Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Hàng không mẫu hạm Mỹ cập Đà Nẵng: Vì sao Việt Nam ‘vừa đón vừa run’?; Việt Nam, con thuyền không bến

Hiện tượng các quan chức cao cấp của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 đã khiến nảy sinh một dấu hỏi lớn: phải chăng giới chóp bu Việt Nam đã phải chịu một sức ép đủ lớn từ “bạn vàng” Trung Quốc mà đã gây ra hiệu ứng “lủi sạch”?

Buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 tại Đà Nẵng và hiệu ứng “lủi sạch” của quan chức cao cấp Việt Nam. Ảnh: Bình Nguyên – Đình Thức
Thật thế, tại buổi đón USS Carl Vinson chỉ có đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng với quan chức cấp cao nhất là ông Lâm Quang Minh – giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân; Bộ tư lệnh Quân khu 5. Thậm chí không có nổi một phó chủ tịch của thành phố Đà Nẵng. Còn nhiều báo nhà nước khi giới thiệu về “đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân; Bộ tư lệnh Quân khu 5” thậm chí còn không nói rõ tên họ của các vị này như một sứ cố ý.
Trong khi đó, phía Mỹ tham dự buổi được đón tiếp trên, ngoài Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại việt Nam, còn có cả một nhân vật rất cao cấp: Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương – Đô đốc Scott Swift.

Sự có mặt của Đô đốc Scott Swift tại lần hiện diện đầu tiên của hàng không mẫu hạm Mỹ ở Việt Nam kể từ năm 1975 cho thấy người Mỹ thật sự coi trọng ý nghĩa và tôn trọng nước chủ nhà Việt Nam, nằm trong chiến lược “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.

Vào năm 2014 khi tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương khi đó là Đô Đốc Samuel Locklear đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt – mười sáu chữ vàng.” Còn tổng bí thư đảng Cộng sảnViệt Nam là Nguyễn Phú Trọng vẫn cày cục “xin gặp” chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình để xử ý cuộc khủng hoảng “Hải Dương 981”. Thế nhưng nghe nói là bất chấp việc ông Trọng đã có đến 20 lần gọi điện thoại sang Bắc Kinh, họ Tập vẫn không nhấc máy.

Chỉ từ đầu năm 2016, “tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam” đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.

Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ơ ngoài khơi Đà Nẵng, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ, mà ngay trước mắt là một hàng không mẫu hạm Mỹ có mặt ở Đà Nẵng để “hù” Trung Quốc.

Tuy thế và cứ như một sự trớ trêu đa nhân cách, tinh thần cầu cạnh Mỹ được báo chí nhà nước mô tả là “nỗ lực của 10 năm” như thế lại rất mau chóng chuyển thành thói kênh mặt ngạo mạn của kẻ cháy túi. Thái độ giới quan chức Việt Nam chọn cách đón tiếp quá bất xứng đối với USS Carl Vinson và Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương đã thêm một lần nữa mô tả lối tuyên truyền trong nội bộ đảng Cộng sản về “Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ” – kéo dài suốt từ thời bình thương hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 cho đến tận giờ đây.

Thái độ bất xứng trên cũng một lần nữa mô tả chính xác trạng thái “cần Mỹ nhưng lại sợ Trung”.

Nhưng có một mục đích xuyên suốt mà giới chóp bu Việt Nam không bao giờ quên: dù quan chức cấp cao “trốn biệt” khi đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, nhưng để “mượn danh” sự có mặt của hàng không mẫu hạm này, báo chí nhà nước đã ồ ạt mở một đợt tuyên truyền theo cách “Tàu sân bay thăm Việt Nam đóng góp vào hòa bình khu vực” (Zing.vn), “Tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng là bước chuyển mạnh trong quan hệ hai nước” (Vnexpress), “Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ” (báo Thanh Niên), “Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson khẳng định ‘cam kết, ủng hộ’ với Việt Nam” (Thanh Niên)…

Quan sát thái độ “vừa đón vừa run” của Việt Nam đối với USS Carl Vinson, một người chạy xe ôm phẫn nộ: “Thật nhục cho một chính quyền chẳng còn biết tính chính danh là cái quái gì! Chỉ giỏi đu dây, lợi dụng nước này để dọa nước kia, chứ còn bao nhiêu ngư dân Việt Nam bị Trung cộng nó bắn giết thì có điều tra ra được cái gì đâu. Cứ thế này thì có khi cứ cho thêm một vụ Hải Dương 981 nữa ngoài Biển Đông để mấy cha lãnh đạo trắng mặt vỡ mặt thì mới biết thế nào là đu dây!”

Thiền Lâm

Việt Nam, con thuyền không bến

7-3-2018
Tàu san bay USS Carl Vinson ở Đà Nẵng. Ảnh: internet
Chuyến viếng thăm Việt Nam bốn ngày của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn hộ tống hùng hậu đã gây nên nhiều tranh luận. Bỏ qua bên các tâm trạng xin quẻ, dâng sớ thượng nguyên, không ít ý kiến rất tích cực, thật sự thiết tha với tương lai đất nước.
Nhiều người mong USS Carl Vinson sẽ tạo nên lớp sóng phản hồi trong cuộc tranh chấp gần như thụ động, một chiều cha nói con nghe giữa Trung Cộng và Việt Nam. Sự hiện diện của USS Carl Vinson thể hiện chính sách cứng rắn của chính phủ Mỹ trên Biển Đông bất chấp đường lưỡi bò, lưỡi trâu do Trung Cộng vẽ. Tranh chấp chủ quyền Biển Đông có khả năng cao hơn dẫn đến quốc tế hóa, và chỉ quốc tế hóa mới đem lại công bằng cho các nước nhỏ.
Do đó, yếu tố quốc tế rất cần thiết. Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay khi sự phát triển của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các quốc gia khác, yếu tố quốc tế chưa bao giờ quan trọng và hữu hiệu hơn.
Lịch sử nhân loại thời hiện đại cho thấy, yếu tố quốc tế thậm chí còn đóng vai trò quyết định trong hướng đi của dân tộc như trường hợp Ai Cập sau chiến tranh 1967, Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ hai và Nam Hàn sau thời Lý Thừa Vãn.
Anwar Sadat của Ai Cập là một lãnh tụ can đảm. Không ai từng chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat và là một anh hùng của toàn thế giới Á Rập. Tuy nhiên để mưu cầu một nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Sô để bước sang phía thế giới tự do cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967.
Mustafa Kemal là cha đẻ của nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại sau khi đế quốc Ottoman tan rã. Những cải tổ tận gốc về văn hóa, giáo dục của vị tướng tài ba này đã đưa Thổ từ một nước Hồi Giáo với 99 phần trăm dân theo đạo Hồi sống khép kín tôn giáo thành một quốc gia hiện đại. Nhưng quan trọng nhất là tầm nhìn xa. Ông rất quan tâm đến việc tạo một thế đối lực với Liên Sô luôn nuôi tham vọng độc chiếm Eo Biển ĐịaTrung Hải, mạch máu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông qua đời năm 1938, và người chiến hữu tin cẩn của ông là Mustafa İsmet İnönü tiếp tục hành trình để đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào quỹ đạo của dân chủ Tây Phương. Cuối cùng Thổ đã trở thành một thành viên của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương dù quốc gia này cách bờ phía Đông của Đại Tây Dương tới hai ngàn dặm. Stalin đành ngậm đắng nuốt cay.
Gần Việt Nam có Nam Hàn. Nhiều người biết vào năm 1950 nền cộng hòa non trẻ này sống sót là nhờ quân đội Mỹ lúc đó còn mạnh ở Thái Bình Dương đổ bộ để tái chiếm Nam Hàn và xác định lần nữa việc chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, ít người để ý, quốc gia dân chủ này suýt trở thành CS lần nữa không phải do Bắc Hàn tấn công mà do chủ trương khuynh tả trong thời gian đảng Dân Chủ Nam Hàn do Chang Myon làm thủ tướng. Xung đột ý thức hệ tại Nam Hàn đã diễn ra kịch liệt do các thành phần tả khuynh chủ động. Phản ứng lại, dân chúng yêu tự do tổ chức các cuộc biểu tình chống tả khuynh tại nhiều nơi. Ngày 16 tháng 5, 1961, tướng Park Chung Hee (Phác Chính Hy) và quân đội đảo chánh, thiết lập một chính phủ cứng rắn và xác định một hướng đi mới: Phát triển kinh tế trước, thống nhất đất nước sau. Chính sách đó đã tạo không gian cho Nam Hàn cất cánh, từ lợi tức đầu người năm 1960 chỉ vỏn vẹn 76 dollars lên đến 35 ngàn đô la năm 2016.
Tuy nhiên, ba ví dụ trên cho thấy, yếu tố quốc tế có một điều kiện tiền đề: hoặc lãnh đạo sáng suốt, can đảm, thấy rõ nhu cầu của đất nước trong hướng đi dân chủ và cường thịnh thời đại, hoặc tinh thần người dân của quốc gia đó đủ mạnh để gây áp lực dẫn đến sự thay đổi quốc gia.
Việt Nam, cả đảng và chống đảng, đều không thỏa mãn được điều kiện tiền đề đó.
Về phía đảng CS.
Đảng CSVN là một đảng (1) bán nước, (2) không có tính chính danh, (3) bám lấy quyền lực và (4) ngu dốt trong điều hành đất nước.
Bốn đặc điểm này của chế độ CS không cần phải phân tích dài dòng, ngoại trừ những người phải chịu khuyết tật về thể xác hay tâm hồn mới không thấy và không biết.
Sự kiện một nước Việt Nam có trên ba ngàn cây số bờ biển và từ bao đời sống nhờ vào biển nay chỉ còn đủ rộng để đi câu là kết quả của sự thần phục Trung Cộng của bao thế hệ cầm quyền CS.
Trước đây, ý thức hệ CS làm mù lương tri Việt Nam của giới cầm quyền CS, ngày nay ý thức hệ CS đã chết nhưng họ vẫn tiếp tục dùng các phương pháp CS dã man do Lenin, Stalin, Mao nghĩ ra để tuyên truyền tẩy não và trấn áp người dân nhằm củng cố chiếc ghế quyền lực.
Tạm gác qua một bên chuyện đúng sai trong chiến tranh trước 1975, thử hỏi sau 43 năm đưa đất nước vào ngõ cụt của lạc hậu về kinh tế, chậm tiến về giáo dục, băng hoại về đạo đức, ung thối trong tận cùng của xã hội, họ có xứng đáng để tiếp tục cha truyền con nối cai trị trên đầu trên cổ của hơn 90 triệu người Việt hay không? Ai bầu họ ra? Ai cho phép họ sống trên xa hoa, phung phí giữa sự lầm than của đại đa số người dân Việt?
Chuyện các lãnh chúa CS ngu dốt cũng cũng không phải là chụp mũ hay bôi nhọ. Nhìn cảnh một Phan Văn Khải rút trong túi ra một tờ giấy viết sẵn để đọc cho TT G.W. Bush nghe một người Việt dù chống Cộng cũng không khỏi mắc cỡ giùm. Nội dung tờ giấy đó không phải là văn bản cần ký kết, cũng chẳng chứa đựng một thuật ngữ kinh tê’ chính trị gì dễ bị hiểu sai mà chỉ đôi lời thăm hỏi xã giao. Rồi mấy lớp cai trị khác theo sau cũng ngu ngơ không kém. Nếu không có thành phân phên dậu, thành phần xăng nhớt thì bộ máy CS đã ngừng chạy từ lâu rồi.
Về phía chống đảng CS.
Phía những người chống đảng cũng chưa có một hướng đi chung.
Những người chống CS cả trong và ngoài nước đều muốn lật đổ chế độ CS và xây dựng một Việt Nam dân chủ và cường thịnh. Nhưng nếu câu hỏi tiếp là làm thế nào để “lật đổ chế độ CS và xây dựng một Việt Nam dân chủ và cường thịnh” thì người viết nghĩ rằng không phải mọi người đều trả lời giống nhau.
Phải chăng câu hỏi quá khó để trả lời? Không.
Các quốc gia cựu CS, rộng như Ba Lan, hẹp như Estonia, xa xôi như Ethiopia, chậm tiến như Mông Cổ đã trở thành những nước dân chủ dù mức độ còn khác nhau bởi vì họ trả lời giống nhau câu hỏi thứ hai.
Những lãnh đạo phong trào dân chủ tại các nước này thấy rõ mục đích cần phải đạt trong từng giai đoạn của tiến trình dân chủ hóa và chỉ tập trung vào từng mục đích mà thôi.
Họ không phải là những chính trị gia chuyên nghiệp, nhà cách mạng nổi tiếng mà là những giáo sư, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, sinh viên rất bình thường. Chỉ khác, họ không tham lam, không lãng phí thời gian và công sức vào những chuyện chỉ có thể giải quyết sau khi giải thể chế độ CS.
Việt Nam có hầu hết các yếu tố để dẫn đến một cuộc cách mạng, tuy nhiên vẫn còn thiếu lực lượng của những người nhận thức đúng hướng đi để chèo chống con thuyền qua cơn bão tố CS.

Xây dựng và phát triển tập hợp những người Việt vượt qua được mọi tiêu cực để tập trung vào việc tháo gỡ bộ máy cai trị của đảng CS trở thành nhu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Và mãi cho tới khi lực lượng dân chủ đó ra đời, Việt Nam vẫn còn là một con thuyền không bến.

Không có nhận xét nào: