Nhà văn Phạm Viết Đào
- 30 phút trước
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhóm họp bốn ngày từ ngày 4-7 tháng Bảy 2016 theo báo chí Việt Nam đưa tin giống như các hội nghị khác là khẩn trương và nghiêm túc.
Tại hội nghị TW lần này, theo thông tin báo chí có 4 nội dung đưa ra bàn và quyết định:
1-Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII; 2-Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;-Quy định thi hành Điều lệ Đảng; 3-Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng; và 4-Về tổ chức bộ máy và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021;
Dường như hai vấn đề an ninh liên quan tới Việt Nam đã không được Đảng xem xét.
Trong bốn nội dung của hội nghị TW3 không thấy nêu hai vấn đề liên quan tới an ninh của Việt Nam;
Hai vấn đề này đang làm chấn động dư luận thế giới và liên quan tới đời sống vật chất tinh thần của hàng triệu người dân Việt Nam: đó là vấn đề an ninh Biển Đông và thảm hoa môi trường biển miền trung sau thảm họa Formosa.
Đối với an ninh Biển Đông, chưa bao giờ nóng như hiện nay do các hành động của Trung Quốc. Vấn đề này xảy ra đúng vào thời điểm tổ chức hội nghị TW 3.
Hầu hết các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và nhiều quốc gia đã vào cuộc, đều lên tiếng như Mỹ, Nga, EU v.v...Trước đó, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga đều đưa các phương tiện quân sự hiện đại nhất vào Biển Đông không phải để triển lãm, chào hàng.
Tòa án quốc tế La Haye cũng đã vào cuộc để phán xử đơn kiện của Philippines. Ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Kimoon cũng đã bay sang Trung Quốc để tìm cách làm dịu bớt tình hình… Trong khi đó, nhiều nhà binh luận quốc tế lo ngại xung đột Biển Đông có thể 'châm ngòi' cho đại chiến thế giới thứ 3…
Không một câu chữ
Trong khi cá thế giới đang lo sợ về một cuộc đại chiến trên biển Đông thì không thấy bóng dáng một câu chữ nào trong 4 nội dung của hội nghị TW lần 3 khóa XII của Đảng CS Việt Nam đặt ra cho các vấn đề.
Trước hết, về an ninh môi trường hậu vụ Formosa, thảm họa môi trường biển miền trung có thể được thấy là hệ lụy của chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư thiếu chặt chẽ của Đảng; khiến hiện đang là tâm điểm nóng của dư luận trong nước và thế giới…
Báo chí trong nước và thế giới hàng ngày đưa tin dày đặc về hệ lụy sau thảm họa Formosa… Tác nhân của hệ lụy là do Việt Nam cho phép nhà đầu tư Đài Loan, vì lợi ích đầu tư đã không tuân thủ các quy chuẩn nghiệm ngặt về bảo vệ môi trường của ngay Luật Biển Việt Nam và Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam;
Thêm vào đó là thái độ và cung cách kiểm tra giám sát tác trách của các cơ quan chức năng Việt Nam, khiến dẫn đến hậu quả làm tổn hại môi trường hàng trăm km bờ biển của Việt Nam, đe dọa sinh kế, tập quán sinh hoạt của hàng triệu người dân ven biển miền trung…
Trong khi nhà đầu tư Tập đoàn Formosa đã 'cúi đầu nhận lỗi' và 'đã chịu bồi thường' một phần thiệt hại; hội nghị TW lần này không thấy một câu, dòng nào liên quan đến vai trò lãnh đạo của đảng, chẳng hạn như lãnh đạo đảng, trung ương (kể cả cũ lẫn mới) có liên quan gì, có trách nhiệm gì, có biện pháp gì để kịp thời ngăn chặn, khắc phục hay để chỉ có một lời an dân thôi, chẳng hạn, rằng "Ban chấp hành Trung ương của Đảng (BCHTƯ) đã biết, đã bàn, sẽ có giải pháp cấp bách?
Phải chăng 2 vấn đề an ninh Biển Đông và an ninh môi trường biển không được coi là quan trọng? Phải chăng những chuyện này là không đáng bàn, không cần bàn, không thuộc phạm vi trách nhiệm của BCHTW khóa XII ?
Hay vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia này thuộc về những quyết sách tối mật, không nên công bố rộng rãi? Rằng mọi công việc này hãy để riêng Đảng và nhà nước lo?
Trên thực tế, Hội nghị TW 3 không bàn gì đến các vấn đề hệ trọng ấy, nhất là về tranh chấp, bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong tình hình sôi bỏng của Biển Đông và cũng như về môi trường sống của nhân dân, ngư dân, nông dân v.v... kể cả môi trường, sinh thái thiên nhiên đã bị hy sinh, bị để mặc cho tàn phá, nhiễm độc.
Không khỏi ngạc nhiên
Các nhà quan sát không thể không ngạc nhiên về một trong 4 nội dung được nêu trong Thông báo của Hội nghị BCHTW khóa XII, đó là sửa đổi quy chế, lý do để sửa quy chế làm việc của BCHTW:
“Phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tạo cơ sở để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…” (theo Thông báo của BCHTW khóa XII )
Qua những động thái trên, có thể thấy, thứ nhất Đảng CSVN ra đời đã 80 năm rồi, 12 kỳ đại hội như vậy mà bây giờ quy chế, lề lối làm việc vẫn phải bàn thảo sửa đổi lại để “phát huy dân chủ cho BCHTW”?
Thế phải chăng quy chế cũ đã không phát huy được hay sao mà phải sửa? Cái nội hàm của cái mục tiêu phát huy dân chủ trong cơ quan này cũng chỉ để “ tạo cơ sở để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”… nghe cũng rất mờ nhạt?
Nội dung thứ 4 của hội nghị đã bàn và quyết định: ”Về tổ chức bộ máy và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021..”
Với hai nội dung đã nêu, khiến cho nhân dân hiểu rằng: trong tình hình sôi bỏng của đất nước liên quan tới thế giới và Việt Nam, BCHTW Đảng tổ chức cuộc họp để bàn chuyện sắp xếp ghế cho nhau; bàn việc soạn quy chế để quan hệ nội bộ BCHTW phải dân chủ với nhau, không có vị này áp chế vị kia, nhóm này áp chế nhóm kia… Thế thôi!
Còn đất nước đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược, một bộ phân nhân dân đang bị đè nén, đang bị đe dọa quyền sống, quyền tự do sơ đằng, bị tước đi môi trường làm ăn, sinh sống, thì Đảng tảng lờ, không bàn đến…
Hay dân tự lo?
Tại hội nghị này, trong phiên bế mạc, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
“Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đạt được mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả tốt; chủ động, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”
Dân thì đang lo Trung Quốc 'đánh sang' thì lấy gì mà chống trả; Quân đội mua được một vài máy bay được cho là hiện đại nhất thì hai chiếc mới bay 'men men' bờ biển đã bị nổ tung;
Một phi công, quan chức bộ Quốc phòng nói và đặt giả thuyết nguyên nhân là do không thạo nhảy dù trên biển, bị dù quấn nên đã hy sinh; Còn chiếc CASA 212 thì do phi công có thể do chưa quen bay thấp trên biển nên xảy ra tại nạn?
Trình độ tác chiến như thế thì làm sao bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ?
Cuối cùng, thêm một điều nữa, nhưng không kém phần quan trọng, đó là về kinh tế, các chuyên gia đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 có khả năng không đạt chỉ tiêu đã đặt ra vì đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đảng chỉ lo 'dân chủ' cho quan chức của đảng, quyền lợi, công việc, vị trí của bộ máy cao cấp của Đảng là chính; thế thì ai lo dân chủ cho gần 90 triệu dân còn lại?
Hay là để dân tự lo lấy dân chủ cho mình chăng? Thiết nghĩ, nếu Đảng không lo được thì cho dân biết, bằng không thì nên xem lại điều mà lâu nay Đảng vẫn luôn nói là luôn coi mình là 'lực lượng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối với đất nước, của dân tộc Việt Nam'.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà văn, blogger, đang sinh sống tại Hà Nội.
Biển miền Trung hậu vụ cá chết: Biển sẽ “ngộ độc mãn tính”?
TP - Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố biển các tỉnh miền Trung vùng cá chết an toàn ra sao để bà con ngư dân nuôi trồng, đánh bắt. Nhiều chuyên gia lo ngại, vụ cá chết hàng loạt vừa qua chỉ như ngộ độc cấp tính, nếu tiếp tục cho Formosa xả thải với liều lượng xyanua, phenol như hiện nay, biển miền Trung sẽ “không còn gì” và chúng ta phải trả giá rất đắt.
Các chuyên gia lo ngại, rặng san hô và nguồn lợi biển rất khó khôi phục nếu tiếp tục cho Formosa xả thải với liều lượng cho phép như hiện nay. Ảnh: HS.
TS Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) - một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu tìm nguyên nhân từ đầu vụ cá chết, cho biết: Về việc phục hồi môi trường, nguồn lợi thủy sản vụ cá chết ở biển 4 tỉnh miền Trung, bộ đã thành lập tổ công tác, đánh giá mức độ.
Hóc búa bài toán khôi phục
Theo TS Hùng, mức độ phục hồi của các nhóm hải sản (các loại cá, san hô, nhuyễn thể…) rất khác nhau, nên cần phải đánh giá từng nhóm. Chẳng hạn, để khôi phục nhóm cá kinh tế trước, phải phục hồi bãi đẻ, bãi giống, kết hợp với sản xuất giống và thả tự nhiên phục hồi nguồn lợi. Cỏ biển tự nhiên sẽ được trồng phục hồi…
Đáng lo ngại nhất chính là phục hồi rặng san hô. “San hô là hệ sinh thái rất quan trọng, là nơi cư trú các loại sinh vật biển, cũng là các bãi đẻ, bãi giống, nên nó sẽ ảnh hưởng rất lớn khi bị triệt hạ. Các chuyên gia của viện đã khảo sát thực tế, xác định diện tích sản hộ bị hủy hoại khoảng 450 ha”- TS Hùng nói.
Ông cho biết, san hô có nhiều loại, nhưng để phục hồi được phải mất nhiều thời gian. Theo ông, san hô sinh trưởng, tùy từng vùng, trung bình tăng 1-2 cm/năm, ở vùng nước trong, xử lý môi trường tốt, có thể sinh trưởng 3-4 cm/năm.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), việc phục hồi môi trường, nguồn lợi mới chỉ giai đoạn đưa ra các ý tưởng. Bà nói: “450 ha là con số ước tính sơ bộ, chắc phải tính toán lại để đưa ra con số cụ thể, qua nhiều khâu thẩm duyệt nữa”.
Bà Dung cũng cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang chờ Bộ TN&MT công bố việc biển sạch đến mức độ nào, độ an toàn đến đâu để thả giống, khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Cũng do chưa có thông số độ an toàn nước biển, nên về việc đánh bắt của ngư dân, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản cho biết vẫn áp dụng hướng dẫn cũ. Các địa phương sẽ lấy mẫu giám sát tại các cảng cá, bến cá khi hải sản được bốc dỡ trước khi tiêu thụ. Đối với hải sản đánh bắt vùng 20 hải lý trở vào phải lấy mẫu hằng ngày; vùng ngoài 20 hải lý là 2-3 ngày/lần.
Lo ngại bệnh “mãn tính”
Lượng xyanua, phenol…đã thải ra từ nhà máy của Formosa ở biển bao giờ sẽ tan, và bao giờ biển sẽ lành? TS Nguyễn Quang Hùng cho rằng, biển có khả năng phục hồi về môi trường. Về yếu tố vật lý, sóng, dòng chảy sẽ làm phát tán, làm tan dần các chất độc. Các vi sinh vật cũng có khả năng phân hủy các chất độc, để biển dần dần trở lại trạng thái bình thường. “Mất bao lâu tùy theo lượng xả thải, sóng và dòng chảy, nhưng xác định được là rất khó”- TS Hùng nói.
TS Lê Thanh Lựu, chuyên gia thuộc Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng cần tiếp tục quan trắc thường xuyên môi trường 4 tỉnh miền Trung, đặc biệt là tập trung vào xyanua, phenol, phức sắt dạng keo. Ngoài việc lấy mẫu nước ở tầng mặt, cần lấy nhiều điểm ở tầng nước đáy, để xác định mức độ an toàn.
Liên quan đến thông tin, Formosa được phép xả thải 0,585mg/lít (theo giấy phép xả thải do Bộ TN&MT cấp cho Formosa), với công suất xả thải 45.000m3/ngày đêm, mỗi năm Formosa được phép xả thải ra môi trường lượng xyanua là 9,6 tấn (phenol cũng tương tự), TS Lựu nói rằng “ít năm nữa, không biết biển miền Trung còn gì nữa không”.
Theo vị chuyên gia này, vụ cá chết hàng loạt vừa qua, có thể hiểu như ngộ độc cấp tính, “ăn vào lăn đùng ngã ngửa”. Tuy nhiên, với hàm lượng các chất độc hại trên được phép xả ra biển, các chất độc đó lan dần, tích tụ dần dần sẽ mãn tính, và khi đó không một môi trường, hệ sinh thái nào chịu nổi, lúc đó như người bị ung thư.
“Nếu lượng xả cho phép hơn 9 tấn xyanua hay phenol mỗi năm, có lẽ trong vòng bán kính 50 km xung quanh miệng xả thải sẽ không còn sinh vật nào sống được cả. Và dòng hải lưu đưa chất độc đó đi theo dọc biển miền Trung, khó nơi nào chịu được. Do vậy, khả năng khôi phục được tài nguyên là cực kỳ thấp, nếu tiếp tục cho xả với liều lượng trên”- TS Lựu nói.
Về khả năng tự làm sạch của biển, TS Lưu cho rằng, trong nước biển gần như không có xyanua và phenol, nên không có có những nhóm vi khuẩn để phân hủy chất này. Do vậy khả năng tự làm sạch những chất đó rất khó. Ông nói: “Ở mức độ nhất định thì biển có khả năng tự làm sạch được. Nhưng khi chất độc tăng quá nhiều, mất cân bằng, tổ hợp vi khuẩn không phân giải được, sẽ gây ô nhiễm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét