Dân trí Một phần tư thế kỷ, bằng việc “phát huy” giải pháp “đẩy” những quan chức mỗi khi sai phạm lên chức vụ cao hơn, nhiều danh và lợi hơn, chúng ta hình như đã đi giật lùi trong việc xây dựng kỷ cương. Hiện tượng này thật nguy hiểm cho sự tiến bộ của xã hội.
Minh họa: Ngọc Diệp
Lãnh đạo khi sai phạm, thường “bị” kỷ luật bằng cách chuyển sang nơi khác và đưa lên vị trí cao hơn, hiện tượng đó chẳng lạ lẫm gì, mà có từ cách đây rất lâu rồi. Để cảnh báo hiện tượng này, tháng 7 năm 1990, báo Lao động đã đăng một truyện châm biếm với tiêu đề: “Hãy kỷ luật chồng tôi” với nội dung như sau:
Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ X, suốt hai mươi năm ngồi ở ghế này, đã phải tiếp đến hàng ngàn người đến gõ cửa xin được tăng lương, đề bạt hoặc đi nước ngoài công tác, nhưng chưa có một lần nào ông lại được tiếp một người đến cầu khẩn hãy kỷ luật chồng mình.
Con người ấy đang ngồi trước mặt ông. Đó là một phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, đượm một nỗi buồn sâu xa chắc vì một nỗi bất hạnh lớn lao và dai dẳng đang dày vò chị. Tỏ ra rất sành về tâm lý, ông hỏi luôn:
- Chắc là anh ấy lại cặp bồ nhăng nhít với cô nào chăng?
Người phụ nữ bất hạnh rơm rớm nước mắt và lắc đầu.
Ông Vụ trưởng tiếp tục đoán:
- Chắc là anh ấy vô trách nhiệm với vợ con, không chịu đưa lương về cho chị, lại rượu chè be bét?
Những giọt nước mắt to, nhỏ tiếp tục lăn trên gò má người phụ nữ. Chị ta lắc đầu.
Ông vụ trưởng bắt đầu bối rối, đoán tiếp:
- Hẳn là chị phát hiện ra anh ấy bắt đầu tham ô tài sản của xí nghiệp và phải đề nghị cơ quan kỷ luật ngay để kịp cứu anh ấy khỏi trượt sâu vào con đường lầm lạc đến mức vào tù?
Người phụ nữ nức nở khóc và vẫn lắc đầu.
- Thế thì đúng là anh ấy trong thời gian làm giám đốc xí nghiệp đã sử dụng chức quyền của mình để độc đoán, chuyên quyền, trù úm công nhân làm cho anh em oán ghét, ảnh hưởng rất xấu đến thanh danh gia đình chị.
Người phụ nữ òa khóc và nói:
- Tất cả những điều ấy đều không đúng. Chồng tôi rất chung thủy với vợ con, sống liêm khiết trong sạch, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của công nhân, được cả nhà máy quý mến.
Ông vụ trưởng ngạc nhiên, giương kính lên nhìn chị:
- Thế tại sao một con người tốt như vậy mà chị lại yêu cầu kỷ luật?
Nghe vụ trưởng vụ tổ chức hỏi, người phụ nữ liền giận dữ nói:
- Chính câu hỏi đó, tôi phải hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi. Một người tốt như chồng tôi mà bao nhiêu năm nay ông không chịu quyết định kỷ luật! Trong khi đó, giám đốc xí nghiệp Y, bên cạnh xí nghiệp chồng tôi, nào trai gái, nào tham ô, nào trù dập công nhân đến mức thanh tra nhà nước phải về xem xét thì lại được ông kỷ luật, rút lên Bộ đề bạt làm phó ban một ban gì đấy, tương đương với chức vụ phó rồi tăng lương, phân phối nhà rộng hơn, lại ở ngay Hà Nội.
Giọng chị ta rõ là đe dọa một cách quyết liệt:
- Lần cuối cùng, tôi yêu cầu ông hãy kỷ luật chồng tôi, để chồng tôi cũng được những quyền lợi như thế. Nếu không tôi sẽ kiện lên đồng chí Bộ trưởng về cách xử sự không công bằng này.
Kể từ khi đăng bài đó đến nay, đã 26 năm, tức là hơn ¼ thế kỷ, những tưởng rằng hiện tượng quan chức bị kỷ luật lại được “đá” lên, không được triệt tiêu hẳn thì chí ít cũng phải giảm nhiều, nào ngờ lại ngày càng trầm trọng hơn. Vụ việc chiếc xe biển trắng biển xanh ở Hậu Giang là một minh chứng. Cụ thể trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 lên tới 3.262 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.Tuy nhiên tháng 9/2013, ông Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng. Khi việc xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chưa rõ ràng thì ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Kết quả được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố chiều 9/6 vừa qua, ông Thanh tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang.
Chuyện này so với chuyện một phần tư thế kỷ trước nghiêm trọng hơn ở chỗ, quan chức sai lầm đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, lại được “đẩy” lên ở vị trí cao hơn rất nhiều và không chỉ do sai lầm mà được “đẩy” lên còn vô lý ở chỗ chính sai lầm lại trở thành điểm tựa, là bệ phóng cho quan chức phạm sai lầm này tiếp tục thăng tiến với tốc độ chóng mặt.
Một phần tư thế kỷ, bằng việc “phát huy” giải pháp “đẩy” những quan chức mỗi khi sai phạm lên chức vụ cao hơn, nhiều danh và lợi hơn, chúng ta hình như đã đi giật lùi trong việc xây dựng kỷ cương. Hiện tượng này thật nguy hiểm cho sự tiến bộ của xã hội.
Nguyễn Đoàn
(Dân trí) - Ấy là diễn giải theo “ý văn học” câu nói của Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 24.3 về việc nhà nước phải xử lý quyết liệt nạn tham nhũng hiện nay.
Đất nước lắm “Hòa Thân”, nhân dân nhiều… “chị Dậu”!
(Dân trí) - Ấy là diễn giải theo “ý văn học” câu nói của Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 24.3 về việc nhà nước phải xử lý quyết liệt nạn tham nhũng hiện nay.
>> “Quốc gia mà có nhiều Hòa “đại nhân” thì dân lấy gì mà ăn”
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Trả lời câu hỏi về số lượng "công chức béo", ĐB Đương nói nguyên văn: “Không thể nói cụ thể ngay được, nhưng theo cử tri phản ánh thì chắc chắn là nhiều. Có người nói chỉ 1% dân số thôi nhưng tổng thu nhập của họ bằng 99% dân số, ở một số nước đấy. Xem phim Lưu gù (Tể tướng Lưu gù - NV) thấy đấy, ngân khố quốc gia có 2 triệu lạng vàng, riêng Hòa “đại nhân” có 800 nghìn lạng. Thử hỏi quốc gia mà có nhiều Hòa “đại nhân” thì dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết”, theo báo Lao động.
Có lẽ trước hết, cũng nên nhắc đôi nét về nhân vật Hòa “đại nhân” (Hòa Thân đồng thời cũng là nhân vật trong phim truyền hình Trung Quốc “Tể tướng Lưu gù”) nổi tiếng này.
Theo sử sách Trung Quốc, Hòa Thân là vị thượng quan dưới triều Can Long, nổi tiếng về tài xu nịnh và tham nhũng. Ông ta thao túng chốn quan trường, rất giỏi vơ vét của công và ăn hối lộ. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có câu "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tổng cộng tài sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương số tiền quốc khố nhà Thanh thu được trong 15 năm.
Khi mà tài sản của quan chức giàu đến mức đó thì đương nhiên sẽ có hai nơi nghèo khó. Đó là ngân khố quốc gia và người dân lương thiện. Cho nên muốn “dân giàu, nước mạnh” thì tất nhiên là phải loại bỏ những kẻ như Hòa Thân và cao hơn nữa, cần có những cơ chế để không có đất sống cho những “hòa thân”.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có “Hòa Thân”? Đây là câu trả lời không dễ trả lời, song chăc chắn có hai nguyên nhân chính. Một là Hòa Thân rất giỏi xu nịnh cấp trên và thứ hai, ông ta cũng rất giỏi vơ vét.
Xin ví dụ một việc, đó là luật "Nghị tội ngân" - lấy bạc để chuộc tội. Dựa vào luật này, lớp quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.
Thế nhưng vì sao ông ta lại có thể đặt ra luật này? Có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân quan trọng, đó là ông ta thao túng được triều đình.
Khi luật này được ban hành, quan lại thả sức tham nhũng và tất nhiên, người hưởng lợi nhiều nhất chính là Hòa Thân.
“ Wikipedia tiếng Việt ” viết: “Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác không thèm ngó ngàng, chỉ một mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung…”.
Vơ vét của dân đến thế. Tham nhũng ngân khố quốc gia đến thế nhưng cuối đời, ông ta chết trong bi thảm, tất cả tài sản bị sung công quỹ âu cũng là cái kết có hậu của lẽ đời.
Song, “Được vạ má sưng”, đến lúc đó thì đất nước lao đao, người dân khánh kiệt mất rồi. Cho nên vấn đề đặt ra vẫn là làm thế nào để không có “đất” cho Hòa Thân sống.
Trung Quốc thời Càn Long chỉ có một Hòa Thân mà đã vậy, nếu như “quốc gia mà có nhiều “Hòa đại nhân” thì “dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết” như lời ĐB Đỗ Văn Đương.
Đất nước nhiều “Hòa Thân”, tất yếu nhân dân nhiều “chị Dậu”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét