cứ Luật xây dựng năm 2014 thì công trình của ông không thuộc diện được miễn cấp phép.
    Ngày 7/6, Phòng QLĐT TP Cao Bằng có công văn trả lời ông Uyên rằng công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do "không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình...".
    Ông Uyên cũng cho biết thêm, đã có thư ngỏ gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Hoàng Anh để trình bày về sự việc này, đồng thời, hiện nay, sau khi nhận được trả lời của các cơ quan chức năng, ông cũng không còn biết nói gì.
    "Ông Chủ tịch UBND phường Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng Phòng QLĐT lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là không 
đủ điều kiện nên giờ tôi cũng chẳng biết làm thế nào", ông Uyên chia sẻ.


    theo Trí Thức Trẻ





Không có nhận xét nào: