Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

MobiFone là điển hình của trốn cổ phần hóa và bị lợi ích nhóm xâu xé

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI cho rằng MobiFone là điển hình của việc trốn cổ phần hóa - Ảnh VNN
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI cho rằng trong thương vụ MobiFone mua AVG, việc thẩm định giá được thực hiện theo kiểu “trên trời”. Bên thẩm định đưa ra một cái rất cao và sau đó ban lãnh đạo công ty lại đưa ra giá thấp hơn và người ta nghĩ rằng đấy là rẻ.
Liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm quanh thương vụ MobiFone mua lại AVG, trong đó nổi cộm vấn đề định giá, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, tại sao đã có quy định về thẩm định giá nhưng một loạt bộ ngành vẫn sai phạm, lạm quyền? Đây là lỗ hổng quy định pháp lý hay do cán bộ lạm quyền, cơ chế giám sát yếu?

- Ông Nguyễn Hoàng Hải: Trong những thương vụ mua bán, sáp nhập bình thường, nó chỉ là một dịch vụ tư vấn chứ không phải cơ sở pháp lý để ra quyết định mua bán, hợp nhất doanh nghiệp.
Chỉ có một đặc thù, ví dụ thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì có chuyện thuê công ty chứng khoán định giá và tuân theo các quy định pháp lý nhà nước và các tiêu chí. Sau đó hội đồng thẩm định giá phải thẩm định lại quyết định giá.
Tuy nhiên đây cũng không phải là yếu tố quyết định giá trị doanh nghiệp mà giá trị doanh nghiệp vẫn phải dựa trên cơ sở đấu giá.
Trường hợp MobiFone mua AVG, MobiFone thuê thẩm định giá để mang tính chất tham khảo chứ không có cơ sở pháp lý đưa ra quyết định Mobifone mua AVG.
Trong môi trường cạnh tranh như thế này, những đơn vị thẩm định giá làm theo ý đồ của người mua nên những kết quả đưa ra không đảm bảo khách quan. Dịch vụ thẩm định giá là tham khảo, không bao giờ là cơ sở pháp lý để biện hộ cho người mua mua theo giá giao dịch đấy.
Mua doanh nghiệp giá nào là do tổ chức ấy quyết định chứ không phải dịch vụ thẩm định giá họ tư vấn hay quyết định. Cho nên những người được giao trách nhiệm quản lý vốn nhà nước phải chịu trách nhiệm. Trong mọi trường hợp chứ không phải do một bên nào đó kiến nghị giá này giá kia.
- Theo ông, bản chất của việc thẩm định giá là như thế nào khi hai công ty định giá đều bị Thanh tra Chính phủ đánh giá mức giá đưa ra là không có cơ sở?
- Ông Nguyễn Hoàng Hải: Cái này gọi là thẩm định giá “trên trời”. Bên thẩm định đưa ra một cái rất cao và cuối cùng ban lãnh đạo công ty lại đưa ra một cái giá thấp hơn. Người ta cứ nghĩ rằng đấy là rẻ.
- MobiFone đã chậm cổ phần hóa và niêm yết trong hàng chục năm. Ông nhìn nhận việc này như thế nào và theo ông, việc các doanh nghiệp chây ì trong cổ phần hóa và niêm yết gây ra hệ lụy gì?
- Ông Nguyễn Hoàng Hải: MobiFone là một điển hình của việc trốn tránh cổ phần hóa. Thủ tướng Chính phủ đã chọn MobiFone để cổ phần hóa và niêm yết từ năm 2004, từ khi MobiFone còn đang liên doanh với một đối tác của Thụy Điển.
Năm 2008, MobiFone đã gần như hoàn tất tiến trình chuẩn bị cho cổ phần hóa, bao gồm vấn đề định giá, tư vấn doanh nghiệp. Chỉ còn thực hiện khâu cuối cùng là bán thôi.
Thế nhưng, theo Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông), rồi Công ty Bưu chính viễn thông, thì MobiFone không thực hiện điều ấy, mặc dù MobiFone đã phải bỏ ra hàng triệu đô la để thuê tư vấn nước ngoài về giá doanh nghiệp, tư vấn về cổ phần hóa rồi.
Như vậy Mobifone đã trốn việc cổ phần hóa 11 năm. Gần đây, MobiFone bị các nhóm lợi ích xâu xé. Nếu giả sử niêm yết sớm, cổ phần hóa sớm thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều. Nhà nước có thể thu thêm hàng tỉ đô la từ cổ tức từ hoạt động của MobiFone. Thế nhưng, bây giờ khoản này là không có, thậm chí dẫn đến thương vụ mua AVG với giá trên trời.
Giả sử, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ trước thì làm gì có những chuyện như thế này. Ngoài ra, nó còn đóng góp hàng tỉ đô tiền cổ tức cho nhà nước hằng năm. Mười mấy năm trốn cổ phần hóa đồng nghĩa với việc MobiFone bị các nhóm lợi ích xâu xé.
- Ông nhận định như thế nào về tình trạng mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước? Và làm thế nào để minh bạch thông tin, tránh lợi ích nhóm?
- Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tôi nghĩ, nhà nước nên có chủ trương cấm các DNNN đầu tư dự án mới hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tuyệt đối cấm. Trừ những trường hợp đặc biệt muốn đầu tư hay sáp nhập, mua bán thì phải thông qua Thủ tướng Chính phủ. Nhưng những trường hợp đó phải rất minh bạch về công bố thông tin.
Nếu DNNN muốn tồn tại và phát triển thì phải cổ phần hóa và phải niêm yết chứng khoán. MobiFone qua bốn đời bộ trưởng vẫn chưa thực hiện được.
Tại sao một việc cổ phần hóa dễ như thế và MobiFone được nhiều nhà đầu tư quan tâm thế mà lại không thực hiện được. Vấn đề là MobiFone quá “ngon” nên bị chi phối, xâu xé.
- Xin cảm ơn ông!
Trịnh Giang (thực hiện)

Không có nhận xét nào: