Chinese walk past an advertisement for a foreign auto maker on a wall on Oct. 27, 2014 in Beijing, China. The Chinese leaders economic reform plan face several structural obstacles. (Kevin Frayer/Getty Images)
Những người Trung Quốc đang đi bộ ngang qua một quảng cáo cho một hãng sản xuất ô tô nước ngoài, ở trên một bức tường vào ngày 27 tháng 10 năm 2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Kế hoạch cải cách kinh tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với một vài trở ngại về cơ cấu. (Kevin Frayer / Getty Images)
Các chuyên gia đang dự đoán rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài. Không nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những khó khăn chưa từng có. Những vấn đề tương tự đã nổi lên bất ngờ trong vài thập kỷ qua, và các biện pháp khắc phục khác nhau đã được áp dụng, với giải pháp phổ biến nhất là tăng cường các khoản cho vay và đầu tư của chính phủ. Cách tiếp cận này hiện nay càng ngày càng kém hiệu quả bởi vì lợi tức đầu tư [ROI] đã giảm mạnh. Trong môi trường kinh tế này, chiến lược cao cấp nhất đã thay đổi và được tập trung vào giải quyết các vấn đề về phía cung hơn là phía cầu.

Đây là lập luận lô-gích: Nếu nền kinh tế Trung Quốc đã bị suy thoái do thiếu nhu cầu, thế thì một chính sách định lượng về phía cầu – gia tăng việc cung tiền – có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng nếu sự suy thoái là mang tính cơ cấu và là kết quả của sự không có hiệu quả, thì việc tăng cung tiền sẽ không giúp đỡ được gì.
Từ một quan điểm về cấu trúc, chúng ta nhận thấy có những vấn đề về nguồn cung đằng sau nguồn cầu yếu. Và những vấn đề về nguồn cung này trở lại chính những vấn đề về thể chế thâm căn cố đế, bao gồm sản xuất, tiêu thụ và tiết kiệm quốc gia. Theo quan điểm của tôi, đây là ba trở ngại chính mà cải cách kinh tế của Trung Quốc theo hướng trọng cung đang phải đối mặt và đó là những nguyên nhân gốc rễ của những bóp méo chính trong cơ cấu cung-cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tiêu thụ thấp

Trong một xã hội có sự phân cực giữa người giàu và người nghèo, sự bất bình đẳng lớn về thu nhập thường dẫn đến một hình ảnh sai lầm về sự thịnh vượng và cung-cầu bị bóp méo. Một ví dụ điển hình là thị trường bất động sản của Trung Quốc. Đầu tư bất động sản [cho mục đích đầu cơ] của những người giàu có đã đẩy toàn bộ giá nhà đất lên đến mức độ mà những người nghèo không thể mua được. Ngoài ra, chi phí bất động sản cao, không thực tế, đã tạo thêm áp lực đối với khả năng mua của người nghèo, không chỉ đối với nhà ở, mà với cả các lĩnh vực khác nữa.
Theo Cuốn sách Xanh năm 2016 của Viện khoa học Xã hội Viện Hàn lâm Trung Quốc, 1% giàu nhất trong tổng số hộ gia đình ở Trung Quốc hiện nay sở hữu 33% toàn bộ tài sản của đất nước trong khi 25% nghèo nhất trong tổng số hộ gia đình chỉ sở hữu 1% tài sản.
Với dân số cao và thu nhập bình quân đầu người đạt mức từ trung bình đến cao ở Trung Quốc, vậy tại sao nhu cầu trong nước lại không đủ và vì thế phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài? Một lý do là chênh lệch thu nhập rất lớn của Trung Quốc. Trong khi một phần nhỏ những người Trung Quốc có cuộc sống như những người dân ở các nước giàu có, phần lớn người dân Trung Quốc có mức sống tương tự như người dân ở các nước đang phát triển và các nước nghèo. Sự bất bình đẳng lớn về thu nhập này là nguyên nhân của tiêu dùng nội địa thấp và sự bóp méo nghiêm trọng trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc.

Quản lý tồi nguồn vốn

Trong những năm gần đây, lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã chứng kiến một tình trạng dư thừa nguồn cung tiền và tăng trưởng tín dụng bất thường. Các khoản vay mới bằng đồng Nhân dân tệ (RMB) trong giai đoạn Quí 1 năm nay, dự kiến sẽ đạt 4,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (653 tỷ USD), một mức cao kỷ lục. Tỷ lệ cung tiền (M2) trên GDP nhanh chóng leo lên 205,7%. Trong ngắn hạn, nguồn cung tiền đang gia tăng với một tốc độ vượt xa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm và nguồn vốn tín dụng không thể chảy vào nền kinh tế thật (real economy). Nhiều doanh nghiệp cần vốn, khó có thể vay ngân hàng, trong khi [đối với] những doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, thì các ngân hàng lại phải xếp hàng để có thể cho họ vay vốn. Tại sao lại như vậy?
Một câu trả lời là có rất nhiều tiền gửi trong các giao dịch tài chính, lại không bao giờ đến được các tổ chức kinh doanh. Vậy thì nó đi đâu? Có hai điểm đến quan trọng cho dòng tiền mới. Điểm đến đầu tiên là để duy trì chu kỳ nợ và ‘tài chính Ponzi’, chủ yếu dưới hình thức trả hết các khoản vay cũ bằng các khoản vay mới. Điểm đến thứ hai cho luồng tiền dư thừa là các bong bóng trên thị trường chứng khoán từ năm 2014 đến quý 1 năm 2015; và trong quý 2 của năm 2015, tín dụng dư thừa đã đẩy mạnh bong bóng nhà ở tại các thành phố loại 1 và loại 2 [của Trung Quốc].
Hiện nay cơ cấu tài chính, dòng vốn và những tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản, chỉ ra rằng nền tảng tài chính địa phương, bất động sản, và ngành công nghiệp hóa chất nặng bị dư cung, là những “hố đen” nuốt trọn những khoản vốn tài trợ. Cuối cùng khoản vốn này sẽ trở thành tài sản hữu hình, nó sẽ tiếp tục tiêu thụ các nguồn tài nguyên, dựa trên doanh thu nợ nhiều hơn, trở thành một phần của mô hình “tài chính Ponzi”.

Chi phí tăng

[Công ty TNHH Kỹ thuật Hoa Vi] (Huawei) gần đây gây xôn xao dư luận khi họ di chuyển trụ sở sản xuất máy thu phát cầm tay của mình ra khỏi Thâm Quyến. Có lẽ đây chỉ là một ví dụ về việc chuyển dịch cơ cấu dây chuyền sản xuất. Nhưng thế giới bên ngoài lại nhìn vào sự việc này như là một dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế [ở Trung Quốc] – cụ thể chi phí thuê cao khiến cho các doanh nghiệp phải rời khỏi các thành phố loại một. Trên thực tế, chi phí sinh hoạt cao không những đã đẩy Công ty Hoa Vi ra khỏi Thâm Quyến, mà còn rất nhiều công ty khác, cùng với toàn bộ nền kinh tế thật, cũng đã rời khỏi [các thành phố loại một].
Chi phí nhà ở và tiền thuê là những chi phí cơ bản trong dây chuyền công nghiệp và cung ứng. Lao động, hậu cần, kho bãi, và các chi phí khác cũng liên quan chặt chẽ với nó. Việc tăng chi phí lao động, chi phí sản xuất và các chi phí tài chính, là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt. Chi phí lao động đã tăng 79%, chi phí tài chính tăng 66%, và chi phí sản xuất tăng 54%, theo Báo cáo quốc gia năm 2015 về các chi phí của doanh nghiệp.
Mô hình tăng trưởng cao của Trung Quốc trong 20 năm qua, bao gồm các khoản đầu tư có quy mô lớn và nhu cầu cao, đã có thể trang trải những gia tăng chi phí về phía cung. Nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và [chỉ số giá sản xuất] PPI giảm 47 tháng liên tiếp, chi phí tăng cao đã trở thành trở ngại lớn nhất cho nền kinh tế của Trung Quốc.
Ở các nước phương Tây, một bong bóng bất động sản được phản ánh chủ yếu trong thị trường tài chính, và có một tác động tiêu cực hạn chế đối với một số ngành công nghiệp nhất định. Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc là hoàn toàn khác. Một thị trường bất động sản bị thổi phồng mạnh, không chỉ gây nguy hại cho các ngân hàng và toàn bộ hệ thống tài chính, mà còn thay đổi cơ bản môi trường sinh thái của ngành công nghiệp và sự phát triển toàn bộ nền kinh tế của quốc gia.
Hãy suy nghĩ về điều này: trong khi lĩnh vực sản xuất, chế tạo vật lộn để duy trì một tỷ suất lợi nhuận trung bình 3% [một năm], những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và tài chính có thể dễ dàng kiếm được 30% trên đồng tiền [đầu tư] của mình. Điều này đã làm tiêu tan, hay ít nhất cũng làm suy yếu, nhiệt huyết của các doanh nhân, những người đang ở trong [lĩnh vực sản xuất] trong một thời gian dài. Khi đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán, và các tài sản tài chính khác, có thể gặt hái lợi nhuận khổng lồ thì không ai muốn đầu tư và làm việc trong nền kinh tế thực. Đây là lý do thực sự tại sao dòng vốn không chảy vào nền kinh tế thực. Cải cách kinh tế theo hướng trọng cung không giải quyết được những vấn đề này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ bị khô cạn đi, sẽ không có gì ngoại trừ một loạt các khẩu hiệu trống rỗng.
Ghi chú của Biên tập viên: Thuật ngữ “cải cách theo hướng trọng cung” đã được nhấn mạnh như là một thành phần trung tâm của những kế hoạch cải cách kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ cuối tháng 11. Từ tháng 5, ông Tập dường như đã gửi đi những tín hiệu rõ ràng trong các bài phát biểu của mình hoặc thông qua các bài báo tiêu đề trên phương tiện truyền thông nhà nước, rằng các quan chức địa phương đã không có sự quan tâm đầy đủ cho những cải cách này. Ngoại trừ sự không khoan nhượng quan liêu, có những trở ngại lớn về cơ cấu trong nền kinh tế chính trị của Trung Quốc đối với các biện pháp cải cách theo hướng trọng cung. Nhà kinh tế Trung Quốc Fan Di đã thảo luận về chúng trong bài viết này.
Fan Di là một nhà kinh tế độc lập và là giáo sư giảng dạy bán thời gian tại trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Sun Yat-sen. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California-Berkeley, được hướng dẫn bởi [giáo sư] Li Yining của Đại học Bắc Kinh và bởi [giáo s] George Arthur Akerlof người đạt giải Nobel. Ông Fan là một lãnh đạo cao cấp và nhà tư vấn tại các ngân hàng lớn, các công ty tài chính và các công ty lớn. Một phiên bản của bài viết này đã được xuất bản lần đầu trên trên blog cá nhân của ông Fan.