Kỳ 1: Được phục hồi, nhưng nỗi oan sau nửa thế kỷ vẫn chưa được giải mã
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là một trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và được phục hồi chức vụ khi tuổi đã 59 (tháng 10.1977).
Nhân 100 năm ngày sinh (2.2.1918-2.2.2018) của vị tướng tài ba, đức độ và tận trung với nước, gần đây chúng tôi có viết bài: “Vị tướng một lòng vì nước quên thân...” đăng trên báo Thanh Niên ra các ngày 26 và 27.2.2018 (bạn đọc có thể đọc lại 2 kỳ bài viếttại đây). Sau khi bài báo được đăng, nhiều bạn đọc đã liên hệ và muốn biết đầy đủ hơn về vị tướng tài ba, nhân nghĩa, trí dũng song toàn ấy, người đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ .
Vì sao một con người như thế lại gặp nỗi oan trái và vì sao sau gần 3 ngàn ngày chịu đựng, đợi chờ trong hy vọng, thậm chí có lúc tuyệt vọng, ông mới được minh oan và phục hồi công tác?
Kỳ 1: DUYÊN PHẬN CỦA 2 NGƯỜI CON CÓ CHA CÙNG LÂM NẠN
Để làm rõ câu chuyện, tôi (nhà báo Quốc Phong) quyết định tìm gặp lại ông Bùi Huy Hùng, người bạn học với tôi ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc khóa 15 (1988-1990) để tìm hiểu thông tin. Ông Bùi Huy Hùng, theo tôi biết, là người thân trong gia đình tướng Vịnh. Ông cũng đã từng sống bên ông một thời gian.
Ông Huy Hùng từng công tác trong một cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng rồi chuyển ngành ra làm việc tại một số cơ quan của Đảng và Nhà nước ở Trung ương. Có thời gian ông làm thư ký riêng cho cố bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến, Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc (là khi trường đã đổi tên) cùng tôi , ông đã làm điều "chẳng giống ai" thời đó, là rời cái chức vụ cũ trước lúc đi học (ngang cấp vụ phó của bộ Nội Thương) sớm ra làm doanh nghiệp tư nhân. Ông cùng một số người đứng ra thành lập Công ty 3C đình đám một thời sau thời kỳ đổi mới. Ông làm Tổng giám đốc 3C rồi tiếp đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank)...
Chúng tôi và nhiều người trong giới công nghệ thông tin ngày đó quen gọi ông là “ Hùng 3C” là vì vậy.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa tôi với ông Bùi Huy Hùng nhân ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018.
- Nhà báo Quốc Phong: Chắc anh đã đọc bài viết về tướng Vịnh trên báo Thanh Niên các ngày 26-27.2 vừa qua. Anh em chúng tôi mới được biết rằng, anh có mối liên hệ gần gũi với tướng Nguyễn Văn Vịnh lúc sinh thời và có nhiều thông tin về ông. Đầu tiên, xin anh cho biết mối duyên nào đã đưa anh đến gần với tướng Vịnh?
- Ông Bùi Huy Hùng: (Cười…) Chuyện rất lý thú, khá dài, vừa tình cờ và vừa không tình cờ. Nó còn thú vị ở chỗ, cuộc gặp lần đầu của tôi với tướng Vịnh vào cuối năm 1975 không ngờ lại là bước ngoặt đối với cuộc đời tôi. Nói theo ngôn ngữ của đám lính trẻ thời đó, là một “chú đại bàng gẫy cánh rời khỏi bầu trời tự do”, tức lấy vợ.
Chuyện là trước đó vài năm, cha tôi, một quan chức ở tỉnh lẻ Vĩnh Phúc, là Trưởng ty lâm nghiệp thời ông Kim Ngọc làm Bí thư, bị các đồng chí của mình ở phía tỉnh Phú Thọ “đánh” tơi bời sau hơn 1 năm sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh mới Vĩnh Phú. Ông bị kỷ luật mất chức tuy người ta chẳng tìm ra được chứng cứ gì buộc tội ông. Vào khoảng 1973-1974, cha tôi, người rất mê săn bắn, với khẩu súng săn 2 nòng cỡ 16 của Tiệp Khắc cũ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện phong trào trồng cây gây rừng do Bác Hồ phát động, ông cưỡi xe máy đi lang thang các vùng đồng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Rồi một hôm, ông vào hồ Đại Lải săn vịt, ngỗng trời,... Những đàn vịt trời, ngỗng trời vào sáng sớm mùa đông, thường bay từng đàn từ những cánh đồng ven sông Hồng thuộc huyện Mê Linh bây giờ đến hồ bơi lội. Tại đó, ông đã gặp tướng Vịnh.
Tướng Vịnh khi đó cũng đã bị kỷ luật, bị cách mọi chức vụ trong Đảng, Nhà nước và quân đội. Ngồi nhà mãi cũng buồn chán, thỉnh thoảng ông cùng vài người bạn đi săn cho khuây khỏa. Hai ông già đã gặp nhau tình cờ, không biết các ông có nói chuyện với nhau về công việc và nỗi oan trái của mình hay không, chỉ biết sau lần gặp đó họ đã kết thân với nhau. Tướng Vịnh xem cha tôi, người bạn mới, như người em (ông hơn cha tôi 4 tuổi), đặc biệt hai ông có cùng thú vui nên đã thường rủ nhau đi săn bắn ở nhiều nơi, trao đổi kinh nghiệm bắn chim, thú,...
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nước vào năm 1975, tôi thường từ thị xã Vĩnh Yên về Hà Nội để hỏi han về việc phân công công tác ở đâu. Có một lần cha tôi nhờ tôi đem đến ngôi nhà số 34A Cao Bá Quát một khẩu súng săn, dặn rằng gặp tướng Vịnh trả lại ông khẩu súng mà ông cho mượn dùng đã lâu. Tôi đã gặp ông lần đầu như vậy. Ông đã tiếp tôi ở phòng riêng trên gác hai, tự tay pha trà mời tôi uống với bánh kẹo. Ông đã rất cởi mở, thân tình, hỏi han tôi về việc học hành, về cuộc sống ở Liên Xô, về xã hội Xô viết đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản như thế nào...
Tôi nhớ hôm đó tôi được ông tiếp chuyện khá lâu, ông cũng kể về chuyến đi sang Liên Xô cùng Bác Hồ và ông Lê Duẩn xin viện trợ vũ khí để đánh Mỹ, và chia sẻ cảm xúc về đất nước, con người Xô viết mà ông có dịp ghé thăm vào năm 1960.
Có điều thú vị là trong thời gian ông chuyện trò với tôi thì có một cô gái khá xinh xắn ra vào phòng vài lần và xưng hô với ông bằng ba, con... Sau này tôi mới biết đó là cô cháu gái, con của một bà chị của ông ở quê nhà (Nam Định) được ông đón về nuôi cho ăn học ở Hà Nội từ nhỏ.
-Thế rồi, có phải chính cô gái đó trở thành vợ anh không?
Ông Bùi Huy Hùng: (Lại cười...) Sau lần gặp đấy khoảng một tháng gì đó, ông tổ chức một cuộc đi săn ở vùng đầm hồ chiêm trũng ở huyện Mê Linh cùng với ông Song Tùng, Thứ trưởng bộ Lao động & TBXH và ông Trần Long, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, có đem theo cô cháu gái và mời tôi tham gia.
Từ đó, chúng tôi gần nhau. Một năm sau, vào đầu năm 1977, ông và cha tôi tổ chức lễ cưới cho chúng tôi tại chính ngôi nhà 34A phố Cao Bá Quát. Ông đã dành cho chúng tôi một căn phòng riêng tại ngôi nhà đó. Vậy là tôi trở thành người trong gia đình ông và được sống bên ông một thời gian. Ông rất dễ gần, trong công việc nghe nói rất nghiêm khắc và nguyên tắc, nhưng khi tiếp xúc với ông, tôi lại thấy ông rất hiền từ, mềm mỏng, tôi gọi ông là ba, xưng con.
- Thật thú vị, đúng như người ta nói gặp gỡ là duyên phận. Xin hỏi, thời gian anh gặp tướng Vịnh và sau đó được sống bên ông, có bao giờ anh được ông tâm sự về câu chuyện ông bị kỷ luật, về nỗi oan trái của mình không?
- Ông Bùi Huy Hùng: Bạn thử hình dung, trong khuôn viên ngôi biệt thự 2 tầng ở phố Cao Bá Quát có một cái vườn nhỏ. Vào khoảng 5 giờ sáng khi cả nhà vẫn còn chưa dậy thì có ông già (thực ra lúc đó tướng Vịnh cũng chưa thể gọi là già lắm với cách nhìn của chúng ta bây giờ) cặm cụi xới đất, chăm sóc, tưới nước cho mấy luống rau, trên đó ngoài vài loại rau phổ biến ngoài Bắc ra, ông còn trồng rau của miền Nam là hẹ và đậu bắp. Chắc là ai đó, trong số các chiến hữu từ miền Nam ra đã mang giống rau đó tặng ông.
Rồi tối muộn, trên gác thượng vắng vẻ, ông đi lại trầm tư. Ban ngày ông đọc sách, đôi khi thấy ông ngồi vào bàn làm việc viết gì đó. Ông rất ít khi ra ngoài, chủ yếu tiếp khách (mà cũng không nhiều) là những người thân quen bạn bè ở nhà.
Gần 3.000 ngày đêm như vậy.
Tất nhiên, chắc là vài năm sau khi bị đình chỉ công tác để kiểm điểm và bị điều tra (từ khoảng cuối năm 1968) ông đã ít nhiều nguôi ngoai, bắt đầu đi săn bắn ở các nơi để giải tỏa bớt nỗi đau. Vào những năm 1976-1977 tôi có dịp đi với ông vài lần, khi thì đi với những người bạn của ông như tướng Đinh Đức Thiện (nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), ông Song Tùng, ông Long..., khi thì đi với mấy anh em trong gia đình tôi và bạn bè chúng tôi, có lúc đi xe ô tô, nhiều lần chúng tôi đèo ông bằng xe máy đi bắn sâm cầm vào mùa đông, bắn sít vào mùa hè, đi vào tận vùng Nho Quan, Gia Viễn - Ninh Bình rồi cả Thanh Hóa, Vĩnh Phú... Phải nói tướng Vịnh là một thợ săn rất giỏi, ông thực sự là một xạ thủ tài năng.
Ngoài cánh đồng thoáng đãng, bên sông, hồ lộng gió, tôi thấy ông vui vẻ, khỏe mạnh, tươi tỉnh, chuyện trò rất sôi nổi, ông nói chuyện về thơ văn, kể chuyện hài hước...
Về “vụ án xét lại, chống Đảng” mà lúc đầu điều tra người ta đã gán ghép cho ông, do đó bị kỷ luật rất nặng, ông không kể chuyện với ai, chắc vậy. Ông từng nắm nhiều trọng trách trong một công việc không được phổ biến rộng liên quan đến tổ chức, điều hành chiến tranh giải phóng miền Nam, có lúc với tư cách là Thường trực Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng, ông còn phụ trách cả công tác tình báo quân đội, cho nên ông rất kín tiếng và nguyên tắc. Dù vậy, có lúc tôi được ông tâm sự, chia sẻ một số chuyện, đặc biệt trong một chuyến đi dài ngày với ông cùng cha tôi lên một tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, sau này tôi cũng có ý thức tìm hiểu về chuyện của ông, qua một số chiến hữu, đồng đội cũ của ông, đặc biệt là được nghe chú Bảy Dự, người từng phụ trách công tác binh vận của Trung ương cục miền Nam, sau này là Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, kể lại nhiều chuyện về ông. Tôi đã chuyện trò nhiều với bà Trương Thị Châu, người vợ gắn bó với ông từ khi còn ở chiến trường Đông Nam Bộ thời chống Pháp... cũng như qua những người thân khác của ông trong gia đình. Nhờ đó mà tôi có được khá nhiều thông tin về ông, về nỗi oan trái của ông để có thể chia sẻ với các bạn.
Chia sẻ những câu chuyện về tướng Vịnh, như về số phận một con người mà tôi rất kính trọng, về một vị tướng tài ba bị oan trái trong lịch sử nước nhà, tôi cũng có suy nghĩ riêng và muốn gửi vài thông điệp.
Kỳ 2: Vị tướng tài ba mắc họa khi đang ở độ tuổi sung sức
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và được phục hồi chức vụ khi tuổi đã 59 (tháng 10.1977).
-Nhà báo Quốc Phong: Tôi cũng từng là người lính, sau đó theo nghiệp báo chí nên tôi cũng quan tâm đến lịch sử đất nước, lịch sử quân đội. Quả thật, bấy lâu nay chúng tôi có nghe loáng thoáng câu chuyện về tướng Vịnh nhưng không ngờ anh lại là người thân của cụ. Cũng từng tìm hiểu về ông mà cảm thấy có nhiều điều không rõ ràng. Đến khi đọc cuốn sách “Tướng Vịnh, như anh vẫn sống”, được xuất bản năm 2003 mới được biết nhiều về cuộc, sự nghiệp vì nước quên thân của vị tướng tài ba, trí dũng, nhân nghĩa... Nhưng tôi vẫn muốn biết thêm về cuộc đời ông, về nỗi oan nghiệt đã đổ lên đầu ông vào năm 1968 và câu chuyện minh oan cho ông vào cuối năm 1977…
-Ông Bùi Huy Hùng: Chúng ta sẽ khó mà biết được đầy đủ về chuyện này, về vụ án “nhóm xét lại, chống Đảng” đã xảy ra vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, vụ án mà tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng khóa III, là 1 trong 4 người thuộc “nhóm đó”. Có lẽ, chỉ khi nào tài liệu lưu trữ được giải mật theo một đạo luật nào đó như ở các nước văn minh thì các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến việc này mới được tiếp cận đầy đủ thông tin chính thức.
Nhưng có một điều có thật, đó là vào khoảng giữa năm 1968 Trung tướng Nguyễn văn Vịnh đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, điều tra. Gần 4 năm sau, vào ngày 27.1.1972 BCHTƯ Đảng (khóa III) đã có “Quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, tước quân hàm trung tướng, cách chức Thứ trưởng, Phó tổng tham mưu trưởng, cách chức Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, khai trừ ra khỏi Đảng” đối với tướng Nguyễn Văn Vịnh. Rồi đến ngày 13.10.1977, Bộ Chính trị (BCHTƯ Đảng khóa IV) đã có quyết định trong đó ghi rõ “đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng”.
Trên cơ sở đó, ông được khôi phục Đảng tịch, được trao lại quân hàm tướng, nhưng là từ trung tướng hạ xuống thiếu tướng. Điều đáng lưu ý là người phụ trách việc này của Trung ương Đảng khi đó là ông Lê Đức Thọ, và cũng chính ông Thọ đã đưa tận tay cái quyết định có ý nghĩa “giải oan” cho tướng Vịnh tại khu B bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, nơi ông đang điều trị. Thế rồi sau khi ông Thọ vào thăm, ông đã có ý kiến thế nào đó nên tướng Vịnh được chuyển sang khu vực điều trị dành cho cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, ông Vịnh nói khéo rằng mình sắp xuất viện, không chịu sang khi bệnh viện đến thông báo.
Và tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp hiếm hoi đó giữa hai người, kể từ khi xảy ra chuyện lớn với tướng Vịnh gần 9 năm trước, tôi cũng được đọc những dòng chữ quan trọng ghi trên tờ giấy đó, sau khi ông Thọ ra về.
Chúng ta đang đề cập đến hai chuyện khác nhau, tuy có liên quan với nhau, đó là, cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng", và chuyện về việc kỷ luật và “minh oan” của tướng Vịnh. Tôi chỉ có thông tin về chuyện của tướng Vịnh. Bạn hỏi về ông, về chuyện của ông tôi có thể nói một cách trung thực, thẳng thắn và cố gắng khách quan để trao đổi ý kiến của mình với bạn.
Bìa cuốn sách xuất bản năm 2003 nhưng không đề cập chút nào lý do tướng Vịnh bị hàm oan
-Vâng! Cám ơn anh vì sự thẳng thắn. Theo anh, vì sao lại xảy ra một chuyện đáng tiếc như vậy?
-Ông Bùi Huy Hùng: Trong chính trường, những chuyện lớn đáng tiếc như thế đã từng xảy ra. Mà nó xảy ra không chỉ ở nước ta. Vấn đề là nên nhìn nhận nó như thế nào và làm gì để những “trang tối”, những bi kịch chính trị như vậy sẽ không lặp lại.
Chúng ta đều biết trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, Nhà nước Xô viết đã từng có giai đoạn có thể gọi là những “trang đen tối”, khốc liệt dưới thời ông Stalin vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ trước, nó kéo dài đến thời kỳ chiến tranh vệ quốc 1941.
Chỉ vì khác quan điểm về lựa chọn con đường xây dựng xã hội mới mà một trong những lãnh tụ xuất sắc nhất của ĐCSLX, Nhà nước Xô viết, người được Lênin đánh giá rất cao là ông Bukharin đã bị cách mọi chức vụ, bị tống giam vào tù và sau đó bị xử bắn vì bị khép vào tội “phản Đảng, phản bội Nhà nước Xô viết...”.
Ông Bukharin là nhà trí thức trẻ, một trí thức tài giỏi, lại sớm tham gia Đảng Bônsêvich từ lúc hoạt động bí mật, sau đó là Uỷ viên BCT. Ông là người không đồng tình với chủ trương cải tạo XHCN, hợp tác hóa nông nghiệp vội vàng... Ông chủ trương phát triển quan hệ thị trường, kinh tế tư nhân. Ông từng công khai kêu gọi mọi người dân làm giàu để xây dựng xã hội mới. Điều đó trái với đường lối do Stalin chỉ đạo. Và ông đã gặp họa. Phải đến hơn 50 năm sau, ở Liên Xô thời cải tổ, người ta mới phục hồi danh dự cho ông.
Trong lịch sử Hồng quân Xô viết, cũng vào cuối những năm 30, một loạt sĩ quan cao cấp, trong đó có cả những vị nguyên soái tài ba lỗi lạc đã bị tống giam, có nhiều người bị xử bắn không qua xét xử công khai, trong đó có cả vị nguyên soái huyền thoại Tukhachevsky (trong 5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô được phong quân hàm vào năm 1935, thì 3 ông bị tống giam và bị xử bắn vào năm 1937). Phải đến vài chục năm sau, họ mới được minh oan và phục hồi danh dự.
Khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước Xô viết nhận ra sai lầm, đã trả lại tự do, phục hồi chức vụ cho những người còn bị giam giữ ở Siberia ngay trước khi nổ ra chiến tranh vệ quốc tháng 6 năm 1941, những con người trung thành với đất nước đã gạt bỏ những nỗi đau oan trái, tiến ra chiến trường với tất cả nhiệt huyết, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn sang nước Trung Hoa XHCN cũng vậy. Ngay từ những năm đầu tiên xây dựng xã hội mới sau cách mạng thành công năm 1949, liên tục diễn ra các cuộc thanh trừng nội bộ ở cấp cao dưới thời ông Mao Trạch Đông. Đỉnh cao của đấu tranh nội bộ là cuộc “đại cách mạng văn hóa” do ông Mao phát động vào giữa những năm 1960.
Hậu quả của nó, theo thống kê của báo chí Trung Quốc là 20 triệu cán bộ đảng viên bị sát hại bằng nhiều cách, trong đó có cả Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, một số ủy viên Bộ Chính trị, một loạt phó thủ tướng, bộ trưởng, nguyên soái, tướng tá từng là công thần lập nước và khoảng 100 triệu người bị đàn áp, khủng bố, bị đầy ải đến những vùng xa xôi hẻo lánh.
May cho nước Trung Hoa là có người dù bị kỷ luật lên xuống, 3 lần bị đuổi ra rồi quay lại Trung Nam Hải, cuối cùng cũng thoát hiểm và ông ấy, Đặng Tiểu Bình đã nắm trọn quyền lực một thời gian sau khi ông Mao chết, đã khởi xướng đường lối cải cách mở cửa, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước Trung Hoa hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên được những sai lầm của ông ta, do tư tưởng bá quyền nước lớn đã phát động chiến tranh xâm lược chống Việt Nam năm 1979...
-Đúng là như vậy! Cũng thật khó hiểu tại sao ở các nước xây dựng xã hội XHCN lại xảy ra những chuyện khủng khiếp như anh vừa nhắc đến? Phải chăng tinh thần dân chủ, phê và tự phê của hệ thống XHCN có phần bảo thủ và hạn chế tư tưởng? Trở lại câu chuyện của tướng Vịnh, anh có thể nói cụ thể hơn không? Vì sao ông Vịnh lại bị quy kết vào "nhóm chống Đảng", rồi lại được minh oan?
-Ông Bùi Huy Hùng: Ta thử hình dung tình thế chính trị nước ta gắn với tình hình phe XHCN suốt những năm từ 1960-1968 và đầu những năm 70. Đảng ta, nhân dân ta mong muốn thống nhất đất nước. Bằng cách nào? Ngoài quyết tâm và sức mạnh dân tộc, rõ ràng phải dựa vào sự giúp đỡ thiết thực của các nước bạn, trong đó chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.
Thế nhưng, hai nước anh em này thì lại trong trạng thái mâu thuẫn căng thẳng, nhất là từ sau năm 1960. Một ông thì bị xem là xét lại, hòa hoãn với phương Tây, với đường lối chung sống hòa bình, thi đua phát triển. Ông kia thì được xem là giáo điều, quyết chống Mỹ triệt để, tuyên bố sẵn sàng chiến tranh tổng lực, khích lệ Việt Nam chống Mỹ (sau này mới té ra là ông ta "muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"!!!).
Tôi nghĩ rằng, trong tình hình phức tạp như vậy việc trong giới lãnh đạo cao cấp ở nước ta có sự khác nhau về nhận định tình hình quốc tế, phương pháp tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước là điều dễ hiểu. Dù tất cả cũng là vì sự nghiệp chung, nhưng quan điểm có tính chiến lược, một số vấn đề về đường lối cách mạng, nhất là vấn đề đấu tranh thống nhất đất nước… ở thời điểm đó bắt đầu có sự khác biệt.
Đọc một số tư liệu lịch sử công khai, chúng ta biết rằng ngay Bộ Chính trị khi đó được tách làm hai nhóm, một nhóm “lo” việc chiến tranh giải phóng miền Nam do ông Lê Duẩn phụ trách, nhóm khác “lo” xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Và điều đặc biệt nhất là khi đó, các vị lãnh đạo đã đồng ý với nhau để “nhóm miền Nam” có quyền quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành chiến tranh giải phóng miền Nam, sau đó báo cáo lại sau. Phải chăng, đó có thể được coi là một giải pháp khôn ngoan trong tình thế phức tạp khi đó, tình thế chiến tranh và có sự khác nhau về quan điểm.
Xem xét lại một số văn bản chính thức thì thấy cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng” có tên các ông là Ủy viên trung ương Đảng (khóa III): Nguyễn Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng. Điều kỳ lạ là ông Đặng Kim Giang khi đó mới là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, không phải là Ủy viên trung ương mà lại được xem là "đứng đầu nhóm"(!?)
Tướng Vịnh, cho đến lúc được “minh oan”, bị quy kết là có quan hệ và câu kết với ông Giang cho nên bị xếp vào nhóm nói trên và bị kỷ luật rất nặng. Bi kịch là ở chỗ đó. Vậy tướng Vịnh có quan hệ như thế nào với ông Giang?
Chuyện là ngay đối diện với ngôi nhà 34A Cao Bá Quát, Hà Nội nơi tướng Vịnh ở, bên kia đường phố là nhà ông Đặng Kim Giang. Ông Giang thỉnh thoảng có ghé qua thăm ông Vịnh, chủ yếu là buổi tối hoặc ngày nghỉ, đặc biệt là sau những những chuyến ông Vịnh bí mật đi vào Nam công tác. Đúng là ông Vịnh có chuyện trò, trao đổi thông tin về tình hình chiến sự, nhận định xu hướng diễn biến và các biện pháp đấu tranh, v.v... với ông Giang. Tướng Vịnh đã không hề biết và không ngờ rằng ông Giang đang bị theo dõi đặc biệt.
Các cuộc gặp gỡ giữa hai vị tướng đương nhiệm đều được quan sát và ghi nhận từ một căn phòng nhỏ ở tầng 3 ngôi nhà 60 Hoàng Diệu, cách nhà tướng Vịnh vài chục mét.
Như tướng Vịnh kể lại với tôi, căn phòng dùng để theo dõi ông lại chính do ông đồng ý cho người ta mượn mà không hề hay biết. Theo lời ông, ngôi nhà 3 tầng số 60 phố Hoàng Diệu thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thống nhất Trung ương mà ông là thủ trưởng (Chủ nhiệm). Tại ngôi nhà này, Ủy ban bố trí cho các cán bộ của mình ở, bà Nguyễn Thị Bình (khi đó là Phó vụ trưởng, sau này là Phó chủ tịch nước) từng được Ủy ban phân cho 1 căn phòng cũng tại đó.
Một hôm, người ta báo cáo với tướng Vịnh rằng, một cơ quan khối nội chính có cán bộ đi Nam công tác đặc biệt; họ xin mượn một phòng nhỏ trên tầng 3 để bố trí cho gia đình cán bộ đó. Nghĩ thương anh em, dù là khác cơ quan nhưng cũng là đồng chí với nhau cả, ông đã đồng ý. Và thế là căn phòng đó trở thành "đài quan sát lý tưởng" cho việc từ trên cao, họ bí mật theo dõi người ra vào nhà ông. Trớ trêu như vậy đấy!
Sau này, khi bị tổ công tác đặc biệt của Trung ương truy hỏi về nguồn cung cấp tin chiến trường và đối sách của ta, ông Đặng Kim Giang đã khai là từ trung tướng Nguyễn Văn Vịnh. Quá trình điều tra khá dài, và chắc là rất phức tạp, người ta đã không tổ chức để ông Vịnh được đối chất với ông Giang theo đề nghị của ông. Ông Vịnh đã bị quy kết "tham gia nhóm chống Đảng do ông Đặng Kim Giang cầm đầu" trong báo cáo chính thức trình Trung ương về kết luận điều tra hoạt động của nhóm xét lại, chống Đảng.
Phải đến ngày 13.10.1977, trong Quyết định của Bộ Chính trị (BCHTƯ khóa IV) về việc giảm án kỷ luật cho đồng chí Nguyễn Văn Vịnh mới ghi rằng “Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang...”. Cũng tại Quyết định nêu trên ghi rõ “... kỷ luật đã quyết định trong nghị quyết ngày 27.1.1972 kể trên là không phù hợp với mức độ sai lầm của đồng chí Vịnh...”.
Như tôi đã nói lúc đầu, chúng ta có quá ít thông tin về vụ án này, cái gì là chứng cứ thật, cái gì là ngụy tạo, suy diễn và quy kết? Nhưng theo tôi, một người như tướng Nguyễn Văn Vịnh, được các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng... trong nhóm các Ủy viên BCT phụ trách tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam, một vị trung tướng được giao nắm giữ 4 trọng trách, một trong những người chủ chốt trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể về quân sự, chính trị đấu tranh giải phóng miền Nam theo nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng từ những ngày đầu cho đến giai đoạn quyết định nhất (1968), không thể là người “xét lại”, người mưu cầu hòa hoãn, hòa bình, lại càng không thể là người tham gia vào một “nhóm xét lại, chống Đảng”.
Đó là chưa kể đến quá trình tham gia hoạt động cách mạng, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở khu 8, khu 9, phân khu miền Đông Nam bộ... với những cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhưng thực tế là ông đã bị kỷ luật nặng và sau đó được “minh oan” một phần qua quyết định giảm án muộn mằn như báo Thanh Niên vừa rồi lần đầu công khai sau 50 năm để chúng ta được biết...
Kỳ 3: Những năm tháng đắng cay nhưng không chịu lùi bước...
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và được phục hồi chức vụ khi tuổi đã 59 (tháng 10.1977).
- Nhà báo Quốc Phong: Thật buồn cho lịch sử với những khúc quanh, những điều oan trái xảy đến cho những con người vì nước quên thân như tướng Vịnh. Xin hỏi thêm anh: Tướng Vịnh đã phản ứng như thế nào khi bị kỷ luật, có thể nó rơi vào hoàn cảnh của một con người thuộc diện đỉnh cao trong quân đội bị đẩy xuống vực sâu?
- Ông Bùi Huy Hùng: Ngay sau khi bị đình chỉ công tác để kiểm điểm và điều tra, ông Vịnh rất buồn. Điều đau buồn nhất với ông là biết bao công việc hệ trọng liên quan đến sự nghiệp giải phóng miền Nam mà ông dồn toàn tâm, toàn trí suy nghĩ, tổ chức thực hiện trên cương vị cao, nắm nhiều trọng trách bị đột ngột dừng lại (ông từng là người góp phần quan trọng tham gia một phần nội dung của Nghị quyết Trung ương 15, nghị quyết về Cách mạng giải phóng miền Nam. Ông cũng là người đưa ra đề xuất mở đường mòn Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển cũng như là người thay mặt Quân ủy Trung ương vào Nam truyền đạt thay đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chủ chương đánh Mỹ giai đoạn 1968...).
Ông đã bị loại ra khỏi công việc vào lúc tình hình cách mạng miền Nam đang căng thẳng nhất, khó khăn nhất sau tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, mà chính ông là người trực tiếp tham gia xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đó, từng dự tính các phương án xử lý các tình huống khác nhau sau Mậu Thân.
Khi bị truy vấn về việc quan hệ với ông Đặng Kim Giang và "nhóm xét lại chống Đảng”, ông đã phản ứng gay gắt. Ông đã đặt lại vấn đề trực tiếp với một vị tướng (tôi không tiện nêu tên) phụ trách tổ điều tra đặc biệt rằng nếu anh ở địa vị tôi (Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương), khi anh Đặng Kim Giang, đương chức thiếu tướng phụ trách cả ngành hậu cần của quân đội và chi viện cho miền Nam đến nhà anh thì anh có tiếp không? Có nói chuyện liên quan công việc không? Và nếu như anh tiếp anh Giang, có lẽ người bị truy xét hôm nay sẽ là anh, chưa chắc phải là tôi...
Rất căng thẳng, và cũng rất bất lợi cho ông vì câu trả lời thẳng thắn của ông với một người rất có quyền lực đang trực tiếp phụ trách việc điều tra xét hỏi ông.
Sau khi BCHTƯ ra nghị quyết cách chức UVTƯ, khai trừ Đảng, tướng Vịnh đã được ông Lê Văn Lương mời đến văn phòng nhận quyết định kỷ luật, và ông đã đến. Tại cuộc gặp mặt, dù ông rất quý trọng ông Lương, nhưng ông đã phản ứng rất gay gắt, thậm chí đã không kiềm chế được mình để nói ra những lời rất nặng nề.
Khi ông Lương nhẹ nhàng nói những lời an ủi động viên và định đưa quyết định của Trung ương cho ông Vịnh, ông Vịnh đã không đưa tay ra nhận. Ông đã nói rằng: “Đây là một quyết định sai lầm, một quyết định bất công… Tôi không chấp nhận, đề nghị anh trả lại quyết định này cho Trung ương”.
Nói xong, ông đứng dậy ra về. Câu nói nặng nề này của ông tôi được nghe từ vợ ông, bác sĩ Trương Thị Châu kể lại vào dịp Tết Mậu Tuất vừa rồi. Hôm đó tôi vào Sài Gòn, có đến thăm bà. Sau khi thắp nén hương cho ông trên bàn thờ để ở phòng khách, tôi đã ngồi chuyện trò với bà cả tiếng. Khi kể lại chuyện của ông, bà còn rất minh mẫn, nhắc lại những câu nói nặng nề này của ông và khẳng định lại một lần nữa với tôi rằng, chính ông Lê Văn Lương đã nhắc lại và cho bà biết về phản ứng của tướng Vịnh và những lời nói nặng nề mà ông Vịnh đã nói ra với ông.
Ngay sau ngày ông Vịnh đến Văn phòng Trung ương phản ứng gay gắt, không nhận quyết định kỷ luật, ông Lương đã cho mời bà Châu đến gặp ông ấy. Tại cuộc gặp gỡ đó, ông Lương nói với bà Châu rằng, chuyện đã đến mức này, thiểu số phải phục tùng đa số, anh Vịnh phản ứng gay gắt, nói nặng lời… tôi đề nghị chị vì chị là đảng viên, gần gũi nhất với anh Vịnh, chị cần đặc biệt quan tâm lúc này, chăm sóc và động viên anh ấy tránh để có điều gì đáng tiếc xảy ra. Chuyện của anh ấy tổ chức sẽ tính sau, nên như thế nào.
Có lẽ với kinh nghiệm làm công tác tổ chức lâu năm, ông Lê Văn Lương đã cẩn thận lường trước tình huống xấu có thể xảy ra. Đúng như thế. Theo những người thân trong gia đình tướng Vịnh kể lại, sau khi bị kỷ luật, có những giây phút trong ông đã xuất hiện ý nghĩ tiêu cực. Như một quân nhân tự trọng, trong những ngày căng thẳng đó, có lúc ông, một mình trong phòng riêng đã lấy khẩu súng ngắn bằng thép trắng, vật kỷ niệm của Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tặng ông, ra lau chùi, nạp đạn... Nhưng thật may mắn, ông đã tĩnh tâm trở lại.
Có một chuyện đặc biệt nghiêm trọng mà ông hình như không thổ lộ ra ngoài, nhưng sau này, ai đó từ số anh em bảo vệ gần gũi đã nói ra để sau đó người ta thêm vào cho ly kỳ, dù đó chỉ là một phần sự thật. Chuyện này tướng Vịnh nói với tôi trong chuyến đi dài ngày với lời dặn rằng, ba nói để con rút kinh nghiệm trong cuộc đời (vì khi đó, đầu năm 1977 tôi đã rời quân đội về làm cán bộ của Ban Nghiên cứu về quản lý kinh tế trực thuộc Phủ Thủ tướng). Ông kể rằng, vào khoảng đầu năm 1968 có cuộc họp của Quân ủy Trung ương thảo luận về diễn biến của tình hình phức tạp ở miền Nam và đối sách tiếp theo. Tại cuộc họp đó, tướng Vịnh đã báo cáo các phương án, đề nghị tăng quân, vũ khí… cho miền Nam. Kết thúc cuộc họp, ông Lê Đức Thọ bảo tướng Vịnh về nhà ông Thọ ở phố Nguyễn Cảnh Chân gặp riêng. Hai ông lên gác, vào phòng riêng của ông Thọ. Như mọi khi, ông Thọ tự tay pha trà, hai ông bắt đầu câu chuyện. Tướng Vịnh tranh thủ báo cáo thêm một số việc. Được một lúc thì ông Thọ gạt đi và nói rằng, thôi công việc chiến trường để bàn sau, hôm nay tớ muốn hỏi cậu một số việc. Lúc đầu, như mọi lần gặp gỡ giữa hai người, cả cách xưng hô lẫn nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng, thân tình; được một lúc, ông Thọ đứng dậy tiến đến bàn làm việc cầm một xấp tài liệu và hỏi ông Vịnh: Cậu và Đặng Kim Giang quan hệ thế nào? Tướng Vịnh đã kể lại với tôi rằng, nhìn xấp tài liệu, xem thái độ của ông Thọ, ông hiểu rằng, có chuyện phức tạp gì đó đang đến.
Ông đã vặn lại ông Thọ rằng, anh là người lãnh đạo của tôi bao nhiêu năm nay, anh hiểu tôi, quá trình công tác của tôi, sao anh lại hỏi như vậy? Anh không tin tôi à?
Nói đi nói lại một hồi, không khí bắt đầu nóng lên.Ông Thọ bắt đầu to tiếng, “tớ tưởng tớ hiểu cậu hóa ra không phải, xem đây này (giơ tập tài liệu trên tay ra đưa về phía ông Vịnh)! Thằng Giang nó khai hết rồi. Cậu còn cãi nữa không?” Ông Vịnh cũng không vừa, cũng to tiếng không kém. Đỉnh điểm của cuộc “nói chuyện” giữa hai ông là ông Thọ đập tay xuống bàn tuyên bố: “Cậu có còn muốn ở trong Đảng nữa không?” Ông Vịnh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề đã không kiềm chế, tuyên bố thẳng tưng: “Đảng ở trong trái tim tôi, ai mà nghe Giang để rồi đuổi tôi ra khỏi Đảng thì người đó là đao phủ của Giang”. Nói xong, ông đi thẳng ra cửa xuống tầng 1 ra về. (Tôi xin lỗi giữ nguyên từ “thằng” mà các ông đã dùng trong cuộc nói chuyện căng thẳng hôm đó mà tôi được ông trực tiếp kể cho nghe).
Từ đó, bẵng đi vài năm, ông không xin gặp và không gặp lại người thủ trưởng năm xưa trong Nam bộ, người lãnh đạo cao cấp đầy quyền lực, người đang phụ trách việc điều tra, xử lý vụ án “xét lại chống Đảng” mà lúc đó người ta đang muốn khép ông vào. Các sĩ quan bảo vệ trực phía dưới cũng chưa bao giờ nghe thấy tiếng đập bàn, tiếng người cao giọng nói to từ trên gác vọng xuống trong ngôi biệt thự bình thường vốn luôn yên ắng, trang nghiêm.
Tướng Vịnh sau này đã ân hận vì sự thiếu kiềm chế, thiếu khôn khéo của mình ngày đó. Bình thường ông là người rất bình tĩnh, khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, sắc sảo nhưng hiền từ. Vậy mà, khi bị đe nẹt, cảm thấy bị xúc phạm, ông đã không kiềm chế được cảm xúc. Chính ông nói rằng, ông Thọ rất quý ông vì ông vừa là bạn tù Côn Đảo, lại là đồng hương cùng huyện ở Nam Định. Song có lẽ cái buổi chiều tối không may mắn đó, mọi việc đã đi quá giới hạn.
Đó là chuyện xảy ra vào năm 1968. Gần 4 năm sau, lại một chuyện khác. Ông kể với tôi rằng, trước ngày BCHTƯ họp bàn về xử lý nhóm xét lại chống Đảng, tướng Vịnh đã xin gặp ông Lê Đức Thọ, đề nghị được tham dự cuộc họp và trình bày về vấn đề của mình trước khi Trung ương thảo luận, ra quyết định. Chính ông Lê Đức Thọ đã nói với ông rằng, việc của cậu cũng đã rõ, cậu có khuyết điểm nhưng đúng là không tham gia nhóm chống Đảng. Nếu cho cậu đến họp mà không cho đám kia đến thì sẽ phức tạp. Thôi, cứ yên tâm đi.
Thế rồi ông đã tin lời cấp trên, ngồi nhà chờ đợi.Thật không ngờ, hôm sau, một quyết định như trời giáng xuống đầu ông. Không bị “sốc” nặng thì mới là lạ! Ông đã phản ứng mạnh mẽ, phản ứng của một con người cảm thấy bị oan ức.
Phản ứng gay gắt của tướng Vịnh lúc đầu là như vậy. Nhưng rồi, sau một thời gian ngắn, ông tự lấy lại thăng bằng; với sự động viên của vợ con, chiến hữu chí cốt, ông đã tự đứng lên tổ chức lại cuộc sống, sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe và "chiến đấu", ông đã viết đơn kháng án, kêu oan gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ông đã viết nhiều đơn với những lời lẽ, chứng cứ xác đáng chứng minh mình vô tội, gửi nhiều lần, đặc biệt là trước và sau Đại hội IV. Ông đã phải đợi đến hơn 1 năm nữa sau đại hội, với sự ủng hộ của các chiến hữu, bạn bè, nhất là những người trở về từ chiến trường miền Nam sau khi nước nhà thống nhất, tổ chức mới xem xét lại việc kỷ luật ông và ra một quyết định mới. Tuy nhiên, quyết định có tính chất minh oan cho tướng Vịnh, rất tiếc là đã không được phổ biến rộng rãi, ngay cả trong Đảng, nên việc của ông ít người biết. Người dân càng không hề biết.
- Vâng! Thật đáng tiếc cho ông và cho sự nghiệp chung, khi mất một vị tướng tài ba, bản lĩnh, kiên cường.Theo như chúng tôi biết, tướng Vịnh có quan hệ rất gần gũi với các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và quân đội thời kỳ đó, lại là người được tin cậy giao nhiều trọng trách. Làm sao mà các vị lãnh đạo đầy quyền lực đó có thể tin vào việc ông tham gia vào nhóm xét lại chống Đảng và tại sao họ không bảo vệ ông, người chiến hữu gắn bó với họ như vậy?
- Ông Bùi Huy Hùng: Đây chính là điều mà cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho chính mình dù cũng có nhiều mối quan hệ xã hội .
Theo những gì tôi biết, tướng Vịnh có quan hệ rất thân tình và tin cậy với các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ… ngay từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến sau này (bạn bè, đồng chí của ông đã viết trong cuốn sách về ông cũng khẳng định điều này). Có lẽ vì đánh giá tài năng, công lao và đạo đức của ông Vịnh nên các vị lãnh đạo đã tin cậy giao cho ông những trọng trách, đề bạt cất nhắc ông rất sớm so với nhiều người khác cùng thời. Ông Phạm Hùng cùng ông Mai Chí Thọ (em trai ông Lê Đức Thọ, sau này từng là Bộ trưởng Công An) vào năm 1950-1951 còn đứng ra mai mối tổ chức cưới vợ cho ông Vịnh ở chiến khu D, Đông Nam Bộ. Ngay cả ông Võ Nguyên Giáp tuy ở “nhóm khác” cũng có những nhận xét đánh giá cao về tướng Vịnh, và theo như tôi được biết cũng rất quý trọng ông khi ông được điều ra Bắc từ sau 1954. Vậy mà, không hiểu sao ông vẫn bị ghép bản án kỷ luật rất nặng, phải chịu oan trái suốt gần 3.000 ngày. Tôi cũng rất muốn biết sự thật, muốn biết khi biểu quyết khai trừ Đảng, tước quân hàm tướng Vịnh, tại Hội nghị Trung ương (khóa III) tháng 1.1972 thái độ của các vị lãnh đạo nêu trên thế nào, ngoại trừ ông Nguyễn Chí Thanh đã mất từ giữa năm 1967.
Phải chăng, thứ chính trị lớn là vậy? Trong chính trị lớn có cái gì đó huyền bí, không dễ gì lý giải. Các quyết định được đưa ra tùy thuộc vào tình thế tương quan lực lượng các bên, vào bản lĩnh của mỗi người và quan trọng nữa là quyết định được đưa ra có phải là kết quả của việc được thông tin trung thực, khách quan, được dân chủ trình bày quan điểm, tranh luận… hay không?
Phải công bằng mà nói, tuy không bảo vệ được ông Vịnh tại Hội nghị TƯ năm đó, nhưng theo những gì tôi biết thì ông Lê Duẩn, ông Phạm Hùng và ngay cả ông Lê Đức Thọ - người trực tiếp phụ trách xử lý vụ án này, tuy có lúc đã rất gay gắt trước phản ứng của tướng Vịnh, sau này đã có những động thái “đỡ” cho ông. Và đó là điều ông may mắn hơn những người khác trong thời gian gặp họa. Ngay cả sau khi bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, quân đội, bị khai trừ Đảng người ta vẫn giữ lại cho ông nhà ở, bảo vệ, cần vụ…(lương bổng, phương tiện đi lại và chế độ cung cấp có bị hạ xuống một bậc chỉ như cấp thứ trưởng đương chức). Việc công tác, học hành của vợ con tuy bị ảnh hưởng, liên lụy nhưng vướng ở đâu lại có người gỡ cho ở đấy, không công khai. Chuyện vợ ông, bác sĩ Trương Thị Châu vẫn được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh khi ông đã từng bị kỷ luật có thể là một ví dụ rõ nhất. Mà không ai khác, chính ông Lê Đức Thọ đã là người có ý kiến thuận khi lãnh đạo thành phố này hỏi ông.
Nghe nói, qua người thân, ông Duẩn, ông Thọ... đã tỏ ra rất ái ngại và có phần ân hận vì để tướng Vịnh chịu án kỷ luật quá nặng. Và chính vì vậy, sau Đại hội IV, cùng nhiều vị lãnh đạo khác, các ông ấy đã đưa việc kỷ luật tướng Vịnh ra xem xét lại để “minh oan” cho ông bằng một quyết định mới của Bộ Chính trị.
Ông Lê Đức Thọ đã gặp ông ở bệnh viện Việt Xô, trực tiếp trao quyết định cho ông Vịnh như đã nói ở trên. Ông Lê Duẩn còn quyết định bố trí cho tướng Vịnh một công việc khác, hình như sẽ làm thứ trưởng một bộ nào đó sau khi cho ông đi chữa bệnh, nghỉ dưỡng ở nước ngoài vào giữa năm 1978. Không may ông đã mất đột ngột. Người lính vào tuổi 60, có lẽ đã hết sức lực sau gần 9 năm thầm lặng "chiến đấu" vì danh dự của chính mình, nỗi oan trái đã gặm nhấm, hủy hoại tinh thần, cơ thể ông. Chỉ có hài cốt ông đã hóa tro bụi và trở về với đất mẹ.
Cũng còn một niềm an ủi nữa với linh hồn ông và gia đình là Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy điệu ông khá trang trọng vào tháng 6.1978 tại Câu lạc bộ Quân đội ở phố Hoàng Diệu do Thiếu tướng, Thứ trưởng Bùi Phùng chủ trì.
Vào tháng 6 năm đó, con trai tôi ra đời. Rất tiếc ông đã không biết mặt cháu. Vậy mà đã 40 năm trôi qua...
Quốc Phong
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét