Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Mobifone và AVG hủy hợp đồng: ưu tiên thu hồi tài sản hơn truy tố?


Trùm Năm Cam khi chết có câu để đời: cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua đươc bằng rất nhiều tiền.

Cuộc họp chiều 12.03, Mobifone và AVG thống nhất huỷ hợp đồng chuyển nhượng


Lợi thì có lợi!

Kết quả của cuộc họp là sự thương lượng giữa những người liên quan giữa AVG với những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, và là sự vận dụng nguyên tắc ‘ưu tiên thu hồi tài sản hơn truy tố’ của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Với bản thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, AVG sẽ hoàn trả 30% tổng giá trị hợp đồng trong 10 ngày, nghĩa là con số sẽ ở mức 11.000 tỷ đồng. Điều này tương đương với việc hồi trả lại 11.000 tỷ vào lại ngân sách nhà nước.

11.000 tỷ đồng được thu hồi sẽ là con số đáng nhớ, bởi trước đến nay, hầu như các vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng đều không thu hồi được giá trị tài sản bị mất mát. Gần nhất đây, ngay như vấn đề của Trịnh Xuân Thanh – người gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nhưng khi ra hầu toà thì chỉ bị truy cứu tham ô ở mức 14 tỉ đồng. bản thân ông Trịnh Xuân Thanh thông qua gia đình đã nộp đủ 4 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô cho Cục thi hành án TP Hà Nội. Hay như thu hồi lại không đúng giá trị tài sản bị thất thoát, ví như Ụ nổi 83M, khi đưa ra xét xử thì Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc – hai người có liên quan trong vụ án tham ô tài sản bị tuyên án tử hình, nhưng giá bán lại Ụ nổi 83M chỉ ở mức 38,5 tỷ đồng, so với tổng giá trị của nó là 500 tỷ đồng.


Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, và việc kê khai tài sản ở Việt Nam còn quá nhiều yếu kém, thì việc thu hồi được 11.000 tỷ đồng là đáng lưu ý, ít nhất nó cũng nhằm giải tỏa một phần các dự án nhà nước đang bị kẹt vốn.

Ngoài ra, sự kiện này cũng là một thỏa thuận chính trị bởi hơn ai hết, đằng sau thương vụ định giá 9.000 tỷ đồng này có bóng dáng của bà Nguyễn Thanh Phượng, của ông Trần Nhật Vượng (Vingroup), lẫn nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, thì cân nhắc ‘đánh chuột nhưng không vỡ bình’ (cả về tài chính nhà nước lẫn quan hệ trong nội bộ đảng) lại nghiệm đúng trong trường hợp ‘dùng tiền để tránh sự truy tố’.

Đối với những cá nhân lãnh đạo sai phạm trong sự vụ này, có thể tiến hành xử lý kỷ luật về Đảng, buộc rời bỏ chức vụ cũng là một phương án không hề tồi.

Nhưng hại về mặt tôn nghiêm pháp luật

Việc buộc các đối tượng sai phạm phải trả lại số tiền sai phạm và số phần đôi dư ra dù được đánh giá là một cách ‘dằn mặt’ các hành vi sai phạm, nhưng việc xử lý sai phạm kiểu này có thể xóa sổ tính chất pháp luật và sự tôn nghiêm vốn cần có ở nó.

Bởi lẽ, từ nay, các tỷ phú USD sẽ thoải mái hơn trong tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, để rồi sau đó sử dụng tiền để khắc phục hậu quả. Hay nói đúng hơn, ‘tiền che công lý’, và nói như trùm Năm Cam trước đây là: cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua đươc bằng rất nhiều tiền.

Cần lưu ý, các hành vi tham nhũng (hay trộm cắp tài sản) trong Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung, sửa đổi 2017) quy định rằng, người phạm tội nếu trả lại tài sản có thể được coi là hành vi tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả, là một trong các tính tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không được coi là tình tiết để miễn hình phạt. Nghĩa là, nếu đúng theo quy định pháp luật thì AVG sẽ phải bị truy tố trách nhiệm hình sự, và sau đó, nếu AVG ‘khắc phục hậu quả’ theo quy định pháp luật thì sẽ được giảm án. Chứ không phải dùng 11.000 tỷ đồng để có thể xóa hết mọi tội trạng và làm lại từ đầu như kết quả trong chiều ngày 12.03.

Câu chuyện dùng tiền để xóa tội cũng có thể là một sự xoay vòng nguồn tiền phạm pháp. Bởi lẽ, nếu đối tượng vi phạm trong tương lai là một tập đoàn lớn trong nước, thì số tiền mà tập đoàn này bỏ ra để chạy tội công khai lại chính là số lợi nhuận thu được từ ‘vận động hành lang’ chính sách có lợi, làm lợi từ chính tài nguyên quốc gia mà ra. Hay nói đúng hơn, những hành vi tội phạm lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà đối tượng là các tập đoàn tư nhân tỷ phú USD, thì việc tiến hành ‘xóa tội đổi tiền’ nêu trên sẽ là một phương thức ‘lấy mỡ nó rán nó’ – hay lấy tiền ăn của dân để xóa tội cho quan.

Điều đó đồng nghĩa, luật pháp quốc gia là tờ giấy được viết bởi những người siêu giàu, và chịu khó thỏa hiệp. Mảnh đất Việt Nam sẽ là nơi sản sinh nhiều nhất những Lã Bất Vi ‘buôn chính trị’. Dân rồi đây sẽ còn tin vào cái gì nếu luật pháp không còn giá trị hiện hữu?

Cần nhắc lại, trước đây ĐCSVN đã sử dụng ý chí chính trị đã xử vụ án Epco-Minh Phụng – một vụ án mà Đảng muốn loại bỏ trùm tư bản có khả năng lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên giờ đây, tư nhân được cân nhắc lên, và ý chí chính trị cũng theo đó được diễn giải theo, không loại bỏ mà tìm cách hòa hợp sống chung, trong khi tìm cách răn đe là chính

Dù sao cũng phải thừa nhận 11.000 tỷ đồng không hề nhỏ, và việc thu hồi là đáng khích lệ. Có lẽ, ông Nguyễn Phú Trọng cần phải gia cố nền pháp luật và tạo ra cơ chế kiểm soát tham nhũng tốt hơn, cho ra đời một công cụ răn đe cứng rắn hơn trước khi về hưu. Như chính cái cách ông từng tuyên bố: ‘Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp’.

Ánh Liên 

(VNTB) 

Không có nhận xét nào: