Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc chi phí làm logo thợ mỏ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc chi phí để làm quà tặng tại Tập đoàn này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được Thư của ông Trần Ngọc Duy, phóng viên Báo Lao động thường trú tại Quảng Ninh phản ánh việc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chi tiêu vào việc đúc logo kỷ niệm ngày truyền thống thợ mỏ một cách lãng phí, vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gây dư luận không tốt trong cán bộ, công nhân ngành than.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc này, báo cáo trung thực, chính xác chi phí cho việc làm quà tặng nêu trên và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam báo cáo phương án tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, thực tế lượng than tồn kho và việc đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân mỏ. Kết quả thực hiện báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2016.
PV
Thủ tướng yêu cầu làm rõ phát ngôn 'xấu xa đậy lại' của cán bộ Thanh tra Chính phủ
(VTC News) - Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra vụ việc và không để cán bộ phát ngôn theo kiểu "xấu xa đậy lại" gây bức xúc trong dư luận.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể đối với công tác tổ chức cán bộ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường cung cấp thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch; mặt khác cần phải tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quy định phát luật về truyền thông, báo chí.
“Rút kinh nghiệm vụ việc tại Thanh tra Chính phủ, không thể có cán bộ phát ngôn như vậy, không thể che dấu, bưng bít, xấu xa đậy lại", Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ làm rõ việc này.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc tới một số bộ ngành, địa phương xảy ra hiện tượng bổ nhiệm cán bộ vào cuối nhiệm kỳ, bổ nhiệm người nhà.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý giải trình thực hiện theo đúng quy trình đã gây bức xúc dư luận.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Nội vụ khẩn trương tiến hành thanh tra công vụ, không để xảy ra tình trạng “một Sở 46 người thì 44 lãnh đạo”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ làm việc ngay với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại các quy định về bổ nhiệm cán bộ xem có điểm gì cần khắc phục để tránh tình trạng xảy ra như vừa qua, quá số lượng, người nhà… mà vẫn đúng quy trình.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ thực hiện ngay việc nghiên cứu, đề xuất thể chế về từ chức.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận định, kỷ luật kỷ cương không nghiêm đang là hiện tượng đáng báo động.
“Còn khá phổ biến tình trạng trên bảo, dưới không nghe hoặc nghe xong để đấy; vi phạm kỷ luật hành chính, công vụ, pháp luật xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong nhân dân”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ là quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương.
Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã hoạt động rất tích cực, bước đầu tăng cường ý thức cho các Bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều phải có cơ chế kiểm tra đột xuất và thường xuyên, đôn đốc, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên; không để tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm.
Trước đó, ngày 24/11, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh cho biết, Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã có ý kiến sẽ cho kiểm tra và yêu cầu báo cáo về việc ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III (TTCP), được cho là có những phát ngôn coi thường báo chí trong cuộc làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM hồi tháng 9-2016.Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh khẳng định: “TTCP sẽ có thông tin đầy đủ về vụ việc theo quy định”.Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 10 phút ghi lại lời được cho là của ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III (TTCP), trong buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường trực thuộc ĐH này ngày 28/9/2016.Tại buổi làm việc này, người được cho là ông Mẫn nói: “...Thanh tra này là thanh tra định kỳ, không phải là thanh tra theo nghĩa dấu hiệu vi phạm, sai phạm quyết liệt gì cả. Bất kỳ thành viên đoàn thanh tra nào, kể cả từ trưởng đoàn thanh tra mà tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.Nên hôm nay tôi nói rõ luôn, tôi đề nghị các thầy cô, đều là thành viên của Trường ĐH Quốc gia TP.HCM thế thôi. Không có dại gì mà đi cởi áo cho người xem lưng... Nên tôi đề nghị tất cả các thông tin báo chí, kể cả quá trình thanh tra các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng và tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp tết... Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào mà quấy nhiễu các đồng chí thì các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi. Tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi nhà báo đó ngay chứ tôi chả ngại gì.Bởi vì trong quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục. Nên các đồng chí phải khắc phục ngay từ đầu không tiếp đoàn nào cả, kể cả làm quảng cáo cũng dẹp hết...”.
Minh Đức
Cấm biếu quà Tết Thủ tướng, bộ trưởng: Hà Nội hết tắc đường
01/12/2016 03:04 GMT+7
- Lời yêu cầu của Thủ tướng "các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết" đang được kỳ vọng mang lại hình ảnh mới mẻ về một Chính phủ liêm chính.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân.
Yêu cầu này ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt.
Bởi, giữa bao bộn bề của những tháng cuối năm, lời yêu cầu của Thủ tướng đang được kỳ vọng mang lại hình ảnh mới về một Chính phủ liêm chính.
Đường phố Hà Nội ngày giáp Tết. Ảnh: Phạm Hải |
Hết cảnh sấp sấp, ngửa ngửa
Cảnh kẹt xe những ngày giáp tết, không biết từ bao giờ đã trở thành chuyện bình thường đối với người Hà Nội.
Chỉ có điều kẹt xe không chỉ bởi “cuối năm có nhiều công trình dự án thi công nước rút, cũng không chỉ bởi người buôn bán đông, sinh viên đi học, người dân đi thăm thân…” như âm thanh vẫn phát ra hằng ngày từ những cái loa tại các nút giao thông trọng điểm của thủ đô, mà còn bởi vô số những chiếc xe mang biển số các tỉnh đổ về, mà đích đến không đâu khác là trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng quan chức một số bộ ngành.
Càng gần Tết, những chiếc xe kiểu này càng hối hả, chiếc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, chạy ngang dọc khắp phố phường Hà Nội với lễ mễ quà cáp đi Tết cấp trên.
Chuyện đã thành lệ! Một cái lệ bất thành văn mà dẫu muốn hay không, phàm là cấp dưới, năm hết Tết đến, chưa “đi Tết” cấp trên thì chưa xong việc, ăn Tết không ngon!
Ngày Tết thăm nhau, tặng nhau cân trà hộp mứt, âu cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt. Nhưng một khi nét văn hóa này đã bị biến tướng, là vỏ bọc mỹ miều cho những toan tính, vụ lợi, là chuyện “bà đưa chân giò ông thò chai rượu”… thì chuyện biếu xén, quà cáp ngày Tết thực sự đã trở thành một thứ tệ nạn.
Điều ấy ai cũng biết. Đảng biết, Chính phủ biết và người dân thì lại càng biết nhiều hơn.
Cũng từng có nhiều chỉ thị của Đảng ngăn cấm tình trạng sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp trong các dịp Tết. Tuy nhiên, chỉ thị có đường đi của chỉ thị, ô tô có đường đi riêng của ô tô. Nên mỗi dịp cuối năm, đường phố Thủ đô vẫn cứ nườm nượp xe các tỉnh về Trung ương chúc Tết.
Chính phủ sạch
Nhưng lần này thì khác. Không văn bản, không chỉ thị. Bằng một thái độ thẳng thắn, chân thành nhưng hết sức quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “ngay trong Tết nguyên đán này, các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Ở các địa phương cũng vậy. Chính phủ phải làm gương”.
Tin bài liên quan: |
Chính phủ liêm chính phải là Chính phủ sạch. Đó là lời cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và hơn hết là với danh dự cá nhân một đảng viên, một cán bộ cao cấp của Chính phủ.
Đã hứa là phải làm. Làm không chỉ để thực hiện nghị quyết Trung ương 4 mà quan trọng hơn là để tạo niềm tin với dân về một chính phủ không tham nhũng.
Quà biếu ngày Tết là nét đẹp văn hóa. Nhưng một khi món quà Tết đã biến chứng, đã có “mùi” trao đổi thì chuyện “cho - nhận” sẽ là bàn chân đầu tiên thò vào cái ngạch cửa của tham nhũng.
Vì thế, không thể một mình Thủ tướng, mà phải là sự đồng tâm hiệp lực, là sự đều tay của tất cả các thành viên Chính phủ. Bởi làm được điều đó mới mong giữ được tiếng thơm cho Chính phủ liêm chính.
Để lệnh cấm không bị biến tướng
Thủ tướng đã cấm các tỉnh về Hà Nội chúc Tết và yêu cầu ở các địa phương cũng triển khai nghiêm túc việc này.
Tuy nhiên, quà Tết, phong bao phong bì có chảy về Hà Nội hay không lại là do ý thức chấp hành của lãnh đạo các địa phương. Bởi đây không phải lần đầu những lệnh cấm kiểu này được ban hành.
Không khéo, người Hà Nội chưa kịp mừng dịp Tết này không còn cảnh kẹt xe vì ô tô các tỉnh đổ về thì lại phải bực mình vì sự gia tăng tần suất di chuyển của những chiếc xe đưa quà của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh.
Cấm tặng quà Tết là Thủ tướng muốn tạo ra hình ảnh đẹp về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân.
Quyết tâm ấy rất đáng được trân trọng vì thể hiện nhất quán tinh thần hành động của bộ máy hành chính mà ông là người đứng đầu. Tuy nhiên, một khi sự vận động của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương còn mang nặng tính ban phát, xin-cho thì mối ân tình, quan hệ qua lại, trên dưới vẫn còn đất sống. Mà ân huệ càng nhiều thì quà cáp càng to, phong bì phong bao càng dày.
Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn lấp la lấp lửng thì lần này không được, lần sau họ lại đến. Mà đến lần sau, ai cũng hiểu là quà sẽ to hơn lần trước.
Bạn có đồng quan điểm với tác giả? Bài viết, ý kiến gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được xem xét đăng tải. |
Huệ Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét