Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Ký ức về những phút sinh tử trên 'Đồi thịt băm' tại Vị Xuyên 1984; Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Cuộc tử chiến bi hùng trên Núi Đất


Đăng ngày Thứ năm, 28 Tháng 4 2016 09:42
Ta với địch giành nhau từng mét chiến hào, từng mỏm đá, gốc cây. Những trận địa pháo nã đạn liên hồi đã biến đồi cây xanh thành đồi đất đỏ, hạ thấp độ cao hàng chục mét.
Cuộc chiến khốc liệt
Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) nay đã là nghĩa trang quốc gia với hàng ngàn di cốt liệt sỹ đã được quy tập, nhưng vẫn còn rất nhiều anh linh liệt sỹ khác vẫn còn chôn vùi trong núi đá, trong những điểm cao nơi biên giới, cửa khẩu Thanh Thủy, giữ gìn từng tất đất biên cương ở mảnh đất hào hùng này.
Cửa khẩu Thanh Thủy nay trông rất khác, hiện đại, khang trang. Một con đường lớn, hiện đại được mở từ thành phố Hà Giang kéo dài đến cửa khẩu. Ngay tại ngã 3 Thanh Thủy, nơi mà cách đây hơn 30 năm về trước, nó còn được mệnh danh là “ngã 3 cửa tử”, chúng tôi thấy nhà cửa san sát, mái ngói đỏ au. Thấp thoáng trong cảnh chiều tàn là hình ảnh những người dân trở về sau một ngày lao động miệt mài trên nương rẫy.

Thanh bình đến lạ. Những lữ khách một lần đặt chân qua cửa khẩu đều không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Nhưng nếu không nghe kể, ít người hình dung được rằng, mảnh đất này, chỉ mới 30 năm trước thôi, đó là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt, giữa một bên là những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc mặt trận Vị Xuyên (1979-1989) với quyết tâm giữ gìn từng tấc đất của quê hương, dù hy sinh đến người cuối cùng cũng không lùi bước, và một bên là đạo quân xâm lược hung tàn Trung Quốc.
Cao điểm 772, 685, 1100, 1509 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) xanh mướt màu cây cối, thấp thoáng những bản làng và những con đường mới được mở, nhưng trong tâm trí những cựu binh Mặt trận Vị Xuyên thì nó vẫn đặc quánh màu khói pháo, thuốc súng của những trận đánh năm xưa.
Những địa danh bất tử như “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”, “Ngã ba tử thần”… với họ, vẫn luôn hằn sâu trong ký ức.
Ở điểm cao 468, một đài hương đã được dựng lên, và công trình nhà tưởng niệm vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Hoàng Thế Cương, một cựu binh chia sẻ, đó là nơi hội tụ của những đồng đội đã hy sinh trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Với những cựu chiến binh còn may mắn sống sót, họ mong muốn làm tất cả những gì có thể để anh linh đồng đội được yên nghỉ.
Hàng năm, cứ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, mà cao điểm nhất là vào ngày 12/7 – ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 anh hùng, có rất nhiều người lính năm xưa đã trở về chiến trường khốc liệt 30 năm trước. Những cuộc hội ngộ diễn ra trong nước mắt. Họ khóc vì thương nhớ đồng đội, vì những ký ức bi tráng, vì sự đổi thay, hồi sinh thần kỳ của Vị Xuyên – mảnh đất họ từng chiến đấu để giữ gìn. Một số cựu binh còn chọn mảnh đất này là nơi gắn bó vởi cả phần đời còn lại của mình sau cuộc chiến.
Có những người về sau chỉ nghe loáng tháng họ vẫn gọi đấy là cuộc chiến Lão Sơn. Tuy nhiên, Lão Sơn chỉ là cách gọi của Trung Quốc. Đối với các cựu binh trở về sau cuộc chiến, chỉ có những địa danh trở nên bất tử như điểm cao 1509, 772, 685…
Trong buổi lễ phát động xây dựng Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang của Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận ngày 2/4/2016 vừa qua, Đại tá Nguyễn Lư, 81 tuổi, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3, Quân khu I, cho biết, chỉ tính riêng từ năm 1984 đến 1989 đã có 16 sư đoàn, 4 lữ đoàn, nhiều trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu trên mặt trận này.
Suốt một dải, từ điểm cao 1509 qua bình độ 1200-1100-1000 đến các điểm cao 772, 685, 400, đồi cây xanh, đồi Chuối, đồi Đài, ngã ba Thanh Thủy và hai bản Đông Tây Sông Lô, 6 năm ấy đã diễn ra hàng ngàn trận đánh từ quy mô trung đoàn, sư đoàn đến sư đoàn tăng cường. Cán bộ chiến sĩ trên mặt trận này đã anh dũng chiến đấu đánh bại mọi cuộc tấn công xâm lược của quân đội Trung Quốc giật lại những địa danh như bình độ 1100, điểm cao 685, điểm cao 400...
Ta với địch giành nhau từng mét chiến hào, từng mỏm đá, gốc cây. Những trận địa pháo nã đạn liên hồi đã biến đồi cây xanh thành đồi đất đỏ, hạ thấp độ cao hàng chục mét.
Người chiến sĩ phải lấy đất đỏ nhào vào người chỉ trừ đôi mắt, mũi, nòng súng để ngụy trang và tiêu diệt địch. Hai bên đối mặt nhiều lúc chỉ cách nhau có hơn trăm mét. Quân Trung Quốc bắn pháo như vãi trấu, rồi tràn quân sang chiếm các điểm cao. Các chiến sỹ kiên quyết giữ từng mỏm đá, đánh đến người cuối cùng.
Đại đội trưởng Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá”, đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên địch trở thành người hùng bất tử.
Trên mặt trận Vị Xuyên, quân và dân ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giữ vững từng tấc đất của Tổ Quốc. Họ đã thực hiện lời thề: “Vị Xuyên đất rộng trời cao/ Thề cùng Trung Quốc có tao không mày” và tạo nên những địa danh huyền thoại như Lò Vôi Thế Kỳ, Suối Âm Phủ, Thác Gọi Hồn…
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều đơn vị cá nhân đã được Đảng và Nhà nước phong tặng những phần thưởng cao quý, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huy chương các loại.
Để giành được thắng lợi huy hoàng này, đã có hàng ngàn người con ưu tú phải hi sinh mà hài cốt các anh hiện nay còn nằm lại ở các thung sâu, khe đá, bên lùm cây vẫn chưa quy tập được.
"Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy..." - cựu binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, đã ngậm ngùi cất lên những vần thơ day dứt khôn nguôi cho đồng đội và thân nhân, khi hồi tưởng lại những ký ức bi tráng mà hào hùng năm ấy.
Oai hùng là vậy, gian lao bi thương như thế đó, nhưng ai cũng có những ngậm ngùi, băn khoăn sâu kín trong lòng...
Những địa danh nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến
Với những ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất Vị Xuyên, nghe những cựu chiến binh kể lại, chắc họ không thể nào quên được một loạt địa danh với những cái tên không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Đó là một loạt những mỏm núi, thung lũng, bao xung quanh khu vực cửa khẩu Thanh Thủy. Và tên gọi của những địa danh đó, nó đã nói lên sự kinh hoàng của cuộc chiến này.
Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm lại những điểm cao, những dấu tích cũ của cuộc chiến, cựu chiến binh Bùi Văn Tạo (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, chốt giữ điểm cao 1100 trong chiến tranh biên giới Vị Xuyên) cho biết, kéo dài suốt nhiều năm ở Thanh Thủy, đạn pháo cày xới đêm ngày. Khốc liệt nhất là vào những năm 1984 đầu 1985, dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Những tên gọi kinh hoàng phần lớn cũng bắt đầu được gọi trong giai đoạn này.
Đầu năm 1984, khi quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, thì ở miền Bắc, quân Trung Quốc tổ chức tấn công dọc tuyến biên giới, lấn chiếm các điểm cao nhằm xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
Riêng ở Hà Giang, sau khi chiếm trọn điểm cao 1509, chúng tiến hành đánh lấn, pháo kích các điểm cao phía dưới. Thậm chí còn bắn về tận thành phố Hà Giang, cách trận địa gần 20km.
Từ 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250… thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Thời điểm đó, do tương quan lực lượng, quân Trung Quốc đã tràn sang chiếm giữ các vị trí trọng yếu. Ta phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để cản đường tiến của kẻ thù
Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Tuy nhiên, có một số trận đánh chiếm lại các cao điểm của ta không đạt được kết quả như mong đợi, bởi quân Trung Quốc được hỗ trợ hỏa lực rất mạnh, nhất là pháo binh, chúng pháo kích liên miên, hàng tấn đạn pháo trút xuống các điểm giao tranh.
“Pháo địch bắn như ngô rang, nhất là ở điểm cao 772, 685. Để bảo vệ các điểm cao và chống lại sự tấn công của địch, các trung đội của ta vẫn kiên cường giữ vững trận địa. Có những người cả tháng nằm trong hang, không được tắm, ăn uống kham khổ, đến khi trở về thì ai nấy râu tóc tua tủa, cứ như người rừng”, ông Tạo cho biết.
Trên điểm cao 685, hai bên giằng co nhau từng tấc đất một, địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm.. Thời điểm ấy, những lúc ngưng tiếng pháo, cả một vùng rộng lớn ở điểm cao này chỉ thấy một màu trắng xóa, không một cây cối nào có thể sống sót. Chính vì vậy, nó được các cựu binh đặt cho cái tên là “Lò vôi thế kỷ”.
“Đồi thịt băm”, là cái tên mà các cựu binh chiến tranh biên giới Hà Giang thường gọi, là điểm cao 772, mà khốc liệt nhất là trong trận đánh ngày 12/7/1984. Theo tư liệu của Sư đoàn 356, trận đánh bắt đầu từ 4h sáng.
Sau lệnh nổ súng, cả thung lũng Nậm Ngặt sáng rực trong màn đạn pháo. Quân ta từ các vị trí bật dậy hô xung phong vang dậy cả núi rừng. Tuy nhiên, ta bị địch phản pháo. Từ sáng đến trưa, sương mù vẫn dày đặc, quân ta tổ chức hàng chục đợt tiến công lên cao điểm nhưng không thành.
Ngày 14/7, Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Sau trận đánh, ta không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.
“Thác gọi hồn”, hoặc “Thung lũng gọi hồn” cũng chính là cái tên xuất phát từ trận đánh 12/7/1984 trở về sau. Đó là một thung lũng nhỏ thuộc địa phận xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Nơi đây, Sư đoàn 356 đã dựng lên một trạm phẫu, đón tiếp thương bệnh binh từ chiến trường trở về.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Thụy Khuê, Hà Nội, cựu binh Sư đoàn 356), một người mà chúng tôi đã gặp trong lần lên Thanh Thủy tìm kiếm tư liệu cho loạt bài này cho biết, ở các trận giao tranh với quân Trung Quốc, con số thương vong của cả 2 bên là rất lớn. Ở trạm phẫu, các chiến sỹ hi sinh được đưa về nhiều quá. Thấy đồng đội hi sinh người nào người ấy bê bết bùn đất, anh em liền bê xuống con thác gần đấy để rửa ráy sạch sẽ. Trước khi chôn cất, ai cũng cầu nguyện cho đồng đội được yên nghỉ. Cũng chính vì thế mà họ vẫn gọi con thác ấy với cái tên “Thác gọi hồn”, một cách để ghi nhớ những kỷ niệm bi tráng trong trận chiến năm xưa.
“Thác âm phủ” là một con thác cao ở Thanh Thủy, cách không xa lắm so với “Thác gọi hồn”. Cựu binh Phạm Ngọc Quyền kể lại, dưới thác có một cái hồ nhỏ, sâu, các chiến sỹ thường xuống đấy để tắm. Ở đó, tiếng gọi cứ vang vào vách núi như tiếng âm. Về sau, quân Trung Quốc phát hiện ra địa điểm ấy, tức thì trút đạn pháo như vãi trấu, nhiều người chìm nghỉm tìm không thấy xác. Những cựu binh vẫn hay nhắc đến, đó là lối đi xuống âm phủ.
Bản thân cựu binh Phạm Ngọc Quyền cũng trải qua một lần suýt chết ở “Ngã ba cửa tử”. Nhắc đến địa danh ấy, người cự binh cho biết, đó chính là ngã 3 Thanh Thủy, nơi con đường rộng thênh thang chạy thẳng từ thành phố Hà Giang lên cửa khẩu, một lối rẽ vào xã.
Trong chiến tranh biên giới Hà Giang, để đi lên các cao điểm đang giằng co nhau với quân Trung Quốc, bộ đội ta lúc đầu vẫn đi qua lối ngã ba Thanh Thủy. Nhưng từ lúc có một sư đoàn điều 4 xe tăng lên biên giới, đi qua thì 3 chiếc bị bắn cháy. Về sau có một chiếc xe vận tải lái nhầm đường cũng bị bắn đen thui. Quân Trung Quốc nã đủ các thể loại pháo ngày đêm để khống chế không cho quân ta chi viện lên chiến trường. Bộ đội ta đã mở những con đường riêng, vòng sau những cánh rừng, ngọn đồi, để lên các điểm cao chốt giữ.
Mặc dù, không được phép hành quân qua “Ngã ba cửa tử”, nhưng một lần vào tháng 6/1984, một nhóm mấy chiến sỹ trong đó có cả ông Quyền vẫn quyết định khảo sát để tìm đường lên trận địa, bởi đó là con đường ngắn nhất. Đêm đó, hơn 1h sáng, mọi người lặng lẽ bò qua những bụi lau lách um tùm ở Thanh Thủy
Tình hình yên ắng lắng, không có gì khác biệt. Quan sát một hồi lâu, ông Quyền lẩm nhẩm trong bụng : “Vậy mà cũng gọi là Ngã ba cửa tử”, rồi đứng dậy định đi vệ sinh.
Ngay tức khắc, có tiếng quát của đồng đội ở gần đó, bảo là chạy ngay và nằm xuống. Vừa mới thực thi hiệu lệnh, thì ngay chỗ ông Quyền đứng dậy cách đấy vài phút trước, đạn pháo, đạn cối đủ các kiểu đã liên miên giã xuống. Tiếp sau, quân Trung Quốc bắn mở rộng ra các vùng xung quanh. Cũng may mà trong đêm ấy, ông Quyền cùng đồng đội chạy thoát, không có thương vong.
Rồi một loạt các tên gọi khác nữa, như là “Đồi Đài”, “Đồi Cô Ích”, “Hang Dơi”, “Hang Làng Lò”… Đó là những cái tên đã khắc ghi trong tâm khảm của những người trở về sau cuộc chiến.
Ký ức trận đánh trên “Đồi thịt băm”
Ngày 28/4/1984 trên mặt trận Vị Xuyên, quân Trung Quốc được chi viện thêm hỏa lực và đạn pháo, bắn kiểu nhà giàu không tiếc của, liên tục tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đến ngày 30/4/1984, Trung Quốc đã chiếm được các điểm cao 1509, 772, 685, các bình độ 300 – 400, 226, 233. Ta phải lùi xuống những vị trí thấp hơn để tiếp tục phòng ngự và chiến đấu.
Trước tình hình trên, cuối tháng 6-1984, Quân khu 2 quyết định tổ chức tiến công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Bộ tư lệnh mặt trận quyết định mở chiến dịch mang bí danh MB84. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện chiến dịch MB84 ở Mặt trận Vị Xuyên. Trong đó, trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh cao điểm 1030...
Rạng sáng 12/7/1984, các hướng đồng loạt nổ súng tiến công. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, cộng với sự bất lợi về địa hình, hỏa lực quân Trung Quốc quá dày đặc, đạn pháo như mưa, cho nên các cánh quân không thể chiếm lại được các điểm cao như kế hoạch đã đặt ra.
Ác liệt nhất diễn ra ở cao điểm 772, mà mũi chủ công là trung đoàn 876. 772 là một vách núi dựng đứng, không lớn lắm, bao quanh là thung lũng nhỏ, quân Trung Quốc trút xuống hàng trăm ngàn quả đạn pháo, như đổ đất đá xuống hố, thì không có cách nào chống đỡ nổi.
Trong trận đánh ấy ở Mặt trận Vị Xuyên, các trung đoàn đều bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, có cả cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn. Chiều 12/7, Bộ Tư lệnh mặt trận phải cho các đơn vị chuyển sang phòng ngự.
Cao điểm 772, qua hơn 30 năm, đã phủ một màu xanh mướt. Nhìn từ xa không thể nhận ra được những dấu tích của trận chiến khốc liệt năm xưa. Chúng tôi tỏ ý định đi thực địa, nhiều người xung quanh ngăn lại, một phần vì đồi dốc hiểm trở, phần khác vì còn rất nhiều bom mìn găm lại ở đấy, chực chờ phát nổ, có thể gây nguy hiểm cho bản thân bất cứ lúc nào.
Nhiều cựu binh cho biết, ở điểm cao đó, vẫn còn rất nhiều đồng đội của họ ngã xuống, chưa thể quy tập về được. Mỗi năm vào tháng 4 đến tháng 7, quay trở lại chiến trường xưa cũ, họ cảm thấy anh linh các chiến sĩ vẫn đâu đó quanh đây. Câu chuyện hơn 30 năm trước vẫn in hằn trong tâm khảm, tựa như một giấc mơ mới ngày hôm qua, nhưng là giấc mơ có thật. Đó là nỗi đau khôn nguôi của những cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến.
Trong những ngày lang thang ở cửa khẩu Thanh Thủy thu thập thông tin tư liệu cho loạt bài viết này, thật may mắn, PV đã được gặp ông Phạm Ngọc Quyền, cựu bộ binh của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, trực tiếp tham gia trận đánh ngày 12/7/1984 và trải qua những thời khắc sinh tử trên điểm cao 772, Mặt trận Vị Xuyên. Ở trận đánh đó, một phép màu xảy ra đã giúp ông Quyền sống sót trở về, ông là một trong những nhân chứng sống ít ỏi của trận chiến kinh hoàng ấy.
Qua nửa cuộc đời, ông Quyền như những con người bình thường khác ở Hà Nội. Làm một công chức, thời gian bận rộn, nhưng năm nào ông cũng sắp xếp để trở lại Vị Xuyên, tham gia công tác tìm kiếm những đồng đội năm xưa còn chưa được quy tập, tri ân các liệt sĩ. Với ông, ký ức 772 luôn hiện hữu, và ông luôn có một nỗi niềm day dứt, đau đáu trong lòng.
Ngồi tiếp chuyện với PV, câu chuyện về trận đánh trên “Đồi thịt băm” của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cứ thế hiện lên, rõ mồn một, cụ thể đến từng chi tiết.
Trước đó, Sư đoàn 356 đã hành quân vào các vị trí trên chiến trường Vị Xuyên. Cho đến tận chiều tối 11/7/1984, sau bữa cơm chiều, ông Quyền cùng đồng đội mới được phổ biến kế hoạch chiến đấu. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 2 đêm đó là hành quân chiếm lĩnh trận địa, chờ lệnh nổ súng, đánh chiếm lại cao điểm Đ1 của 772 mà quân Trung Quốc đang chiếm đóng. Cùng tham gia trận đánh điểm Đ1, tiểu đoàn có thêm sự hỗ trợ của 6 chiến sĩ của Tiểu đoàn 17, có nhiệm vụ phá bãi bom mìn của địch, mở cửa cho bộ đội xung phong tấn công.
Chỉ huy chung toàn hướng và trực tiếp chỉ huy phân đội mở cửa là đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ.
Phối hợp cùng trận đánh trên hướng Vị Xuyên, còn có Tiểu đoàn 3 đánh cao điểm Đ3, Tiểu đoàn 1 đánh cao điểm Đ2, 772. Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 149 đánh cao điểm 685. Một bộ phận của Tiểu đoàn 3 được cắt ra, phân công đánh luồn sâu không cho quân Trung Quốc phản kích từ hướng 1509 xuống. Và Đại đội 7 của Tiểu đoàn 2 nằm tại cao điểm 800, bảo vệ sở chỉ huy đồng thời sẵn sàng chi viện cho các hướng khi cần thiết.
6h tối ngày 11/7/1984, lệnh tập trung, chuẩn bị hành quân cơ động vào chiếm lĩnh trận địa được phát ra, các chiến sĩ nhanh nhẹn chuẩn bị súng đạn, tư trang. Ai nấy đều phấn khích, hào hùng khí thế, sôi sục trước giờ xung trận.
6 rưỡi tối, cả đoàn quân di chuyển khỏi điểm cao 468 hướng sang 600, rồi tụt xuống khe cụt chân của 772, nối đuôi nhau bì bõm lội qua suối. Đêm đó, trời mưa nặng hạt, tối đen như mực, chính vì vậy nên yếu tố bí mật vẫn được đảm bảo.
8 rưỡi tối, lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa bắt đầu. Ông Quyền cùng các đồng đội lăm lăm tay súng, vai khoác ba lô tải đạn đội mưa nối đuôi nhau trèo lên lên điểm cao 772 dốc đứng. Tận mãi đến 2h30 phút rạng sáng ngày 12/7, mọi người đã vào đến từng vị trí ém quân và ổn định trận địa của mình.
Mưa tạnh, một thoáng tĩnh lặng đến rợn người, xung quanh là một màu đen của màn đêm phủ kín, đâu đó chỉ nghe tiếng xì xào của lá rừng pha thêm vài tiếng côn trùng rinh rích, bầu không khí căng thẳng nhưng không kém hồi hộp. Bỗng có một ánh chớp, rồi tiếng sấm phát ra ì ầm, như báo hiệu một trận chiến tàn khốc sắp sửa xảy đến.
Tầm 4h sáng ngày 12/7/1984, giữa màn đêm u tịch… tất cả đều chốc lát tan biến bởi tiếng nổ của pháo bắn căn chỉnh tọa độ, bầu trời rực sáng, đó cũng là hiệu lệnh bắt đầu của một cuộc tấn công lên điểm cao 772, “Đồi thịt băm” trong ký ức những người lính Vị Xuyên.
Ký ức về sự tàn bạo của lính Trung Quốc
Nhắc đến trận chiến kinh hoàng trên “Đồi thịt băm”, điểm cao 772 trong ngày 12/7/1984, ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) cùng các đồng đội của mình vẫn ghi nhớ từng khoảnh khắc.

Những ký ức kinh hoàng đó, cứ ảm ảnh cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng những người lính khác mãi tận hơn 30 năm sau, ám ảnh cả trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Mỗi lần gặp lại đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa, kể lại ký ức bi tráng ở mặt trận Vị Xuyên, họ lại ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
Với họ, một khi những câu chuyện chiến tranh khốc liệt chưa được công bố để tất cả mọi người được biết, câu chuyện về sự hung tàn của quân xâm lược Trung Quốc, một khi những đồng đội của họ còn nằm lại trên những điểm cao chưa được quy tập về, một khi chưa xác định được thân nhân, danh tính của những chiến sĩ đã quên mình vì Tổ quốc trong cuộc chiến khốc liệt ở Vị Xuyên, cả đời họ không thể thanh thản được.
Quay trở lại trận đánh trên “Đồi thịt băm”, đúng 4h sáng 12/7/1984, mặt đất rung chuyển, chớp lửa chói lòa, cỏ cây đất đá rơi ầm ầm. Quân Trung Quốc nhanh chóng phản pháo, trút đạn như mưa lên các sườn của cao điểm 772. Ông Quyền cùng đồng đội tai ù đặc vì tiếng pháo nổ, những cột lửa đỏ rực.

Lúc đầu lệnh nổ súng chưa phát ra, các chiến sĩ chỉ biết núp xuống trong những công sự vừa đào cách đấy ít phút, giữ cho thân mình khỏi bị những mảnh đạn văng phải. Nhưng pháo địch bắn càng lúc càng nhiều hơn, ta bắn một thì chúng bắn mười. Có vẻ như quân Trung Quốc đã phát hiện ra hướng tấn công của Sư đoàn 356, chúng căn chỉnh và dội pháo thẳng vào đội hình các chiến sĩ đang ẩn nấp bên những sườn dốc của cao điểm 772.
Tình hình có vẻ xấu đi, đã bắt đầu có thương vong và hi sinh, đâu đó có tiếng gọi cứu thương, những công sự được các chiến sĩ đào sẵn trước trận đánh cũng bị đạn pháo cày xới tung tóe.

Trời đã tờ mờ sáng, cùng với những ánh chớp lửa, sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ vài mét, nhưng cựu binh Phạm Ngọc Quyền vẫn kịp nhìn thấy xung quanh là những đoạn chiến hào vỡ nát, anh em đồng đội thương vong, bê bết máu. Bên phải của ông, một chiến sỹ tên Minh (pháo thủ số 2 của đội cối 60) bị thương vào bụng trái, chỉ kịp thều thào vài tiếng rồi lịm hẳn. Ông Quyền giật khẩu cối, nằm tựa lưng vào mé chiến hào bắn trả lên trên. Tuy nhiên, ông mới chỉ bắn được tầm 5 quả thì lập tức bị phản đạn hất tung, cả người và khẩu cối văng ra xa.
Chưa kịp nhận ra mình có bị thương hay không, chỉ thấy đau ê ẩm cả người, ông Quyền lồm cồm bò dậy, tiếp tục nhặt lấy khẩu súng AK gần đó bắn về phía trước. Trong một thoáng chốc, ông nghe thấy tiếng thét của đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ: “xung phong” phát ra ở gần đó, rồi liên tiếp những bóng đen nhảy ra khỏi chiến hào tiến lên đỉnh núi.

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền không thể xông lên được, vì bên sườn phải bỗng có từng loạt đạn rít lên veo véo, bay ngang qua trước mặt. Ông nhận ra là từ lèn đá 685, những ánh chớp cứ hắt ra từ nơi đó dội thẳng xuống đội hình Tiểu đoàn 2. Phía dưới, rất nhiều đồng đội hy sinh nằm la liệt, và một trung đội của Sư đoàn 356 đang bắn trả kịch liệt lên lèn đá.

Lúc này, pháo Trung Quốc có vẻ như đã lắng xuống, nhưng đạn cối, và đủ các loại đạn khác của địch trên đỉnh 772 lại bắt đầu dội xuống ầm ầm, nhiều hơn hẳn trước. Quân địch bắn kiểu như không bao giờ sợ hết, đạn dược là vô tận. Tiến không được, lùi không xong, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu cựu binh Phạm Ngọc Quyền: “Chả lẽ mình cứ nằm ở đây chờ chết hay sao?”.

Ngay tức khắc, ông nhặt lấy một quả lựu đạn đưa nhanh lên miệng giật chốt, tung về phía trước, rồi cầm khẩu AK lao nhanh về hướng bên phải, mấy đồng đội ở gần đấy cũng đang chĩa súng bắn xối xả lên đỉnh núi. Tuy nhiên, bỗng có một tiếng nổ đanh phát ra ngay bên cạnh mình, cùng quầng lửa đỏ rực bốc lên, ông Quyền tối sầm mặt mũi, đổ gục xuống và không còn nhận biết gì nữa.
“Tự dưng tôi thấy mẹ, mẹ hiện ra vỗ về an ủi, rồi cứ thế lùi xa dần. Tôi khóc, đưa tay định níu lấy, thì một cảm giác nhói đau trong người phát ra. Tôi tỉnh dậy, mới biết là chỉ gặp mẹ trong giấc mơ, còn bản thân đã bị một đống đất đá phủ lên trên, dấu mình xuống dưới đó, cũng chính vì thế mà tôi thoát chết ”, ông Quyền hồi tưởng lại.

Gạt được lớp đất đá phủ lên người, ông mới nhận ra trời đã về trưa, ánh nắng chói lòa, xung quanh im ắng. Bỗng chốc, có tiếng súng lẹt đẹt, rồi có tiếng người, ông Quyền nhìn thấy phía trên đỉnh 772 xuất hiện rất nhiều bóng đen, xì xào với nhau bằng tiếng Trung Quốc.

“Không, đằng nào cũng chết, trước khi chết thì cũng phải cho một vài đứa đi theo mình mới bõ”. Ngay tức khắc, ông Quyền nén đau vớ lấy khẩu AK ở gần đấy, nhặt vội một quả lựu đạn chày, một quả lựu đạn cầu duỗi thẳng chốt cài vào lỗ khuy áo ngực, dù tấm áo lúc đó đã rách tả tơi. Ông tính sẽ bất thình lình chồm dậy bắn trả khi chúng gần tới.

Chưa chắc đã có thể thoát thân được trong tình cảnh thập tử nhất sinh ấy, nhưng nếu như không chạy thoát, ông nghĩ mình sẽ dùng miệng khẽ cúi xuống cổ áo, cắn, rút chốt quả lựu đạn cầu, thế là xong, mình sẽ chết chung với quân thù.
Đau đáu một nghĩa tình tri ân
Kể lại những ký ức sinh tử trong ngày 12/7 hơn 30 năm trước, cựu binh Phạm Ngọc Quyền tâm sự: “Sau này tôi trở về nhà, được gia đình cho biết là có bạn tôi vào chơi, kể chuyện chiến sự ác liệt kinh hoàng lắm. Mọi người ở nhà cứ tưởng là tôi đã hi sinh, bố đã lập cho tôi bàn thờ cùng tấm ảnh thời học sinh, đặt cạnh di ảnh của mẹ, ai ngờ tôi vẫn còn sống sót”.
Ở cái thời khắc nhận ra quân Trung Quốc lấp ló trên đỉnh núi, biết nằm im thì kiểu gì mình cũng chết, ông Quyền lặng lẽ nép mình vào thành hào lở loét, bất thình lình tung quả lựu đạn chày về phía trước. Đạn nổ, đất đá bay tứ tán, cùng lúc đó ông lấy hết sức nhảy ra khỏi chiến hào rồi lăn lông lốc xuống. Bất thần, ông thấy hẫng hụt, nhận ra là mình lại rơi vào một đoạn chiến hào khác ở phía dưới, có lối dẫn ra khe suối cụt dưới chân 772. Ở đó, có một số đồng đội cũng đang núp bắn trả lại quân Trung Quốc.
Mọi người chỉ kịp động viên nhau, rồi nhanh chóng tản ra khắp chiến hào, mỗi người một hướng, đề phòng quân Trung Quốc gọi pháo bắn xuống.
Đến tối ngày 12/7/1984, tiếng súng đã tạm ngưng, ông Quyền cõng thêm một người lính bị thương nặng, cùng với những đồng đội khác ngược lên điểm cao 468. Đường mòn lúc các chiến sĩ tiến vào xung trận, giờ đã bị đạn pháo cày xới tung tóe, tre nứa, cây rừng đổ ngổn ngang không biết lối mà đi.
Đến tận đêm khuya, cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng mọi người mới trở về đơn vị. Với những người còn sống sót, ai nấy đều đau đớn và căm phẫn khi biết được rất nhiều đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận chiến, họ vẫn còn nằm lại đâu đó trên điểm cao 772.
Rồi tiếp theo những ngày sau đó, hàng đêm các chiến sĩ lại lặng lẽ rời lèn đá 468, quay trở lại 772 để tìm kiếm những tử sĩ, chuyển về đặt tại 468, chờ chuyển về tuyến sau. Họ biết, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ ở Thanh Thủy đều đã thấm đẫm máu xương những người đồng đội thân yêu của mình.
Rút kinh nghiệm của chiến dịch MB84, Quân khu 2 quyết định dùng Sư đoàn 313 và 356 mở chiến dịch vây lấn nhằm giành lại điểm cao 685 và 300-400 với cách đánh mới “sử dụng bộ binh, kết hợp đặc công, có hoả lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây, chia cắt lấn sát”. Lần này các đơn vị có 4 tháng để chuẩn bị.
Tháng 11/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Ngày 14/1-19/1/1985, Trung đoàn 149 đánh bình độ 300-400. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị của ta đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế trận phòng ngự chặt chẽ. Ở các chốt như đồi Cô Ích, điểm cao 685, hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại hàng chục lần.
Trong những năm 1985-1986, quân Trung Quốc lần lượt mở thêm nhiều cuộc tấn công vào các điểm cao của ta ở mặt trận Vị Xuyên nhưng đều lần lượt bị đẩy lùi. Đầu năm 1987, Trung Quốc sử dụng lực lượng cấp sư đoàn mở chiến dịch tiến đánh 13 điểm tựa của ta ở cả phía đông và tây sông Lô, mục tiêu chủ yếu là đồi Đài và đồi Cô Ích. Chúng bắn cả trăm ngàn quả đạn pháo và chi viện bộ binh liên tục tấn công nhưng đều bị ta ngăn chặn ngay trước trận địa.
Từ sau thất bại đó, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Không ít người đã chọn Vị Xuyên làm quê hương thứ 2, là nơi an cư lập nghiệp, hồi sinh lại mảnh đất một thời nung đỏ trong đạn pháo. Có người tiếp tục theo con đường quân ngũ, người trở về với ruộng vườn, người đi buôn bán… Nhưng đối với họ, ký ức những ngày đỏ lửa hơn 30 năm trước vẫn như ngày hôm qua.
Họ có chung một ước nguyện, và thực hiện được, họ mới có thể sống những ngày thanh thản. Đó là được đón những đồng đội hy sinh trên chiến trường xưa trở về với gia đình và bạn bè. Hơn 30 năm, ước nguyện vẫn mãi chưa hoàn thành.
Các cựu binh vẫn gọi ngày 12/7 là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Theo những con số thống kê chưa hoàn chỉnh, 600 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh khốc liệt đó. Nhiều năm nay, Những người còn sống sau trận đánh vẫn đi về Vị Xuyên, gặp nhau, ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Họ cố gắng hình dung lại những vị trí mà đồng đội mình đã hy sinh ngày trước.
Cây cối đã phủ xanh những triền đồi, mỏm núi vốn trơ trọi vì đạn pháo trong ký ức của họ. Thời gian trước, các cựu binh chỉ có thể đứng từ xa nhìn về các điểm cao. Rồi mỗi năm, họ lại tiến vào sâu hơn, về hang Dơi, hang Làng Lò, hang Suối Cụt… và những đồng đội còn nằm ở đó, qua thời gian, như gần lại hơn với những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ.
Năm 2013, một đài hương đã được xây dựng trên điểm cao 468. Như cựu binh Hoàng Thế Cương đã chia sẻ, đài hương được xây dựng nằm đối diện với điểm cao 772, 685, nơi xảy ra những trận đánh ác liệt ngày trước, nơi hàng trăm đồng đội đã ngã xuống mà chưa thể trở về. Đó là điểm tập kết, là bàn đạp triển khai tấn công trong những trận đánh năm xưa, nơi mà mỗi người lính đều hành quân qua.
Cùng với đài hương là công trình nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên. Với các cựu binh, người ít góp 100, 200 nghìn đồng, người nhiều góp tiền triệu… ai cũng mong mỏi những công trình này nhanh chóng được hoàn thành, để anh linh những liệt sĩ được quy tụ, đáp ứng niềm mong mỏi của các gia đình, thân nhân, các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, là nơi đi về giữa những người còn sống và những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường này, để những thế hệ sau cảm nhận được công lao của cha anh, hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của dân tộc và sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
30 năm, danh lợi, giàu sang... tất cả đều trở nên quá đỗi bình thường với những ước mơ giản dị của người lính: được thấy đồng đội trở về.
Trên cao điểm 468, nhạc sĩ Trương Quý Hải (cựu binh Sư đoàn 356), vẫn cất lên những tiếng ca thổn thức gọi đồng đội: Hãy về đồng đội ơi/ Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình…Hãy về đồng đội ơi/ Người lính chiến mãi đôi mươi…
Như nhiều cựu chiến binh cho biết, mặt trận Vị Xuyên là nơi diễn ra những trận đánh cực kỳ gian khổ và khốc liệt, nhưng kinh hoàng nhất vẫn là những trận đánh trong các năm 1984, 1985, mà tiêu điểm là ở các điểm cao 772, 685, bình độ 400…Riêng ở điểm cao 685, nơi hứng chịu hàng ngàn tấn đạn pháo, được mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”, chúng ta đã giành được chiến thắng, dù có trải qua bao hy sinh, mất mát.
Theo VTC



Không có nhận xét nào: