Tuấn Trung |
Theo Defense News, Việt Nam đang có nhu cầu mua các chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc.
Cụ thể, đối với các máy bay F-16 mua từ EDA, Hà Nội muốn đạt được thỏa thuận như Mỹ từng thông qua với Indonesia.
Thỏa thuận giữa Mỹ và Indonesia ký kết hồi tháng 12/2012 có nội dung, quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được 24 máy bay chiến đấu F-16 Block 25 đã qua sử dụng để sau đó nâng cấp lên chuẩn Block 52. Ngoài ra, họ còn được bàn giao 6 máy bay cùng loại để lấy phụ tùng.
Số tiêm kích F-16 trên Mỹ sẽ chuyển giao dưới dạng "cho không", nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp thì chính phủ Indosesia phải chi trả. Ước tính Indonesia sẽ bỏ ra khoảng 750 triệu USD để sở hữu số chiến đấu cơ trên.
Như vậy sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa, tính bình quân một chiếc F-16 Block 52 của Indonesia tiêu tốn hơn 31 triệu USD tiền ngân sách, rẻ hơn đáng kể con số 78 triệu USD của máy bay sản xuất mới.
Đô đốc Agus Suhartono, Tổng Tư lệnh Quân đội Indonesia từng phát biểu: "Nếu tiến hành nâng cấp hệ thống điện tử hàng không và hệ thống vũ khí thì các máy bay chiến đấu được tặng này vẫn rất đáng tin cậy, chúng sẽ có thời gian phục vụ tác chiến lên tới 25 năm".
Giải pháp trên rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất thích hợp với những quốc gia có ngân sách quốc phòng eo hẹp như Việt Nam, do vậy thông tin mà Defense News đăng tải nhiều khả năng là chính xác.
Ước tính Không quân Việt Nam có nhu cầu trang bị khoảng 24 - 36 chiếc tiêm kích hạng nhẹ thế hệ mới để đảm trách vai trò kiểm soát không phận cũng như hỗ trợ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Điều này càng trở nên cấp thiết khi MiG-21 vừa nghỉ hưu, Su-22 đang phải "gồng mình" đảm đương cả hai nhiệm vụ vốn không có trong thiết kế ban đầu là tiêm kích phòng không và cường kích đánh biển, hơn nữa thời gian hoạt động của Su-22 cũng không còn dài.
Nếu đặt mua chừng đó chiến đấu cơ thế hệ mới thì rõ ràng quá sức chịu đựng của Việt Nam, ngay cả nhiều quốc gia giàu có hơn cũng khó lòng đáp ứng nổi, thậm chí quá trình mua sắm sẽ phải kéo dài cả chục năm, dẫn tới lỗ hổng lớn trong tác chiến.
Với thời gian phục vụ khoảng 2.000 giờ bay của F-16 secondhand (bằng 2/3 so với Su-30MK2), phương án mua lại từ kho dự trữ của Không quân Mỹ rồi tiến hành nâng cấp lên chuẩn Block 52 như Indonesia đã thực hiện là giải pháp chấp nhận được.
Vì vậy rất có thể trong tương lai không xa, một thông báo "biếu không" Việt Nam ít nhất 24 tiêm kích F-16 sẽ được phía Mỹ chính thức công bố.
Căn cứ vào thời gian chuyển giao máy bay cho Indonesia sau khi thỏa thuận được thông qua, nếu quá trình trên diễn ra thuận lợi, chúng ta sẽ nhận được chiếc F-16 đầu tiên trong năm 2018 hoặc nhanh nhất là từ cuối năm 2017.
theo Thế giới trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét