Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Vì sao Phương Tây và Pháp nhất thiết phải tấn công Syria ?

Trọng Nghĩa

mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và nguyên thủ Mỹ Donald Trump, tại thượng đỉnh G7, Hamburg, Đức, ngày 07/07/2017REUTERS/John MACDOUGALL,POOL
Trong những ngày qua, giọng điệu của Mỹ và các nước phương Tây, đối với chế độ Syria càng lúc càng đanh thép, đặc biệt là của Pháp và Hoa Kỳ; hai vị tổng thống Macron và Trump đã nhiều lần điện đàm về khả năng tấn công Syria, để trừng phạt chính quyền Damas về tội vẫn dùng vũ khí hóa học bị nghiêm cấm giết hại thường dân.




Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là vì sao Phương Tây, và đặc biệt là Pháp nhất thiết trừng phạt chế độ của tổng thống Bashar al Assad.
Theo nhận định chung, ngoài các lý do nhân đạo – không thể để người dân Syria vô tội bị sát hại một cách nhẫn tâm – còn có những nguyên do địa chính trị.

Một trong những lý do có thể được nêu lên đó là bài học rút ra từ trường hợp Bắc Triều Tiên, một nước được cho là từ lâu đã lao vào tiến trình chế tạo bom nguyên tử, thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ngày nay, trên nguyên tắc chỉ có 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được quyền sở hữu.
Tuy nhiên, phương Tây và Hoa Kỳ đã chần chờ không can thiệp dứt khoát, để cho ngày nay, Bắc Triều Tiên có thể được xem là đã sở hữu bom nguyên tử, trở thành một mối đe dọa khiến cho các nước khác ngần ngại khi nuôi ý định dùng võ lực đối với nước này.
Trong trường hợp của Syria, mối nguy không phải là hạt nhân mà là vũ khí hóa học, nhưng nếu quả thực là chế độ Damas lại dùng đến vũ khí này, thì rõ ràng là họ đã coi thường cộng đồng quốc tế vì trước đây đã từng cam kết tiêu hủy 100% kho vũ khí hóa học của mình. Nếu phương Tây tiếp tục không làm gì, thì rõ ràng là tạo điều kiện cho nước này trở thành một phần tử khó trị
Bên cạnh nguyên nhân xa đó, còn có một nguyên nhân rất gần, khiến cho phương Tây, và nhất là nước Pháp nhất thiết trừng phạt chế độ Damas, nếu cuộc điều tra xác nhận việc họ đã dùng đến vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.
Chỉ mới đây thôi, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vạch ra lằn ranh đỏ về vũ khí hóa học mà theo ông, chế độ al Assad không thể vượt qua. Ông từng tuyên bố: « Khi đặt ra lằn ranh đỏ mà không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là một lựa chọn của tôi ».
Đối với chuyên gia François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS tại Luân Đôn, chính vì đã đặt ra lằn ranh đỏ đó mà ông Macron sẽ không thể lùi bước. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Heisbourg xác định :
Chúng ta đang ở trong một trường hợp mà tổng thống Pháp phải đối diện với lằn ranh đỏ do chính ông vẽ ra cách nay khoảng 1 năm.
Và theo tôi, ông ấy sẽ phải trả giá khá đắt nếu không thực hiện những điều cần phải làm trong trường hợp như thế này.
Cũng theo chuyên gia Heisbourg, tổng thống Macron ngày nay không muốn phạm phải sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013, cũng vạch ra lằn ranh đỏ với Syria, để rồi lại lùi bước vào giờ chót, khiến cho uy tín của Mỹ tại vùng Trung Cận Đông bị suy sụp, không ngóc lên trở lại được.
Tổng thống Obama khi ấy cùng với các đồng minh của Mỹ, cũng đã vạch ra một lằn ranh đỏ, và phải nhắc lại là lúc ấy cả Nga cũng đồng ý. Nhưng rồi khi bị bắt buộc phải ra lệnh tấn công, ông Obama đã thay đổi ý kiến, 4 giờ trước lúc các phi cơ Mỹ và Pháp cất cánh khởi động chiến dịch tấn công.
Uy tín của chính quyền Obama tại vùng Cận Đông bị suy sụp từ đó trở đi, và vị thế của nước Mỹ trong vùng không bao giờ khôi phục lại được. Tổng thống Macron, theo tôi, sẽ không muốn đi theo vết xe đổ của tổng thống Obama tại vùng Trung Đông.
Ý định đánh Syria để trừng phạt tội dùng vũ khí hóa học giết dân đã có, vấn đề là phải chờ có thêm những bằng chứng chắc chắn về vai trò thực thụ của chế độ al Assad. Paris nói riêng, và các thủ đô phương Tây khác có lẽ vẫn không quên bài học Irak, khi Hoa Kỳ tung ra những cáo buộc nhắm vào Saddam Husein để biện minh cho quyết định đánh Irak, những cáo buộc mà sau này được biết là không xác thực.

Không có nhận xét nào: