Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Lê Ngọc Thống - Tại sao tàu sân bay Mỹ lạnh lùng 'trước mũi' Trung Quốc?; Ts Trần Công Trục - Những hiểu lầm về phán quyết của PCA

Năng lực tấn công và phòng thủ khi chiến tranh hạt nhân xảy ra thì Trung Quốc chỉ là cái móng tay so với Mỹ.

Việc Mỹ đưa 2 hạm đội tàu sân bay (CSG) đến Biển Đông tập trận đã có rất nhiều phân tích phán đoán mục tiêu của hành động này.

Đa phần đều cho rằng, đó là hành động răn đe Trung Quốc trước lúc PCA phán quyết vụ Philipines kiện Trung Quốc mà theo dự kiến phán quyết có lợi cho Philipines.

Vậy phán quyết PCA thì có gì ghê gớm mà khiến Trung Quốc quẫn lên, hung hăng như thế?

Trung Quốc đang ôm mộng bá chủ thế giới, ngang ngược có thừa, cho nên, tuyên bố của Tòa trọng tài thường trực UNCLOS (PCA) nếu bất lợi cho Trung Quốc, đương nhiên Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực.

Vì thế hy vọng Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA là hơi bị thiếu thực tiễn.

Tuy nhiên, phán quyết của PCA trong vụ Philipines kiện Trung Quốc có một đặc biệt lưu ý là, nó phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông về mặt pháp lý, cho nên, nó cung cấp cho không chỉ Philipines mà toàn bộ khu vực Biển Đông và thế giới có một quan điểm chung, một góc nhìn rõ về cái chủ quyền trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố, rằng: Nó chỉ có được khi và chỉ khi cướp đoạt, chiếm đoạt.

Điều này có nghĩa là sau khi phán quyết (nếu phán quyết “đường lưỡi bò” là vô giá trị) thì mọi hành động của Trung Quốc mang tính thực thi pháp luật trên vùng biển này được coi là vi phạm luật pháp quốc tế, được coi là hành động đe dọa đến an toàn, tự do hàng hải.

Chỉ thế thôi. Trung Quốc tôn trọng phán quyết hay không thì tùy, nhưng liệu Trung Quốc đã đủ tài lực bá chủ thế giới chưa để công khai thách thức luật pháp quốc tế, thách thức an toàn tự do hàng hải…thì Bắc Kinh phải “suy nghĩ 2 lần”.

Do đó, phán quyết của PCA nó như con virus độc, gây nguy hiểm cực lớn với “phần mềm” ý đồ bành trướng chủ quyền Trung Quốc, cho nên, lo lắng, tức tối, khó chịu…là đương nhiên. Chắc chắn phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết là tiêu cực để thách thức phán quyết của PCA.

Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông? Sẽ bồi lấp Scarborough? Hay tung hết toàn bộ Lực lượng Hải cảnh ra họa động nghênh ngang trên Biển Đông, tuần tra, khiêu khích…để cố chứng tỏ họ đang thực thi pháp luật Trung Quốc trên vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, thách thức cái phán quyết của PCA coi tuyên bố chủ quyền của họ là vô giá trị?

Mọi phản ứng tiêu cực của một Trung Quốc đang trỗi dậy đều có thể xảy ra mà ở đây, chúng ta không bàn đến. Chúng ta chỉ quan tâm về góc độ quân sự việc Mỹ điều 2 hạm đội tàu sân bay đến Biển Đông.

Tai sao tau san bay My lanh lung 'truoc mui' Trung Quoc?
Đội hình hành quân của một hạm đội tàu sân bay Mỹ
Mục đích Mỹ điều 2 hạm đội tàu sân bay (CSG) đến Biển Đông tập trận này nọ thực chất là bảo vệ an toàn tự do hàng hải mà Mỹ, với vai trò là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương đang đề cao và cổ súy.

Hành động của Mỹ là thách thức, răn đe Trung Quốc vì phản ứng tiêu cực của Trung Quốc (như đã dẫn ở trên) có thể xảy ra sau phán quyết PCA là thách thức, đe dọa đến an toàn tự do hàng hải.

Vậy, liệu tàu sân bay Mỹ có đủ sức răn đe Trung Quốc như ngày nào trong đợt khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996? Liệu Mỹ có coi thường chiến lược A2/AD trứ danh của Trung Quốc đã đang triển khai?

Về quân sự thuần túy.

Ngay như Hải quân Trung Quốc, muốn tiêu diệt được một hạm đội tàu sân bay Mỹ thì phải mất 40% lực lượng (tính toán của chuyên gia quân sự Nga), hoặc như tuần dương hạm lớp Ticonderoga (thuộc CSG) có thể phóng một loạt 122 quả tên lửa phòng không. Các chuyên gia Trung Quốc đã tính phải cần 150 đến 200 máy bay SU-27 của Trung Quốc đánh “hội đồng” mới diệt được chiến hạm này.

Để đối phó với chiến thuật A2/AD Mỹ đã có chiến thuật tác chiến không-biển. Tuy nhiên, A2/AD mới được biết được trên lý thuyết, quảng cáo, chưa thấy “sát thủ diệt tàu sân bay” DF-26, hay DF-31 thử mục tiêu bao giờ, trong khi đó CSG của Mỹ là thật.

Như vậy, rõ ràng Hạm đội tàu sân bay Mỹ (CSG) có một sức mạnh khủng khiếp mà không có một lực lượng đối đầu nào thắng được nó trừ phi bắn chìm được tàu sân bay. Đó là một thực tế quân sự đơn thuần mà Trung Quốc sẽ không dại dột đối đầu.

Về ý chí.

Tàu sân bay là biểu tượng của sức mạnh quốc gia. Dễ nhận thấy, trên thế giới này, trừ Nga ra là Mỹ không dùng hạm đội tàu sân bay để de dọa, uy hiếp, vì trên thế giới này, ngoài Nga ra, không một quốc gia nào dám bắn chìm tàu sân bay Mỹ.

Với Trung Quốc, trong chiến lược A2/AD, bằng hệ thống tên lửa các loại, Trung Quốc, cứ cho là có thể bắn chìm tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc có dám bắn chìm hay không lại là chuyện khác.

Chưa kể hàng tỷ đô la tài sản, tàu sân bay Mỹ chứa gần 6000 binh sỹ. Trung Quốc có dám manh động? Câu trả lời là “KHÔNG”.

Vì sao vậy? Vì Trung Quốc không có đủ khả năng đối phó với hậu quả.

Bản thân tàu sân bay chính là sự răn đe, nó như một “Trân Châu Cảng” di động. Động vào nó, bắn chìm nó cũng giống như khai trận “Trân Châu Cảng” buộc Mỹ sẽ vào cuộc với tất cả sức mạnh, quyền lực mà không loại trừ bằng đòn tấn công phủ đầu hạt nhân.

Năng lực tấn công và phòng thủ khi chiến tranh hạt nhân xảy ra thì Trung Quốc chỉ là cái móng tay so với Mỹ, sức răn đe hạt nhân của Trung Quốc với Mỹ không đủ trọng lượng để ngăn chặn Mỹ ngừng tay nhấn nút tấn công đòn phủ đầu.

Tàu sân bay Mỹ được vũ khí hạt nhân Mỹ “bảo kê”, cho nên, chừng nào Trung Quốc có tiềm lực hạt nhân như Nga để nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân thì “cả hai cùng chết” mới khiến cái tàu sân bay Mỹ thận trọng, còn không thì hãy đợi đấy.

Lê Ngọc Thống

(Đất Việt)


PCA không phải nguyên nhân, động lực hay cái cớ để Trung Quốc có hành động leo thang phiêu lưu manh động hơn nữa ở Biển Đông.

LTS: Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc càng tìm mọi cách chống phá, lôi kéo kết hợp đe dọa dư luận khu vực và quốc tế.

Dư luận cũng có không ít quan điểm tỏ ra lo ngại Trung Quốc có thể leo thang hậu phán quyết của PCA, lo ngại về những phát biểu "đàm phán với Trung Quốc" của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNCLOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Hãng thông tấn AP ngày 5/7 đưa tin, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 4/7 cho biết, Manila sẵn sàng để nói chuyện với Trung Quốc. Nước ông không muốn đi đến chiến tranh nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines.

Ông Duterte lưu ý, Philippines vẫn lạc quan rằng phán quyết sẽ nghiêng về mình, nhưng cho dù phán quyết không thuận lợi thì Philippines vẫn chấp nhận và tuân thủ.

"Khi phán quyết thuận lợi cho chúng tôi, hãy để tôi nói rằng, chúng tôi không chuẩn bị để đi đến chiến tranh. Chiến tranh là một từ bẩn thỉu", ông Duterte khẳng định.

Cũng theo AP, tại Washington một cựu quan chức cấp cao Trung Quốc ông Đới Bỉnh Quốc - cựu Ủy viên Quốc vụ đã lên giọng dọa nạt dư luận quốc tế, xúc phạm PCA và chà đạp luật pháp quốc tế khi công khai nói rằng: Phán quyết của PCA không hơn gì một mảnh giấy lộn.

Ông Đới Bỉnh Quốc phát biểu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế:

"Nếu PCA tiếp tục hành động theo cách của mình và ra một phán quyết, không ai và không quốc gia nào cần phải thực hiện phán quyết, đừng buộc Trung Quốc phải thực hiện.

Philippines phải hiểu rằng đừng thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa. Nếu không, Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi nhìn".

Với Mỹ ông Đới Bỉnh Quốc dọa: "Trung Quốc chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi hành động của Mỹ, ngay cả khi Hoa Kỳ kéo tất cả 10 tàu sân bay đến Biển Đông".

Nói xong ông cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc lại đổi giọng trấn an: Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng đến vũ lực trừ khi bị khiêu khích vũ trang, Bắc Kinh vẫn cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.

Những diễn biến mới nhất này đang gây ra những bức xúc và lo ngại trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là hậu phán quyết của PCA Philippines sẽ làm gì tiếp theo?

Đàm phán với Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến giá trị phán quyết của PCA hay không? Có chuyện Philippines "lờ đi" phán quyết của PCA để đàm phán với Trung Quốc? Và đặc biệt, Trung Quốc có leo thang sau phán quyết của PCA hay không và tại sao?

Hiểu lầm về thái độ, lập trường của Philippines và vai trò phán quyết của PCA

Chưa cần bàn đến việc PCA sẽ ra phán quyết theo hướng nào, nhưng băn khoăn của dư luận về lập trường của Philippines cho thấy những nhận thức chưa đúng về vai trò của cơ quan tài phán và cụ thể là phán quyết của PCA trong vụ kiện này.

Thứ nhất, tất cả những lo ngại nêu trên không có cơ sở. Cá nhân tôi cho rằng, xét cả trên phương diện pháp lý, chính trị lẫn tình cảm, không bao giờ có chuyện Philippines lờ đi phán quyết của PCA hay hủy bỏ vụ kiện này theo kêu gọi của Trung Quốc như một điều kiện tiền đề đàm phán mà Bắc Kinh đang đưa ra.

Tổng thống Durtete cũng khẳng định rõ, Philippines tin là phán quyết sẽ nghiêng về họ. Nhưng ngay cả trong trường hợp phán quyết của PCA bất lợi thì Philippines vẫn chấp nhận và tuân thủ.

Thiết nghĩ phát biểu này đã quá rõ ràng, không thể rõ ràng hơn được nữa.

Thứ hai, trong một vụ kiện pháp lý quốc tế như thế này, trừ phi trước ngày PCA ra phán quyết, bên đi kiện là Philippines rút đơn kiện thì đó mới là bước chuyển ngoặt 180 độ và tác động trực tiếp đến vụ kiện, phiên tòa và phán quyết của Tòa.

Thực tế Philippines vẫn chờ đợi PCA ra phán quyết càng cho thấy rõ, đó là thành quả mà Philippines và khu vực mong đợi từ lâu.

Vụ kiện là vấn đề thuần túy pháp lý, không phải vấn đề chính trị, nên mọi phát biểu, tuyên bố chính trị đều không thay đổi được việc cơ quan tài phán sẽ phải ra phán quyết.

Những tuyên bố chính trị của các nước, sự đồng ý hay không đồng ý của dư luận không làm thay đổi nội dung, hiệu lực pháp lý trong phán quyết của cơ quan tài phán.

Muốn thay đổi nội dung và hiệu lực phán quyết của PCA thì chỉ có 3 trường hợp: Một là Philippines rút đơn kiện; Hai là Trung Quốc kiện ngược lại; Ba là các bên liên quan khác khởi kiện về phán quyết này nếu thấy nó bất công hoặc làm tổn hại lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, câu chuyện Philippines sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc không liên quan gì đến phán quyết của PCA.

Bởi lẽ ở Biển Đông có rất nhiều vấn đề tranh chấp phức tạp cần phải đàm phán giải quyết. Ví dụ tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough, hoặc "gác tranh chấp cùng khai thác" nghề cá ở bãi cạn này thì hoàn toàn có thể đàm phán song phương, trực tiếp giữa hai nước.

Các vấn đề chủ quyền với Trường Sa có 5 nước 6 bên yêu sách cũng cần được đàm phán, giải quyết trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ với sự tham dự đầy đủ của 5 nước 6 bên.

Còn vụ kiện của Philippines chỉ liên quan đến việc giải thích và vận dụng UNCLOS 1982, vi phạm UNCLOS 1982. Đây là một nội dung rất nhỏ trong các tranh chấp pháp lý phức tạp ở Biển Đông, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc hủy đường lưỡi bò mà vốn dĩ không quốc gia nào thừa nhận.

Có lẽ bởi tính chất đặc biệt này của vụ kiện, nên có những quan điểm xem phán quyết của PCA là giải pháp tối hậu, là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề, mọi tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Đó là nhận thức rất sai lầm.

Cá nhân tôi cho rằng, Philippines và đội ngũ luật sư quốc tế được nước này thuê tư vấn và đại diện tranh tụng trước tòa trong vụ kiện Trung Quốc, đã rất thông minh, rất xuất sắc khi chọn ra một "khe" rất hẹp trong các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông để khởi kiện Trung Quốc.

Bởi chỉ có nội dung tranh chấp áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 giữa các thành viên UNCLOS mới phù hợp với việc hủy đường lưỡi bò.

Cũng chỉ có nội dung này Philippines mới có thể đơn phương khởi kiện và tự tin rằng, cơ quan tài phán buộc phải thụ lý cho dù bên bị kiện là Trung Quốc có đồng ý hay không, bởi nó đã được quy định rất rõ trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Các nhà hoạch định Philippines và đội ngũ luật sư quốc tế này đã nghiên cứu rất kỹ UNCLOS 1982 và tìm ra Phụ lục VII với đầy đủ quy định về nội dung, tiến trình, thủ tục đưa tranh chấp áp dụng và giải thích Công ước. 

Còn những vấn đề tranh chấp khác, đàm phán giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế là chuyện đương nhiên. Những phát biểu của Philippines gần đây hoàn toàn nhất quán và không có gì sai.

Trong trường hợp cố gắng, nỗ lực đàm phán mà vẫn không đi đến đâu, Philippines vẫn có quyền nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế, thậm chí là Liên Hợp Quốc can thiệp. 

Võ mồm của Trung Quốc có thể đổ oan cho phán quyết của PCA

Mối quan tâm lo ngại thứ hai của dư luận quốc tế, khu vực cũng như trong nước chúng ta là liệu Trung Quốc có leo thang bằng những hành vi phiêu lưu quân sự mạo hiểm ở Biển Đông hậu phán quyết của PCA hay không?

Từ lâu đã có những quan điểm, phân tích của giới nghiên cứu, giới quan sát tin rằng, Trung Quốc có thể đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough như đã làm ở Trường Sa.

Thậm chí có người không loại trừ phương án manh động hơn, Trung Quốc đánh chiếm một số thực thể ở Trường Sa.

Điều này gây ra một phản ứng tâm lý rất tiêu cực, co cụm lại trong dư luận các nước liên quan ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Đó là phán quyết của PCA sẽ làm tình hình Biển Đông nóng hơn trước, Trung Quốc leo thang liều lĩnh hơn trước và có thể có những hành động không ai đoán trước được!

Hiểu như vậy vô hình chung chính chúng ta đã đổ oan cho PCA và phán quyết của Tòa trong vụ kiện này là "nguyên nhân" khiến Trung Quốc leo thang, dẫn đến một tâm lý chấp nhận, thúc thủ trước cái ác, cái xấu.

Thực tế hoàn toàn ngược lại. 

Việc Trung Quốc có leo thang và phản ứng liều lĩnh với phán quyết của PCA, hay lấy cớ PCA ra phán quyết bất lợi cho họ để có một hoặc một vài hành động ngoài thực địa như trên hay không, thực chất là tính toán chiến lược của họ, không phụ thuộc vào PCA.

Chúng ta hãy nhìn lại năm 1974, 1988, 1995 khi họ cất quân xâm lược Hoàng Sa và một phần Trường Sa thì họ có phải lấy cớ vì có cơ quan tài phán nào "đe dọa" hay gây áp lực với họ đâu?

Gần nhất, năm 2012 họ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, năm 2014 họ cắm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cũng có cần một cái cớ nào từ cơ quan tài phán quốc tế đâu?

Thực tế này cho thấy, khi nào Việt Nam chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức trong nước trong khi các cường quốc khác như Mỹ, Nga ít để mắt đến khu vực Biển Đông vì các điểm nóng khác là Bắc Kinh tranh thủ chiếm thêm, lấn thêm một tí. Với Philippines, Malaysia, Indonesia hay nước nào cũng vậy.

Năm 1974 Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Hạm đội 7 Hoa Kỳ án binh bất động. Năm 1988 Trung Quốc xâm lược Gạc Ma, hải quân Liên Xô đóng tại Cam Ranh cũng cửa đóng then cài. Năm 2012 Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough, Mỹ cũng không làm gì cả.

Nhưng tình hình bây giờ thế nào? Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc dự Đối thoại Kinh tế chiến lược Mỹ - Trung vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry đã đưa ra 2 giới hạn đỏ với Bắc Kinh:

Một là không áp đặt ADIZ ở Biển Đông, 2 là không xây đảo nhân tạo ở Scarborough, nếu không Mỹ sẽ có biện pháp.

Còn Nga, cho dù có những phát biểu được dư luận hiểu là có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov giải thích thêm trên Sputnik ngày 30/6 vừa qua nhấn mạnh:


Với Ấn Độ cũng vậy, họ có lợi ích ở Biển Đông và cụ thể là trong hợp tác khai thác tài nguyên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam.

Trung Quốc có ý định leo thang manh động cũng phải nhìn trước ngó sau, không phải cứ thích là cướp ngay được. Chuyện đó không dễ dàng trong thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng và văn minh như hiện nay.

Do đó có thể thấy khi nào các bên liên quan mạnh lên, có sự đoàn kết thống nhất cao, có sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước lớn có ảnh hưởng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia, Ấn Độ hay Nga thì Trung Quốc không dám làm càn. 

Nhưng khi nào chúng ta yếu, nội bộ mâu thuẫn, các nước lớn bị cuốn vào các điểm nóng khác mà sao nhãng Biển Đông, thì khi đó là thời cơ của Trung Quốc. Bởi vậy những phát biểu hung hăng như ông Đới Bỉnh Quốc nói tại Mỹ vừa qua, chỉ là một màn hỏa lực mồm không hơn, không kém.

Biển Đông nóng là bởi nơi đây hội tụ nhiều lợi ích địa chiến lược của các siêu cường chứ không phải chỉ bởi vì Philippines hay Việt Nam, Malaysia, Indonesia bị Trung Quốc lấn lướt, bành trướng.

Trung Quốc sợ dư luận và tìm cách đánh lừa dư luận

Nhận thức được rằng vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA không phải nguyên nhân, động lực hay cái cớ để Trung Quốc có hành động leo thang phiêu lưu manh động hơn nữa ở Biển Đông là việc rất quan trọng.

Indonesia tăng cường hoạt động tuần tra vùng đặc quyền kinh tế Natuna chống trả trực tiếp các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở phía Nam Biển Đông.
Bởi lẽ Trung Quốc tuyên bố tẩy chay vụ kiện và phán quyết của PCA, nhưng lại đi vận động hết nước nọ nước kia chống lại phán quyết là một điều mâu thuẫn.

Phán quyết của PCA là một vấn đề pháp lý, các bên liên quan chỉ có tuân thủ hoặc không tuân thủ nó, hoặc khởi động một tiến trình pháp lý khác về phán quyết này của PCA. Những hành động pháp lý đó mới có ý nghĩa thực tế và cụ thể đến phán quyết của Tòa.

Mọi tuyên bố chính trị, mọi vận động ngoại giao, mọi cuộc chiến truyền thông dư luận khác chẳng tác động gì đến phán quyết khi anh không khởi động một tiến trình pháp lý khác.

Vậy nhưng Trung Quốc ra sức tiến hành cuộc chiến truyền thông, dư luận để bóp méo UNCLOS 1982, vai trò của PCA và phán quyết của Tòa bằng cách đánh tráo khái niệm.

Thậm chí ông Đới Bỉnh Quốc còn dọa dẫm, Bắc Kinh sẽ không chịu sức ép về phán quyết này, không "khoanh tay ngồi nhìn" nếu Philippines "thực hiện thêm hành động khiêu khích" cho thấy Trung Quốc rất sợ dư luận, rất sợ Philippines đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc.

Những lời dọa dẫm của ông Đới Bỉnh Quốc cho thấy Trung Quốc đã rất đuối lý, đã nhận thức được nguy cơ bị cô lập khỏi đời sống chính trị quốc tế của nhân loại văn minh vì hành động bành trướng của mình.

Nhưng tham vọng bành trướng và "gen" dân tộc cực đoan, ích kỷ hẹp hòi, tự cao tự đại trong chính họ, cũng như cái thế phóng lao phải theo lao do họ tạo ra đang cản trở nước này thừa nhận sai lầm, quay về bờ giác.

Nếu các bên liên quan vì sợ Trung Quốc sẽ leo thang manh động hơn nữa sau phán quyết của PCA mà sợ không dám bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng công cụ pháp lý quốc tế, bao gồm cơ quan tài phán quốc tế và thậm chí là Liên Hợp Quốc, thì đã mắc bẫy Trung Quốc.

Vì sao? Vì theo cá nhân người viết, những tranh chấp phức tạp ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng 4 cách:

Một là đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, tranh chấp song phương đàm phán song phương, tranh chấp đa phương đàm phán đa phương; Hai là đưa ra cơ quan tài phán quốc tế hoặc bên thứ 3 mà các bên thống nhất lựa chọn, ví dụ như Liên Hợp Quốc; 

Ba là giải quyết bằng vũ lực; Bốn là bên nào xâm chiếm bất hợp pháp thì tự nguyện trả về chủ cũ hoặc ngược lại, kẻ yếu đầu hàng kẻ mạnh.

Giải pháp thứ nhất thì từ năm 1995 đến 2013 Philippines mất 18 năm theo đuổi nhưng không thể đàm phán được với Trung Quốc, vì Bắc Kinh yêu cầu: Thừa nhận chủ quyền Biển Đông thuộc Trung Quốc sau đó đàm phán gì thì đàm phán.

Ông Tập Cận Bình 3 lần tuyên bố, Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại. Và mới đây nhất, ông Bình nói như đinh đóng cột: Trung Quốc quyết không thỏa hiệp về chủ quyền.


Riêng Hoàng Sa là tranh chấp song phương với Việt Nam, do Trung Quốc gây ra từ sự kiện đổ bộ bất hợp pháp năm 1909 của Lý Chuẩn và 2 lần cất quân chiếm đóng, xâm lược năm 1956, 1974 thì họ kiên quyết không chịu đàm phán với Việt Nam, dù  tháng 9/1975 ông Đặng Tiểu Bình đã cam kết vấn đề Hoàng Sa để sau này giải quyết

Giải pháp thứ 3 và thứ 4 thì chúng ta không muốn và cũng không thể chấp nhận. Vậy chỉ còn sử dụng pháp lý để đấu tranh, dựa vào lẽ phải, luật pháp và công luận.

Nếu lại vì vài lời dọa dẫm của Trung Quốc mà không dùng đến nó thì có lẽ chỉ còn cách ngồi chờ xem ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra.

Có quan điểm cho rằng, nếu hậu phán quyết của PCA các bên không sử dụng pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc thì họ sẽ không leo thang, giữ nguyên hiện trạng thì cá nhân người viết e rằng đó là một sự lạc quan nguy hiểm.

7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng với quy mô khủng khiếp ở Trường Sa, hiện đang vũ trang quân sự hóa không phải để chơi.

Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc chính thức xuất hiện tham vọng "cấp nhà nước" trong việc biến Biển Đông thành ao nhà từ năm 1947, nhưng họ sẵn sàng chờ đến năm 1956 lợi dụng Việt Nam đang tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc để chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa.

Xong rồi họ lại chờ đến năm 1974, khi chúng ta bận thống nhất đất nước họ xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.

Họ chờ tiếp đến năm 1988 khi Việt Nam gặp khó khăn thách thức mang tính chiến lược: Liên Xô rệu rã, Mỹ rút khỏi Biển Đông, bản thân Việt Nam vừa trải qua 4 cuộc chiến tranh làm đất nước tiêu điều kiệt quệ, Trung Quốc vẫn nổ súng quấy nhiễu ở biên giới phía Bắc... để chiếm Gạc Ma.

Như vậy có thể thấy, không phải một vài năm sóng yên biển lặng có nghĩa là Trung Quốc đã nguôi ngoai giấc mộng bành trướng Biển Đông.

Lúc này là thời điểm thế giới tập trung cao độ vào Biển Đông, cũng là lúc luật pháp quốc tế được hoàn thiện và trở thành công cụ hữu hiệu. Thiết nghĩ các bên liên quan cần nhận thức rõ điều này để nắm lấy nó.

Tin vào chính nghĩa, tin vào luật pháp quốc tế, hiểu chính nghĩa và hiểu luật pháp quốc tế mới cho ta sức mạnh để đấu tranh trong cuộc chiến bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, hòa bình và ổn định của khu vực, luật pháp quốc tế ở Biển Đông với một đối thủ to xác.

Ts Trần Công Trục

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: