Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Formosa xả thải ngầm: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sai luật?

Thành Nam
EmailPrint
ANTĐ - Trao đổi với báo chí sau chuyến kiểm tra trực tiếp Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết đã chỉ đạo Formosa phải đưa đường ống xả thải ngầm lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.   
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Ống xả ngầm trái Luật Bảo vệ môi trường
Trước ý kiến người dân mong mỏi các bộ ngành sớm tìm ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng sự cố môi trường đang diễn ra là vấn đề rất lớn, nhiều nước trên thế giới cũng từng xảy ra và để đưa ra được nguyên nhân chính xác mất rất nhiều thời gian. “Thực tế ai cũng muốn sớm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân đưa ra đòi hỏi phải rất khoa học, chính xác nhưng do vấn đề về năng lực, do vấn đề về khoa học công nghệ mà mình chưa làm được nên chưa làm rõ được nguyên nhân sớm. Vì vậy, tôi nhận trách nhiệm của một người đứng đầu lĩnh vực mình quản lý, đó là trách nhiệm của tôi khi chưa trả lời được vấn đề này trước dân khi người dân đang lo lắng. Vì vậy, chúng tôi đang rất nỗ lực để sớm tìm ra nguyên nhân chính xác nhất gây tình trạng cá chết hiện nay” - Bộ trưởng chia sẻ.

Lý giải về phát ngôn trái chiều giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng TN-MT Võ Tuấn Nhân về việc đường ống xả thải ngầm của Formosa đặt có đúng pháp luật hay không, báo chí trích lời Bộ trưởng: “Tôi khẳng định pháp luật Việt Nam không cho phép vì Điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng, như vậy không thể đi ngầm được. Còn Thứ trưởng Nhân có nói về sự hợp pháp là do nhìn vào hồ sơ thấy có sự cho phép của cơ quan chức năng”.
Đặc biệt, Bộ trưởng Hà cũng khẳng định, nếu có sai phạm thì xử lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật, pháp luật là số 1. “Chắc chắn không có một ngoại lệ nào nếu vi phạm. Bây giờ là lúc không trải thảm đỏ thu hút đầu tư bằng mọi giá để sau đó phải trả giá về môi trường” - ông Hà kiên quyết.

                        Formosa được xả thải tối đa 45.000m3/ngày đêm ra biển
Formosa phải “đưa ống ngầm lên”
Trước đó, ngày 11-12-2015, tức là gần 1 năm sau ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (1-1-2015), Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai đã ký Giấy phép Xả nước thải vào nguồn nước cấp cho Formosa Hà Tĩnh. Giấy phép nêu rõ, Formosa Hà Tĩnh được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000 m3/ngày đêm của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh vào nguồn nước. Giấy phép ghi “Nguồn tiếp nhận nước thải: biển ven bờ vịnh Sơn Dương, thuộc phường Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh”.
Về phương thức xả nước thải, giấy phép yêu cầu: “Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không rỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng”. Nội dung giấy phép không nhắc tới việc Formosa phải xây dựng hệ thống xả thải như thế nào, lắp đặt ngầm hay phải đi ống nổi...
Để cấp giấy phép xả thải cho Formosa, Bộ TN-MT ghi rõ là căn cứ vào Luật Tài nguyên nước 2012; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT của Bộ TN-MT... Tuy nhiên, trong số các căn cứ này, không hề có Luật Bảo vệ môi trường 2015.
Trả lời câu hỏi “vì sao luật không cho phép mà bộ lại chấp thuận cho làm ống ngầm?”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Cụ thể là rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, lý do vì sao chấp thuận... Trước mắt, Bộ trưởng đã chỉ đạo ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:a)  Có quy trình công nghệ phù hợp vói loại hình nước thải cần xử lý; 
b)  Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh; 
c)  Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 
d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát; 
đ) Phải được vận hành thường xuyên. Khoản 2 Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường 2015.

Không có nhận xét nào: