GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết khi Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm 2 dự án này, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo điều quan ngại ở 2 dự án này là hiệu quả kinh tế và tác động môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã có đánh giá về môi trường ở hai dự án bauxite có quy mô lớn tại khu vực Tây Nguyên. Trong đó nhấn mạnh chất lượng thiết bị của nhà thầu cung cấp, các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Bởi qua thực tế kiểm tra, sau 9 năm triển khai các thiết bị ở Nhà máy Alumin Tân Rai và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn.
Hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ lần lượt có vốn đầu tư được điều chỉnh lên tới hơn 15.400 tỉ đồng và 16.800 tỉ đồng. Tuy nhiên hiệu quả của hai dự án trong những năm đầu lại không như mong đợi, mức lỗ lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 9.2013, nhưng sau thời gian chạy thử, nhà máy tại Tân Rai dự kiến lỗ 258 tỉ đồng trong năm đầu. Con số lũy kế đến năm 2015 là 460 tỉ đồng, tuy nhiên theo chủ đầu tư của hai dự án (Vinacomin), từ năm 2016, dự án sẽ bắt đầu có lãi. Có nghĩa là 5 năm sau đó, nhà máy này sẽ có lãi khoảng 870 tỉ đồng. Còn với dự án tại Nhân Cơ, số lỗ được ghi nhận trong 6 năm đầu dự kiến là gần 3.000 tỉ (từ 2015 đến 2020).
Như vậy, có thể thấy con số lỗ của cả hai dự án bauxite ở Tây Nguyên, theo như tính toán của chủ đầu tư rõ ràng là không hề nhỏ, trong khi tương lai lại khá mịt mờ. Trước thực trạng trên, không ít chuyên gia cho rằng tiếp tục triển khai các dự án bauxite ở Tây Nguyên, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường cũng không hề nhỏ.
Trao đổi với Một Thế Giới, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết khi Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm 2 dự án này, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo điều quan ngại ở 2 dự án này là hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Thậm chí có cả những người từng làm trưởng ban dự án cho TKV, họ hiểu rất rõ về 2 dự án bauxite này và cho rằng không nên làm.
"Cho đến bây giờ, vẫn chưa công bố được hiệu quả kinh tế ở 2 dự án, hầu hết các nghiên cứu phân tích đều đánh giá 2 dự án này sẽ thua lỗ. Về môi trường, mặc dù đã được xử lý, nhưng thời gian qua vẫn có rất nhiều rủi ro cũng như những thiệt hại về môi trường từ 2 dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phải đi thanh tra", GS Mại nhấn mạnh
Theo GS Nguyễn Mại, với những án lớn lên tới hàng tỉ USD, các bộ ngành, địa phương cần phải phân tích rõ về hiệu quả kinh tế, ngân sách, người dân, tác động tới môi trường... Bộ KH-CN, KH-ĐT, Tài chính, Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT và hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông cũng cần công khai đánh giá về những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình liên quan đến hai dự án này.
"Nước ta đang thi hành chiến lược năng lượng xanh, vì vậy, điều quan trọng là Chính phủ, bộ ngành cần phải quan tâm đến lợi ích chung, không nên thực hiện những dự án có ảnh hưởng lớn như vậy. Tôi nghĩ rằng TKV và các bộ ngành thực sự cầu thị thì không nên để cho những dự án như vậy tiếp tục được triển khai. Các địa phương thích dự án lớn nhưng không bao giờ đánh giá hiệu quả kinh tế cũng như tác động đến môi trường", vị chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn TKV - cũng bày tỏ những quan ngại về tính hiệu quả của 2 dự án này. TS Sơn đánh giá hai dự án trên có trình độ kỹ thuật rất thấp, đối tác không có kinh nghiệm. Công nghệ khai thác, tuyển bauxite và công nghệ luyện alumina có nhiều chất độc hại thải ra môi trường. TKV lại còn xây dựng cả các lò hơi phát điện bằng than và lò khí hóa than. Vì vậy, ở cả 3 khâu quan trọng gồm: bauxite, alumina, đốt than nếu thiết bị hay công trình xảy ra sự cố thì đều dẫn đến nguy hiểm về môi trường.
TS Sơn đề xuất nếu tiếp tục sản xuất thì cần lưu ý đến vấn đề môi trường ở 2 dự án như: vỡ hồ chứa bùn đỏ của nhà máy luyện alumina, vỡ hồ chứa quặng đuôi của nhà máy tuyển bauxtie... Đặc biệt, phải chuyển công nghệ thải bùn đỏ từ ướt sang khô ở khâu luyện alumina; Sử dụng công nghệ khí hóa than an toàn ở khâu đốt than.
Để triển khai tiếp 2 dự án này, TS Sơn cũng cho rằng các bộ ngành, địa phương quản lý dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ phải công khai, minh bạch những vấn đề đơn vị mình quản lý. Chỉ khi đó mới có thể tiếp tục bước đi tiếp theo.
Ở một cách nhìn khác, lãnh đạo Bộ Công thương lại lên tiếng khẳng định về tính khả thi của hai dự án bauxite. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, khi triển khai xây dựng hai dự án bauxite, đã xác định trước được về khả năng lỗ trong thời gian đầu của cả hai dự án. Theo đó, đối với Dự án Tân Rai, xác định sẽ lỗ 5 năm đầu tiên, nhưng có 12 năm để hoàn vốn; còn Nhân Cơ dự tính lỗ kế hoạch là 7 năm đầu, hoàn lỗ là 13 năm trong cả quá trình là 30 năm. Cả hai dự án này đều có thời gian khai thác là 30 năm nhưng tuổi thọ có thể lên đến 50 năm nên hoàn toàn có tính khả thi.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng vào cuối năm 2017, 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty gồm: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng; các doanh nghiệp gồm Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây nguyên. Tuy nhiên, đến nay các bộ ngành này vẫn im lặng như tờ, chưa thấy có báo cáo chính thức.
Tuyết Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét