Tâm sự rơi nước mắt của nhóm tìm kiếm "phượt thủ" người Anh
Hoàng Xuân - Hà Khê |
"Phượt thủ" Aiden Webb được tìm thấy khi đã…tử vong. Câu chuyện cứu hộ ở Fansipan đang được nói đến rất nhiều sau sự việc này.
Cứu hộ địa phương không được cung cấp tọa độ cứu nạn, không biết dùng…GPS
Sau hai ngày nằm dưới đáy vực, thi thể vận động viên leo núi người Anh Aiden Webb đã được đội cứu hộ tình nguyện tìm thấy và đưa về. Anh Nguyễn Lê Anh, người tham gia và điều phối đội cứu hộ tình nguyện này kể qua điện thoại:
"Aiden gửi tọa độ vị trí rất chính xác và đau lòng là vị trí này rất gần lán trại công nhân đang làm, chỉ cách có 1 km. Từ vị trí của Aiden nằm nhìn được cabin hàng ngày đi qua cơ mà. Giá như ngay từ đầu những người cứu hộ địa phương liên lạc với Ban quản lý cáp để trèo thẳng từ đỉnh cột xuống và mang theo một con chó nghiệp vụ để đánh hơi thì sự việc đã khác.
Trên đường xuống vực, chúng tôi tìm thấy rất nhiều cây cỏ bị Aiden bẻ gãy để đánh dấu vị trí. Còn cả những mớ cỏ mà Aiden nhai để lấy sức.
Đường cáp lên đỉnh Fansipan chia làm 5 cột, mỗi cột cách nhau vài cây số. Aiden được tìm thấy ở cách cột số 4 một km, ở độ cao 2.800m, tức là cách đỉnh Fan chỉ một cột nữa.
Địa bàn khu vực này cực kỳ hiểm trở, nếu không có drone hướng dẫn thì lạc ngay. Chính Cẩn (người Sapa, thông thạo đường và tình nguyện tham gia cứu hộ), được gọi là "thổ phỉ" vùng này, là người địa phương rất thông thuộc địa bàn, có sức khỏe và thần kinh thép nhưng xuống đến nửa vực vẫn bị lạc, đến nỗi anh ấy cũng rối bời.
Khi Lại Huy Đức và Vũ Ngọc Cẩn (hai người trong đội cứu hộ tình nguyện) xuống vực, những người còn lại trong đội dừng ở bên trên, dùng drone để quan sát địa bàn và hướng dẫn từng bước một cho người dưới suối, ví dụ về bên trái vài bước có vực, cẩn thận. Nếu không có các thiết bị này, chính những người cứu hộ cũng có thể bị lạc.
Trên này rất lạnh, cây cỏ cũng không sống được. Aiden bị ngã xuống một hẻm vực rất sâu, do suối chảy lâu ngày khoét đất đá ở dưới tạo thành những hàm ếch. Thành vực cao bằng ngôi nhà hai ba tầng, thẳng đứng, rất hiểm trở, không thể trèo lên được. Ngay cả trong đội cứu hộ cũng chỉ có hai người có sức khỏe và thần kinh thép nhất là Đức và Cẩn có thể trèo xuống.
Aiden lại cố gắng đi tiếp trong tình trạng bị thương, lạnh và mất máu, không có thức ăn nên thể trạng nhanh chóng suy kiệt.
Bạn gái của Aiden cho biết anh ấy chỉ định leo núi trong một ngày, đến chiều thì quay về bằng cáp treo nên không mang thức ăn gì cả.
Mà ở độ cao 2.800 m, lại ngã xuống vực thì rất lạnh.
Hôm đó lại mưa, nhiệt độ hạ thấp cực kỳ nhanh chóng. Ngay Cẩn lúc được cứu lên cả chân tay mình mẩy đều co cứng lại, thì Aiden nằm suốt hai ngày trong tình trạng đó gần như không thể sống sót.
Lẽ ra khi đã có tọa độ thì phải tìm ngay quanh tọa độ đó chứ không cần tìm rộng. Hơn nữa Aiden đã cho biết bị ngã xuống vực, mà anh ấy là vận động viên leo núi thì nếu ngã sẽ ngã ở các vực sâu không thể lên nổi, chứ tìm được đường mòn thì anh ấy đã tự về được rồi.
Nhưng các đội cứu hộ địa phương không những đã không được cung cấp tọa độ, cũng không ai biết dùng GPS, mà chỉ tìm theo cách rất thông thường là tìm từ rìa rừng vào các vùng rừng "bình thường", rồi đến chiều tối thì đi về... Vùng rừng này hàng nghìn km hiểm trở, tìm theo kiểu như thế có hàng mấy trăm người cũng chỉ như mò kim đáy bể.
Có người nói các đội cứu hộ địa phương đã "rất cố gắng", nhưng khi đã liên quan đến sinh mạng thì chỉ "cố gắng" là không thể đủ.
Rất tiếc chúng tôi chỉ được biết thông tin qua facebook nên khi vào cuộc thì đã khá muộn.
Vô cùng đau lòng".
Nếu chúng tôi triển khai sớm 3 ngày có thể đã khác
Anh Vũ Ngọc Cẩn, được mệnh danh là "thổ phỉ" vùng Hoàng Liên Sơn đã tình nguyện gia nhập đội cứu hộ với hy vọng sẽ tìm thấy Aiden còn sống, buồn rầu kể lại:
"Hôm qua, sau khi gần tiếp cận với khu vực định vị của Aiden, thì nhận được tin một mũi cứu hộ khác đã tìm thấy vị trí của Aiden và anh ta đã tử vong. Lúc đó, mũi của chúng tôi được lệnh rút lui.
Gia đình của Aiden từ Anh quốc bay sang, họ lưu trú trong khách sạn của gia đình anh tôi. Vì thế, tôi hiểu rõ câu chuyện và rất muốn giúp sức trong việc tìm kiếm, cứu hộ du khách này.
Khi Aiden mất tích, những đoàn cứu hộ tình nguyện từ Hà Nội lên tìm kiếm và họ có đến khách sạn để bàn phương án với gia đình du khách này. Thấy kế hoạch họ bàn không khả thi nên tôi đã chủ động đưa ra phương án cứu hộ.
Tôi cũng đã chủ động liên hệ với bên quản lý cáp treo để đưa cả nhóm cứu hộ đến với trụ T4, ngang với điểm mà Aiden bị tai nạn. Khi tới đó, cáp treo dừng lại, nhóm chúng tôi tụt xuống theo cột T4 để có thể tiếp cận nhanh nhất với vị trí định vị Aiden.
Địa điểm khoanh vùng rất chính xác.Tuy chúng tôi không tìm thấy, nhưng nếu khoảng 1 tiếng nữa sẽ tiếp cận được với vị trí của Aiden. Khoảng 12h hơn, khi cách vị trí đó khoảng 800m thì nhận được tin đã tìm thấy thi thể anh ấy.
Trên đường tìm kiếm, chúng tôi tìm thấy một số nắm cỏ non, đã được ăn phần nõn. Theo phán đoán, đó là phần cỏ mà Aiden đã ăn để cầm cự với cái đói. Giá như chúng tôi triển khai sớm khoảng 3 ngày thì mọi chuyện có thể đã khác".
Đội cứu hộ sử dụng fly cam để quan sát, tìm kiếm tung tích của "phượt thủ" Aiden Webb (nguồn Vũ Ngọc Cẩn)
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét