Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh: 'Anh em áp lực nên hoảng hốt lấy mẫu Formosa thiếu khách quan'
(VTC News) - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thừa nhận sai sót về kết quả lấy mẫu chất thải Formosa là do cán bộ bị áp lực nên hoảng hốt.
Sáng 18/7, trao đổi với PV, ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thừa nhận, quá trình lấy mẫu phân tích chất thải của Formosa chôn ở trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường Kỳ Anh thiếu khách quan, khoa học và hiện đang chờ kết luận chính thức từ Bộ TN&MT mới công bố.
Ông Đinh cho biết: "Trong quá trình lấy mẫu phân tích, Sở chỉ lấy 4 mẫu (trong đó 1 mẫu ở bãi rác trang trại, 3 mẫu ở nhà máy Formosa). Đây là sự thiếu sót của cán bộ chuyên môn, thời điểm xảy ra sự việc anh em áp lực nên hoảng hốt, khi đi làm việc chỉ lấy 4 mẫu ở 4 khu vực, dẫn tới kết quả phân tích thiếu khách quan".
Theo ông Đinh, việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố mẫu chất thải của Formosa có 13/15 chỉ tiêu an toàn, 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép là chưa đúng và chưa thể khẳng định được đây là chất thải nguy hại hay thông thường.
Cụ thể, ông Đinh giải thích: “Theo quy chuẩn 50 của bộ TN&MT, một chất thải được xác định là chất thải độc hại, nó phải có hai nồng độ (hàm lượng tuyệt đối và nồng độ ngâm chiết) đều vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, theo kết quả phân tích của Sở thì chỉ có hàm lượng tuyệt đối cao (có 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng), nhưng nồng độ ngâm chiết lại thấp. Nếu theo kết quả này thì không được gọi là chất thải nguy hại được".
"Nếu muốn biết kết quả chính xác và khách quan thì phải chờ phân tích của Bộ TN&MT. Hiện nay, Bộ TN&MT đã lấy rất là nhiều mẫu, 4 mẫu nước mặt, 35 mẫu bùn, 30 mẫu đất sau khi bốc xúc xong bùn thải để đưa về phân tích. Như vậy, nếu theo mẫu của Bộ TN&MT nó đã đại diện được toàn bộ khu vực này. Kết quả này mới khẳng định được đó là chất thải gì", ông Đinh nói.
Trả lời về trách nhiệm của Sở TN&MT Hà Tĩnh, đặc biệt là những người đứng đầu Sở khi để xảy ra việc chôn chất thải của Formosa trong thời gian qua, ông Đinh thừa nhận: "Đối với Sở TN&MT, để xảy ra những sự cố này thì thấy có một phần trách nhiệm của mình trong đó. Tuy nhiên cái này đều có liên đới giữa các cấp các ngành chứ không riêng gì cấp nào".
Trước đó, chiều 16/7, trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện đã có kết quả phân tích ban đầu về mẫu chất thải từ nhà máy Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chôn lấp ở trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.
Theo ông Thắng, kết quả phân tích số chất thải trên cho thấy, có 13/15 chỉ tiêu dưới ngưỡng cho phép, 2 chỉ tiêu còn lại vượt ngưỡng cho phép. Theo kết quả ban đầu này thì số rác thải này là rác thải công nghiệp thông thường, không nguy hại.
Video: Hà Tĩnh đã có kết quả phân tích ban đầu chất thải Formosa
Phan Hiếu
Cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 10 điểm khác xung quanh khu vực dự án Formosa có chôn hàng chục tấn chất thải công nghiệp, rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt.
Sáng qua 17.7, tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh và đoàn công tác của Bộ TN-MT tiếp tục đi thực địa tại nhiều điểm xung quanh khu vực dự án Formosa để kiểm tra, lấy mẫu phân tích, làm rõ nguồn gốc chất thải vừa phát hiện trên địa bàn.
Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngoài trang trại, công viên môi trường, bãi rác thải tại xã Kỳ Tân (H.Kỳ Anh), cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 10 điểm khác xung quanh khu vực dự án Formosa có chôn hàng chục tấn chất thải công nghiệp, rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt. Nghi vấn số chất thải này được đưa ra từ dự án Formosa nên UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT lấy mẫu phân tích, xác định nguồn gốc chất thải. Sau khi có kết quả phân tích, UBND tỉnh sẽ thông tin cho người dân biết và đưa ra phương án giải quyết vụ việc.
Trả lời Thanh Niên, ông Dương Tất Thắng cho rằng, sự cố chôn lấp chất thải của Formosa là một bài học rất lớn đối với Hà Tĩnh và để giải quyết vấn đề này phải cần một quá trình lâu dài. “Chúng tôi đã phải trả một cái giá không tính toán được liên quan đến vấn đề môi trường môi sinh, dư chấn tâm lý của người dân, thiệt hại cả tinh thần, vật chất”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, UBND tỉnh đã họp, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Sở TN-MT, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an tỉnh, UBND TX.Kỳ Anh và các cá nhân liên quan…
Với tư cách là Phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách dự án Formosa và các công ty khác tại khu kinh tế Vũng Áng, ông Thắng nhận trách nhiệm cá nhân về sự cố chôn lấp chất thải của Formosa.
Nguyên Dũng
Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại: Hành vi chống lại môi trường sống con người
(VTC News) - Lời xin lỗi còn chưa kịp lặng. Khoản đền bù 500 triệu USD còn chưa kịp đến tay ngư dân. Thì, người Việt lại thêm một phen choáng váng khi những hình ảnh mới nhất, bằng chứng mới nhất về việc Formosa Hà Tĩnh tẩu tán chất thải công nghiệp được phơi bày.
Truyền thông trong nước hôm 12/7 đưa tin, đã phát hiện hàng trăm tấn chất thải “màu đen, có mùi hôi và hắc” xuất xứ từ Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) được chở thẳng đến một trang trại, nằm trong một khu rừng tràm rộng vài ngàn m2, để chôn lấp.
Trang trại, sau đó, đã được xác nhận là của ông giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Cty môi trường Kỳ Anh) Lê Quang Hòa.
Dù ông Lê Quang Hòa, trước đông đảo báo giới và cơ quan chức năng, khẳng định, chất thải của Formosa chôn ở đất chỉ là chất bùn sinh hoạt, không nguy hại và chỉ với mục đích “để trồng cỏ và chuối” nhưng việc Formosa thừa nhận sai phạm khi ký hợp đồng xử lý chất thải với Cty môi trường Kỳ Anh đã cho thấy vụ việc không đơn giản như những gì vị giám đốc này nói.
Cơ quan chức năng rồi sẽ làm rõ chất thải của Formosa Hà Tĩnh có độc hay chỉ là “rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp” nhưng, việc lén lút đổ thải và kí hợp đồng với một đơn vị không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Vụ chôn lấp chất thải này xảy ra sau khi Formosa thừa nhận mình là thủ phạm gây ra vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, hành vi này của Formosa là “tái phạm”. Trước một sự cố như vậy, điều mà Formosa phải đương đầu, không chỉ là quy định về môi trường mà còn là uy tín đạo đức với người dân và chính quyền. Ai cũng muốn phát triển kinh tế, song chắc chắn không ai dám đánh đổi kinh tế thuần tuý bằng mạng sống của mình và các thế hệ kế tiếp.
Video: 5 cam kết của Formosa sau sự cố cá chết hàng loạt
Một điều đáng lưu ý là con số “100 tấn chất thải chôn lấp” mới chỉ là con số ước lượng, thực tế, có thể lớn hơn rất nhiều.
Theo thông tin từ chính Formosa thì công ty này ký hợp đồng với Cty môi trường Kỳ Anh để vận chuyển, xử lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp, thời gian từ tháng 4/2016.
Khối lượng đã vận chuyển xử lý là 267,83 tấn bùn thải; trong đó, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 77,39 tấn, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp 189,44 tấn. Được biết, giá thành vận chuyển và xử lý nước thải sinh hoạt là 1.000 đồng/kg, còn nước thải công nghiệp là 800 đồng/kg.
Hẳn nhiều người dân đã lo lắng khi biết thông tin này. Bởi, nếu con số này là thực và sau khi cơ quan chức năng xác định trong chất thải đó có chứa chất độc thì với số lượng đã chôn lấp, có biết bao nhiêu chất độc đã nguồn nước ngầm của Hà Tĩnh. Từ hệ thống tưới tiêu đến giếng ăn của người dân.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển nói không với phát triển công nghiệp thép. Nguyên nhân do công nghiệp luyện gang thép thải ra một lượng lớn khí thải. Hơi và sản phẩm phụ từ quá trình luyện cốc, nung kết, làm sạch kim loại khiến gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Các vấn đề ô nhiễm từ ngành công nghiệp luyện gang thép thường là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước. Không chỉ khí và bụi, chất thải rắn phát sinh từ quá trình luyện gang thép bao gồm xỉ than và bụi có lẫn kim loại nặng cùng lượng nước vô cùng lớn có chứa nhiều hoá chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, dầu, kim loại nặng, và một số chất hữu cơ khác cũng là kẻ thù của môi trường.
Vì lợi nhuận, muốn tiết giảm chi phí, nhiều công ty không muốn xử lý khí và bụi thải, vốn là một quy trình tốn phức tạp và tốn kém, nên đã tìm cách đẩy những loại khí này trực tiếp ra môi trường.
Trong phần trả lời phỏng vấn báo chí hôm 30/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng: “Về quy chuẩn môi trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên. Ví dụ trong ngành luyện kim, luyện thép... nếu để tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành đó tồn tại, phát triển”.
Rõ ràng, ở những thời điểm nào đó trong lịch sử, chúng ta buộc phải lựa chọn, cân nhắc trước các lợi ích. Và thảm hoạ môi trường vừa qua ở bốn tỉnh miền Trung là một bài học sâu sắc.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam, ngay tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, vào đầu 2013, Bộ Môi trường nước này đã buộc thừa nhân sự tồn tại của những “ngôi làng ung thư” mà nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm môi trường.
Đã đến lúc, cần đánh giá lại một cách toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tất cả những gì liên quan đến Formosa Hà Tĩnh. Bởi, cho dù ngành công nghiệp luyện kim có thải ra rất nhiều chất độc thì trên thế giới, hàng năm vẫn có hàng tỷ tấn thép được sản xuất.
Và không phải nhà máy nào cũng gây ra thảm hoạ môi trường kiểu như Formosa Hà Tĩnh ở Việt Nam. Cũng nhân sự việc này, cần xem xét trách nhiệm của những người đã bằng mọi giá đưa Formosa vào Hà Tĩnh với hàng loạt ưu đãi kịch trần.
Việc Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro-ôxit sắt là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, cũng tương tự như vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải. Người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn có đủ cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việt Nam cũng như bất kỳ nước nào cũng đều mong muốn hợp tác đầu tư. Thế nhưng, việc đầu tư phải tuân thủ quy định của nước sở tại và những công ước quốc tế. Cho nên, hành vi xả thải sai luật của Formosa, hành vi tiếp tay của Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đáng bị lên án.
Đó là hành vi chống lại môi trường sống của con người, cũng có nghĩa là, chống lại nhân loại tiến bộ. Ở đây chỉ muốn đến hành vi xả thải độc hại, chứ không nói đến Formosa. Và nữa, hành vi xả thải độc hại ra môi trường của ai cũng đều là hành vi đáng lên án.
Những ngày qua, cùng với nỗi lo về môi trường bị tàn phá, người dân cả nước cũng được yên tâm trước nỗ lực truy tìm thủ phạm, khắc phục sự cố của Chính phủ và các bộ, ngành. Hiện, chưa ai có thể đánh giá hết tổn thất hậu Formosa, song có thể nói, việc cơ quan chức năng thành công buộc Formosa nhận tội sau 3 tháng đấu tranh đã đáp ứng được nguyện vọng, gia tăng niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền.
Khi xử lý vấn đề Formosa, đương nhiên phải cân nhắc đến môi trường đầu tư. Cách xử lý nào cũng đều có những tác động. Người dân vẫn đang chờ đợi những thông điệp tiếp theo, song có điều chắc chắn, ngư dân thì không bao giờ muốn biển “đói” cá.
Lưu Văn
Formosa chôn chất thải ở khu dân cư
TTO - Ngày 16-7, sau khi đào 10 tấn chất thải của Formosa do Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn tại công viên Hưng Thịnh, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Tĩnh tiếp tục cho đào chất thải ở tổ dân phố Hưng Thịnh.
Xe đào chất thải chôn ở khu dân cư tổ dân phố Hưng Thịnh - Ảnh: HỒ VĂN |
Hiện trường đào chất thải nằm bên ngoài công viên thuộc tổ dân phố Hưng Thịnh, P.Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ông Đặng Bá Lục, chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Tĩnh cho biết: "Ngoài 10 tấn chất thải chôn bên trong công viên, ông Lê Quang Hòa (giám đốc Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh - PV) nói còn một số ít chôn bên ngoài công viên".
Ông Lục nói theo lời ông Hòa thì "đây là số chất thải do người dân xin về để trồng cây xanh, khi chưa sử dụng thì tạm thời chôn lại”.
Chứng kiến vụ việc, nhiều người dân tại thôn Hưng Thịnh bức xúc: “Chôn thế này thì khác gì giết dân, phải xử lý cả chất thải với trách nhiệm người chôn chất thải”.
10 tấn chất thải được đào lên tại công viên Hưng Thịnh - VĂN ĐỊNH |
Chiều cùng ngày, ông Lục thông tin thêm việc di dời hơn 100 tấn chất thải chôn tại trang trại của ông Hòa về kho lưu trữ đã hoàn tất.
Tuy nhiên, nhằm tránh các hậu quả về sau, các cơ quan ban ngành đã lập biên bản giữ nguyên hiện trường các hố đào để tiếp tục cào lớp đất phía trên và dưới hố chôn để mang đi xử lý.
HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
BÌNH LUẬN
BÌNH LUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét