Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Vì sao báo Đài Loan: Việt Nam bắt Formosa bồi thường theo kiểu “ bắt con tin” thời “xuân thu chiến quốc” ?

Phạm Viết Đào.

Việc Chính phủ Việt Nam buộc và đồng ý nhận khoản bồi thường 500 triệu USD của Tập đoàn Formosa là kiểu “ứng xử chừng chừng” như cách nói của dân Nghệ Tĩnh; loại hành vi ứng xử dựa hoàn cảnh, dựa dư luận… không theo luật pháp và không có cơ sở luật pháp nào cả…
Do việc buộc Đài Loan hứa bồi thường 500 triệu USD mặc dù đại diện Chính phủ Việt Nam tuyên bố đây là biện pháp khoan hồng với Tập đoàn Formosa nhưng báo chí Đài Loan lại cho rằng: Chính phủ Việt Nam lại áp dụng chiến thuật “bắt cóc con tin” thời “xuân thu chiến quốc” để buộc tập đoàn này phải trả 500 triệu USD.
Còn dư luận nhân dân và một số chuyên gia môi trường Việt Nam thì lại cho rằng: khoản tiền 500 triệu USD này chỉ đủ “xỉa răng” cho cá; khoản tiền 500 triệu USD làm sao đủ để xử lý, hoàn nguyên được một giải bờ biển miền trung Việt Nam dài gần 400 km bị tác động môi trường độc hại do Tập đoàn Formosa gây ra?
Liên quan tới việc điểu chỉnh loại hành vi gây hại môi trường, Việt Nam đã ban hành 3 bộ luật chuyên ngành để điểu chính các hệ lụy gây ra…
Tại Điều 35 của Bộ Luật Biển Việt Nam 2013 đã quy định việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển rất cụ thể tại khoản 3:”Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam.
4. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nếu gây thiệt hại thì phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật…”
Ngoài điều 35 của Luật Biển Việt Nam còn có Luật bảo vệ môi trường năm 2014 trong đó có các điều 160 quy định về Xử lý vi phạm làm ô nhiềm môi trường; điều 165 quy định về Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường; Bộ Luật bảo vệ môi trường còn có cả chương XIX quy định chi tiết về bồi thường thiệt hại môi trường; Ngoài 2 bộ luật trên, Việt Nam đã ban hành Bộ Luật Dân sự 2015, quy định tại chương XX về các khoản bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng ?
Về luật pháp, Việt Nam có 3 bộ luật quy định hết sức cụ thể và chi tiết, đủ cơ sở pháp lý để xử lý vụ Tập đoàn Formosa gây ô nhiềm; trong đó có 2 bộ luật do chính Bộ tài nguyên-môi trường chủ trì soạn thảo.
Thế nhưng không rõ vì sao Chính phủ Việt Nam lại không đem ra áp dụng khi xử lý vụ Formosa gây ô nhiễm, buộc tập đoàn này phải bồi thường thiệt hại về môi trường như luật định; Trong khi Bộ Tài nguyên-Môi trường là một trong những chủ thể chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp vụ này và soạn ra 2 bộ luật kể trên ?
Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ tại khoản 5 điều 165:” Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại…
Có lẽ do vì một lý do nào đó mà Bộ Tài nguyên-Môi trường đã không áp dụng như đã quy định của pháp luật Việt Nam về vụ Formosa do đó nên bị báo chí Đài Loan lên tiếng và các nhà đầu tư Đài Loan tuy cúi đầu nhận lỗi nhưng không tin là họ tâm phục, khẩu phục ?!
Một ứng xử khác theo kiểu “chừng chừng” của Chính phủ Việt Nam khi trả lời báo chiều ngày 30/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị nhân dân khoan hồng cho Tập đoàn Formosa. Tôi nghĩ đây là ý kiến cá nhân và cảm tính của một quan chức chưa có thói quen điều hành công việc quản trị nhà nước bằng luật pháp…
Việt Nam đang mở cửa giao lưu, kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế thì phải thông thoáng có sự khoan dung với các nhà đầu tư nếu họ có vi phạm luật pháp nào đó của Việt Nam…Có thông thoáng, khoan dung hay khoan hồng thì cũng phai trên cơ sở luật pháp chứ không thể cảm tính, tùy tiện, tùy quan hệ…
Hiện nay Chính phủ chưa trả lời được trên cơ sở luật pháp nào mà lại buộc Tập đoàn Formosa phải bồi thường 500 triệu USD mà không là 50 triệu hay 5 tỷ USD; khi chưa có một bản đánh giá thiệt hại độc lập hoặc được Formosa thứ nhận như luật định?
Trong khi đó Luật Biển, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Dân sự quy định tại
Điều 13 về bồi thường thiệt hại:”Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác…
1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài…”

Để xảy ra hệ lụy về “hậu xử lý Formosa”, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu Bộ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường kiểm điểm và chịu một hình thức kỷ luật đích đáng vì đã không tham mưu cho Chính phủ hành xử đúng pháp luật Việt Nam một cách công minh Tập đoàn Formosa; do vậy đâ gây nên như dư luận bất lợi cho Việt Nam không chỉ trong mà cả ngoài nước…
P.V.Đ

MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT LIÊN QUAN TỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỀN BÙ THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG...

Luật số 18/2012/QH13 của Quốc hội : LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Điều 35. Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển
1. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan đến việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
2. Khi vận chuyển, bốc, dỡ các loại hàng hóa, thiết bị có khả năng gây hại đối với tài nguyên, đời sống của con người và ô nhiễm môi trường biển, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải sử dụng thiết bị và các biện pháp chuyên dụng theo quy định để ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra cho người, tài nguyên và môi trường biển.
3. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam.
4. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nếu gây thiệt hại thì phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản đóng góp về bảo vệ môi trường biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
( Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 )

LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Số: 55/2014/QH13 Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2014

Điều 160. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương XIX

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG
Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:
1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.
2. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:
a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;
b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;
c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau:
a) Có suy giảm;
b) Suy giảm nghiêm trọng;
c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm:
a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;
b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm;
c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.
3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:
a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại;
b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.
4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:
a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;
b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;
d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;
đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.
5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.
Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.
6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.
2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.
3. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

LUẬT DÂN SỰ 2015;

Chương XX

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Luật Dân sự 2015 Luật số: 91/2015/QH13 Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015

Không có nhận xét nào: