TP - Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Formosa gây ô nhiễm môi trường thì có khởi tố vụ án hình sự không, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng, tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (giữa) trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (giữa) trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.
Thận trọng, chặt chẽ
Xin cho biết quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết tại các tỉnh miền Trung được thực hiện như thế nào? Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước vào quá trình xác định nguyên nhân ra sao?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Việc xác định nguyên nhân cần chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản, đảm bảo chứng cứ khoa học đầy đủ, xác định thủ pham là ai, đấu tranh thế nào. Thứ nhất phải xác định nguyên nhân, cơ chế gì khiến hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Các nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật..., đồng thời thực hiện nhiều hoạt động từ việc xác định sự việc từ vệ tinh…  Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của nhà nước đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế. Qua đó cho thấy, quá trình di chuyển của các độc tố là theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên - Huế. Đây là một ổ độc hấp thu kim loại trực tiếp, bản thân nó có nhu cầu ôxy, đi đến đâu lấy ôxy và gây độc tố làm cá chết. 
Tuy nhiên để tìm nguồn gây độc, chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải, tập trung vào Formosa, Điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Đoàn kiểm tra về luyện thép, công nghệ môi trường... kiểm tra, và phát hiện sai sót, lỗi trong sản xuất, quản lý vận hành thử nghiệm lỏng lẻo, từ đó có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư phải thừa nhận. Chúng tôi đã cẩn trọng bài bản, chính xác, thuyết phục như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 23/4, Bộ NN&PTNT khẳng định cá chết do độc tố cực mạnh từ môi trường. Ngày 27/4, Bộ TN&MT cho rằng nguyên nhân có thể từ con người và thuỷ triều đỏ. Ngày 4/5, Bộ KH&CN nói đã đủ cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết. Vậy tại sao cho đến nay, gần 3 tháng sau khi sự cố xảy ra mới có thông tin chính thức?
Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh: Ngay khi sự việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm ra nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực và cố gắng cao nhất. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, trong đó có các nhà khoa học nước ngoài. Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận.
Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hiệu quả, công bố thủ phạm là để khắc phục hậu quả. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau. 
Việc công bố ai là thủ phạm cần điều tra để xác định chứng cứ, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, địa phương. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân làm chậm quá trình điều tra. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình. Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng cũng xuất hiện sự phản ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
Một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận lợi dụng bức xúc để chống đối Đảng, Nhà nước.
Cân nhắc việc khởi tố
Với vụ việc này Cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trước hết, có biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam; xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Nhưng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. 
“Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư
Việc Bộ TN&MT cấp phép xả thải cho Formosa như thế nào? Trách nhiệm của Bộ TN&MT ra sao?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.
Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương ra sao sau khi phát hiện sự cố?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh: Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Mức đền bù 500 triệu dựa trên cơ sở nào?
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Đây là mức đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, cùng với đó chúng tôi đã yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm.

Vụ cá chết: Thiệt hại thực tế của người dân là bao nhiêu?

Dân trí Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM - đặt câu hỏi như vậy trước việc Formosa cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền 500 triệu USD (tương đương trên 11.500 tỷ đồng).
 >> Formosa xả độc tố khiến cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD


Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM (Ảnh nhân vật cung cấp)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung và phương hướng giải quyết, xử lý trong thời gian sắp tới vừa được Chính phủ đưa ra tại cuộc họp báo chiều 30/6?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi rất hoan nghênh Chính phủ cùng các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức họp báo công bố công khai nguyên nhân cá chết hàng loạt, cũng như chỉ rõ thủ phạm gây ra sự việc này là Công ty Formosa - vốn đã vướng nhiều tai tiếng gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới.
Với những kinh nghiệm có được trong việc hỗ trợ người dân khởi kiện đòi Công ty Vedan và Công ty Nicotex Thanh Thái bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cách đây nhiều năm, theo ông, những kết luận về nguyên nhân cá chết, phương hướng khắc phục và đặc biệt là mức tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường đã thỏa mãn sự kỳ vọng của dư luận nhân dân cả nước?
Trách nhiệm của Formosa thì đã rõ rồi nhưng thiệt hại thực tế của người dân 4 tỉnh miền Trung là bao nhiêu thì đến thời điểm này chúng ta chưa thống kê được nên đánh giá số tiền 500 triệu USD là nhiều hay ít rất khó, chưa có cơ sở.
Tôi đã coi lại tài liệu về các vụ việc đòi bồi thường ô nhiễm môi trường trên thế giới thì thấy rằng tác hại của nó ảnh hưởng rất lâu dài, ảnh hưởng từ môi trường đến kinh tế, phát triển du lịch và sinh nhai của người dân. Rất nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường tương tự đã có mức bồi thường lên tới 3-4 tỷ USD, chứ không chỉ là 500 triệu USD như thế này đâu.
Theo tôi, chúng ta cần phải thành lập ngay một Ban giải quyết. Sẽ thống kê chi tiết thiệt hại của người dân 4 tỉnh miền Trung; bồi thường cụ thể cho họ như thế nào, phương hướng chuyển đổi nghề nghiệp ra sao...
500 triệu USD chia cho 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) thì mỗi tỉnh chỉ nhận được trên 100 triệu USD, không phải là lớn. Trong khi chúng ta đã thấy cá chết hàng loạt, trải dài trên vùng biển hàng trăm km như thế. Rồi chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức để khắc phục cho được sự cố môi trường này. Đến nay mọi việc đều chưa rõ ràng, dù Formosa có hứa hẹn này kia.
Theo luật sư Hậu, đến nay chưa rõ thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc này là bao nhiêu ?
Theo luật sư Hậu, đến nay chưa rõ thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc này là bao nhiêu ?
Đây có thể coi là thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Theo ông, những biện pháp cấp bách mà chúng ta cần phải làm ngay trong thời gian tới đây là gì?
Chính vì Formosa gây ra tai tiếng ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới rồi nên tôi cho rằng trước mắt chúng ta phải tạm thời dừng hoạt động nhà máy ở khu kinh tế Vũng Áng để có đánh giá lại toàn diện hoạt động của họ, đặc biệt chú ý tới công nghệ, máy móc cũng như biện pháp xử lý nước thải ra môi trường biển.
Chúng ta phải làm rõ tại sao họ có thể gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy mà không bị phát hiện. Cái này phải có đánh giá toàn diện, bởi nếu không thì không an tâm về sau này.
Như ông nói thì phải xem xét kỹ lưỡng và xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân đã lơi lỏng trong quản lý, điều hành, cấp phép xả thải, giám sát xả thải nên đã "giúp cho” Formosa vi phạm môi trường nghiêm trọng như vậy?
Rõ ràng chúng ta có khá đầy đủ các quy định pháp luật rồi nhưng thực tiễn vẫn xảy ra những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy thì phải có trách nhiệm của những tập thể, cá nhân. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nói với tôi rằng nếu Việt Nam làm nghiêm thì làm sao có những vụ ô nhiễm nghiêm trọng như thế? Vấn đề nằm ở con người nên trong việc này phải làm rõ trách nhiệm, rồi công khai với dư luận được biết.
Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm soát xả thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nằm ven biển, ven sông, mà gần đây đang gây tranh cãi là dự án nhà máy giấy ven sông Hậu. Theo ông chúng ta có cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xả thải, xử lý môi trường tại các dự án này?
Có một thời kỳ chúng ta đã kêu gọi, thu hút đầu tư bằng mọi giá nên đã cho nhiều khu công nghiệp, nhà máy những ưu đãi, đặc thù. Chính vì cho họ những “đặc thù”, không có sự kiểm soát nên mới nảy sinh lạm quyền, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng ta phải tính toán, kiểm tra kỹ lưỡng lại, bởi đây là câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần thì phải xem xét lại chính sách đã phù hợp, có chỗ nào sơ hở để điều chỉnh cho phù hợp chứ.
Xin cảm ơn ông!
Tại buổi họp báo quốc tế chiều 30/6, đại diện Chính phủ thông tin, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Formosa cam kết: Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thế Kha (thực hiện)