Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Cả 3 miền đều đã được bảo vệ bởi tên lửa phòng không cải tiến

Bình Nguyên | 

Cả 3 miền đều đã được bảo vệ bởi tên lửa phòng không cải tiến

Ngày 5-7 vừa qua, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức Lễ khai mạc Diễn tập chiến thuật tên lửa phòng không S-125-2TM với sự tham gia của tất cả các đơn vị được trang bị dòng tên lửa này.

Bàn tay khối óc người Việt nâng tầm tên lửa hiện đại
Trong chiến tranh hay trong thời bình, Nhà máy A-31 - Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là cánh chim đầu đàn - đơn vị tuyến cuối có trách nhiệm đảm bảo kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa phòng không từ thế hệ cũ S-75 (SAM-2) cho tới các loại mới như S-300, S-125-2TM (Pechora-2TM).

Được biết, trong bước phát triển đột phá về vũ khí trang bị sắp tới của Quân chủng, Nhà máy A-31 tiếp tục là địa chỉ tin cậy được giao trọng trách đảm bảo kỹ thuật cho các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại SPYDER của Israel.
Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét nhất trong thời gian qua của A-31 chính là thực hiện thành công Dự án P - Nâng cấp tên lửa phòng không S-125 lên chuẩn S-125-2TM theo chuyển giao công nghệ của Công ty Tetraedr (Cộng hòa Belarus).
Qua nâng cấp, S-125 nguyên bản đã lột xác thành một tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại, có thể tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện nhiễu đối với các loại phương tiện tấn công đường không, gồm cả các phương tiện bay thấp và có kích cỡ nhỏ, đang và sẽ được đối phương trang bị, cũng như tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước khác.
Cả 3 miền đều đã được bảo vệ bởi tên lửa phòng không cải tiến - Ảnh 1.
Buồng điều khiển số hóa với nhiều màn hình LCD hiện đại của tổ hợp tên lửa S-125-2TM.
S-125-2TM được trang bị bộ thu tín hiệu từ hệ thống dẫn đường vệ tinh, cho phép định vị tọa độ, hiển thị vị trí trên bản đồ số, đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian thu hồi từ trận địa cũ và triển khai tổ hợp tại trận địa mới.
Qua 2 bộ khi tài đầu tiên, dưới sự hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và vận hành các loại vũ khí trang bị kỹ thuật phòng không tiên tiến tới từ Belarus, cán bộ, kỹ sư và công nhân Nhà máy A-31 đã tiếp thu trọn vẹn quy trình công nghệ.
Từ bộ thứ 3 trở đi, A-31 đã có thể tự hào khi làm chủ từ A-Z các công đoạn nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM nâng cấp, nhanh chóng đưa vào trang bị, giúp nâng cao đáng kể sức mạnh chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không Việt Nam.
Từ đơn vị S-125-2TM đầu tiên đến phân bố đủ Bắc Trung Nam
Vậy đơn vị nào được tiếp nhận tổ hợp tên lửa S-125-2TM đầu tiên? Chắc cũng không nhiều người biết! Đó chính là một đơn vị nằm ngay trên "nóc" Nhà máy Thủy điện và Thành phố Hòa Bình - Tiểu đoàn 152 - Trung đoàn tên lửa 250 (Đoàn tên lửa Thăng Long).
Với trọng trách lớn, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 250 nói chung và Tiểu đoàn 152 nói riêng luôn nỗ lực hết mình để làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, bảo vệ công trình đặc biệt quan trong và hướng chiến lược Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.
Qua nhiều lần tổ chức diễn tập kíp chiến đấu tên lửa S-125-2TM, Trung đoàn 250 thường giành giải cao, xứng đáng với niềm tin cậy của Quân đội và nhân dân khi được giao trọng trách tiên phong tiếp nhận tên lửa phòng không hiện đại.
Cả 3 miền đều đã được bảo vệ bởi tên lửa phòng không cải tiến - Ảnh 2.
Trận địa tên lửa S-125-2TM của Tiểu đoàn 152 - Trung đoàn 250 nằm ngay trên "nóc" TP. Hòa Bình và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Báo PK-KQ.
Đơn vị thứ 2 tiếp nhận tên lửa S-125-2TM chính là Tiểu đoàn 122, Trung đoàn tên lửa 284 (Đoàn tên lửa Sông La). Đây là đơn vị chốt chặn hướng Đông - Đông Bắc Thủ đô Hà Nội và sẵn sàng cơ động bảo vệ các mục tiêu và tuyến giao thông trọng yếu.
Đến nay, qua 5 năm tiếp nhận vũ khí trang bị mới, các đơn vị này đều đã làm chủ hoàn toàn vũ khí trang bị mới và có những tổng kết, ý kiến góp ý cho nhà sản xuất để có thêm những cải tiến hữu ích trên các bộ khí tài S-125-2TM tiếp theo.
Theo Báo Phòng không - Không quân, trong Đợt Diễn tập chiến thuật kíp chiến đấu phân đội hỏa lực tên lửa phòng không S-125-2TM năm 2016 đang tổ chức tại Quang Nam của Quân chủng PK-KQ, toàn bộ các kíp chiến đấu của những đơn vị được trang bị dòng tên lửa này đều tham gia.
Đó là Trung đoàn 250 (Sư đoàn 361); Trung đoàn 213 (Sư đoàn 363); Trung đoàn 284 (Sư đoàn 365); Trung đoàn 276 (Sư đoàn 367); Trung đoàn 282 (Sư đoàn 375).
Như vậy là chỉ sau vài năm triển khai Dự án P, đến nay cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều đã được các tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM hiện đại bảo vệ. Cụ thể, các Sư đoàn 361, 363, 365 "trấn giữ" miền Bắc, Sư đoàn 375 "đan trời" miền Trung còn Sư đoàn 367 "bảo vệ" vùng trời miền Nam.
Cả 3 miền đều đã được bảo vệ bởi tên lửa phòng không cải tiến - Ảnh 3.
Trận địa tên lửa Trung đoàn 276, Sư đoàn 367. Ảnh: Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ
Tất nhiên, so với yêu cầu hiện đại hóa của Quân chủng PK-KQ, số lượng các tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM đã đưa vào trang bị còn ít, hiện vẫn còn khá nhiều đơn vị vẫn đang phải sử dụng khí tài S-125 có tuổi thọ khá cao chưa qua nâng cấp và đặc biệt là nhiều đơn vị S-75 (SAM-2) khá cũ, khó đáp ứng được môi trường tác chiến hiện đại.
Chính vì thế, trong tương lai gần, sẽ tiếp tục có thêm nhiều bộ khí tài tên lửa S-125 được nâng cấp lên chuẩn S-125-2TM và việc tiếp nhận các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER hiện đại của Israel sẽ giúp Bộ đội tên lửa có sự lột xác về chất, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tính năng kỹ chiến thuật của Tổ hợp S-125-2TM "Pechora-2TM"
Cự ly nghiêng tối đa trong vùng diệt mục tiêu: 35,4 km
Độ cao vùng diệt mục tiêu: từ 20 m tới 25 km
Cự ly diệt tối đa đối với mục tiêu có tham số đường bay vòng phía ngoài trận địa: 25 km
Tốc độ bay tối đa của mục tiêu có thể diệt: 900 m/giây
Số lượng mục tiêu có thể diệt đồng thời: 02 mục tiêu
Xác suất diệt mục tiêu bằng 01 đạn: 0,92
Khả năng kháng nhiễu chặn tích cực: 2.700 W/MHz
Thời gian tổ hợp bắt mục tiêu theo phần tử chỉ định: 3 giây
Diện tích phản xạ điện từ nhỏ nhất của mục tiêu có thể bị phát hiện: 0,02 m2
Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa: 100 km
Thời gian thu hồi / triển khai tổ hợp: 25 phút / 30 phút
Thời gian khai thác sử dụng đạn: 15 năm
theo Thế giới trẻ

Không có nhận xét nào: