Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đồng bào ta hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên; Trung tướng Đặng Quân Thụy: Mặt trận Vị Xuyên - chúng ta đã bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc




LĐO XUÂN HẢI
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Xuân Hải)
Sáng 14.7, tại Hà Nội, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt Đại biểu Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang.
    Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang cho biết: Từ năm 1949 sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần đem quân xâm lược Việt Nam. Năm 1974, đem quân đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 2.1979, đưa 60 vạn quân tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam. 
    Và tháng 4.1984 đến 5.1989 Trung Quốc đưa hơn 50 vạn quân của 8/10 đại quân khu, tiến công toàn diện biên giới tỉnh Hà Giang mà tập trung là huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới bắc suối Thanh Thủy. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ khi Việt Nam đánh thắng Mỹ. Đây cũng là cuộc chiến tranh xâm lược có thời gian dài nhất, nếu tính từ 1979 – 1989 là 10 năm và ác liệt nhất. 
    “Có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến Hà Giang. Sự ác liệt đến mức mà anh em gọi mặt trận này là “Lò vôi thế kỷ”. Sau kết thúc cuộc chiến tranh này ta đã đo lại, có ngọn núi đá bị đạn pháo đánh bạt đi hơn 3m” – Thiếu tướng Huy kể lại. 
    Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh: Hẳn chúng ta ngồi đây còn nhớ những trận đánh giành, giữ đất của quân dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, Đồi Đài, Cô Ích, 4 hầm, Bạch Đích, Minh Tân, Pa Hán... ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc xâm lược, buộc Trung Quốc phải rút quân về bên kia biên giới. 
    Theo Tướng Huy, thắng lợi này bắt nguồn từ sự đúng đắn của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo, chỉ huy tài tình của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2.
    Thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang rất oanh liệt, nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn họ mới trên dưới 20 tuổi, cùng hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắc chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt; nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách; nhiều mộ liệt sỹ chưa có tên trong nghĩa trang...
    Tướng Huy cũng nhấn mạnh: Cuộc chiến đã lùi xa 33 năm, nhưng đến bây giờ những người lích trên mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang năm nào mới được gặp mặt nhau, người còn, người mất, trong thâm tâm ai cũng tâm niệm một điều, còn nhiều việc chưa làm được cho xứng đáng với tầm vóc của một cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận này. Đó là chưa có một nghĩa trang tầm quốc gia; một tượng đài chiến tháng Vị Xuyên; tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, tìm và trả lại tên cho các liệt sĩ mà phần mộ ở nghĩa trang chưa có tên...Từ suy nghĩa như vậy các cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đã tổ chức ban liên lạc từng đơn vị mình để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. 
    Để thống nhất, ngày 7.5.2016, đại diện các đơn vị đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đã họp và thành lập “Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang” với 31 thành viên do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 là Trưởng ban. Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 làm Trưởng ban danh dự.
    Clip Trung tướng Đặng Quân Thụy phát biểu tại buổi gặp mặt.

    Trung tướng Đặng Quân Thụy (Ảnh: Xuân Hải)

    Trung tướng Đặng Quân Thụy: Mặt trận Vị Xuyên - chúng ta đã bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc

    Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 đã nói như vậy với báo chí bên lề buổi gặp mặt đại biểu Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức vào ngày 14.7 tại Hà Nội.
      Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết: Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang không phải chỉ có một trận đánh, mà nó là 2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Tôi có một thời gian lên chỉ huy làm Tư lệnh mặt trận. Trong thời gian tôi chỉ huy mặt trận thì đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quân. Lúc bấy giờ có một trận chiến đấu rất quyết liệt 7 ngày 7 đêm mà chúng ta phải đối phó với những lực lượng rất mạnh của đối phương. Và với tất cả quyết tâm, chúng ta đã giữ được tất cả các vị trí, đánh lui được tất cả mấy chục đợt tấn công của địch. Đến thời gian Đại hội Đảng toàn quốc thì họ lại phát động một cuộc tấn công lớn hơn nữa. Những trận chiến đấu đó rất quyết liệt, họ sử dụng pháo binh tối đa, bắn từ sáng tới đêm suốt mấy ngày liền. Nhưng chúng ta đã kiên cường, giữ vững tất cả các trận địa, đánh lui tất cả các đợt phản kích của họ. Cuối cùng thì họ cũng đã phải rút lui.
      Ông vừa nói đây là mặt trận rất ác liệt, vậy công tác chuẩn bị chiến đấu cũng như tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ của ta như thế nào?
      Trong thời điểm này mặt trận luôn nhận được sự chi viện của Quân khu, của Bộ Quốc Phòng, do vậy chúng ta đã phán đoán được sớm ý đồ của địch nên công tác việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó thực hiện tốt. Ví dụ, như các đơn vị luôn phải dậy sớm, phải chuẩn bị từ sáng sớm để chiến đấu, chiến đấu liên tục trong nhiều ngày liên tiếp. Đặc biệt là công tác hậu cần của chúng ta luôn phải chuẩn bị đủ lương thực, tiếp tế kịp thời để bảo đảm được đời sống của anh em trong quá trình chiến đấu cam go, đầy ác liệt đó. 
      Vậy ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang?
      Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại mặt trận này, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất vẫn là những lần trực tiếp vào chỉ huy trận đánh, tôi đã phải lăn lê, bò trườn, thậm chí phải leo dây mới tới được chiến hào, mặt trận và vào những hầm, hang của bộ đội ở. Đó là những kỷ niệm rất xúc động đối với tôi. Một kỷ niệm khác nữa là, tuy phải dậy sớm, gian khổ, ở hang hầm lâu ngày nhưng hầu hết các cán bộ, chiến sỹ vẫn giữ được tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết tâm đánh địch, không để cho chúng chiếm được vị trí nào của ta. Đặc biệt, những người anh, chị anh em làm công tác anh nuôi. Trong tiếng pháo, tiếng súng, bom đạn như vậy nhưng đến giờ bộ đội cần là phải có cơm ăn và họ cũng sẵn sàng tiếp tế lên chiến trường. Đó là kỷ niệm đáng nhớ tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang.
      Để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc tại mặt trận Vị Xuyên đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh, vậy Tư lệnh mặt trận đã làm công tác chính trị, tư tưởng như thế nào để động viên cán bộ, chiến sĩ?
      Công tác chính trị được tiến hành rất cụ thể và luôn được quan tâm. Vì chiến tranh rất ác liệt, mà khó khăn gian khổ thì nhiều, nên vấn đề tư tưởng và công tác tư tưởng cho bộ đội luôn được chú trọng, làm sao cho bộ đội giữ vững quyết tâm, xây dựng quyết tâm ngày càng cao để có thể chiến đấu được, đánh bại quân thù. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ biên giới từng tấc đất và phát huy tinh thần “Không gì quý hơn độc lập, tự do” mà Bác Hồ đã phát động trong chiến tranh chống Mỹ. Thời điểm đó, anh em chúng tôi phát huy tinh thần đó của Bác để giữ vững tay súng, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. 
      Chiến tranh đã lùi xa, những người lính trên mặt trận Vị Xuyên đã trở về đời thường nhiều người trong số họ còn có hoàn cảnh khó khăn, vậy Hội Cựu chiến binh Vị Xuyên đã có những hoạt động giúp đỡ nhau như thế nào, thưa ông?
      Bây giờ mới chính thức thành lập Ban liên lạc Cựu Chiến binh Vị Xuyên-Hà Giang, nhưng thực tế trước đó thì anh em ở các đơn vị, các sư đoàn, trung đoàn tham gia mặt trận đã đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ nhau lâu rồi. Người có hoàn cảnh khá thì giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Giờ đây Ban liên lạc mặt trận đã được thành lập thì việc giúp đỡ nhau của các cựu chiến binh sẽ có tổ chức và hiệu quả hơn.
      Xin cảm ơn ông!
      Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang cho biết: Tháng 4.1984 đến 5.1989 Trung Quốc đưa hơn 50 vạn quân của 8/10 đại quân khu, tiến công toàn diện biên giới tỉnh Hà Giang mà tập trung là huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới bắc suối Thanh Thủy. Tại mặt trận trận này ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc xâm lược, buộc Trung Quốc phải rút quân về bên kia biên giới. Thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang rất oanh liệt, nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Đến nay, còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắc chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt. 
      Clip Buổi gặp mặt cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang sáng 14.7.

      Không có nhận xét nào: