TP - Được biết, trước khi chọn Hà Tĩnh là điểm đến, Formosa đã mất nhiều năm tìm đến một số nước trong khu vực và cả tại Đài Loan. Tuy nhiên, tất cả những nơi này đều không có ưu đãi, hoặc không được địa phương chấp thuận, trong khi Hà Tĩnh giang tay đón mời. Đây là dự án đầu tiên Formosa bước vào lĩnh vực thép.
Một phần công trường xây dựng tổ hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đình Thắng.Một phần công trường xây dựng tổ hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đình Thắng.
Đánh bật nhà đầu tư Ấn Độ
Trước Formosa, khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Cty Tata Steel (công ty con của Tập đoàn thép Tata, Ấn Độ). Tata Steel quan tâm tới Vũng Áng từ đầu những năm 2000, tới năm 2007, công ty này ký cam kết đầu tư với Hà Tĩnh sẽ xây nhà máy gang thép có tổng mức đầu tư 5 tỷ USD, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm.

Khi mối lương duyên giữa Hà Tĩnh với Tata đang gặp “trắc trở” thì Formosa tìm tới. Một nguyên lãnh đạo Formosa tại Việt Nam cho hay, khi Formosa đang tìm nơi để làm nhà máy thì biết Hà Tĩnh đã quy hoạch 1 khu rộng lớn và đang mời gọi đầu tư nhà máy thép, nên Formosa tìm tới. Năm 2008, Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, với vốn đầu tư 10,5 tỷ USD, năm 2012, dự án này khởi công xây dựng.
Điểm khác biệt giữa Formosa và Tata liên quan tới giải phóng mặt bằng. Số tiền cần để Hà Tĩnh giải phóng mặt bằng rất lớn (bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư), ngoài khả năng tài chính của địa phương. Hà Tĩnh đề nghị nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng và trừ dần vào tiền thuế.
Vì vậy, dù Tata vào nghiên cứu dự án trước, nhưng tập đoàn này chỉ chấp nhận tạm ứng 1 phần tiền giải phóng mặt bằng, trong khi Formosa hào phóng ứng toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng cho địa phương, số tiền này tính như Formosa trả tiền thuê đất 1 lần. Nhờ đó, Formosa được cấp phép và triển khai rất nhanh. Còn Tata mãi không xin được giấy phép đầu tư, đầu năm 2014, tập đoàn Ấn Độ chính thức tuyên bố dừng ý định đầu tư nhà máy gang thép tại Vũng Áng.
Được biết, trước khi xảy ra sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, Formosa đang xin nâng vốn đầu tư và mở rộng nhà máy lên 28,5 tỷ USD. Đồng thời, Formosa dự tính khánh thành nhà máy cuối tháng 6 vừa qua, nhưng do sự cố môi trường, kế hoạch này phải lùi lại.
Đủ kiểu ưu đãi
Cũng phải nói thêm rằng, Formosa vào Hà Tĩnh cũng nhờ những ưu đãi lớn cho dự án này. Cùng với việc sẵn sàng cho Formosa thuê lại diện tích rộng lớn, lên tới hơn 3.300ha (gồm hơn 2.000ha mặt đất và hơn 1.293ha mặt nước), nhà đầu tư còn được Hà Tĩnh “phá lệ” cho thuê đất tới 70 năm (dù quy định Việt Nam chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm). Tổng tiền thuê đất và mặt nước trong 70 năm Formosa chỉ phải bỏ ra 4,455 triệu USD (tương đương hơn 96,22 tỷ đồng), và nhà đầu tư này đã trả ngay 1 lần.
Ngoài ra, Formosa còn nhận hàng loạt ưu đãi về thuế, như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất; giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại (trong khi các công ty khác phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22%); nếu lỗ, Formosa được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định…
Theo lãnh đạo Formosa, công ty này chọn Vũng Áng bởi có cảng nước sâu, có thể đón tàu 200 nghìn tấn. “Chuyên chở quặng hay sản phẩm sắt thép đều là hàng siêu trường, siêu trọng, không thể vận chuyển bằng đường bộ vì chi phí rất lớn. Kinh tế nhất vẫn là đường biển”, vị lãnh đạo này nói. 
Ngoài ra, từ Vũng Áng, sản phẩm của Formosa tỏa đi các tỉnh thành của Việt Nam và các nước trong khu vực đều tiện lợi. Khi xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang các nước ASEAN, Formosa sẽ được hưởng thuế ưu đãi theo quy định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Và không thể thiếu, đó là chi phí lao động tại Việt Nam rẻ, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cần tới khoảng 5.000 lao động (thời gian xây dựng là 60.000 lao động/ngày).
Ba đường ống lớn chảy ra biển
Theo lãnh đạo Formosa tại Việt Nam, Tập đoàn Formosa Đài Loan đa ngành nghề, nghề chính là lọc hóa dầu, nhựa công nghiệp, hóa học, dệt, bao bì… Doanh thu tập đoàn này chiếm 15% GPD Đài Loan, với mức 34 tỷ USD/năm (năm 2013). Sản xuất thép là ước mơ của người sáng lập Formosa Vương Vĩnh Khang, và đã mất rất nhiều thời gian tìm địa điểm đầu tư trước khi rót vốn vào Hà Tĩnh.
 Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tiên đánh dấu tập đoàn Formosa bước vào lĩnh vực thép. Dự án được góp vốn bởi 11 nhà đầu tư, trong đó chỉ có 3 pháp nhân không thuộc, hoặc không có vốn của Formosa, gồm Cty China Steel Đài Loan (góp 5% vốn), Sunsco Enterprise (0,037% vốn), và mới đây là Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản (5% vốn). Formosa Hà Tĩnh là công ty lớn thứ 5 thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan.
Tại Vũng Áng, Formosa xây dựng 3 đường ống cỡ lớn chạy thẳng ra biển, giải thích điều này tại buổi gặp báo chí hồi giữa năm 2015, ông Vương Văn Tường, Phó Tổ trưởng Quản lý dự án Gang thép Formosa Hà Tĩnh cho hay: Những cống nước này dùng để gom và thoát nước mưa cho toàn bộ diện tích 200ha của khu nhà máy. “Dự án tính cho 100 năm phải thiết kế như thế”, ông Tường nói.
Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh được thiết kế 6 lò luyện cao, tổng sản lượng 22,5 triệu tấn, tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD. Dự án gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 3 lò cao, lúc thi công cao điểm có 60.000 công nhân/ngày. Để vận hành giai đoạn 1, sẽ có 4.500 lao động. Sản phẩm chủ yếu là phôi, thép cuộn cán nóng, thép dây làm ốc vít, thép cán nguội phục vụ công nghiệp ô tô… không sản xuất các sản phẩm thép xây dựng.