NGỌC QUANG
(GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải chia sẻ, từ nhiều năm trước đây đã có chuyện gian dối, trí trá trong giáo dục, đào tạo.
"Thú thật, tôi rất ngại tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ"TS.Nguyễn Văn Khải: “Tôi biết có nhiều Tiến sĩ dởm”
Đã làm khoa học thì không thể trí trá
Trong buổi họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chấn chỉnh quy trình đào tạo tiến sĩ đang gây ra bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Khải (được nhiều người dân quý mến gọi là ông già ozone) nhận định, cần phải chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ bằng cách áp dụng theo quy chuẩn của các nước tiên tiến.
Đồng thời, TS Khải bày tỏ lo lắng, cách dạy và học hiện nay ở Việt Nam khó có thể tìm ra được tiến sĩ giỏi thực sự.
TS.Nguyễn Văn Khải đánh giá, chủ trương của nhà nước yêu cầu cán bộ phải có bằng cấp, trình độ cao là rất đúng, đó yêu cầu chung của thế giới. Trong thời đại ngày nay, chúng ta càng phải coi trọng người tài, những người có trình độ năng lực thực sự.
“Chủ trương đúng đắn, song trên thực tế, những cơ quan có trách nhiệm không theo kịp thực tế và những cán bộ làm việc trực tiếp do trình độ yếu kém hoặc do đạo đức yếu kém nên đã để xảy ra đào tạo tràn lan.
Hậu quả là tới nay cả nước đã có hơn 22.000 người có bằng tiến sĩ mà không biết chính xác trong số ấy có bao nhiêu người là trình độ thật.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nếu áp các quy định của thế giới vào thì tôi tin rằng con số này không nhiều. Số tiến sĩ dởm cũng tỷ lệ thuận với số người hướng dẫn (ông thầy – PV) và cả những hội đồng chấm nghiên cứu sinh kiểu ấy cũng bậy bạ hết”, TS Khải nói thẳng.
TS.Nguyễn Văn Khải nói thẳng, nhiều tiến sĩ dởm vào hùa với nhau là thảm họa cho dân tộc. ảnh: Ngọc Quang. |
Trên thực tế, các sáng chế, những công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua so với các nước ở cùng khu vực Đông Nam Á thôi cũng đã thấy có khoảng cách rất lớn.
Theo số liệu được trích lục từ Văn phòng thương hiệu và bằng sáng chế Mỹ (USPTO) mà BBC đã công bố thì từ năm 2006 – 2010, Việt Nam chỉ có 5 sáng chế đăng ký tại Mỹ, nghĩa là trung bình mỗi năm chỉ có 1 sáng chế. Riêng năm 2011, Việt Nam không có sáng chế nào.
Trong khi đó, Singapore chỉ với 4,8 triệu dân có tới 647 bằng sáng chế. Malaysia lúc đó có 27,9 triệu dân có 161 bằng sáng chế. Thái Lan có 53 bằng sáng chế. Philippin có 27 bằng sáng chế.
“Suy cho cùng mọi chuyện đều do con người gây ra, đó là kiểu quản lý yếu kém, nhập nhèm, gian dối, trí trá ngay từ đại học chứ chẳng phải tới khi làm nghiên cứu sinh mới xảy ra.
Ngăn chặn tiến sĩ giấy không khó, chỉ cần áp dụng đúng theo quốc tế là yêu cầu có hai bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín của thế giới thì mới được bảo vệ luận án”, TS Khải nêu quan điểm.
Kiểu đào tạo hiện nay ở Việt Nam rất khó tìm thấy người giỏi
Những năm gần đây đã có hàng nghìn người lao vào cuộc "chạy đua" để có được cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng không phải vì theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Họ học lấy bằng vì hai mục đích: Thứ nhất, bằng cấp cao là một điều kiện đảm bảo cho vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước và cũng là một điều kiện cần để thăng tiến. Thứ hai, nhiều người học lấy bằng tiến sĩ vì háo danh.
TS Khải nói: “Có quá nhiều tiến sĩ dởm và thậm chí có những người tự nhận mình là nhà khoa học nhưng cũng dởm nốt, thí dụ ngay là vừa rồi câu chuyện cá chết hàng loạt mà có ông cứ phân tích lung tung về màu nước biển ở Quảng Bình. Cuối cùng, một ngư dân nói đó là màu cát tự nhiên, màu nước tự nhiên. Thế là im hết.
Qua chuyện này cũng thấy ngay sự trí trá của nhiều giáo sư, tiến sĩ rồi. Những ông tiến sĩ dởm như vậy mà vào hùa với nhau vì quyền lợi riêng thì sẽ là thảm họa cho đất nước, dân tộc này”.
TS Khải cũng điểm ra hàng loạt những thí dụ mà ông cho là “bậy bạ” của những người được gắn danh tiến sĩ.
Đó là chuyện có người "phát minh" ra dịch “lợn mê-hi-cô” mà thực chất là dịch “bệnh tai xanh”. Vào tháng 9/2010, chính TS.Nguyễn Văn Khải đã đến tận huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), giúp bà con dập dịch "lợn tai xanh".
Theo TS.Nguyễn Văn Khải, không phải đến bây giờ trong công tác đào tạo tiến sĩ mới xuất hiện những đề tài ngớ ngẩn như “nghiên cứu phát ngôn của chủ tịch xã” hay “nhu cầu điện ảnh của sinh viên”, mà từ mấy chục năm về trước đã có gian dối, trí trá trong học tập, đào tạo.
“Từ trước đây cũng đã có những đề tài ngớ ngẩn khi có người đặt ra đề tài: Mỗi ngày ăn 2 bữa tốt hơn hay 3 bữa tốt hơn? Có những kẻ cực kỳ ngu dốt và nó lòi ra khi ba hoa bốc phét. Tôi lấy thí dụ, kích thước của nguyên tử là 1x10 -12m(10 mũ trừ 12) tức là 10 -10cm(10 mũ trừ 10) (nhỏ nhất), ấy thế mà kẻ đó dám nói làm hẹp được còn 10 -12cm(10 mũ trừ 12).
Tôi nói là ba hoa, bởi vì nếu nhỏ hơn cả 10 -10cm(10 mũ trừ 10) thì không nhìn thấy, làm sao mà đo được”, ông Khải nêu thí dụ.
Tuy nhiên, điều mà TS.Nguyễn Văn Khải lo lắng nhất là cách dạy, cách học hiện nay ở Việt Nam rất khó tìm thấy người giỏi.
Ông Khải nói: “Có trường đại học bắt sinh viên viết luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh, thế nhưng lại trình bày bảo vệ luận văn bằng tiếng Việt Nam hoàn toàn.
Có những sinh viên trình bày về mô hình quản lý nhân lực, nhưng khi hỏi lương cơ bản là cái gì thì không trả lời được. Có những sinh viên trình bày về mô hình quản lý hàng hóa trong một cửa hàng, nhưng là đi cóp nhặt ở những chỗ khác nhau. Tôi thấy chán quá nên đi về luôn.
Vào tháng 6/2003, tôi dự một buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp của sinh viên Khoa môi trường thuộc một trường đại học tại Hà Nội. Anh ta trình bày về đề tài ruộng bậc thang miền núi.
Sau khi kết thúc, hội đồng chuẩn bị công bố điểm thì tôi ngồi ở phía sau hỏi một câu: Tại sao trình bày về ruộng bậc thang mà cả luận văn này không hề có một chữ bậc thang nào? Nghe thế, một ông trong hội đồng cũng hỏi lại câu của tôi.
Anh sinh viên kia trả lời: Vâng em đã đổi đề tài một tháng rồi. Thật hài hước!
Qua nhiều lần chứng kiến những sự việc như vậy, tôi cho rằng đa phần sinh viên học tại Việt Nam không hề có kỹ năng sống. Kiểu dạy như bây giờ cũng khó có thể tìm ra người giỏi. Cái giỏi mà mọi người nhìn thấy là giỏi trả lời câu hỏi của thầy, chứ không phải giỏi thật sự".
Theo TS.Nguyễn Văn Khải, nhiều trường đại học đang làm hỏng thế hệ trẻ vì cách dạy lạc hậu, do những ông thầy lạc hậu. Câu chuyện chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... là vấn đề lớn, nếu chỉ giao cho Bộ Giáo dục thì không thể giải quyết được, mà cần sự quyết tâm của nhà nước.
"Trong hội nghị về chiếu sáng vừa mới tổ chức, có cả khách quốc tế tham dự, tôi đã chỉ rõ một số loại đèn được làm ở một số trường đại học tại Hà Nội đã lạc hậu mà tôi kêu gọi bỏ đi từ 21 năm trước.
Không thể tin nổi là đến bây giờ có những trường vẫn còn mang cái loại bóng đèn bỏ đi ra dạy sinh viên thì làm sao khoa học công nghệ ở đất nước này ngóc đầu lên được", TS Khải nói.
Lớp 8 chế máy nông nghiệp xuất khẩu, tiến sỹ ngồi máy lạnh chờ thời
Ngọc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét