Sau 60 phút mở "đấu tố" MC Phan Anh, VTV lại khiến cộng đồng mạng bức xúc đến phát điên khi tiếp tục đưa một nhóm tình nguyên ra để đặt câu hỏi rằng họ đi làm từ thiện là vì ai, vì những người khó khăn cần nhận sự giúp đỡ hay là vì muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân mình?
Trong chương trình 60 phút mở số mới nhất của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Tạ Bích Loan đã đặt ra câu hỏi cho nhóm tình nguyện Xây trường Vùng cao hay cũng như tất cả những người thường đi làm từ thiện khác rằng họ đi làm từ thiện như vậy là vì ai, là vì những người sẽ được nhận sự hảo tâm đó hay là vì chính bản thân họ?
Song ngay trong đêm nhóm đến nơi, chính quyền địa phương đã từ chối tiếp nhận những món quà này. Và cho đến sáng hôm sau, dù đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục chính quyền ở đây song cuối cùng, nhóm vẫn phải di chuyển số quà kia đến làm từ thiện ở một địa điểm khác.
Câu chuyện trên được chương trình đưa ra nhằm đặt câu hỏi, vậy việc đi làm từ thiện của nhóm Xây trường Vùng cao là một hoạt động nhân văn lại bị chính quyền địa phương khước từ? Nhóm từ thiện và chính quyền, họ hành động như vậy là vì ai?
Sau khi được biết việc xin phép chính quyền địa phương đã được nhóm thực hiện theo đúng quy trình, song đến khi chương trình diễn ra lại bị từ chối tiếp nhận, lúc này nhà báo Tạ Bích Loan cũng là người dẫn chương trình mới đặt câu hỏi: “Vậy có điều gì khiến cho chính quyền địa phương Sơn La lại từ chối những món quà của các bạn? Liệu có phải họ thấy rằng những món quà đó là làm cho các bạn chứ không phải là cho những người nhận?”
Tiếp đó, sự xuất hiện của một vị khách mời khác của chương trình là tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) nói lên quan điểm rằng, việc làm từ thiện với 3.600 chiếc bánh chưng của nhóm Xây trường Vùng cao giống như mấy nghìn cái đùi gà hay bánh chưng mấy tấn, tô hủ tiếu mấy lít… những ví dụ để thấy việc làm đó có cái gì đó thể hiện sự hoành tráng của một cái gì đó rất khủng khiếp. “Một bữa đại tiệc để chứng minh rằng chúng ta là người làm to nhất, vẫn chưa bao giờ có ai làm to được hơn chúng ta!”.
Nói tóm lại, theo cách nhìn vấn đề của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tư duy trong cách làm 3.600 chiếc bánh chưng của nhóm giống như việc bánh chưng dâng vua Hùng phải là mấy nghìn tấn, và nó thể hiện sự muốn chứng tỏ bản thân hơn là để làm với mục đích từ thiện.
Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng cho rằng, việc làm từ thiện có thể sẽ tạo ra những mối nguy cho những người được nhận sự từ thiện đó. Ví dụ như việc đem quần áo từ dưới xuôi lên vùng cao cho người dân mặc thì về lâu dài người ta sẽ không còn mặc những loại quần áo thổ cẩm nữa, dần dần sẽ làm mất đi những thứ bản sắc văn hoá lâu đời của họ.
Chưa hết, nhà báo Tạ Bích Loan cũng đặt thẳng câu hỏi cho nhóm Xây trường Vùng cao rằng: “Các bạn làm chương chính đó, đi lên đó và mang theo lượng thức ăn như thế là vì các bạn hay là vì các em nhỏ?”.
Sau khi xem xong, cộng đồng mạng đã hết sức phẫn nộ trước những câu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan và cả cách nhìn nhận vấn đề của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Những tranh cãi nảy lửa cũng đã phát sinh khi có nhiều người nhìn nhận về chương trình và những ý kiến trong chương trình một cách trái chiều nhau.
“Câu hỏi vô duyên hết sức, nếu như không muốn nói là vô nhân tính. Từ thiện là một cách người ta muốn thể hiện sự đồng cảm và tình thương đối với những người có hoàn cảnh, điều kiện khó khăn hơn mình. Vậy mà lại cho rằng họ đang thích thể hiện, họ đang muốn chứng tỏ bản thân. Thật không thể hiểu nổi.”, Facebook Đào Hoàng Giang viết.
“Không thể là tiến sĩ mà thích người ta thế nào cũng được. Nếu cứ làm 3.600 suất quà thì là để thể hiện à, trong khi nhóm này cũng đã giải thích là có 3.600 cháu và không muốn cháu nào thiếu quà phải đứng ngoài nhìn cả. Vậy họ làm như thế có gì là sai, có gì là thể hiện. Một sự suy xét quá chủ quan. Làm từ thiện cũng có nhiều kiểu, cũng có nhóm nọ nhóm kia nhưng không phải tất cả đều là để thể hiện”, bạn Duy Ngô - một người thường hay đi thiện nguyện nhận xét.
“Tại sao lại cứ phải hỏi người ta rằng đi làm thiện nguyện như vậy có phải là vì bản thân họ không vậy? Tại sao không nghĩ đến sự tốt đẹp hơn, rằng họ là những người tốt, họ sẵn sàng san sẻ khó khăn với những người không có điều kiện được như mình. Tại sao không nghĩ đến giá trị của những việc họ làm mà chỉ nhăm nhe xem mục đích của họ. Với tôi kể cả họ có thích thể hiện mình mới đi từ thiện đi chăng nữa thì ít nhất, khi Tết đến các em nhỏ cũng có quần áo ấm mặc, các gia đình nghèo khó cũng có cái bánh chưng ăn, vậy thôi.”, một Facebooker thể hiện quan điểm.
Chưa hết, một tình nguyện viên lâu năm khá nổi tiếng trên Facebook còn viết: “Tôi thực sự không ủng hộ cách triển khai vấn đề của chương trình và chị Loan. Chương trình đã và đang cố tình nhấn manh kiểu làm từ thiện để “câu like” hiện nay. Điều đó không sai, nhưng cái chính là họ đã làm quá khi cứ cố tình hỏi đi hỏi lại việc nhóm Xây trường Vùng cao rằng nhóm này làm như vậy có phải vì bản thân họ hay không. Chẳng lẽ họ cứ phải trả lời là có, phải nhận rằng “À, tôi đi làm từ thiện như vậy là để thể hiện tôi đấy” thì chương trình mới chịu, mới thấy thỏa mãn, mới là thành công? Vậy thì những người tốt thực sự, những người có tấm lòng hảo tâm thực sự sẽ còn ai muốn đi từ thiện nữa, khi việc làm của họ đều sẽ bị quy chụp là “thích thể hiện”.
Cũng trong chương trình, đại diện nhóm Xây trường Vùng cao cũng đã lên tiếng nói rằng, họ đi làm như vây một phần ở trong đó cũng là để thỏa mãn cái tôi, để thể hiện mình rằng họ muốn mang được những phần quà đến cho những người đang cần những món quà đó.
Tuy nhiên sự cao trào của chương trình được đẩy lên khi người dẫn chương trình và là nhà báo Tạ Bích Loan liền hỏi thêm vào “Để làm gì ạ?”, đại diện nhóm từ thiện lại trả lời: để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người. Nhà báo Tạ Bích Loan lại tiếp “Nhưng mà để làm gì ạ?”, đại diện nhóm liền trả lời, để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản. Chị Loan lại tiếp tục thêm một lần nữa “Nhưng mà để làm gì ạ?”, thì người đại diện này khẳng định, thanh thản để trong cuộc sống mình sẽ làm được nhiều điều khác tốt hơn.
“Chương trình càng ngày càng quá đáng. Không hiểu chị Loan nghĩ gì khi anh Hoài Anh (đại diện nhóm từ thiện) cứ vừa nói xong là chị liền nhảy vào chặn ngang “Để làm gì, để làm gì”? Thế chị cứ phải hỏi “Để làm gì” như thế là để làm gì ạ? Xem chương trình của một đài truyền hình quốc gia nhưng không khác nào xem mấy bà bán hàng tôm hàng cá ở ngoài chợ cãi nhau cả. Để tranh luận và làm sáng tỏ một vấn đề có cần thiết phải chì chiết nhau theo kiểu đó không? Thực sự càng ngày càng thất vọng về chương trình 60 phút mở và VTV”.
Facebook Hoang Ha viết: “Nói thì giỏi lắm, toàn ngồi phòng lạnh, đi ô tô thì làm sao cảm nhận được cái đói khổ ở những nơi vùng sâu vùng xa. Có khi người ta chết vì đói, chết vì rét ý chứ, lúc đấy bản sắc dân tộc có cứu được họ không? Việc lưu giữ bản sắc dân tộc là việc ở những cấp quản lý, chính quyền người ta sẽ phải lo, và việc làm mai một, thay đổi cả một nền văn hóa, bản sắc nó sẽ là nhiều yếu tố góp vào, chứ không phải vì mặc quần áo dưới xuôi, ăn bánh kẹo dưới xuôi mà làm thay đổi được bản sắc, văn hóa của cả một vùng miền được”.
Rất nhiều sự phẫn nộ được thể hiện qua các dòng bình luận về chương trình. Chủ yếu, người xem đều cho rằng, chương trình đang cố tình làm xấu đi hình ảnh của việc làm từ thiện, và bắt người xem phải thấy được rằng người ta làm từ thiện bây giờ là để thể hiện chứ không phải vì mục đích để giúp đỡ người khác.
“Chương trình không hề mang tính nhân văn chút nào, khiến cho người ta xem xong chỉ càng thấy mất đi niềm tin vào cuộc sống. Còn đối với mình, những tấm lòng từ thiện của bất cứ ai cũng luôn là điều đáng trân quý cả. Tốt nhất sẽ không bao giờ xem những chương trình tranh luận kiểu chụp mũ, vô bổ như thế này nữa”.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến ủng hộ chương trình 60 phút mở lần này. Facebook Nguyễn Thư viết: “Cá nhân mình xem xong thấy hay. Không có bất cứ ai đáng bị chửi rủa ở đây hết. Xem comment mới thấy những người sống xung quanh mình giờ quá sức đáng sợ. Hoặc khả năng hiểu vấn đề kém, hoặc ngay từ đầu họ cũng đã không muốn hiểu. Chả trách nhiều khi chỉ cần nghĩ đến việc phải hít thở chung một bầu trời với bọn họ cũng khiến mình muốn ngạt”.
Vậy còn bạn, bạn nghĩ rằng những người làm từ thiện hay chính bản thân mình đi làm từ thiện là vì ai, và vì mục đích gì? Bạn có đồng ý với việc mình đi làm từ thiện sẽ có thể tạo ra những mối nguy, gây hại đến cho những người mình muốn giúp đỡ hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét