Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Động Cổ Sâm – Núi Phân Mao và những liên quan

This entry was posted on Tháng Bảy 4, 2016, in Lịch sử Việt Nam and tagged ,, , , , . Bookmark the permalink. Để lại bình luận

Fig-04.jpg
Trần Việt Bắc
I. Lời tựa
Biên giới Việt -Trung đã và đang là một vấn đề được người Việt quan tâm rất nhiều. Người viết là một, nên đã tìm đọc những bài viết về vấn đề biên giới của các tác giả khác nhau, cũng như tham khảo thêm sử sách. Đâu là biên giới Việt – Trung từ khi nước Việt dành lại được độc lập? Biên giới này bị thay đổi ra sao qua những biến thiên của lịch sử? Tuy nhiên càng đọc càng thấy khó hiểu. Vì thế, chính mình cố tìm hiểu thêm và hy vọng nêu lên những điều đã tìm kiếm được để chia xẻ hay góp ý với độc giả, mong rằng chúng ta có thể tìm ra sự thật của lịch sử.
Để có khái niệm về biên giới Việt Trung thời cổ – vùng tiếp giáp với vùng lưỡng Quảng của Trung Quốc, thì vị trí động Cổ Sâm và núi Phân Mao (Phân Mao Lĩnh) tọa lạc tại đâu là một điều cần tìm hiểu. Cột đồng Mã Viện có thật hay chỉ là truyền thuyết? Câu hỏi này nên được tra cứu thêm, dù với nghi vấn! Việc phân định biên giới theo công ước Pháp – Thanh năm 1887 cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, vì chúng ta đã không biết vị trí của động Cổ Sâm và núi Phân Mao. Việc này đã làm Việt Nam mất đi khá nhiều đất đai; vùng phía đông của tỉnh Quảng Ninh ngày nay! 
Bài viết này đặt trọng tâm về việc truy tìm vị trí của hai địa danh động Cổ Sâm và núi Phân Mao, cũng như cố tìm hiểu thêm về sự “hư thực” của cột đồng cùngnhững địa danh liên quan khác. Người viết với ước muốn là những địa danh này được ghi lại trên bản đồ; để hy vọng các bạn trẻ có thể biết qua về vùng lãnh thổ nước Việt trong quá khứ đã bị lãng quên.

Nhiều tác giả đã có những bài viết, nêu ra những tài liệu về việc lấn đất của Trung Quốc bằng những âm mưu khác nhau, đặc biệt bằng cách là lấy các địa danh của họ, gán vào nội địa của nước Việt, rồi nói là của Trung Quốc, đưa người sang cư trú, lấy lý do bảo vệ người rồi đưa quân sang. Nước Việt đã không có những nhà địa lý chuyên môn để vạch ra những gian trá này. Hơn nữa; thời xưa ý niệm về đường biên giới chưa có, mà chỉ có ý niệm vềvùng biên giới, lấy yếu tố thiên nhiên như sông núi để phân định, vì thế những vấn đề tranh cãi đã xảy ra nhiều lần.
Để tìm hiểu hai địa danh động Cổ Sâm và núi Phân Mao, thì vùng ranh giới tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam với châu Khâm, cũng như những vùng kế cận thuộc lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) sẽ được tra cứu và trình bày để được xin thêm ý kiến.
Vì cần tra cứu những vùng đất cúa Trung Quốc; cũng như những sử liệu liên quan, Hán tự đã là một trở ngại lớn cho người viết – một kẻ có sở thích về sử địa nước Việt. Để vượt qua sự khó khăn này, với khả năng Hán văn gần như là “mù chữ” (ngoại trừ hiểu được một số phiên âm Hán Nôm qua truyện võ hiệp của Kim Dung hồi còn trẻ), nên các nhu liệu như “Hansoft”, “Hano Converter ” cũng như tự điển Thiều Chửu đã được tận dụng trong việc tra cứu. Thành thật tri ân những người đã có công cung cấp miễn phí những phương tiện hữu ích này.
Qua những tra cứu, người viết tự đưa ra những tiến trình cho bài viết để có thể đi đến kết luận tạm thời:
Phỏng đoán: đặt căn bản trên những tài liệu thu thập, kể cả những truyền thuyết.
Suy đoán: từ sự phỏng đoán cộng thêm với những suy luận và tài liệu bổ túc. Nhận định:kết luận tạm thời qua những tài liệu với suy đoán. Bài viết chỉ cố gắng đi đến “tiến trình” này; hầu có thể có được sự”hợp lý” tương đối.
Xác định: Với những chứng minh rõ ràng
Khẳng định: Có tính cách như định lý trong toán học với chứng minh và thí nghiệm để kiểm chứng.
II. Động Cổ Sâm và núi Phân Mao qua các tài liệu cổ
Phải chấp nhận một vấn đề là sử ký và địa lý thời cổ của Việt Nam đã tham khảo từ sử sách của Trung Quốc khá nhiều, đặc biệt là vấn đề địa dư. Trung Quốc với cách diễn tả về địa hình, khoảng cách đã không rõ ràng, người Việt tham khảo lại những tại liệu này, rồi viết lại về địa dư nước Việt. Vấn đề này càng gây thêm nhiều khó hiểu cho hậu thế chúng ta, hậu quả của ngàn năm bắc thuộc!. Hơn nữa Trung Quốc với mộng “Bành trướng Đại Hán” đã chắc gì đưa ra những tài liệu thật của họ để cho ta tham khảo, hoặc là với âm mưu chiếm đất bằng cách thay đổi tài liệu hay ngụy tạo tài liệu? Sự việc này hiện đang xảy ra cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Chúng ta phải cực kỳ cảnh giác về vấn đề này!
1- Sự khác biệt trong việc tham khảo sách Đại Thanh Nhất Thống Chí
Tài liệu tham khảo là sách Đại Thanh Nhất Thống Chí (1) (ĐTNTC) trong các bài viết hiện hành đã thấy có sự khác biệt về khoảng cách từ Khâm Châu đến núi Phân Mao:
a-Trong bài viết “Sử Liệu biên giới giữa ta và Tàu: Từ cửa Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao” (2) Của các tác gỉa: Hà Mai Phương & Lưu Chu Thanh Tao
“Theo Đại-Thanh Nhất Thống Chí [tức bộ địa-dư của Trung-quốc dưới đời nhà Thanh], núi Phân-Mao ở động Cổ-Sâm, cách Khâm-Châu [hay Châu Khâm] khoảng 3 dặm về phía tây. Tương-truyền trên đỉnh núi Phân-Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh-hưởng của khí-hậu và địa-thế, ngon cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân-Mao nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng”.
b-Sách “Biên Giới Việt Trung 1885 – 2000” (BGVT), nhà xuất bản Dũng – Châu 2005. Của tác giả Trương Nhân Tuấn (TNT). Trang 67: “Theo Đại Thanh Nhất Thống Chí (3)大清一統志 thì núi Phân Mao Lĩnh分 茅 嶺 tọa lạc tại phía tây huyện – đường Khâm Châu, cách đây 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam”.
Khoảng cách này cũng đã được tác giả ghi lại trong bài viết “Lịch sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG…” (4): “Theo Đại Thanh Nhất Thống chí : Phân Mao Lĩnh 分 茅 嶺 ở về phía Tây huyện đường Khâm Châu,cách 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam”.
Như đã viết trong ghi chú, tác giả Trương Nhân Tuấn (TNT) đã tham khảo sách ĐTNTC từ bản dịch của ông Devéria, trong quyển “La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique” (5) , in năm 1886 tại Paris. Trang 2 viết về Phân Mao Lĩnh (La montage Fen-mao ling 分 茅 嶺) với ghi chú số 1: “D’après d’autres sources la montagne Fen-maoling serait située à 360 Li à l’ouest de Kin-tcheou. …”, với câu phiên dịch như tác giả TNT đã viết trong trang 67 (sách BGVT) đã nêu trên (6).
c- Tham khảo trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) (7) về ĐTNTC
Để tra cứu vấn đề khác biệt về việc tham khảo trong Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC), người viết xin trích dẫn sách ĐNNTC, nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4, trang 8, viết về tỉnh Quảng Yên, như sau: ” Vân Cừ, Kim Tiêu,Phân Mao duy Yên Bang”. Lời chú thích của Nguyễn Thiên Túng nói: ” “Vân Cừ là tên riêng của sông Bạch Đằng; Kim Tiêu là cột đồng; Phân Mao là tên núi”. Đại Thanh Nhất Thống Chí chép ” Đèo Phân Mao ở động Cổ Sâm, cách châu Khâm 3 dặm về phía tây”. Mã Viện lập cột đồng ở dưới, chia địa giới với nước ta, đỉnh núi sản cỏ tranh, ngọn cỏ chia hướng về nam và bắc, đến nay vẫn thế”.
Núi Phân Mao là nơi Mã Viện dựng cột đồng để phân định ranh giới giữa Giao Chỉ và Hán vào năm 43AD (Truyền thuyết hay sử liệu? Chúng ta sẽ tìm hiểu sau!), sau khi thắng Hai Bà Trưng, cũng như ông ta đã dựng cột đồng tại phía cực nam của Giao Chỉ để phân định ranh giới với Lâm Ấp.
Cùng là những tham khảo từ Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC), tại sao lại có sự quá khác biệt? Một việc cần nhận xét là sách ĐNNTC của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (thời vua Tự Đức, 1847-1883) đã tham khảo từ ĐTNTC trước khi ông Devéria dịch sách này (ấn bản tại Paris 1886). Trước khi tìm hiểu về vấn đề khác biệt này (3 hay 300 dặm), người viết xin tra cứu về chuẩn điểm cho các địa danh tham chiếu trong ĐTNTC: huyện đường Khâm châu.
Ghi chú: những địa danh tiếng Việt với ngoặc có thứ tự như sau: (Phiên âm Wade/Giles – Hán văn – phiên âm Pinyin). Phiên âm Wade/Giles được dùng trong sách của ông Devéria.
2- Vị trí của huyện Khâm Châu (Kin-tcheou – 钦州- Qinzhou).
Huyện Khâm Châu thuộc phủ Liêm Châu (Lien-Tcheou – 廉州 – Lianzhou) thời nhà Thanh. Qua lịch sử, huyện Khâm châu đã được dùng làm điểm chuẩn để định vị trí các địa danh khác, thí dụ như trong Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi hoặc trong ĐTNTC. Vì thế; việc tìm hiểu về vị trí của huyện này qua thời gian là một sự cần thiết. Mã Viện thời Đông Hán cũng đã mang quân qua vùng này để xâm chiếm cổ Việt.
Fig-01.jpg
Hình 01 Bản đồ trong sách “La Frontière Sino-Annamite”, của Devéria.
Khâm Châu như trong bản dịch ĐTNTC của ông Devéria “Kin-tcheou 嶔州, lat. 21° 54′, long. 106″ 07′ 45″, (hauteurs observées sur place par les missionnaires), est situé à 180 li à l’ouest, un peu au nord, de Lien-tcheou; la frontière annamite en est éloignée de 300 li à l’ouest et de 240 li au sud’ouest”. Tác giả TNT đã lược dịch và giải thích như sau: “Huyện Khâm Châu 嶔州, thuộc phủ Liêm Châu 廉州俯 (xưa thuộc tỉnh Quảng Ðông, nay thuộc Quảng Tây). Biên giới Việt Nam cách huyện đường 300 dặm theo hướng Tây và cách 240 dặm theo hướng Tây Nam. Theo bản đồ các nhà truyền giáo Jésuites, tọa độ Khâm Châu: vĩ độ 21° 54’ và kinh độ 106° 07’ 45’’, cách phủ Liêm Châu 180 dặm về phía Tây thiên Bắc” (8).
Ghi chú : Sự khác biệt giữa kinh tuyến Paris (dùng trong cách tính của các nhà truyền giáo Jésuites – dòng Tên) và kinh tuyến Greenwich ( tiêu chuẩn ngày nay) là 2°20’14” (2 độ – 20 phút – 14 giây).
Vị trí của Khâm Châu chuyển qua tọa độ ngày nay: Kinh độ (longtitude): 108°27’59” (viết cho gọn là 108°28′)(9) Vĩ độ (latitude): 21°54′
Tọa độ của trung tâm thị trấn Khâm châu ngày nay (theo Google Earth):
Kinh độ (longtitude): 108°37′
Vĩ độ (latitude): 21°59′
Nếu các nhà truyền giáo (dòng Tên) đã ghi lại tọa độ của huyện Khâm Châu một cách tương đối chính xác, thì huyện đường Khâm Châu (trong ĐNNTC) thời xưa (thế kỷ 18), cách trung tâm thị trấn Khâm Châu 18 Km về hướng tây nam và huyện đường nằm tại bờ sông phía tả ngạn sông Mao Lĩnh ngày nay (tên cũ là sông Ngư Hồng – Yu-hong Fl. -漁洪江). (Xin coi bản đồ phía trên).
Fig-02
Hình 02 Tọa độ huyện Khâm Châu theo các nhà truyền giáo dòng Tên (bản đồ từ Google Earth)
Rất có thể các nhà truyền gíao đã đúng khi xác định tọa độ của huyện Khâm Châu hồi thế kỷ 18 – 19. Chúng ta sẽ so sánh với các tài liệu khác để kiểm chứng lại vấn đề này. Nhận xét sơ khởi là thị trấn Khâm Châu ngày nay nằm cách bờ biển khá xa (khoảng 7Km), không tiện cho thuyền bè khi phương tiện chuyên chở còn thô sơ. Thời nhà Minh, giữa thế kỷ 16, Nụy khấu (hải tặc người Nhật) hoành hành tại các vùng biển phía nam Trung Hoa, Triều đình nhà Minh đã có lệnh di dân tại những vùng thường bị hải tặc uy hiếp vào sâu trong đất liền. Vùng biển này nổi tiếng là nơi có hải tặc tập trung, huyện đường Khâm châu có lẽ cũng đã phải di chuyển vào sâu trong đất liền.
Fig-03
Hình 03 Bản đồ vùng đất giữa tỉnh Quảng Ninh (VN) đến Khâm Châu (TQ)
3- Sông, núi và các cửa ải thuộc huyện Khâm Châu
Những địa danh trong Đại Thanh Nhất Thống Chí thuộc huyện Khâm Châu, trích từ các đoạn phiên dịch cũng như giải thích trong sách “La Frontière Sino-Annamite. …” của Devéria. Người viết xin tóm tắt như sau:
a- Các rặng núi vùng biên giới vùng Khâm Châu
Gồm các rặng núi: La Phù sơn (Lô-feou chan – 羅 桴山 – Luofu shan) Thập Vạn sơn (Che-ouan chan – 十 萬山 – Shiwan dashan) hay Thập Vạn Đại sơn Bà Dương lĩnh (Pa-yang ling – 筢羊嶺- Payang ling) Vương Quang Sơn(Ouang-kouang chan -王光山 – Wangguang shan)Mặc Mạt sơn (Mo-moh chan – 墨抹山 – Meima shan) Phân Mao lĩnh (Fen-mao ling -分 茅 嶺 – Fenmao ling)
Vị trí của Phân Mao lĩnh là một trong những vấn đề chính sẽ được tra cứu trong bài viết này.
b- Các cửa ải tại biên giới (từ Khâm Châu sang Việt Nam)
Gồm các ải sau: Ải Ná Tô (Na-sou ai – 那蘇隘 – Nasu ai) Ải Nhẫm Quân (Jen-kium ai – 稔圴縊 – Renshao ai) Ải Ná Long (Na-long ai – 那隆縊 – Nalong ai)
c- Sông ngòi vùng Khâm Châu
Gồm có các sông: Thiếp Lãng giang (Tieh-lang kiang – 貼朗江 – Tielang jiang). 
Phòng Thành giang (Fang-tch’eng kiang – 防城江- Fangcheng jiang) Ngư Hồng giang (Yu-hong kiang -洪漁 -Yuhong) Sông Phụng Hoàng (Fong-hoang – 鳳凰洲 – Fenghuang Sông Ná Lãng (Na-lang – 那埌遐- Nalang) Đoàn Lãng giang (Touan-lang kiang – 團浪江 – Tuanlang jiang) Sông Ngư Châu (Yu-tcheou -漁洲- Yuzhou) Minh Giang (Ming-kiang – 明江 – Ming jiang) Long Thủy (Long-chouei – 龍水 – Long shui)
Những sông này sẽ được tra cứu thêm trong phần sau.
4 – Động Cổ Sâm, núi Phân Mao và cột đồng qua sử liệu
Để có thể truy tìm hai địa danh này, người viết xin trích dẫn sử liệu, cũng như tài liệu cổ về địa dư, để chúng ta cùng có một ý niệm khái quát về hai địa danh cùng với cột đồng “bí ẩn” này.
a- Qua tài liệu cổ của Việt Nam
An Nam Chí Lược (1335) của Lê Trắc (Tắc)
“Năm Kiến-Võ thứ 16 (40 sau công nguyên), đời vua Hán Quang-Võ, có người đàn bà Giao-Chỉ tên là Trưng-Trắc làm phản, năm thứ 19 (43AD), sai Mã-Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán.
… Đời nhà Đường, Mã-Tống làm chức An-nam đô-hộ, lại dựng hai cái trụ đồng, vì Tống là con cháu của Phục-Ba. Xưa có truyền lại rằng: ở nơi động Cổ-Sum, tại Khâm- Châu có cái cột đồng của Mã-Viện và lời thề rằng: “Hễ cái trụ đồng nầy gãy, thì nước Giao-Chỉ tiêu-diệt”, vì thế, người Giao-Châu, mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳngbao lâu, nơi ấy hóa thành gò.
Đổ-Phủ có câu thơ rằng: “Vũ lai đồng trụ bắc, ý tẩy Phục-Ba quân” nghĩa là: “mưa phía Bắc đồng trụ, muốn rửa quân Phục-Ba”. Ở cương-giới nước Chiêm-Thành cũng có cột đồng. Mạnh-Hạo-Nhiên có câu thi: “Đồng trụ Nhật-Nam đoan”, nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật-Nam”.

Mã-Tổng Tự là Nguyên-Hội. Trong năm Nguyên-Hoà (10), Đường Hiến-Tông…. Mã-Tổng dựng cột đồng ghi công đức nhà Đường để tỏ rằng Tổng là giòng dõi của Phục-Ba.
Đại Việt Sử Lược (1377 -1388) của tác giả Khuyết danh
“… Mã Viện dựng trụ đồng làm ranh giới cuối cùng (của nhà Đông Hán-ND) chia đất làm hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải, lại xây đắp Kiển thành hình tròn như cái tổ kén. Lâm Ấp thua to, bị bắt cắt tai có đến vạn cái. Lưu Phương đuổi đánh nhiều lần đều được thắng lợi cả. Đuổi theo hướng nam, qua trụ đồng của Mã Viện, tới ngày thứ tám thì tới kinh đô của nước Lâm Ấp.”
Sách Dư Địa Chí (1438) (11) của Nguyễn Trãi:
“Vân Cừ, Kim Tiêu, Phân Mao ở về Yên Bang (sau tránh húy đổi làm Yên Quảng). Vân Cừ là tên sông, tên khác của sông Bạch Đằng, Tiền Ngô Vương bắt Hoằng Tháo, Hưng Đạo Vương bắt Ô Mã Nhi đều ở đây. Phân Mao là tên núi, Kim Tiêu là cột đồng. Ở phía Tây lộ Hải Đông 300 dặm có đèo Phân Mao, ở nửa đèo có cột đồng của Mã Viện dựng, lớn chừng ba thước”.
Đại Việt sử ký toàn thư (hoàn tất năm 1697)
“Kỷ Thuộc Đông Hán Quý Mão, [Trưng Vương, năm thứ 4], [43], (Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâuchâu Khâm. Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy. Mã Tổng nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi của Phục Ba, nay chưa rõ ở chỗ nào. Hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi có một cột)”.
Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (1773)
“Giữa đỉnh núi Phân Mao ở Khâm Châu có cột đồng to độ hai thuớc. Có lẽ đây là Mã Tống dựng lên.”
Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ (1775)
“… Mã Viện đuổi theo đến huyện Nghinh Phong, quân Bà Trưng phải tan rã. Đất Lĩnh Nam bình định xong, bèn lập cột đồng ở Lĩnh Nam để làm cương giới nhà Hán. Mã Viện đặt lại chế độ cũ để ràng buộc dân chúng”.
Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1809 – 1819) – Địa dư chí
“… Viện mới dựng cột đồng ở đất Kiệu Nam để làm địa giới tận cùng của nhà Hán, Lại theo chế độ quận huyện cũ để cai trị….”
“Lời án : Sách Nhất thống chí của nhà Minh chép : Cột đồng ở động Cổ Sâm thuộc châu Khâm, trên có lời thế rằng : ” Cột đồng gãy thì Giao Chỉ phải tiêu diệt “. Người nước Việt ta sợ cột đồng gãy nên mỗi khi có ai đi qua dưới cột ấy đều lất đá đắp thêm vào thành ra gò lớn. Châu Khâm ở về phía đông hải phận nước ta. Cách phía tây châu ấy 300 dặm,có núi Phân Ma, ở lưng chừng núi có cột đồng cao một trượng hơn hai thước. Vậy mà xét ở sách Thông điển của Đỗ Hựu đời Đường lại nói rằng : ” Cách phía nam nước Lâm Ấp hơn 2000 dặm có cột đồng của Mã Viện dựng lên”, thế thì cột đồng lại ở ngoài quận Nhật Nam, không giống như Nhất thống chí của nhà Minh, chưa rõ sách nào phải. Thiết tưởng lúc bấy giờ dựng cột đồng tất dựng ở chỗ cùng cực phía nam, mà châu Khâm còn gần kề đất Trung Quốc, không lẽ lại dựng mốc giới ở chỗ ấy, thì cột đồng ở Cổ Sâm, ngờ là người đời sau dựng lên. Trong khoảng đời Nguyên Hòa (12) (806 – 820) , đô hộ là Mã Tổng có dựng cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán thì cột đồng ấy có lẽ là Mã Tổng dựng lên mà đời sau bảo là di tích của Phục Ba Tướng quân chăng ? Nay hãy chép ra để tham khảo”.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KKĐVSTGCM) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn.
” Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương (chữ “Dương” trong Hán thư chép chữ là dê), đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán.. .
Nhà Đường dùng Mã Tổng làm đô hộ. … Mã Tổng dựng hai cột đồng, ghi chép công đức nhà Đường và tỏ ra mình là con cháu Phục Ba (Mã Viện).
Lời phê: … Cột đồng: Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép rằng: Mã Văn Uyên (Mã Viện, tên tự là Văn Uyên), dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc. Mốc đồng ấy tức là cột đồng. Theo Tùy sử , Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía nam tám ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba . Theo sách Thông điển của Đỗ Hữu, từ nước Lâm Ấp đi về phía nam, đi thủy, đi bộ hơn hai nghìn dặm đến đấy có nước Tây Đồ Di là chỗ Mã Viện dựng hai cột đồng để nêu địa giới đấy. Theo Tân Đường thư , ở châu Bôn Đà Lãng của Lâm Ấp, phía Nam là năm bãi lớn, có núi “cột đồng” (đồng trụ sơn), hình núi như cái lọng dựng nghiêng, về phía Tây có nhiều núi đá, phía Đông là biển lớn. Cột đồng đó là do Mã Viện dựng lên . Theo sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, Mã Viện đi đánh Lâm Ấp, đi từ Nhật Nam hơn 400 dặm đến Lâm Ấp, lại đi hơn 20 dặm nữa có nước Tây Đồ Di. Viện đến nước ấy rồi lập hai cái cột đồng ở nơi phân giới giữa Tượng Lâm và Tây Đồ Di. Về đường thủy, đi từ Nam Hải hơn 3000 dặm đến Lâm Ấp, rồi đến cột đồng ở Giao Châu phải 5000 dặm nữa. Sách Nhất Thống chí nhà Đại Thanh có chép: Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt”, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gẫy.
Năm Ất Sửu (605). (Tùy, Dượng đế, năm Đại Nghiệp thứ 1).
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Tùy cho Lưu Phương làm chức hành quân tổng quản156 đạo Hoan Châu, đi đánh Lâm Ấp, phá tan được nước ấy. Nhâm Thân, năm thứ 15 (1272). (Tống, năm Hàm Thuần thứ 8; Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 9). Tháng 4, mùa hạ. Sai viên ngoại lang là Lê Kính Phu sang hội với người nhà Nguyên, biện luận việc cương giới…. Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với người nhà Nguyên rằng: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được”. Việc đó sau cũng thôi.
Ất Dậu, năm thứ 5 (1345). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 5)….
Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Nguyên. Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi địa giới cột đồng ngày trước. Nhà vua sai Phạm Sư Mạnh sang Nguyên biện bạch việc này.”
Phương Đình Địa Dư chí (1900) của Nguyễn Văn Siêu nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin, trang 214: “Xét đến “Lĩnh biểu lục dị” của Lưu Tuân chép: cột đồng của Phục Ba ở cõi Ái Châu.
“Minh Chí” chép: ở trên động Cổ Sâmthuộc châu Khâm. “Thanh chí” chép: ở cửa Chấn Nam. Dã sử nói: ở phủ Nam Ninh hai sông tả hữu (13) đều có một cột. “Lý sử” chép: vua Thái Tổ năm thứ 2 niên hiệu Thuận Thiên người Mường qua cột đồng đến Kim Hoa Bộ và châu Vị Long (14) để buôn bán. … Các sách nói khác nhau xin chép lại cả để tiện tham khảo.”
b- Qua tài liệu cổ của Trung Hoa
Các sách cổ sử của Việt Nam đã dẫn chứng một số tài liệu trong cổ sử của Trung Hoa nói về cột đồng Mã Viện. Người viết chỉ xin trích dẫn vài tài liệu gần với thời điểm mà Mã Viện thiết lập nền đô hộ năm 43AD; thời đầu nhà Hậu Hán (25 -225). Đó là sách “Thủy Kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên (472 – 527), sách này lấy sách “Thủy Kinh” (viết vào thời Tam Quốc 220 -265) làm căn bản, cùng với “Tấn Thư” viết vào đầu thời Thái Tông Lý Thế Dân (618 – 907)- nhà Đường, và “Minh Thực Lục” ( sách này nói về vị trí “cột đồng” dù rất mơ hồ).
Thủy Kinh chú sớbản dịch của dịch giả Nguyễn Bá Mão, nhà xuất bản Thuận Hóa, trang 394 (trích những câu của Thủ Kinh chú -những chữ in đậm nét – nói về Uất Thủy (15)) quyển 36
“Sông Uất Thủy lại chảy về phía nam, từ huyện Thọ Linh (16) chảy vào biển. Ngày xưa Mã Văn Uyên chất đá làm bờ đê đến sông ngách Tượng Phố, dựng cột kim tiêu làm biên giới cực nam. “Tiên” của Du Ích Kỳ nói: Mã Văn Uyên dựng hai cột đồng ở bờ bắc Lâm Ấp, có 10 gia đình binh lính sót lại không trở về, ở bờ nam Thọ Linh, đối mặt với cột đồng. Tất cả đều lấy họ là Mã, tự kết hôn với nhau, nay co hai trăm hộ. Người Giao châu cho họ là người lưu ngụ, nên gọi là Mã lưu. Ngôn ngữ, ăn uống còn giống với người Hoa. Núi sông dời đổi, cột đồng nay lại ở trong biển, chính nhờ vào những người dân này mà biết được chỗ xưa của cột đồng. “Lâm Ấp ký” nói: năm Kiến Vũ thứ 19 (năm 43) Mã Viện trồng hai cột đồng ở biên giới phía nam quân Tượng Lâm, ranh giới của nhà Hán với nước Tây Đồ. Người bản địa cho rằng những người lưu ngụ ở đây gọi là Mã lưu, đời đời xung là con cháu nhà Hán”.
Tấn thư (579 – 648) (17), Chí , Địa lí
Đường- Phòng Huyền Linh chủ biên (18). “Tượng Lâm. Tại phía nam huyện này có bốn nước, người ở đây đều nói là con cháu của người Hán, nay có cột đồng, cũng là do nhà Hán ở đặt đây làm mốc giới. Cống vàng nạp thuế vậy”.
Tấn thư– Liệt truyện -Tứ Di
Nam Man, Lâm Ấp, Phù Nam “Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thời Hán, chính là đất Mã Viện đúc cột đồng vậy, đi Nam Hải ba nghìn dặm”.
Minh Thực lục (thời nhà Minh:1368 – 1644) Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng đế (19) thực lục, quyển 248:
Viết về việc nhà Minh sai Trần Thành và Lã Nhượng đi sứ sang Việt Nam năm ? Để đòi lại phủ Tư Minh do báo cáo của viên thổ quan là Hoàng Quảng Thành (20), vùng này gồm có 5 huyện là Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên và Thoát (vùng Lạng Sơn ngày nay), cho đây là vùng này bị Việt Nam xâm chiếm. Đoạn văn này nói về vị trí phủ Tư Minh, nói về cột đồng 5 lần: “phủ Tư Minh do quân Nguyên thiết trí, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến “đồng trụ”, khi nhà Nguyên mang quân đi đánh Giao Chỉ, cách“đồng trụ” 100 dặm lập trại Vĩnh Bình (21), bắt dân Giao Chỉ cung cấp quân lương. Nhà Nguyên bị nhiễu loạn (nv: với những cuộc nổi dậy của Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng, v.v…), người Việt tấn công trại Vĩnh Bình, phá trại và vượt qua cột đồng cả trăm dặm, chiếm châu Tư Minh gồm 5 huyện v. v…” và viên thổ quan này trình lên bộ Hộ của nhà Minh để xin sai sứ sang Việt Nam đìều đình việc trả lại đất (22).
c- Tổng kết các tài liệu cổ về động Cổ Sâm, núi Phân Mao và cột đồng
Qua các tài liệu cổ của cả Việt Nam và Trung Hoa đã trình bày, người viết xin tổng kết lại như sau:
-Sự truyền tụng về việc Mã Viện dựng cột đồngở núi Phân Mao, động Cổ Sâm, Khâm Châu để đánh dấu cương vực phía nam của nhà Hán, các tài liệu cổ sau đây đã viết về vấn đề này:
– An Nam Chí Lược (1335) của Lê Tắc
– Dư Địa Chí (1438) của Nguyễn Trãi
– Minh Thực lục (thời nhà Minh:1368 – 1644) 
– Nhất thống chí của nhà Minh (thời nhà Minh:1368 – 1644)
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (năm hoàn tất: 1697)
– Nhất Thống chí nhà Đại Thanh (Đại Thanh Nhất Thống chí: 1686 – 1842)
– Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (1773)
– Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ (1775) – chỉ viết là có cột đồng ở Lĩnh Nam.
-Các tài liệu nói đến cột đồng ở cương vực phía cực nam là ranh giới giữa quận Tượng Lâm và nước Tây Đồ:
– Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (472 – 527)
– Tấn thư (579 – 648)
– Tùy sử (nhà Tùy: 581-618)
– An Nam Chí Lược (1335) của Lê Tắc
– Đại Việt Sử Lược (1377 -1388)
– Đại Việt sử ký toàn thư (1697)
– Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1809 – 1819) của Phan Huy Chú
– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Từ sự phân loại trên, chúng ta thấy là có hai nơi chính mà Mã Viện đã dựng cột đồng:
– Cột đồng ở động Cổ Sâm, núi Phân Mao, châu Khâm, thời điểm mà cột đồng tại đây được nhắc đến sớm hơn cả và có tính cách “truyền tụng” là trong sách An Nam Chí Lược (1335).
Cột đồng ở biên giới cực nam, thời điểm được nhắc đến sớm hơn cả là trong sách “Thủy kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên (472 – 527). Cột đồng tại phía cực nam có tính cách sử liệu, vì các tài liệu cổ đã đề cập một cách tương đồng đến sự việc cũng như vị trí.
Ngoài vấn đề về cột đồng của Mã Viện, các tài liệu cổ còn nói đến hai cột đồng của Mã Tổng mà ông này đã dựng thời Đường Thái Tông (806-820) khi ông này làm chức “An Nam đô hộ”. Cột đồng Mã Tổng ở đâu? Phía bắc vùng Khâm châu hay phía cực nam vùng quận Tượng Lâm? Theo như một câu trích trong sách “Độc sử phương dư kỷ yếu – Phân Mao”của Cố Tổ Vũ (1631 – 1692), thì chính Mã Tổng đã dựng hai cái cột đồng tại Phân Mao:“Đường An Nam đô hộ Mã Tổng diệc kiến nhị đồng trụ” (23).
Qua những tra cứu trên thì có hai vị trí mà cột đồng đã thiết lập :
-Phía bắc, cột đồng được dựng ở núi Phân Mao, động Cổ Sâm, huyện Khâm Châu vớitruyền thuyết là do Mã Viện dựng.
-Phía bắc, cột đồng được dựng ở núi Phân Mao, động Cổ Sâm, huyện Khâm Châu do Mã Tổng dựng khi làm “An Nam đô hộ”, dù đây vẫn còn là một nghi vấn!
-Phía nam, cột đồng được dựng ở phía cực nam của quận Tượng Lâm (phần đất của Lâm Ấp sau này), ranh giới với nước Tây Đồ.
Xin ghi lại câu viết của ông Phan Huy Chú (1809 – 1819) trong “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí”: ” Thiết tưởng lúc bấy giờ dựng cột đồng tất dựng ở chỗ cùng cực phía nam, mà châu Khâm còn gần kề đất Trung Quốc, không lẽ lại dựng mốc giới ở chỗ ấy, thì cột đồng ở Cổ Sâm, ngờ là người đời sau dựng lên Trong khoảng đời Nguyên Hòa (24) (806 – 820) , đô hộ là Mã Tổng có dựng cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán thì cột đồng ấy có lẽ là Mã Tổng dựng lên mà đời sau bảo là di tích của Phục Ba Tướng quân chăng ? Nay hãy chép ra để tham khảo”.
Người viếtphỏng đoán là Mã Viện muốn dựng cột đồng cả hai nơi, cả phía bắc lẫn phía nam để đánh dấu phần đất phía nam nhà Hán, mà ông ta đã chiếm được cho mộng “bành trướng đại Hán” (25), chứng tỏ về thành tích ông ta là người đã có công đánh chiếm được vùng đất này!
“Bí ẩn” của cột đồng! Vấn đề này chỉ được xác định khi có những cuộc khai quật dù “tình cờ” như cổ mộ của Triệu Văn đế ở Quảng Châu, hay “cố tình” vì có tài liệu đích xác của hậu thế. Phần này của bài viết chỉ hy vọng có thể đưa ra một số dữ liệu; để đi gần đến chỗ cột đồng đã dựng, hư thực như thế nào với những nghi vấn, dù đây chỉ là mục đích phụ. Người viết chỉ cố tìm hiểu thêm những sự việc cũng như những địa danh liên quan cho đề tài,mục đích chính của bài viết là tìm vị trí vủa núi Phân Mao và động Cổ Sâm, nơi này đã nêu lên vấn đề về biên giới của nước Việt, mà phái đoàn phân định biên giới (1885-1887) đã gặp trở ngại, kết quả là nước Việt bị mất một phần lãnh thổ!
Núi Phân Mao, động Cổ Sâm dù được nói tới qua tài liệu cổ, nhưng vị trí đã được ghi lại một cách rất mơ hồ, chỉ biết là động Cổ Sâm và núi Phân Mao ở phía tây của Khâm Châu 3 dặm (?) hay 300 dặm (?) theo ĐTNTC, cách trại Vĩnh Bình 100 dặm (hướng?) theo Minh Thực Lục. Vì thế vị trí chính xác của hai địa danh này cần phải được tìm hiểu thêm.
III. Các “tài liệu bổ túc” về động Cổ Sâm và núi Phân Mao 
*Ghi chúcác “tài liệu bổ túc”- định nghĩa trong bài viết này (theo như sự hiểu biết của người viết) là các tài liệu ít thấy được nhắc tới trong các bài viết gần đây; cũng như các sách đang lưu hành có liên quan đến hai địa danh này.
Để biết về vị trí chính xác của hai địa danh này, các tài liệu cổ có tính cách chính thức đã không giúp được gì nhiều cho chúng ta. Vì thế người viết phải tra cứu thêm các “tài liệu phụ” với hy vọng có chút manh mối về hai địa danh này – với hy vọng có những sự bất ngờ và lý thú; vì những sự kiện phụ thuộc đã được duy trì, không bị thay đổi hay ngụy tạo vì chính đề.
1- Động Cổ Sâm
Khi tìm hiểu về vùng lưỡng Quảng và các biến cố liên quan đến sử Việt, trong khoảng thời điểm Pháp đánh và chiếm Bắc Kỳ, đặc biệt là những hoạt động của tướng Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen, tình cờ người viết đã đọc qua tiểu sử của ông trong sách:
a- “Popular movements and secret societies in China, 1840-1950” (26) của Jean Chesneaux, Lucien Bianco, Stanford University Press, 1972. Trang 85 với bài viết ” The Making of a Rebel: Liu Yung-fu and the Formation of the Black Flag Army . của Ella S. Laffey:
“According to his autobiography, Liu Yung-fu was born in 1837 to a poor Hakka family inHsiao-feng hsiang, a rural area near Kunseng-tung in Ch’in-chou prefecture, one often troubled “four lower prefectures”* in the extreme west of Kwangtung province. Although Liu dutifully acknowledged him self as “Ch’in-chou man,” he spent only the first six years of his life there, and he considered his real “native place” Chin –ts’un, a village of Po-pai hsien in Kwangxi province.
… He died peacefully in 1916 while dictating his autobiography to his long-time follower, Huang Hai-an … “
Lược dịch: “Theo như tự truyện của ông, Lưu Vĩnh Phúc sinh năm 1837 trong một gia đình người Khách Gia nghèo ở Tiểu Phong Hương (Hsiao-feng hsiang – 小峰乡- Xiaofeng xiang), một nơi thôn dã gần động Cổ Sâm(Kunseng-tung – 古森洞 – Gu -sen dong) thuộc châu Khâm (Ch’in-chou -钦州 – Qinzhou), một trong 4 huyện “có vấn đề” ở phía cực tây của tỉnh Quảng Đông. Mặc dù chấp nhận mình là “Khâm Châu nhân”, ông Lưu chỉ ở nơi này 6 năm, và ông ta cho biết “gốc gác tổ tiên” thật của mình là Nha Tiền thôn (Chin–ts’un – 衙前村 – Yaqian cun, nay là Phú Tân thôn 富新村), một làng của huyện Bác Bạch (Po-pai -博白- Bobai) thuộc tỉnh Quảng Tây
… Ông chết trong an bình năm 1916 khi kể về chuyện của mình cho Hoàng Hải An nghe, một người đã theo ông lâu năm.”
Động Cổ Sâm! Một địa danh mà người viết đang cố gắng tra cứu!
Sau đây là những tra cứu thêm về sinh quán của Lưu Vĩnh Phúc: “Tiểu Phong hương, Cổ Sâm động” . Mặc dù những tài liệu liên quan đến địa danh Cổ Sâm đang được tìm kiếm, nhưng sự dè dặt với những kiểm chứng rất cần được chú ý ! Vì thế người viết phải tra cứu hay trích dẫn thêm nhiều tài liệu khác nhau.
Nếu các tài liệu có sự đồng nhất về vị trí của các địa danh, việc này sẽ được tổng kết và so sánh với bản đồ ngày nay cũng như địa hình trong Google Earth để kiểm chứng. Hoặc tìm hiểu thêm về những sự mâu thuẫn trong các tài liệu, loại bỏ những sự kiện ngược với nhau (như khoảng cách, vị trí của địa danh) để bổ túc; hi vọng có thể có sự đồng nhất để đi đến một kết luận hợp lý.
b- Lưu Vĩnh Phúc bình truyện (27) của Lý Can Phân
Lược dịch: “Phụ thân ông (Lưu Vĩnh Phúc) là Lưu Dĩ Lai di chuyển về châu Khâm, ti Phòng Thành, động Cổ Sâm là nơi mà ông và ông cố (của Lưu Vĩnh Phúc) thuộc gốc Hán sống, sau đó cha ông lại di chuyển đến chỗ của bà họ Trần là mẹ của ông (Lưu Vĩnh Phúc), có lẽ bà họ Trần thuộc tộc Tráng, vì động Cổ Sâm là nơi sinh sống của dân tộc Tráng. Nhà Tống thiết lập động Cổ Sâm tại Na Lý, nay là một động của tộc Tráng, đầu thời nhà Minh lập “thổ tuần kiểm ty “Như Tích (28).”
Tra cứu trong Google Earth, người viết tìm được hai địa danh có chữ Nali (Na lý – 那里) kế bên phía nam của thị trấn Phòng Thành: Nali Zhang (那里丈) và Nali Meng (那里?). Từ những điều đã tìm kiếm được, người viết có nhận xét như sau:
Nhận xét số 1: đoạn văn này đã nói lên vị trí của động Cổ Sâm là vùng thị trấn Phòng Thành ngày nay.
c – Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen (29)
Lược dịch: “Lưu Vĩnh Phúc nguyên quán ở huyện Bác Bạch (博白), tỉnh Quảng Tây. Vì không kham nổi cảnh bần cùng của gia đình, cha ông đã mang gia đình đến Tiểu Phong hương, động Cổ Sâm, ty Phòng Thành, Khâm châu, Quảng Đông (hiện thuộc Quảng Tây). Tại đây , năm 1837, Lưu Vĩnh Phúc ra đời. Sau đó gia đình lại di chuyển đến châu Thượng Tư tỉnh Quảng Tây…”.
d- “Hắc Hổ tướng quân” Lưu Vĩnh Phúc (30)
Lược dịch: “Lưu Vĩnh Phúc sinh năm 1837 tại thôn Tiểu Phong, động Cổ Sâm ( nay làkhu Tráng tộc tự trị, trong huyện Phòng Thành (“Phòng Thành huyện nội”) (31) . Vì gia cảnh bần cùng, lúc 5 tuổi ông theo cha mẹ di chuyển đến châu Thượng Tư tỉnh Quảng Tây…”.
Từ hai đọan văn liên quan đến địa danh Cổ Sâm trong hai bài viết, người viết có nhận xét sau: 
Nhận xét số 2: hai đoạn văn trong hai bài viết này đã phù hợp với trích dẫn trong nhận xét 1, nêu ra vị trí của thôn Tiểu Phong, động Cổ Sâm là vùng thị trấn Phòng Thành ngày nay.
2- “Thất (7) động” tại vùng đất phía tây châu Khâm
Qua nhận xét số 1và số 2 đã nêu trên thì vị trí thôn Tiểu Phong, động Cổ Sâm tạm được xác định là “Phòng Thành huyện nội” , nằm trong thị trấn Phòng Thành ngày nay, toạ lạc tại phía bắc của sông Phòng Thành.
Trung tâm thị trấn Phòng Thành với tọa độ theo Google Earth:
Kinh độ (longtitude): 108°21;30″
Vĩ độ (lattitude): 21°46′
Động Cổ Sâm sẽ là chuẩn điểm thứ hai (sau Khâm Châu) để tra cứu về vị trí 6 động khác, các vị trí tìm được sẽ được dùng để kiểm chứng lẫn nhau.
a- “Độc sử phương dư kỷ yếu” (32) quyển 104
Đây là một tài liệu cổ khá quan trọng về địa dư do Cố Tổ Vũ (1631 -1692) biên soạn thời Thuận Trị và đầu thời Khang Hy nhà Thanh. Sách này có nói qua về đường biên giới Việt –Trung từ thời nhà Tống (nói về trại Như Tích kế bên biên giới Giao Chỉ), mà người viết tạm phiên dịch:
“[Chí] kể: phía tây nam của châu (Khâm) có ải Ná Tô, phía đông nam ải này có ải Nhẫm Quân, phía đông của ải này có ải Ná Long, bên ngoài ải là Giao Chỉ, dân gian qua lại nơi đây, nay (đầu thời nhà Thanh , những ải này) đã bãi bỏ. Trại Như Tích ở phía tây châu (Khâm) 160 dặm. Kế bên các khê động vùng Tả giang và Hữu giang, tiếp giáp với biên giới Giao Chỉ. Trại đóng trên đỉnh núi, vị thế rất hiểm trở. Thời nhà Tống đặt ra các động trưởng quản trị các “hạt” Thì La – Thiếp Lãng cùng 7 động. Năm Thiên Hi (thời Tống, 1190), cử quân đến trấn thủ. Nguyên nhân là để cai quản vùng này. Giữa năm Chí Chính 12( cuối đời Nhà Nguyên- 1352 , đặt chức tuần ty ở trại Như Tích. Năm Tuyên Đức thứ 2 (1427),Hoàng Kim Quảng, Hoàng Thánh Hứa chiếm đất của Khâm châu đến kế bên hai huyện Linh Sơn và An Viễn, gồm Thì La và Thiếp Lãng 7 động, nhân dân vong tán. ” .(33)
Biến cố này nói lên toàn thể 7 động đã được “thổ tù” Hoàng Kim Quảng và “động tặc”Hoàng Thánh Hứa xin gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt năm 1427, khi đất nước vừa đuổi quân Minh ra khỏ bờ cõi và thiết lập lại nền tự chủ.
Đoạn văn trên nói lên vị trí các cửa ải vùng này như sau: 

Khâm châu
Ải Ná Tô
Ải Nhẫm Quân Ải Ná Long

Phía nam: Giao Chỉ biên cảnh.
Những ải này nay (khi Cố Tổ Vũ viết sách, đầu thời nhà Thanh) đã bãi bỏ, vì vùng này đã nằm trong nột địa Trung Hoa sau khi Mạc Đăng Dung dâng/trả/nộp đất!
Đoạn văn của sách này viết về các động tại Khâm châu (34) như sau:
“… Mạc Đăng Dung hàng, trả lại 4 động là Tư Lẫm – Kim Lặc – Cổ Sâm – Liễu Cát về lại như cũ.
[Chí] viết rằng: Động Thiếp Lãng ở đô Thiếp Lãng, thôn Tư Nha, kế bên là Động Tư Lẫm ở thôn Tư Lẫm, phía tây động Cổ Sâm Động Thì La ở đô Thì La Động Như Tích tại đô Như Tích, thôn Tư Lặc, kế bên là Động Bác thị ở thôn Liễu Cát Động Giám Sơn ở thôn La PhùĐây là vùng đất của 7 động. …” 

Đô Thì La: theo như một tài liệu nói về gia phả của thị tộc Huyên tại Khâm Châu: “Tính thị lược khảo -Huyên tính -gia phả văn hiến” (35) đô Thì La tọa lạc tại thị trấn Phòng Thành Cảng, nơi có từ đường của Huyên Thuần Vượng, một tướng theo Mã Viện đánh Giao Chỉ (theo truyền thuyết!).
Nhận xét số 3:
theo như hai tài liệu Độc sử phương dư kỷ yếu” và “Huyên tính – gia phả văn hiến”thì tất cả 7 động ở phía tây châu Khâm đã xin nội thuộc vào Đại Việt. Bảy động là Thiếp Lãng (hay Chiêm Lãng), Tư Lẫm, Cổ Sâm, Tư Lặc, Liễu Cát, La Phù và Thì (Thời) La. Chúng ta cũng biết thêm được vị trí tương đối chính xác của động Thì La (ở đô Thì La) nằm trong thị trấn Phòng Thành cảng với tọa độ theo Google Earth:
Kinh độ (longtitude): 108°21′
Vĩ độ (lattitude): 21°37′
b – “Khâm Châu tây bộ đích địa phương sử …” (36)
Tóm tắt về đoạn trích dẫn: “Theo sử của dân địa phương: Đầu thời nhà Minh (HồngVũ, 1328-1398) tuỳ theo vị trí của các thôn, lập ba ra “đô” là Thì La (时罗), Thiếp Lãng (贴浪 ) và Như Tích (如昔 ) . Đến thời Gia Tĩnh (1507-1566), đặt ra các động là Bác Thị (博是), Giám Sơn(鉴山), Thiếp Lãng, Thì La, Tư Lẫm (澌凛), Như Tích, Cổ Sâm (古森).
Đô Thì La coi động Thì La. Đô Thiếp Lãng coi các động Thiếp Lãng, Tư Lẫm và Cổ SâmĐô Như Tích coi các động Như Tích, Bác Thị, Giám Sơn
Năm Tuyên Đức thứ 2 (1427) (37), động trưởng của động Như Tích là Hoàng Kim Quảng (đô trưởng đô Như Tích) với hai động dưới quyền là động Giám Sơn (sau đổi tên là La Phù -罗浮), động Bác Thị (sau đổi tên là Liễu Cát丫葛 (38)), cùng với đô Thiếp Lãng là các độngThiếp Lãng,Tư Lẫm, Cổ Sâm (tổng cộng là 6 trong 7 động ngoại trừ đô/động Thì La) xin nhập vào Việt Nam. Sử liệu chỉ ghi 4 động, nhưng thực tế là 2 đô (gồm có 6 động). Hai động Giám Sơn và Bác Thị đã đổi tên thành La Phù (罗浮) và Liễu Cát, hai động Tư Lẫm và Cổ Sâm vẫn giữ tên cũ cho tới cuối đời nhà Thanh. Vị trí đại khái của 4 động (La Phù, Liễu Cát, Tư lẫm, Cổ Sâm) ngày nay ở phía tây sông Phòng Thành, trấn Na Thoa ở phía nam.
Năm 1540, Mạc Đăng Dung dâng / trả (?) 4 động này (39) “.
Từ tài liệu này, các “đô” và “động” có thể được sắp xếp lại để dễ nhận xét:
Đô Thì La Động Thì La
Đô Thiếp Lãng Động Thiếp Lãng (hay Chiêm Lãng) Động Tư Lẫm Động Cổ Sâm
Đô Như Tích Động Như Tích (sau đổi là Tư Lặc – hay Kim Lặc theo sử Việt) Động Liễu Cát(tên cũ là Bác Thị hay Nha Cát, Cát Nguyên) Động La Phù (tên cũ là Giám Sơn)
Nhận xét số 4: theo như các tài liệu đã trình bày; người viết nhận thấy có những điểm:
-Tương đồng về vị trí của các địa danh (các động) và biết được về những
-Vị trí tương quan hợp lý (loại bỏ những khoảng cách “khó tin” đã nêu ra trong các tài liệu) => Có thể ghi lại các vị trí của những địa danh này trong bản đồ. 

Lấy vị trí của huyện đường châu Khâm, động Cổ Sâm và động Thì La làm chuẩn, xin tạm thời ghi lại những địa danh của 7 động trong bản đồ như sau:
Fig-04
Nhận định vị trí bảy động Thiếp (Chiêm) Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Tư (Kim) Lặc, La Phù và Thì (Thời) La
3 – Sông Cổ Sâm (Cổ Sâm hà)
Có vài tài liệu nói “Cổ Sâm hà” là đường biên giữa châu Khâm và Việt Nam thời nhà Thanh, vậy Cổ Sâm hà là sông nào trong vùng này? Người viết xin tra cứu thêm về các tài liệu sau:
a- “Khâm Liêm phương chí” (40)
Phỏng dịch: “ … Vùng đất (“kỳ địa”) tại châu Khâm, phía tây nam động Cổ Sâm, bao quanh vùng núi giữa rặng Thập Vạn Đại Sơn, đông tây nam bắc cả trăm “lý (dặm) (~50km)” (41) , “hai mùa xuân hạ ôn chướng nặng nề, người ta thì bị bệnh phù thủng, bệnh dạ dày, thủy thổ vùng đất này rất độc”. Xét sách “Thông chí” viết: vùng đất này trải dài tới cuối ranh giới châu Khâm, kéo đến châu Thượng Tư tỉnh Quảng Tây – An Nam tiếp giáp với sông Cổ Sâm, vùng này chẳng thuộc vào nước nào (!?). Nghe nói là: “ (vùng đất này: Thập Vạn Đại sơn) được gọi là vùng chẳng hệ trọng gì tới Quảng Đông, Quảng Tây cũng như An Nam. Chỉ là một vùng đất hoang tịch và hiểm trở, khó có thể nhập thành quận hạt. Khó mà có thể đặt được chủ quyền về cương giới, khởi đầu là làm sao có thể biết sơ lược về vùng này?!” Sách Khâm Chí viết: “Mùa xuân, tháng 2, năm Ung Chính thứ 6 (mậu Thân, 1728), quan phủ gởi sớ xin sát nhập vùng này kể từ Phù Tuy (42) vào châu Khâm. ….”.
Ghi chú: Không biết vùng đất (“kỳ địa”) này thuộc “ai” (!?) (“Đản sự quan cương giới chủ quyền , khởi khả sơ lược vô tải”), vậy mà dâng sớ xin nhập vùng này vào châu Khâm !? (… đốc phủ hội sớ , thỉnh quy Khâm châu ”).
Đặt căn cứ theo như sự diễn tả trong đoạn văn trên; cũng như tham khảo theo bản đồ ngày nay và Google Earth; thì vùng đất “chẳng thuộc ai ?!” này nằm kế bên phía tây của châu Khâm, phía nam của huyện Phù Tuy (Fusui -玞绥), phía đông của huyện Thượng Tư (43) (Shangsi – 上思) và ở phía tây nam động Cổ Sâm, tiếp giáp với sông Cổ Sâm. Vùng đất này với chiều ngang và dọc khoảng 50km, nằm kế bên biên giới của Trung Hoa (tại châu Khâm) và Việt Nam.
b- “Trung Việt biên giới đích biến thiên” (44)
(Ghi chú: Trong tài liệu này người viết xin loại bỏ những diễn tả về biến cố lịch sử ; chỉ chú trọng vào những địa danh đang tra cứu; những địa danh này sẽ được kiểm chứng so với các tài liệu khác. Tài liệu này đã được phổ biến trong nhiều bài viết ở các trang web của Trung Quốc!)
Phỏng dịch: “Năm Gia Tĩnh thứ 2 (1523- Minh Thế Tông), Việt Nam có loạn, ở Việt Nam; Mạc Đăng Dung xin qui hàng nhà Minh, thủ lĩnh 4 động xin lệ thuộc vào Trung Quốc (ngày nay các động này nằm từ sông Bắc Luân (?) đến thị xã Giang Bình (?), tỉnh Quảng Tây *), gồm có các động sau:
Động Kim Lặc ở vùng sông Đàm Lân
Động Liễu Cát ở vùng sông Mang Khê
Động Tư Lẫm ở vùng sông Tam Kỳ Động Cổ Sâm ở vùng sông Cổ Sâm (Cổ Sâm hà) là đường biên giới
*Ghi chú: hai câu văn “kim Quảng Tây đích Bắc Luân hà dĩ bắc nhất trực đáo Quảng Tây đích Giang Bình” và “Cổ Sâm dĩ Cổ Sâm hà (古森河) vi giới” này mâu thuẫn với nhau, đặt căn bản qua các tài liệu đã nêu! Các động này nằm từ sông Bắc Luân đến thị xã Giang Bình?? So sánh các tài liệu để kiểm chứng đã nói lên là điều này không hợp lý! Chúng ta nên lưu ý về các tài liệu liên quan đến lãnh thổ với câu trong ngoặc hay với những chữ “ngày nay là” (“tức kim, kim”) từ tài liệu của Trung Quốc! Rất có thể sự thật đã bị ngụy tạo hay thêm thắt cho một âm mưu truyền kiếp?!
c- Kiểm chứng qua tài liệu cổ của Việt Nam
Đại nam Nhất Thống chínhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4, trang 7-8, viết về tỉnh Quảng Yên như sau:
“Nhà Lê, đầu thời Thuận Thiên, gọi là Yên (An) Bang, thuộc Đông Đạo. Bọn Hoàng Kim Quảng, trưởng động Tư Lẫm ở châu Khâm nước Minh đem bốn động Tư Lẫm, La Phù, Cổ Sâm và Cá (nv: Liễu) Cát đến xin phụ thuộc, nhà Lê cho lệ vào châu Vạn Ninh. Xét Khâm Châu chí chép: “Bảy động (Chiêm Lãng, Thì La, Tư Lặc, Liễu Cát, Cổ Sâm, Tư Lẫm, La Phù) nguyên là đất ba quận Thì La, Chiêm Lãng và Như Tích, đời Tuyên Đức nhà Minh (1427), bọn Hoàng Kim Quảng trưởng động Tư Lẫm phản bội, chiếm cứ đất Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Cổ Sâm, nhân đấy uy hiếp cả động Tư Lặc cùng tuần ti kênh Phật Đào gồm 9 thôn, dăng dài hơn 200 dặm, để phụ về nước An Nam. Họ Lê phong cho các chức kinh lược sứ, kinh lược đồng tri, và thiêm sự mà vẫn nối đời giữ đất thuộc vào châu Vạn Ninh, đem động Cá (nv: Liễu) Cát làm ti tuần kiêm Phật Đồ (nv: Đào) kênh vệ A (nv: Liễu) Cát, theo về châu Tĩnh Yên, đem thôn Tư Lặc làm sở Kim Lặc”. Đời Quang Thuận đặt Yên (An) Bang thừa tuyên.
… Bản đồ năm Hồng Đức thứ 21 (1490) gọi là xứ Yên (An) Bang. Năm Nguyên Hòa thứ 8 (1540), nhà Mạc lại đem 4 động Tư Lẫm thuộc châu Tĩnh Yên nộp về nước Minh, ” xin nộp các động Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, Yên (An) Lãng, La Phù thuộc châu Tĩnh Yên ở trấn Yên Quang nguyên thuộc về châu Khâm”. Khâm châu chí chép: đời Gia Tĩnh nhà Minh, họ Mạc hàng phục, xin trả lại đất các động đã xâm chiếm (nhà Minh) bèn sai bọn đô chỉ huy sứ Vương Tương chia định cương giới, lập bia đá, định lời thề ở Kim Lặc lấy sông Đàm Lân làm ranh giới, Liễu Cát lấy sông Mang Khê làm ranh giới, Tư Lẫm lấy ngã ba sông (nv: Tam Kỳ hà?) làm ranh giới, Cổ Sâm lấy sông Cổ Sâm làm ranh giới.”
Qua sách ĐNNTC, kiểm lại những địa danh và sự kiện trong tài liệu của Trung Hoa, chúng ta thấy 6 động có sự tương đối trùng hợp, ngoại trừ động Thì La không thấy tuy nhiên đại cương những tài liệu này tương vài địa danh với phiên âm Hán Nôm hơi khác biệt, đồng. Dù biết rằng tài liệu Việt Nam trích dẫn từ tài liệu của Trung Hoa, nhưng điểm chính là để so sánh là những phiên bản trong các thời điểm khác nhau!
Tài liệu từ ĐNNTC cho biết thêm một chi tiết là ngoại trừ 3 động mà Hoàng Kim Quảng (động trưởng Tư Lẫm coi “đô” Thiếp (Chiêm) Lãng gồm 3 động Tư Lẫm, Thiếp Lãng, Cổ Sâm), ông này đã uy hiếp động trưởng Tư Lẫm (coi “đô” Như Tích gồm 3 động Tư Lặc, Liễu Cát và La Phù), cùng với tuần ti kênh Phật Đào để phụ thuộc vào đất Việt. Một dải đất khoảng 80km chiều dài, 30km chiều ngang theo hướng tây nam- đông bắc (~2400km2).
Nhận xét số 5: theo như sách “Khâm Liêm Phương chí” và bài viết “Trung Việt biên giới đích biến thiên” cũng như qua ĐNNTC, thì ranh giới Việt Nam với châu Khâm là sông Cổ Sâm, thời điểm là năm 1728 – năm Ung Chính (1678-1735) nhà Thanh.
d- Kiểm chứng qua bản đồ
Kiểm chứng sơ khởi, những nhận xét này được so sánh với bản đồ “CARTE DU TONG-KING par F. Romanet du Caillaud 1879” (45), trang 492, trong sách “Histoire de l’intervention française au Tong-King de 1872 à 1874” , của Frédéric Romanet du Caillaud.
Fig-05
Bản đồ vùng Lạng Sơn và Quảng Yên năm 1879 Trích dẫn một góc “CARTE DU TONG-KING” của Romanet du Caillaud
Từ bản đồ năm 1879 (trước hiệp định biên giới 1887) của Frédéric Romanet du Caillaud , chúng ta thấy có những điểm đáng lưu ý như sau:
– Thị trấn Đông Hưng (nay thuộc về Trung Quốc, kế bên thị trấn Móng Cái của Việt nam) nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. 
– Vùng đất từ Cap Paklung (mũi Bạch Long) tới cửa sông Ngan-Nan-Kiang(sông An Nam) thuộc lãnh thổ Việt Nam.
-Đường biên giới Việt-Trung tại tỉnh Quảng Ninh (Quảng Yên + Hải Ninh) là sông An Nam (Ngan-Nan-Kiang)
– Sông An Nam (An Nam giang – Ngan-Nan-Kiang) hay Dzương Hà (Dương hà) là sông Phòng Thành ngày nay.
Dù rằng có những sự tương đồng từ bản đồ này so với các tài liệu đã nêu, người viết không biết rõ là bản đồ này được vẽ lại dựa trên những yếu tố nào. Trắc địa? phỏng đoán là không! Từ tài liệu của Trung Quốc? Cần phải được so sánh cẩn thận! Những bản đồ của các nhà truyền giáo vẽ khác (trong phần trình bày bên dưới) với bản đồ này. Vì thế người viết chỉ xin tạmchấp nhận kết quả này, để có thể dùng điều này so sánh với các tra cứu kế tiếp.
Qua những dẫn chứng từ các tài liệu cùng với những nhận xét và so sánh với bản đồtrên, người viết tạm thời đưa ra những kết luận như sau:
1-Động Cổ Sâm là vùng thị trấn Phòng Thành
2- Động Thì La là vùng thị trấn Phòng Thành Cảng
3-Động Cổ Sâm nằm kế sông Cổ Sâm
4-Sông Cổ Sâm (tên cổ thời) là sông Phòng Thành chảy qua thị trấn Phòng Thành ngày nay.5- Đường biên giới Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh (Quảng Yên + Hải Ninh) và châu Khâm, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, thời nhà Thanh là sông Phòng Thành ngày nay.
4- Vị trí sông Thiếp Lãng
Trong bài viết “Lịch Sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG”cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân” , tác giả Trương Nhân Tuấn viết:
“Sông Thiếp Lãng (Thiếp Lãng Giang 貼朗江), cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam . Theo Ðại Thanh hội điển đồ, quyển 122, tờ thứ 26, sông nầy bắt nguồn từ những ngọn núi về phía Tây Bắc huyện Khâm Châu. Như thế, theo sử liệu của Trung Hoa, biên giới ngày xưa của hai nước Việt-Trung đi qua núi Phân Mao thuộc động Cổ Sâm, đi qua các cửa ải Ná Tô, Nhẫm Quân, Ná Long cuối cùng theo (hay đi dọc theo) Thiếp Lãng Giang ra đến biển. Xác định lại đường biên giới này là xác định vị trí núi Phân Mao, các cửa ải ghi trên và sông Thiếp Lãng trên các bản đồ hiện nay. Tuy mục đích bài này là tìm hiểu biên giới lịch sử vùng Quảng Ninh, nhưng chỉ tập trung ở vùng cận biển, nơi có các đảo mà dân Việt sinh sống ở đó. Do đó công việc sẽ là xác định vị trí của sông Thiếp Lãng. Sông này ở đâu? 
Trích dẫn đoạn dịch về sông Thiếp Lãng trong ĐTNTC (được ghi lại trong sách của Devéria, trang 4):
Đọan dịch về sông Thiếp Lãng trong sách BGVT của tác giả TNT, trang 80:
“Dòng Thiếp Lãng Giang 貼朗江, cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam (ĐTNTC, sđd, q 348, tờ thứ 9). Sông này bắt nguồn từ những ngọn núi về phía tây bắc huyện Khâm Châu (Đại Thanh Hội Điển Đồ 大清會典圖 , viết tắt ĐTTHĐĐ, quyển 122, tờ thứ 26)….“
Trong sách của ông Devéria, những bản đồ (số 4 và số 2) của các nhà truyền giáo đã vẽ sông Thiếp Lãng (Tieh-lang F.) ở phía tây Khâm Châu.
Bản đồ số 4 của các nhà truyền giáo ghi lại các sông và địa danh theo thứ tự từ tây qua đông:
– An Nam giang (Ngan-nan kiang)* nằm trên đường biên giới Việt-Trung * Vị trí sông nàykhác với bản đồ “CARTE DU TONG-KING par F. Romanet du Caillaud 1879” 
– Thiếp Lãng giang (Tieh-lang kiang). Phòng Thành giang (Fang-tch’eng kiang -trong bản đồ số 1 của các nhà truyền giáo)
– Mũi Bạch Long (Pak-long)
– Sông Ngư Châu (Yu-tcheou)
– Sông Phượng Hoàng (Fong-hoang Fl.)
– Ngư Hồng giang (Yu-hong kiang), nối tiếp với sông từ phía bắc là
– Sông Đoàn Lãng (Touan-lang kiang)
– Khâm Châu (Kin-tcheou)
Trước khi tìm hiểu vị trí của sông Thiếp Lãng, người viết xin so sánh vị trí các sông trong ĐTNTC (trong bản dịch của ông Devéria) với sách “Độc sử phương dư kỷ yếu (ĐSPDKY)” của Cố Tổ Vũ (Gu Zuyu ( 1631 – 1692 ) viết về địa dư Trung Hoa thời nhà Minhmà ĐTNTC đã tham khảo.
a- Sông Ngư Hồng
ĐTNTC: Ngư Hồng giang phát xuất từ những ngọn núi phía tây bắc Khâm châu và chảy ra biển (46).
ĐSPDKY: “… Lại có sông Ngư Hồng, ở cách phía tây (châu Khâm) hai mươi dặm (~4km), phát nguyên từ núi An Kinh” (47). Sông Ngư Hồng được diễn tả trong hai bộ sách này không có điều gì mâu thuẫn.
b – Sông Phượng Hoàng
ĐTNTC: “Sông Phượng Hoàng cách châu Khâm 30 dặm (~6km), phát nguyên từ rặng Mạt Mặc sơn, sông này chảy vào sông Ngư Hồng” (48).
ĐSPDKY“Phía tây châu Khâm 30 dặm (~6km) có sông Phượng Hoàng, chảy vào sông Ngư Hồng” (49).
Sông Ngư Hồng trong hai bộ sách này đã có sự tương đồng cả về khoảng cách lẫn địa thế .
Tra cứu trên bản đồ ngày nay cũng như hình chụp từ vệ tinh của Google Earth, sông Ngư Hồng chính là sông Mao Lĩnh ngày nay. Nhánh sông phía tây chảy vào sông Mao Lĩnh gần với vùng sông mở rộng chảy ra biển là sông Phượng Hoàng.
c- Sông Ná Lãng
ĐTNTC: “Sông Ná Lãng ở phía tây nam của châu Khâm 180 dặm” (50).
ĐSPDKY: không thấy sách này viết về sông Ná Lãng.
Nhận xét: Từ phía nam sông Phòng Thành và phía tây sông Ngư Châu (đoạn chảy về hướng nam ra biển của sông Phòng Thành) đến Việt Nam ngày nay, theo như bản đồ “Đông Hưng thị” (51); có rất nhiều làng, bản có địa danh với chứ “Ná – 那” phía trước như Ná Thoa, Ná Cần v.v… . mà phía đông và đông bắc của sông Ngư Châu không có một địa danh nào với chữ “Ná” phía trước. Sông Ná Lãng với chữ “Ná” có lẽ cùng trong nhóm địa danh có chữ “Ná” phía trước, phỏng đoán sông này nằm phía tây của sông Ngư Châu.
Theo như ĐTNTC viết về khoảng cách của sông này từ Khâm châu thì sông Ná Lãng là sông Giang Bình, chảy qua thị xã Giang Bình. Phỏng định sông Ná Lãng là sông Giang Bình ngày nay.
d- Sông Đoàn Lãng
ĐTNTC: “Sông Đoàn Lãng ở phía tây bắc của Khâm châu 60 dặm (~12km), bắt nguồn từ rặng Ba Dương lĩnh (rặng Thập Vạn sơn- Che-ouan chan- là một chi nhánh) (?)”(52).
Sách của ông Devéria viết là rặng Thập Vạn sơn là một nhánh (ramification) của rặng Bà Dương Lĩnh (Pa-yang ling 琶羊嶺) kế phía tây châu Tư Lăng ( Sse-ling tcheou).
ĐSPDKY: không thấy sách này viết về sông Đoàn Lãng cũng như rặng Bà Dương lĩnh
Bản đồ tỉnh Quảng Tây ngày nay không thấy có Bà Dương lĩnh, chỉ có rặng Đô Dương sơn (都阳山), phía tây bắc của rặng Thập Vạn Đại sơn (hợp với sự diễn tả). Câu hỏi đặt ra là có phải Đô Dương sơn là Bà Dương lĩnh được nhắc tới trong sách này vì có vị trí tương tự?
Sông Đoàn Lãng trong bản đồ của các nhà truyền giáo vẽ là sông từ phía bắc chảy nào sông Ngư Hồng (sông Mao Lĩnh ngày nay). Tra cứu trên bản đồ ngày nay cũng như hình chụp từ vệ tinh của Google Earth, chúng ta thấy có sự phù hợp. Đây là sông Đoàn Lãng, sông này phát nguyên từ phía tây bắc châu Khâm.
e- Sông Phòng Thành
Như đã trình bày trong phần trước, sông Phòng Thành là sông Cổ Sâm, là ranh giới Việt- Trung thời nhà Thanh. Sông Phòng Thành vẫn còn tên trong bản đồ ngày nay.
f- Sông Ngư Châu
ĐTNTC: “Con sông kế bên, phía đông của sông Thiếp Lãng, gọi là sông Ngư Châu 漁 州. Cả hai sông Ngư Châu và Thiếp Lãng đều theo hướng nam chảy ra biển (ĐTTHĐĐ, sđd, q 122, tờ 26).”
ĐSPDKY: không thấy sách này viết về sông Ngư Châu.
Sông Ngư Châu đã được ghi lại trong hai bản đồ của các nhà truyền giáo (số 2 và số 4, sách của Devéria). Cửa sông Ngư Châu nằm phía tây kế bên cửa sông Phượng Hoàng. Đặc biệt trong bản đồ số 4, cửa sông Ngư Châu nằm phía đông của bán đảo Bạch Long, đây là cửa sông Phòng Thành, đoạn chảy từ thị trấn Phòng Thành về phía nam ra biển. Vậy có thểphỏng đoán: đoạn sông này là sông Ngư Châu.
g- Sông Thiếp Lãng với vị trí nhận định
Một số các con sông được ghi lại trong bản đồ của các nhà truyền giáo (trong sách của ông Deveria) với vị trí đã tạm được nhận định. Tuy nhiên, vị trí sông Thiếp Lãng, người viếtnghi ngờ là tên của sông này đã bị đưa vào vị trí khác, về phía tây nam của châu Khâm 240 dặm, nằm kế lãnh thổ Việt Nam thời nhà Thanh, so sánh với khoảng cách từ châu Khâm: “Dòng Thiếp Lãng Giang 貼朗江, cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam” . Vì thế câu viết “Con sông kế bên, phía đông của sông Thiếp Lãng, gọi là sông Ngư Châu” cần phải được xét lại!
Nhận xét về vị trí sông Thiếp Lãng qua những tra cứu đã trình bày: – Trước biến cố dâng / trả/nộp (?) đất của Mạc Đăng Dung cho nhà Minh (năm 1540) (53) [hai đô Như Tích và Thiếp Lãng cùng 4 động Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù (Tê Phù) và Tư lặc (Kim Lặc)], biên giới Việt Nam trước sự kiện phải nằm bên ngoài vùng đất này. Sông Thiếp Lãng là đường biên giới; phải nằm tiếp giáp với vùng đất đã dâng/trả (?) và châu Khâm.
– Theo như bản đồ, những con sông trong vùng đất từ phía tây bắc đến tây nam của châu Khâm đã được nhận định, ngoại trừ con sông phía tây bắc của châu Khâm chảy vào sông Ngư Hồng và một con sông ở phía tây nam của châu Khâm là sông Bắc Luân – nằm trên đường biên giới Việt Nam ngày nay là chưa có tên thời cổ. So sánh với vị trí các động đã tra cứu, sông Bắc Luân không thể ở phía đông bắc (đường biên giới) của các động này vì vị trí đối nghịch. Sông Bắc Luân không phải là sông Thiếp Lãng!
Vị trí sông Thiếp Lãngtừ những nhận xét trên một nhận định được đưa ra như sau:
Sông Thiếp Lãng là sông ở phía tây bắc của châu Khâm, phía bắc của sông Phượng Hoàng, phía tây của sông Đoàn Lãng. Sông Thiếp Lãng – nằm kế phía bắc của động Thiếp Lãng – chảy vào sông Ngư Hồng (Sông Mao Lĩnh ngày nay).
Sông Thiếp Lãng là đường biên giới Việt Nam và châu Khâm từ khi vừa chấm dứt Minh thuộcsau khi các động (6 động) do Hoàng Kim Quảng làm thủ lãnh đã xin hội nhập vào lãnh thổ Việt Nam năm 1427 (năm Đại Việt lấy lại nền độc lập, kết thúc Minh thuộc) với các ải Ná Tô, Nhẫm Quân và Ná Long nằm dọc theo sông. Các cửa ải đã bị phế (ĐSPDKY). Sau năm 1540, đường biên giới đã lui về phía tây nam đến sông Phòng Thành là sông Cổ Sâm (sông An Nam theo như bản đồ năm 1879 của Frédéric Romanet du Caillaud) .
Nhận xét số 6theo như những tìm hiểu về các địa danh đã trình bày, người viết có nhận định như sau về biên giới Việt Nam vùng tỉnh Quảng Ninh với châu Khâm:
-Thời Hậu Lê là sông Thiếp Lãng.
– Sau biến cố Mạc Đăng Dung, biên giới là sông Cổ Sâm (sông Phòng Thành ngày nay).
Vị trí sông Thiếp Lãng đã được nêu lên, tuy nhiên vị trí sông Ná Lãng lại gây nên vấn đề về sự liên tục của lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề này đã do sự kiện “l’enclave Pak-lung” như sau:
Sông Ná Lãng, một con sông thuộc về châu Khâm (Trung Hoa), ở về phía tây nam của châu Khâm 180 dặm (~ 85km) theo như ĐTNTC? Sự việc được giải thích là lãnh thổ Việt Nam đã bị “ngắt quãng” bởi một vùng đất của Trung Hoa “xen kẽ” sau khi Mạc Đăng Dung dâng/trả/nộp (?) 6 động cho nhà Minh. Vùng lãnh thổ của Việt Nam bị tách ra khỏi lãnh thổ chính và bị “lọt vào trong (l’enclave)” lãnh thổ của Trung Quốc đã được tác giả TNT trình bày như trong bài viết của ông của (đã nêu lên ở phần đầu mục này). Người viết chỉ xin sao lại bản đồ; để chúng ta có thể mường tượng một cách dễ dàng hơn về vùng đất này; mà ngày nay đã thuộc về Trung Quốc qua hiệp ước phân định biên giới Pháp- Trung năm 1887.
Ghi chú: sông Ná Lãng hay sông Giang Bình là “Song-Naso” chảy qua Cương Bình (Coum-ping, Giang Bình ngày nay) trong bản đồ này.
5- Núi Phân Mao
Theo như những trích dẫn trong các tài liệu trong phần trước, chúng ta biết núi Phân Mao ở động Cổ Sâm. Theo truyền thuyết, nơi đây có cột đồng Mã Viện. “Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt”, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gẫy”(KĐVSTGCM). Tuy nhiên câu viết trong KĐVSTGCM cũng là câu chép lại của ĐTNTC (trong lời phê), như thế vấn đề lại như cũ là chúng ta không biết núi Phân Mao cách châu Khâm 3 dặm hay 300 dặm!
Sách “Độc Sử Phương dư kỳ yếu” của Cố Tổ Vũ mà ĐTNTC tham đã tham chiếu viết về núi Phân Mao ra sao? Sách này cũng viết như ĐTNTC: “núi Phân Mao về phía tây nam 360 dặm là biên giới của Giao Chỉ” (54). Tuy nhiên; tài liệu này người viết “sao (copy)” lại từ “internet”, việc thay đổi khoảng cách rất có thể xảy ra; đây chỉ là sự ước đoán (?). Chúng ta lại phải truy tầm “tài liệu bổ túc” khác để hy vọng có chút manh mối. Người viết đã truy cập được một tài liệu của “Quảng Tây văn sử nghiên cứu quán” đó là:
a- “Quảng Tây biên giới thoại đồng trụ” (55)
Trong bài viết Kim thạch bi kiệt – Quảng Tây biên giới thoại đồng trụ”của Hoàng Gia Phiên trong “Hợp Phố huyện chí – Văn nghệ chí” đã đề cập đến một tài liệu cổ nói về các địa danh Thiếp Lãng (贴浪), Cổ Sâm (古森) và Phân Mao như sau:
Lược dịch (56): “Thời Càn Long (1711 – 1799) nhà Thanh đã có câu hỏi về vấn đề (cột đồng) , đó là việc tri phủ Liêm châu Chu Thạc Huân viết một tư liệu về việc cửa quan “cột đồngPhân Mao” mà ông ta đã giảo nghiệm một cách tường tận: Một tảng “kim thạch” ở quận Liêm, nói về cột đồng Mã Viện (Phục Ba) một cách rõ ràng. Cột này toạ lạc tại Khâm Châu, ở phía tây động Thiếp Lãng (贴浪) và Cổ Sâm(57). Sau khi tướng Phục Ba nhà Hán mang quân chiếm Giao Chỉ, ông ta đã dựng cột đồng để định cương giới nhà Hán, cũng là ranh giới quận Hợp Phố thời cổ. Trên cột đồng viết: “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, người Giao Chỉ sợ, lấy đất bồi thêm (vào chân cột). Thời nhà Minh, năm Vạn Lịch thứ 24 (1586), Đổng Triều Hội đã từng lên núi Phân Mao nhìn thấy cỏ mao trên đỉnh rẽ hướng nam bắc, người Giao Chỉ năm này qua năm khác thêm đất vào chân cột đồng, nay không cao đến một trượng, chữ ghi phía trên chẳng thấy . Năm Sùng Trinh thứ 9 (1619), ở động Thiếp Lãng; viên tuần đạo là Trương Quốc Kinh sai động trưởng Hoàng Thủ Nhân điều tra về sự việc này.” “
Thời điểm về sự việc (“Chu Thạc Huân viết một tư liệu ….” “) đã xảy ra trước khi ĐTNTC chính thức hoàn tất. Đoạn văn viết về vị trí “cột đồng Phân mao” đã không nêu rõ khoảng cách, tuy nhiên “dựng cột đồng để định cương giới nhà Hán, cũng là ranh giới quận Hợp Phố thời cổ” “, quận Hợp Phố cũng là Liêm châu; chưa bao giờ trải dài đến ranh giới tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Hơn nữa, nếu sai động trưởng Thiếp Lãng đi điều tra về việc này thì phỏng đoán núi Phân Mao gần động Thiếp Lãng, không phải là 360 dặm như “Độc Sử Phương dư kỳ yếu””; hay một bản dịch nào đó nói về khoảng cách châu Khâm đến Phân Mao là 300 dặm (nội địa Việt nam!) theo ĐTNTC! Nếu không phải là 300 hay 360 dặm; thì bản dịch trong ĐNamNTC hợp lý hơn về khoảng cách: 3 dặm (khoảng 1.5km)! Quá gần? Phần sau người viết sẽ trình bày thêm về khoảng cách “3 dặm” này.
Từ tài liệu này, người viết có nhận xét sau:
Nhận xét số 7: theo như tài liệu này thì Phân Mao lĩnh tọa lạc kế bên ranh giới phía tây của châu Khâm, là ranh giới huyện Hợp Phố thời cổ, gần hai động Thiếp Lãng và Cổ Sâm (2 động). Những động này đã được tra cứu trong phần trước. Suy đoán ra Phân Mao Lĩnh là một rặng núi kéo dài kế bên phía tây hai động Thiếp Lãng và Cổ Sâm theo hướng tây nam đến đông bắc.
Đây chỉ là một suy đoán qua tài liệu không có tính cách xác định (địa dư thời cổ gần như không có tài liệu nào có tính cách xác định như ngày nay). Cần phải có những sự suy đoán khác để hỗ trợ cho vấn đề này hầu có thể đưa đến một nhận định hợp lý.
b- Núi Phân Mao qua những địa danh trên bản đồ ngày nay
Tìm hiểu về chữ “Phân Mao lĩnh – theo Hán tự 分茅岭”:
Phân: Chia Mao: Cỏ tranh (dùng lợp nhà), tên khoa học “imperata cylindrica” (58), mọc hoang khắp Đông Nam Á châu
Lĩnh (lãnh) : đỉnh núi, dải núi (rặng núi)
Những địa danh (thôn, làng, bản, v. v…) có chữ “mao”tại Phòng Thành Cảng thị ngày nay:
Mao Lĩnh hương (茅岭乡)
Đại Mao Lĩnh (大茅岭)
Mao Bình (茅坪)
Mao Lĩnh giang (茅岭江)
Mao Lịch (茅坜)
Mao Bối (茅贝)
Mao Vĩ hải (茅尾海)
Trong bản đồ Phòng Thành và Đông Hưng, tên những địa phương với chữ “mao” này tập trung từ khoảng Phòng Thành đến phía tây nam châu Khâm. Có điều gì đặc biệt mà tên các làng bản này tập trung trong vùng khoảng 30 km từ phía bắc tới nam và khoảng 10 Km từ tây qua đông (59).
Cỏ tranh thường mọc thẳng, nếu cỏ ở những vùng núi này tự ngả ra hai hướng khác nhau “phân mao” theo như truyền tụng thì đây là một điều đặc biệt. Vậy có thể đây là vùng núi có tên là Phân Mao lĩnh như trong tài liệu cổ đã ghi chép, mà vì một lý do nào đó (?), chữ “phân – 分”đã bị loại bỏ.
Vậy rặng núi Phân Mao, triền phía đông ở phía đông bắc nằm kế bên bờ sông Mao Lĩnh (sông Ngư Hồng cổ thời). Đoạn viết về vị trí châu Khâm trong bài viết này đã trình bày là“rất có thể vị trí của châu Khâm theo các nhà truyền giáo đúng”” và nếu đúng thì huyện đường Khâm châu nằm ở bờ bên kia sông Ngư Hồng, đối diện với Mao Lĩnh hương ngày nay và (rặng) Phân Mao Lĩnh cách huyện đường Khâm châu 3 dặm là hợp lý như bản dịch sách ĐTNTC trong sách ĐNNTC . Huyện đường châu Khâm có thể đã bị di chuyển vào sâu trong đất liền thời nhà Minh như vị trí ngày nay; vì phải đề phòng hải tặc (Nụy khấu) tấn công (?).
Qua việc bổ túc thêm cho nhận xét số 6 về vị trí của Phân Mao lĩnh, theo như những tìm hiểu về địa danh trên bản đồ vừa trình bày, cũng như tham khảo địa hình từ Google Earth. Người viết có nhận định như sau:
Nhận xét số 8: Phân Mao lĩnh là một rặng núi nhỏ, chiều dài khoảng 30 km, ở phía tây nam (khoảng 25 km) của thị trấn Khâm Châu (Qinzhou) ngày nay; theo chiều tây nam đến đông bắc. Rặng núi này trải dài từ phía đông (5km) của thị trấn Phòng Thành đến phía bắc của thị xã Mao Lĩnh hương (khoảng 10 km).
Fig-10 PhanMaoLinh
Nhận định vị trí núi Phân Mao và các sông: Thiếp Lãng, Đoàn Lãng, Phượng Hoàng, Ngư Hồng, Cổ Sâm, Ngư Châu và Ná Lãng
6- Cột đồng với vị trí phỏng đoán
Người viết nghĩ là mình đã đi hơi xa về việc phỏng đoán vị trí cột đồng Mã Viện; nếu không muốn nói là liều lĩnh! Vấn đề về cột đồng Mã Viện đến nay gần như có tính cách truyền tụng. Cột đồng này có thực hay không? Phỏng đoán về một sự việc không có thật, là một sự hoang đường. Tuy nhiên; cột đồng của Mã Tổng thời Đường lại có tính cách tài liệu. Câu tuyền tụng “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” không có bằng chứng ai là người ghi ra câu này? Mã Viện hay Mã Tổng? Chỉ biết “truyền tụng” kể lại là “người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gẫy”.”
Cột đồng ở núi Phân Mao! Sau khi đã có nhận định về vị trí núi Phân Mao thì vị trí cột đồng không thể không tra cứu! Dù biết là khó khăn và có vẻ hoang đường! Tuy nhiên, đặt căn bản trên câu trích dẫn trên, người viết xin phân tích, tìm hiểu và suy đoán thêm như sau:
Từ câu “Người Việt đi qua dưới chân cột đồng” ở thời điểm này:
-Địa hình cho thấy là khó vượt qua Phân Mao Lĩnh dù không cao (100 -200m) nhưng hiểm trở.
-Cột đồng dựng ở chỗ để có thể dễ nhìn thấy từ xa.
-Cột đồng ở núi Phân Mao
-Cột đồng ở động Cổ Sâm
-Cột đồng ở triền núi phía đông nơi có đường bộ
-Nơi đây có khá nhiều người qua lại,
-Đây là con đường trao đổi hàng hóa giữa các động.
-Dọc theo đường này có một con sông nhỏ (không tên), tiện cho thuyền bè nhỏ.
-Tại thị trấn Phòng Thành ngày nay, có lẽ dân chúng đã tụ tập tại đây từ cổ thời.
Nhận xét số 9: Qua những nhận xét trên và kiểm lại địa hình trong Google Earth; người viết phỏng đoán là cột đồng của Mã Viện (nếu có) hay của Mã Tổng dựng có lẽ ở gần phía đông bắc của thị trấn Phòng Thành ngày nay (động Cổ Sâm).
Vị trí phỏng định này đặt căn bản từ những nhận định về động Cổ Sâm và núi Phân Mao. Nếu những nhận định này sai lầm hay thiếu sót thì vị trí phỏng đoán về cột đồng phải bị loại bỏ.
Fig-11
Nhận định vị trí núi Phân Mao và phỏng đoán vị trí cột đồng Bản đồ từ Internet (60), phiên âm Hán Nôm và ghi chú do người viết ghi thêm
Fig-12
Nhận định vị trí núi Phân Mao và phỏng đoán vị trí cột đồng Bản đồ từ Google Earth, các địa danh và ghi chú do người viết ghi thêm
IV- Tìm hiểu về biên giới cổ giữa tỉnh Quảng Ninh và Quảng Đông
Từ 7 nhận xét trong những phần trước, chúng ta thấy biên giới Việt – Trung vùng tỉnh Quảng Ninh (ngày nay) và tỉnh Quảng Đông (vùng này; nay thuộc tỉnh Quảng Tây) đã biến đổi qua các thời kỳ, qua những thăng trầm của lịch sử từ năm 1427 là năm Đại Việt đã lấy lại được nền độc lập và thoát cảnh Minh thuộc. Sau sự kiện Mạc Đăng Dung, biên giới đã lui về phía tây nam, Việt Nam đã mất một phần khá lớn về lãnh thổ (khoảng 2000 – 3000 km2). Sau đó là hiệp ước biên giới Pháp – Trung 1887, Việt Nam lại mất thêm một phần lãnh thổ nữa là vùng đất từ bán đảo Bạch Long và phía nam sông Phòng Thành đến tỉnh Móng Cái ngày nay.
Ngược thời gian; vùng biên giới của Việt Nam từ khi bắt đầu dựng nền độc thời nhà Đinh ở đâu? Người viết xin mạo muội tìm hiểu thêm qua sử liệu; để chúng ta có một cái nhìn khái quát về vùng biên giới tại thời điểm này, dù có thể chỉ là phỏng đoán hay suy đoán và không có những nhận định rõ ràng.Tuy nhiên trước hết người viết xin có khái quát về vùng đất này từ khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc (sau thời An Dương Vương): nước Nam Việt.
1 – Cương giới nước Nam Việt
Quân Tần xâm chiếm Bách Việt (211BC) mà Giao Chỉ – cổ Việt- là một trong Bách Việt đã không bị quân Tần xâm lăng (62). Nhà Tần mất, Triệu Đà chiếm cổ Việt và một phần Bách Việt (Quảng Đông và Quảng Tây và vùng bắc Việt) dựng nước Nam Việt trong đó có Giao Chỉ.
Cương giới Nam Việt được phỏng định như sau:
NamViet
Nước Nam Việt (phỏng định theo sử liệu)
Nhà Triệu (207BC – 111BC ) tồn tại khoảng gần một thế kỷ. Năm 111BC Hán Vũ đế (Lưu Triệt) nhà Tiền Hán (Tây Hán 206BC – 8AD ) mang quân qua xâm lăng, Nam Việt bị chiếm đóng, nhà Hán thiết lập nền đô hộ. Cổ Việt gồm Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam chỉ là ba quận trong Giao Châu. Nước Nam Việt bị đặt thành một châu là Giao Châu, ranh giới vẫn gần như tương đương với ranh giới nước Nam Việt.
Giao Châu được phỏng định theo bản đồ dưới đây:
GiaoChau- TienHan
Giao Châu thời Tiền Hán (phỏng định theo sử liệu)
Loạn Vương Mãng nổi lên cướp ngôi nhà Tiền Hán (hay Tây Hán) lập ra nhà Tân (9AD – 23AD). Hậu duệ nhà Hán là Lưu Tú (Hán Quang Vũ ) thắng nhà Tân lập nên nhà Hậu Hán (hay Đông Hán 25AD – 220AD). Việt Nam vẫn bị dưới ách Bắc Thuộc.
Năm 40AD, hai Bà Trưng khởi nghĩa, các quận thuộc Giao châu là Giao Chỉ, Hợp Phố, Cửu Chân, Nhật Nam cùng hưởng ứng. Hai Bà thành công và lập nền tự chủ, xưng vương. Năm 43AD, Hán Quang Vũ sai Mã Viện (Phục Ba) mang quân sang tấn công, Hai Bà thua trận, Mã Viện thiết lập nền đô hộ tàn bạo hơn trước, hủy bỏ văn hóa cổ Việt. Từ thời điểm này (43AD) trở đi; dù có nhiều cuộc khởi nghĩa với sự thành công ngắn hạn, nhưng cương vực không được sử liệu đề cập. Dù đến khi Ngô Vương Quyền thắng quân Nam Hán (939AD), nước Việt bắt đầu có sự độc lập, cương vực cổ Việt vẫn không được xác định. Dưới gần 1000 năm đô hộ; vùng đất này chỉ là quận huyện thuộc Trung Hoa!
2- Cương giới nước Việt thời tự chủ – vùng tiếp giáp với châu Khâm
a-Thời nhà Đinh (965 -979)
Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) thống nhất nước Việt (quốc hiệu là Đại Cồ Việt) sau khi dẹp yên 12 sứ quân. Trong thời nhà Đinh, không thấy sử sách đề cập đến vùng biên giới Việt Nam với châu Khâm, ngoại trừ sách Phương Đình Điạ Dư Chí viết: “Lại xét châu Khâm phía đông nam giáp bể có núi Ô Lôi, lại có núi Phân Mao giáo với An bang nước ta. Ô Lôi, Thanh Hoa, An Hải vốn là quận Hợp Phố. … sau khi nhà Đinh dựng nước, Ô Lôi mất vào châu Khâm” . Từ câu viết này chúng ta có thể biết được là biên giới Việt Nam (Đại Cồ Việt) ở vùng châu Khâm giáp giới với Ô Lôi thuộc Liêm Châu.
Ô Lôi (乌雷) là một ngọn núi nhỏ không cao nằm phía đông nam của thị trấn Phòng Thành, ngày nay vẫn còn địa danh này.
Fig-12
Vị trí núi Ô Lôi Địa hình từ Google Earth, địa danh do người viết ghi thêm
b-Thời nhà Tiền Lê (979-1008)
Thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), Việt Nam đã phải chống trả lại một cuộc xâm lăng của nhà Tống, và đã thắng trong cuộc chiến tranh tự vệ, nền độc lập của nước Việt được duy trì. Thời điểm này ĐVSKTT đã nhắc đến hai sự kiện có liên quan đến vùng biên giới này như sau:
“Ất Mùi, Ứng Thiên, năm thứ 2, 995…, (Tống Chí Đạo năm thứ 1). …Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng (如 洪) thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Như Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. …”
“Bính Thân, Ứng Thiên, năm thứ 3, 996 … Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâm Châu của Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng) ,…”
Từ hai câu viết trên, địa danh Như Hồng cần được tra cứu thêm. Để tìm hiểu địa danh này;“Độc sử phương dư kỷ yếu” có nói về trấn Như Hồng (64); tạm phiên dịch như sau:
“Như Hồng trấn ở phía tây nam (châu Khâm). Năm Đạo Nguyên (65) (? năm Chí Đạo 995?) thời Tống, Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) cướp trấn Như Hồng ở châu Khâm. “Như Hồng” nghi ngờ là có lẽ đã viết nhầm từ “Ngư Hồng”. Năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), hải tặc (tặc thuyền) Giao Chỉ vào cướp thôn Ngư Hồng ở châu Khâm, quan quân truy kích đến phía trên huyện Vạn Ninh của Giao Chỉ, thấy hải tặc, cố gắng bắt giữ.”
Theo như sách ĐSPDKY thì trấn “Như Hồng” có lẽ là vùng cửa sông Ngư Hồng. Cửa sông Ngư Hồng (sông Mao Lĩnh ngày nay) là thị xã Mao Lĩnh hương.
“(Trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng)” Như Tích kế bên Như Hồng. Trấn hay “đô” Như Tích cai quản các động Tư Lặc, Liễu Cát, La Phù. Ba động này ở về phía tây của trấn Như Hồng. Vậy thời nhà Tiền Lê, hai trấn Như Tích và Như Hồng thuộc châu Khâm, không phụ thuộc vào lãnh thổ Đại Cồ Việt.
KĐVSTGCM: “Lời chua – Như Hồng và Như Tích: Sách Thanh Nhất thống chí chép: trấn Như Hồng và trấn Như Tích đều ở về phía tây Khâm Châu, thuộc phủ Liêm Châu, tỉnh Quảng Đông.”
So sánh những tra cứu với bản đồ chúng ta thấy có sự mâu thuẫn? Thời nhà Đinh khi nước Việt vừa có nền độc lập thì cương giới đến núi Ô Lôi, ở phía đông của trấn Như Tích và Như Hồng. Thời Tiền Lê thì cương giới ở phía tây của hai trấn Như Tích và Như Hồng.
Nhận xét số 10: So trên bản đồ, để những điều này có thể hợp lý thì thời Tiền Lê hai trấn Như Tích và Như Hồng ở phía bắc, thuộc châu Khâm. Lãnh thổ của Việt Nam nằm kế bên Như Tích và Như Hồng ở phía nam giáp biển, kéo dài từ Móng Cái ngày nay đến núi Ô Lôi.
c-Thời nhà Lý (1010-1225)
Thời vua Lý Thái Tổ, biên cương vùng này được nói tới một cách gián tiếp qua sử liệu:
ĐVSKTT: “Nhâm Tuất, [Thuận Thiên] năm thứ 13 [1022] , (Tống Cao Hưng năm thứ 1)…
Xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch. Quân ta đi sâu vào trại Như Hồng trong đất Tống, đốt kho đụn ở đó rồi về (Xét: Trại Như Hồng nước Tống giáp với trấn Triều Dương nước ta. Đại Nguyên Lịch là một giống người Di ở vào khoảng giữa hai vùng đất ấy. Quý Hợi, [Thuận Thiên] năm thứ 14 [1023] , (Tống Nhân Tông, húy Trinh, Thiên Thánh năm thứ 1)….. đổi trấn Triều Dương làm châu Vĩnh An. 
ĐVSKTT: “Quý Dậu, [Thiên Thành] năm thứ 6 [1033] … Mùa thu, tháng 7, ngày 12, châu mục châu Vĩnh An là Sư Dụng Hòa tâu rằng châu ấy có vực chân châu. Vua sai sứ đến tìm, quả nhiên tìm được.” 
KĐVSTGCM: “…trại Như Hồng ở về phía tây Khâm Châu, giáp giới với trấn Như Tích, cách châu Vĩnh An thuộc Giao Chỉ 20 dặm.
Tháng 9, mùa thu. Đổi trấn Triều Dương làm châu Vĩnh An. Lời chua – Triều Dương: Xưa là bộ Ninh Hải; nhà Đinh, nhà Lê gọi là trấn Triều Dương; nhà Lý đổi làm châu Vĩnh An; nhà Trần đổi làm lộ Hải Đông; khi thuộc Minh gọi là châu Tĩnh An; nhà Lê cho lệ thuộc vào An Bang. Bây giờ là đất các châu Tiên Yên và Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên”
Qua hai đoạn sử liệu trên thì trại Như Hồng kế bên trấn Triều Dương (châu Vĩnh An). Như Hồng kế bên Như Tích, Như Tích giáp Việt Nam. Vậy Như Hồng giáp với trấn Triều Dương về phía nam (Như Hồng ở phía bắc của trấn Triều Dương). Sử liệu này bổ túc cho nhận xét số 8. Biên cương vùng này không thay đổi từ thời Tiền Lê qua thời nhà Lý .
d-Thời nhà Trần (1225-1413)
Bên Trung Hoa, nhà Nam Tống (1127-1279) bị nhà Nguyên (1206-1367) diệt.
Thời nhà Trần có những biến cố liên quan đến biên giới vùng này như sau:
ĐVSKTT: “Tân Sửu, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10 [1241…Vua (nv: Trần Thái Tông) thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình* ….”
ĐVSKTT: “* Ghi chú: Trại Vĩnh An của Tống thuộc đất châu Khâm, giáp với vùng Móng Cái, Quảng Ninh của ta. Trại Vĩnh Bình của Tống thuộc đất châu Ung, giáp với vùng Lộc Bình, Lạng Sơn của ta”.
BienGioi-LyTran
Phỏng đoán vùng biên giới Việt – Trung (Quảng Ninh và châu Khâm) Thời Tiền Lê, Lý, Trần
Ghi chú: đoạn “gạch nối” chỉ là ước đoán, không có đủ tài liệu để phỏng đoán. Trong bài viết “Lịch sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG…” của tác giả Trương Nhân Tuấn có đề cập đến sự tranh chấp trước khi hoàn tất Hiệp Định biên giới Pháp – Trung, “Các vùng Ná Dương 那陽, Ðộng Trung 峝中 và những nơi khác thì thuộc về An Nam”, vì thế người viết đã vẽ đường biên giới với “gạch nối” (trong bản đồ trên có hai địa danh ngày nay là Động Trung và Na Lương).
e-Thời nhà Hậu Lê
ĐVSKTT: “Bính Ngọ, [1426], (Minh Tuyên Tông Chiên Cơ, Tuyên Đức năm thứ 1) Vua chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo* “
Ghi chú trong ĐVSKTT: * ” Bốn đạo: 1-Tây Đạo gồm các trấn Tam Giang, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Gia Hưng; 2-Đông Đạo gồm các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ và trấn An Bang; 3-Bắc Đạo gồm các lộ trấn Bắc Giang, Thái Nguyên; 4-Nam Đạo gồm các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường.”
ĐVSKTT: “Bính Tuất, [Quang Thuận] năm thứ 7 [1466],.. Tháng 6, …. Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang,Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô.”
ĐVSKTT: “Mậu Tý, [Quang Thuận] năm thứ 9 [1468], (Minh Thành Hóa năm thứ 4) …. Tạ Chủng tâu việc các châu Vĩnh An Vạn Ninh (66) bị cướp bóc”
KĐVSTGCM: “… nhà (Tiền) Lê gọi là trấn Triều Dương; nhà Lý đổi làm châu Vĩnh An; nhà Trần đổi làm lộ Hải Đông; khi thuộc Minh gọi là châu Tĩnh An; nhà Lê cho lệ thuộc vào An Bang. Bây giờ là đất các châu Tiên Yên và Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên.”
Phương Ðình địa dư chí (PĐĐDC) của Nguyễn Văn Siêu viết về tỉnh Quảng Yên (trang 396): “… Nhà Lê gọi là An bang, thuộc Đông Đạo, trong niên hiệu Quang Thuận đất An Bang thừa tuyên (Lê sử chép: năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận định bản đồ 12 thừa tuyên. An Bang 1 phủ 3 huyện 3 châu. Sách Thiên Nam Dư Hạ chép: An Bang thừa tuyên 1 phủ 7 châu huyện: Phủ Đông Hải , Hoành Bồ, An Hưng, Chi Phong 3 huyện , Tân An, Vạn Ninh, Vân Đồn, Vĩnh An 4 châu.”
PĐĐDC, trang 396: ” … năm thứ hai niên hiệu Tuyên Đức, các động Tư Lẫm, Thời (Thì) La, Cổ Sâm (Liễu) Cát làm phần phụ vào nước Giao Chỉ, …”
Về những địa danh này, cụ Nguyễn Văn Siêu cũng đã viết thêm như sau: PĐĐC, trang 396:
“Tạp Trú của Nguyễn Thiên Tích chép: 2 phủ, 8 huyện, 6 châu: Phủ Hải Ðông gồm 3 huyện 4 châu: Hoa Phong, An Hưng, Hoành Bồ, Vân Ðồn, Tân An, Vạn Ninh, Vĩnh An. Phủ Dương Tuyền 5 huyện, 2 châu: Hoành Cừ, Vân An, Hoa Nha, An Hóa, An Phố, Như Tích, Chiêm Lãng. Đó là 2 phủ 8 huyện 6 châu nguyên thuộc tỉnh Quang An, Mạc Ðăng Dung nộp 2 châu Như Tích, Chiêm Lãng cho nhà Minh thuộc vào Khâm Châu, sau khi nhà Lê trung hưng, chúa Trịnh Thanh Vương cầu riêng với nhà Minh, phong cho là phó quốc vương mới dâng đất 3 huyện thuộc phủ Dương Tuyền, nay chỉ còn một phủ, 3 huyện, 3 châu mà thôi.”
Tuy nhiên; sau đó cụ đã phản biện về vấn đề dâng đất của Trịnh Thanh vương (Thanh Đô vương Trịnh Tráng, 1623- 1652) theo sách Tạp Trú của Nguyễn Thiên Tích, cụ cho là sự việc này không có thật; vì nhà Minh lúc này coi như đã bị diệt vong (67). Sau đó Vĩnh Lịch đế Chu Do Lang chỉ là một hoàng đế làm vì; đang bôn tẩu. Vì thế chuyện dâng đất của Trịnh Thanh vương không phải là sự thật!
Không thấy chính sử của Việt Nam là bộ ĐVSKTT và KĐVSTGCM ghi lại việc Hoàng Kim Quảng xin nội thuộc vào Việt nam năm 1427, tuy nhiên ĐNNTC hay PĐĐDC cũng như tài liệu của Trung Hoa đã nói về việc này.
ĐNNTC: ” ….bọn Hoàng Kim Quảng trưởng động Tư Lẫm phản bội, chiếm cứ đất Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Cổ Sâm, nhân đấy uy hiếp cả động Tư Lặc cùng tuần ti kênh Phật Đào gồm 9 thôn, dăng dài hơn 200 dặm, để phụ về nước An Nam. Họ Lê phong cho các chức kinh lược sứ, kinh lược đồng tri, và thiêm sự mà vẫn nối đời giữ đất thuộc vào châu Vạn Ninh, …”
Tìm hiểu nguyên nhân Hoàng Kim Quảng xin nội thuộc vào Việt Nam.
1-” Nhà Nguyên bị sụp đổ năm 1368 (thời nhà Trần của Đại Việt 1225 -1400, Trần Dụ Tông 1341 – 1369), nhà Minh lên thay. Đối với các dân tộc thiểu số tại Quảng Tây, nhà Minh đổi lại chính sách cai trị. Hệ thống “Thổ ty” trên danh nghĩa vẫn được duy trì, nhưng đã bị biến đổi một cách nghiêm trọng với hệ thống gọi là “cải thổ quy lưu” (gai-tu gui-liu 改土歸流: thay đổi các “thổ ty” thành những đơn vị hành chánh “bình thường”). Với chính sách này, chính phủ nhà Minh đã xen vào nội bộ của các sắc tộc một cách rõ ràng. Các “thổ ty” được chia ra làm các cấp bậc là “phủ” (fu 府), “châu” (zhou 州), “huyện” (xian 縣). Trong thời gian này, các thị tộc chính của sắc tộc Tráng tại Quảng Tây là Hoàng (Huang 黃), Nùng (Nong 儂), Sầm (Cen岑) và sau đó là thị tộc Vi (Wei 韋). Thị tộc Nùng, sau thất bại của Nùng Trí Cao đã bị yếu đi, dân số bị giảm, vì một số chạy sang vùng Cao Bằng Việt Nam, một số sang Vân Nam. Tuy nhiên sắc tộc Dao đã trở nên hùng mạnh, và đã có những cuộc nổi dậy đáng kể. Qua 5 đời vua đầu của nhà Minh , vấn đề thuế khoá tương đối thấp, nên không có cuộc nổi dậy nào đáng kể. Ngoại trừ cuộc nổi dậy của sắc tộc Dao năm 1392, nhưng đã bị quân đội nhà Minh dẹp yên ngay sau đó. Tuy nhiên từ giữa đời Minh về sau, dân các sắc tộc phải nộp thuế rất cao, đất đai canh tác bị chiếm bởi các thổ quan nhà Minh, vì thế các cuộc nổi dậy đã xảy ra liên miên.Năm 1430, Hầu Đại Cẩu (Hou Dagou 矦大狗) thuộc sắc tộc Dao bắt đầu nổi dậy và đánh chiếm vùng trung tâm Quảng Tây. Từ năm 1446 đến 1481, Hầu Đại Cẩu đánh chiếm khắp Quảng Tây và phía tây Quảng Đông. Bẩy lần chiếm đóng Ngô châu (Wuzhou 梧州) là trung tâm hành chánh của nhà Minh tại Quảng Tây. Đây là cuộc nổi dậy lớn nhất sau Nùng Trí Cao. Nhà Minh đã phải huy động 160 ngàn quân mới có thể dẹp yên.”
Từ cuối năm 1426 đến cuối năm 1427, các đô cũng như các động vùng này đã biết nghĩa quân Lam Sơn đánh bại liên tiếp các đoàn quân tiếp viện của nhà Minh do Vương Thông (100 ngàn quân), Cố Hưng Tổ (50 ngàn quân), Liễu Thăng (100 ngàn quân) và Mộc Thạnh (50 ngàn quân). Họ biết là nước Việt sẽ lấy lại độc lập. Thay vì nổi loạn để thoát khỏi những áp bức của nhà Minh (như Hầu Đại Cẩu sau này – 1430) vì biết là không đủ sức để chống lại hay có thể kéo dài cuộc chiến trường kỳ như nghĩa quân Lam Sơn , họ quyết định xin nội thuộc vào Việt Nam. Đây là một hành động thích đáng để thoát cảnh áp bức và tránh chiến tranh theo như sự phỏng đoán của người viết. 2- Để tìm hiểu về sự liên quan giữa người dân vùng này với người Việt Nam và người Trung Hoa. Trong “bản tường trình 12-9-1890 của Chiniac de Labastide” (trong sách “BIÊN GIỚI VIỆT- TRUNG ” của tác giả Trương Nhân Tuấn, từ trang 98 đến 116) trang 114 có đoạn viết như sau: “Như trê tôi có trình bày, dân chúng người Thổ chiếm phần lớn dân số trong vùng núi non chạy dọc trên biên giới, thì rất gắn bó với An Nam và rất hận người Trung Hoa. Trong những làng mạc mà người Hoa cai trị nhiều năm nay, người Thổ đã chịu sự đô hộ tàn ác vì họ yếu hơn, nhưng tôi đã thấy là khắp nơi họ không mất đi hy vọng thoát khỏi quân đô hộ. Người Thổ thì hiện nay tin tưởng chúng ta hoàn toàn và trong vùng biên giới, họ là những người tích cực nhất. Một khi mà tình cảm của họ đối với chúng ta còn, chúng ta sẽ tìm thấy ở họ những người phụ tá qúi giá. Nhưng chúng ta phải giữ, đừng để mất thiện cảm khi nhường cho kẻ thù của họ, là quân Tàu, một vài làng của họ. …”
Từ những tham khảo đã trình bày; qua nhận định về vị trí các động, sông, núi Phân Mao, người viết xin tạm vẽ lại đường biên giới sau khi Hoàng Kim Quảng và Hoàng Thánh Hứa “uy hiếp” 7 động xin nội thuộc vào đất Việt đầu thời Hậu Lê (1427).
BienGioi-HauLe
Phỏng đoán vùng biên giới Việt – Trung (Quảng Ninh và châu Khâm) Thời Hậu Lê
f-Thời Lê Trung Hưng
Đầu thời Hậu Lê những động xin nội thuộc vào Đại Việt đã được nhập vào châu Vạn Ninh và các động vẫn tự trị. Sau “biến cố Mạc Đăng Dung”, những động này thuộc vào lãnh thổ Trung Hoa, tuy nhiên châu Vạn Ninh trước khi có các động phụ thuộc vẫn không thay đổi
ĐVSKTT: “Giáp Ngọ, [Quang Hưng] năm thứ 17 [1594]: …Ngày 11, Mạc Kính Cung lấy Mạc Ngọc Liễn làm thái phó đem quân chiếm giữ núi Yên Tử, đánh cướp huyện Vĩnh Lại, đi đến đâu nhiều người theo về. Tiết chế Trịnh Tùng sai Nguyễn Hoàng đem thuỷ quân tiến thẳng đến Hải Dương đánh tan. Ngọc Liễn chạy về huyện An Bác, sau chiếm giữ châu Vạn Ninh”.
KĐVSTGCM: “Lời chua – Vạn Ninh: Từ đời Trần trở về trước là tên châu; lúc thuộc Minh đổi làm huyện; nhà Lê lại đặt làm châu; nay là phủ Hải Ninh thuộc tỉnh Quảng Yên”.
Chúng ta thử kiểm lại phần đất còn lại ở vùng này thuộc lãnh thổ Đại Việt
ĐVSKTT: ” … dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương* , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu.” *Ghi chú trong ĐVSKTT:“Khâm Châu chí của nhà Thanh chỉ ghi 5 động, không có động An Lương. Cương mục dẫn Quảng Yên sách cho rằng động An Lương sau là phố An Lương, thuộc châu Vạn Ninh nước ta và cho là Toàn thư chép lầm”.
PPĐĐC: “… Mạc Ðăng Dung nộp 2 châu Như Tích, Chiêm Lãng cho nhà Minh thuộc vào Khâm Châu.” Theo như những tra cứu ở phần trên thì 2 châu (hay “đô”) Như Tích, Chiêm Lãng (Thiếp Lãng) gồm 6 động (Thiếp [Chiêm] Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát , Tư [Kim] Lặc, La Phù). Không thấy tài liệu nào đề cập đến động Thì (Thời) La. Động này được nhận định (qua nhận xét số 3 ở trên) là vùng bán đảo phía nam Long Môn, phía tây Phòng Thành cảng ngày nay. Từ thời Lê Trung Hưng qua thời Tây Sơn cũng như đầu thời nhà Nguyễn đã không có những biến chuyển về biên cương vùng này. Đến thời Pháp thuộc, vùng đất này không được xác định là phần lãnh thổ Việt Nam – vùng “L’ENCLAVE PAK-LUNG” trước khi có hiệp định biên giới Pháp – Trung 1887.
Có lẽ là tất cả những vùng đất mà Hoàng Kim Quảng, Hoàng Thánh Hứa xin nội thuộc vào Đại Việt năm 1427; gồm 7 động đã bị Mạc Đăng Dung trả lại cho Trung Hoa. Người viết xinphỏng đoán và vẽ lại “đường biên giới” như sau trong bản đồ:
BienGioi-LeTrungHung
Phỏng đoán vùng biên giới Việt – Trung (Quảng Ninh và châu Khâm) Từ thời Lê Trung Hưng đến hiệp định biên giới Pháp – Trung 1887
Kể từ sau “biến cố Mạc Đăng Dung” năm 1540, Nhà Minh đã phải đương đầu với những khó khăn nội bộ, nạn hải tặc “Nụy Khấu” phía đông, phía bắc thì các bộ tộc uy hiếp Bắc Kinh. Cuối thời Minh, xảy ra loạn Lý Tự Thành, Sùng Trinh đế nhà Minh treo cổ tự tử, rồi đến việc người Mãn Thanh đánh chiếm và sau đó làm chủ Trung Hoa dựng nên nhà Thanh. Càn Long là một ông vua muốn bành trướng lãnh thổ, tuy nhiên vua Quang Trung nhà Tây Sơn đã chặn đứng âm mưu này. Nhà Thanh suy tàn, loạn Thái Bình Thiên Quốc từ Quảng Tây nổi lên, thêm cảnh người Âu Châu uy hiếp Trung Hoa. Qua ba thế kỷ, với những biến động nội bộ, mộng bành trướng lãnh thổ của Trung Hoa đã bị tạm gác qua một bên hay bị chặn đứng. Biên giới vùng này đã tạm yên cho đến thời Việt Nam bị Pháp thuộc.
3- Thời Pháp thuộc
Năm 1884, Bắc Việt đã bị Pháp xâm chiếm hoàn toàn và bị đặt dưới sự bảo hộ (hoà hòa ước Patenôtre tháng 5 Giáp Thân 1884). Chiến tranh Pháp – Trung xảy ra (1884 -1885), sau đó Pháp hoàn toàn làm chủ Bắc Kỳ. Để xác định biên cương của Việt Nam mà Pháp bảo hộ, Pháp và Trung Hoa đã ký kết hiệp định biên giới 1887. Pháp nhượng vùng phía đông Quảng Ninh cho Trung Hoa, vùng “L’ENCLAVE PAK-LUNG” như tác giả TNT đã viết rất trong sách BGVT, và các bài viết khác của ông với những tham khảo công phu, cũng như các tác giả khác đã có những bài viết liên quan đến vấn đề này. Vì thế người viết sẽ không đi xa hơn về vấn đề biên giới giữa Quảng Ninh và Khâm Châu sau hiệp ước phân định biên giới 1887.
V- Mạc Đăng Dung và vấn đề dâng/trả/nộp (?) đất
Lịch sử đã không tha thứ cho những kẻ vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích chung của dân tộc. Những kẻ đã vì cá nhân hay dòng họ mà hy sinh lợi ích của dân tộc; đều sẽ bị lên án qua những trang sử mà hậu thế phê phán. Thái Tổ Mạc Đăng Dung hay bất cứ ai cũng không qua được những sự phê phán này. Lấy đất của tiền nhân dâng cho ngoại bang để mưu cầu lợi ích cá nhân sẽ bị lên án gắt gao là kẻ bán nước, kẻ phản quốc. Sự kiện Mạc Đăng Dung dâng/trả/nộp (?) đất cho nhà Minh đã bị bộ chính sử của Việt Nam là ĐVSKTT lên án gắt gao. Thời cận đại; Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim cũng đã lên án với lời lẽ còn mạnh mẽ hơn! Tuy nhiên những lời kết án này, có đúng hay chăng? Lên án vì mộtquan niệm; hay vì bổng lộc và chức tước được hưởng từ triều đại đang phục vụ, để bảo vệ những quyền lợi của vua chúa, dòng họ, cá nhân hay vì lợi ích dân tộc? Đặt căn bản trên lợi ích của dân tộc, – chúng ta – hậu thế một lần nữa nên tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Sử liệu viết về biến cố này trong ĐVSKTT, phần Bản Kỷ Tục Biên, quyển 16 do Phạm Công Trứ biên soạn. Phạm Công Trứ (1600-1675) làm quan qua 5 triều vua thời Lê Trung Hưng với chức thượng thư bộ Lại rồ bộ Lễ, ông như một tể tướng, đặc biệt rất được các chúa Trịnh tin dùng. Trong thời ông, nhà Mạc dù đã di chuyển lên Cao Bằng nhưng vẫn còn là một kẻ thù của nhà Lê và chúa Trịnh. Vì thế đoạn sử này khó có thể có sự khách quan khi ông viết về kẻ thù! 
Trước khi có những nhận xét về vấn đề này, trước hết chúng ta – những kẻ hậu thế – nên đặt câu hỏi về cái nhìn trong vấn đề này theo quan điểm nào? Theo quan niệm Nho học, Khổng giáo của các sử quan đặt căn bản vào “tam cương” là “quân thần phụ tử phu phụ”(vua tôi, cha con, chồng vợ)”. Hay ngược lại là “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”(dân đáng qúi, sau đó là xã tắc, vua chúa thì nhẹ) của Mạnh Tử, mà các triều đại của Trung Hoa cũng như Việt Nam chỉ nghe và đọc chứ chưa bao giờ dám thi hành dưới chế độ quân chủ chuyên chế.
Hậu thế chúng ta khác! Tư tưởng dân chủ đang nảy mầm ở phương đông, người dân làm chủ đất nước, tư tưởng cá nhân dòng họ hay đảng phái làm chủ đất nước đang trôi vào quá khứ, vì thế sự nhận xét của chúng ta về “Biến cố Mạc Đăng Dung” sẽ khác với quan niệm của sử gia dưới các chế độ phong kiến hay độc tài chuyên chế.
Trước khi tìm hiểu về “vụ án” này, hậu thế chúng ta hãy kiểm xem ai là những kẻ vì lợi ích cá nhân hay dòng họ đã cầu viện ngoại bang; mà có thể đây là nguyên nhân cho nhà Minh mang quân sang với mưu toan xâm lược Đại Việt.
1- Việc cầu cứu nhà Minh cuối thời Hậu Lê
Sự kiện:
a- Năm 1527 Nhà Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê
ĐVSKTT: “Đinh Hợi, [Thống Nguyên] năm thứ 6 [1526] , (Từ tháng 6 trở về sau, Mạc tiếm hiệu là Minh Đức năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 6). …. Tháng 6, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua nhường ngôi. Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Đăng Dung vào Kinh… 
ĐVSKTT: “Mậu Tý, [1528] ….Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hay châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” (68). Sự kiện này sách KĐVSTGCM đã đính chính và cho là sử cũ đã bị lầm (69) vì ai châu Quy Hóa và Thuận An đã thuộc về Trung Hoa thời nhà Tống.
b- Con cháu nhà Hậu Lê cầu cứu nhà Minh:
– Năm 1529, quan nhà hậu Lê là Trịnh Ngung và Trịnh Ngang cầu cứu nhà Minh. 
ĐVSKTT: “Kỷ Sửu, [1529] , …. Khi ấy, bề tôi cũ của triều Lê là hai anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh. Họ Mạc đem nhiều lễ đút lót cho nhà Minh để phá. Việc không thành, hai anh em đều chết ở bên Minh. 
– Nguyễn Kim “thừa lệnh” ông vua lưu vong Lê Trang Tông (Lê Ninh) sai Trịnh Duy Liễu sang cầu cứu nhà Minh.
ĐVSKTT: “Quý Tỵ, [Nguyên Hòa] năm thứ 1 [1533], …. Mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, … Lại liên kết với vua Ai Lao Xạ Đẩu, nhờ họ giúp binh khí, lương thực để mưu việc đánh lấy lại nước.Vua sai Trịnh Duy Liễu sang nhà Minh tâu rằng vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống“.
KĐVSTGCM: “Quý Tỵ. Lê Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Nguyên Hòa thứ 1 (1533) … Trước kia, nhiều lần sai người đem thư sang nhà Minh báo cáo về nạn nước…. Vậy xin nhà Minh dấy quân hỏi tội họ Mạc. …. Nghiêm Tung, Lễ bộ thượng thư nhà Minh, tâu nói: “Những lời điều trần của Duy Liểu chưa chắc đả có căn cứ đích xác. Vậy xin cho lưu Duy Liểu ở lại sứ quán, rồi sai quan sang khám xét sự thực “.
– Trịnh Viên sang Trung Hoa cầu cứu nhà Minh
KĐVSTGCM: “Sau chuyến Trịnh Duy Liểu đã đi, nhà vua thấy lâu không có tin tức tăm hơi gì, lại sai Trịnh Viên sang Minh. Viên đi đến Vân Nam thì quan hội khám nhà Minh là bọn Đào Phượng Nghi cũng vừa tới nơi, Viên bèn trình bày tất cả sự việc họ Mạc thí nghịch và tình hình vua Lê bôn ba long đong. Viên thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh Mạc. Quan hội khám về triều báo cáo. Vua Minh giao việc này xuống để đình thần bàn xét. Mọi người trong bộ Lễ và bộ Binh đều nói: “Đăng Dung có mười tội to, không thể không đánh được “.
c- Vua nhà Minh sai Cừu Loan và Mao Bá Ôn mang quân sang đánh nhà Mạc.
KĐVSTGCM: “Đinh Dậu, năm thứ 5 (1537). (Mạc, năm Đại Chính thứ 8 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 16 ). Tháng 2, mùa xuân. Minh dùng Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, đi đánh Mạc Đăng Dung“.
Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn: “lúc nghe tin Minh dấy quân, triều Mạc chỉ cử một phái đoàn ngoại giao do Nguyễn Văn Thái cầm đầu. Sử không chép phái đoàn này đã thu xếp cách nào mà việc binh giữa nhà Minh và ta lại êm trong 3 năm rồi tới năm Canh Tý (1540) lại thấy nhà Minh đem lực lượng võ trang sang ta.”
KĐVSTGCM: “Canh Tý, năm thứ 8 (1540)….Trước kia, tướng Minh là bọn Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã đến Quảng Tây, trưng tập các lang binh của thổ quan ở các tỉnh Lưỡng Quảng , Phúc Kiến và Hồ Quảng. Lại truyền hịch đi Vân Nam sai tập hợp binh lính để chờ đợi nhật kỳ xuất quân. Bọn Cừu Loan lại bàn:
Chia chính binh làm ba đội tiểu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh; Chia kỳ binh làm hai toán tiểu binh; toán xuất phát từ châu Quy Thuận gọi là Sơn Tiểu, toán xuất phát từ núi Ô Lôi gọi là hải tiểu. Kể cả chính binh và kỳ binh trên đây cộng 22 vạn người. Lại chia quân Vân Nam ở ghềnh Liên Hoa làm ba toán tiểu binh, mỗi toán gồm 21.000 người. Tất cả đều lên đường, đồng thời xuất phát. Lại truyền hịch sang ta dụ bảo về nghĩa phục hưng nước đã mất, nối lại dòng họ đã tuyệt, sự đánh dẹp chỉ nhằm một mình cha con Đăng Dung là kẻ có tội. … Tướng Minh lại dụ bảo cha con Đăng Dung nếu biết tự trói nộp mình đợi tội, thành khẩn dâng hết các sổ sách về đất đai và nhân dân thì được tha cho tội chết. Bọn Bá Ôn đóng quân dựng đồn ở gần nơi biên giới.”
Câu hỏi được đặt ra ở đây là thực sự nhà Minh muốn đánh nhà Mạc vì sự cầu cứu của nhà Hậu Lê lưu vong, hay chỉ là một sự phô trương thanh thế? Qua những diễn tiến và bàn cãi đã được mô tả trong Minh Thực Lục (70), thì nhà Minh chỉ muốn phô trương thanh thế để “dọa” Mạc Đăng Dung!
Thời Gia Tĩnh (Minh Thế Tông Chu Hậu Thông 1507 – 1566), triều đình nhà Minh đang bịNghiêm Tung thao túng. Một chi nhánh của tộc Mông Cổ là bộ lạc Đạt Đán doYểm Đáp lãnh đạo uy hiếp Bắc Kinh. Minh Thế Tông saiCừu Loan là một người trong phe đảng của Nghiêm Tung mang quân bảo vệ kinh đô. Với hơn trăm ngàn quân; ông này “được” Nghiêm Tung bảo là đừng chống lại quân Mông Cổ. Kết quả là quân của Đạt Đán cướp người ngựa và tài vật rất nhiều (71). Rồi cuộc nổi dậy của những người lãnh đạo hai thị tộc người Tráng tại Quảng Tây là Sầm Mãnh rồi sau đó là hai cha con Vi Triều Uy và Vi Ngân Báo (1530- 1571). Hơn nữa lúc này nhà Minh đang phải lo đối phó nạn “Nụy Khấu” và phải nhờ đến sự giúp sức của một người đàn bà là vợ Sầm Mãnh – Ngõa Thị phu Nhân Sầm Hoa – để đánh dẹp “Nụy Khấu”! Sao lại phải nhờ đến sự giúp sức của một người đàn bà tộc Tráng và quân của bà ở vùng rừng núi Quảng Tây hẻo lánh để chống hải tặc!?. Các đấng “trượng phu” Hán tộc huênh hoang tự cao tự đại coi thường nữ giới và “man di”ở đâu?
Từ những sự việc vừa nêu, người viết phỏng đoán là khi “ Cừu Loan làm tổng đốc” mang quân tới phía cực nam xa xôi để đánh họ Mạc, thì đây chỉ là một sự phô trương thanh thế để giữ thể diện cho Minh triều mà thôi! Tiếc rằng họ Mạc đã không biết nội tình triều đình nhà Minh để mang quân đương cự lại, phỏng đoán là nếu họ Mạc dàn trận, thì Cừu Loan và Mao Bá Ôn có lẽ sẽ rút lui (theo sự “can gián” nhà vua của Nghiêm Tung?) và Việt Nam không bị mất một tấc đất!
2- Sự kiện Mạc Đăng Dung hàng nhà Minh và nộp đất
a-Sử liệu:
KĐVSTGCM: “Canh Tý, năm thứ 8 (1540). (Mạc, năm Đại Chính thứ 11 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 19 ). …Tướng Minh lại dụ bảo cha con Đăng Dung nếu biết tự trói nộp mình đợi tội, thành khẩn dâng hết các sổ sách về đất đai và nhân dân thì được tha cho tội chết. Bọn Bá Ôn đóng quân dựng đồn ở gần nơi biên giới. Bấy giờ Đăng Doanh đã chết rồi. Đăng Dung được tin, cả sợ, sai sứ giả đến cửa quân của tướng Minh, trần tình, nguyện xin ra khỏi bờ cõi, đầu hàng, và kính cẩn vâng theo lệnh trên phân xử“.
ĐVSKTT: “Canh Tý, [Nguyên Hoà] năm thứ 8 [1540] , (Mạc Đại Chính năm thứ 11; Minh Gia Tĩnh năm thứ 19). … Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ , đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh“.
Qua các tài liệu cổ, người viết chỉ thấy PĐĐDC của cụ Nguyễn Văn Siêu viết về tỉnh Quảng Ninh như sau: “… nhà Mạc lại giả lại nhà Minh, là giả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót vậy, … ” . Một câu viết có tính cách biện hộ cho Mạc Đăng Dung.
d-Sự kết án của sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (VNSL):
VNSL: “…Quan nhà Minh tuy làm bộ hống-hách nói đem binh sang đánh, nhưng cũng sợ phải cái vạ như mấy năm bình-định ngày trước, và lại được tiền bạc của Ðăng Dung rồi, cái lòng nhiệt thành vị quốc cũng nguội đi, cho nên mới tâu với vua nhà Minh xin phong cho Mạc đăng Dung làm chức Ðô-thống-sứ hàm quan nhị-phẩm nhà Minh. Mạc đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ-cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh-giá cho trọn-vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú-quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm-sỉ. Ðối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn-ở của loài người, là không có nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang-sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh-vực mặc lòng, một cái cơ-nghiệp dựng lên bởi sự gian-ác hèn-hạ như thế, thì không bao giờ bền-chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung-hưng lên được.”
c- Sự biện hộ của sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn thư (VSTT) :
VSTT: “Xét bản cáo trạng và cả lời luận tội của tác giả Việt Nam Sử Lược ta thấy có vẻ dễ dàng và quá giản dị khiến ta ngạc nhiên về lối suy luận của tác giả, một nhà Nho kiêm cả tân học. Căn cứ vào cuốn sử nào mà Trần Trọng Kim đã hạ những nhát búa quá nặng nề đối với nhà Mạc, một triều đại mà ta không thể phủ nhận tinh thần phục vụ quốc gia của họ?
…. Và đứng trên quan điểm nhân dân thì lại càng vô lý, nếu người ta muốn rằng đám vua quan ác bạo thối nát đời bấy giờ cứ đè đầu cưỡi cổ người dân mãi mãi. Không có họ Mạc ra đời thuở đó, thì trong nhân dân cũng phải có một người khác nhẩy ra để thiết lập trật tự mới.
….
Còn việc cắt đất cầu hòa của họ Mạc? Ðể bãi một cuộc chiến tranh với một cường quốc trong khi dân mình yếu hèn, rối loạn. Họ Mạc phải cắt năm động thổ mán vùng thượng du, thật ra chưa là bao.

Trái lại không lượng sức mình mà đưa cả dân tộc vào chiến tranh đến nỗi mất cả xứ sở, chết chóc muôn vạn sinh mạng, đó mới là xuẩn động và đáng trách. Tại đây chúng tôi xin ngừng lại để chúng ta cùng suy tưởng: cái bại trận dưới thời nhà Hồ chưa đủ cho ta rút kinh nghiệm sao?
….
Một chứng cớ nữa về sự khôn ngoan của Mạc Ðăng Dung là khi Mao Bá Ôn đưa thư sang đòi Mạc nộp sổ sách ruộng đất, nhân dân và chịu tội thì được tha chết như Việt Nam Sử Lược đã chép, họ Mạc chỉ phái bọn Nguyễn Văn Thái lên Nam Quan để điều đình. Việc này xẩy ra vào năm Ðinh Dậu (1537). Phái đoàn Nguyễn Văn Thái thành công nên Bắc quân không tiến vào nội địa nước ta nữa.
Rồi tháng 11 năm Canh Tý (1540) quân Bắc lại sang. Lần này họ Mạc biết rõ tình ý của nhà Minh chỉ làm chuyện diệu võ dương uy mà thôi, nên đã thân hành lên gặp người Minh. Sự thật đôi bên cần giáp mặt nhau để cùng quyết định mọi vấn đề đã nêu ra ba năm trước mới có tính cách đại cương, sơ bộ mà thôi.
Một điểm khác, ngoài điểm tâm lý của Mạc Ðăng Dung, trong việc đụng chạm với người Minh thuở ấy đã nói khá nhiều ở trên, còn thái độ của Mạc Ðăng Dung cũng cần phải xét để hiểu Mạc Ðăng Dung có hèn như Việt Nam Sử Lược đã nói không. Ta xem bài thơ xướng họa (72) giữa Mao Bá Ôn và cụ trạng Giáp Hải nhà Mạc thì càng rõ, kẻ xướng có vẻ kiêu căng mà người họa không kém phần ngạo nghễ.
Nào biết nơi tan duy biết tụ
Chỉ hay khi nổi nọ hay chìm
Giữa trời giông tố thình lình nổi
Quét bạt ra khơi hết kế tìm.
(Mao Bá Ôn)
Sóng dồn ngàn lớp không xô vỡ
Gió rập muôn cơn khó đánh chìm
Rồng cá ít nhiều nương dưới đó
Cần câu Lã Vọng hết mong chờ.
(Trạng Giáp Hải)
Vua tôi nhà Mạc đã dám ăn miếng trả miếng đến nơi đến chốn như vậy mà bảo rằng chính những người này đã phải quỳ lậy trước cửa tướng của địch, ta có thể tin được chăng? Và cứ khẩu khí bài thơ họa của nhà Mạc đã đáp lại bài nguyên xướng của Mao Bá Ôn ở trên, từng điểm thì đủ rõ, ta thấy nếu Minh quá găng thì Mạc cũng dám đo gươm thử giáo. Vậy họ Mạc không hèn như người ta đã nói. Trần Trọng Kim còn cho rằng Mạc đã xây dựng sự nghiệp trên sự tàn ác nên không bền. Lời phê phán này lại càng hàm hồ nữa.

Nhà Mạc phát khởi từ năm 1527 đến 1667 mới tuyệt hẳn.
…. Tóm lại cái án Mạc Ðăng Dung cần phải xóa bỏ trên bộ quốc sử của chúng ta để tránh một sự vu khống và thóa mạ tiền nhân một cách bất công và vô lý. Chúng tôi tin rằng các trí thức và học giả ngày nay suy xét hay bầy tỏ sự việc không hàm hồ như một số sử thần của thời phong kiến vừa qua.
d- So sánh sự việc
i- Như đã trình bày trong phần trước, khi nhà Hậu Lê suy vong và bị nhà Mạc cướp ngôi, vua Lê phải bôn tẩu, một số quan chạy theo.
– Để mong khôi phục lại, Lê Trang Tông (Lê Ninh) đã nhiều lần cầu cứu nhà Minh mang quân sang đại Việt. Các sử gia trong hai bộ chính sử là ĐVSKTT cũng như KĐVSTGCM đã không lên án về việc này, hành động “cõng rắn cắn gà nhà”hay “rước voi giày mả tổ”.
– Có phải ông Phạm Công Trứ – một đại thần thời Lê Trung hưng qua 5 triều vua- người làm chủ biên phần “Bản kỷ tục biên” sách ĐVSKTT đã thiên lệch; lên án việc Mạc Đăng Dung hàng nhà Minh, “dâng” đất nhưng bỏ qua việc cầu cứu ngoại bang của vua tôi nhà Hậu Lê?
-Có phải vì ông Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng người chủ trương cầu cứu nhà Minh để khôi phục nhà Hậu Lê – là tổ của vương triều Nguyễn – mà các sử gia viết KĐVSTGCM của quốc sử quán triều Nguyễn đã có sự thiên lệch, tương tự như sử gia viết sách ĐVSKTT (phần tục biên viết về họ Mạc).
Rồi đến cuối thời Lê Trung hưng, Lê Chiêu Thống lại cầu cứu nhà Thanh. Việt Nam nếu không có vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi thì có lẽ lại một lần nội thuộc phương bắc nữa đã xảy ra.
ii – Nhà Mạc khi suy vong có cầu cứu nhà minh hay không (73)? Chúng ta – hậu thế- đọc lại đoạn sử sau trong ĐVSKTT của sử thần thời Hậu Lê: “1593,…Tháng 3, Mạc Ngọc Liễn trốn lên phương bắc, ngầm tìm người tông thất họ Mạc, tìm được người con của Mạc Kính Điển là Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung ở châu Văn Lan, lập làm người nối nghiệp họ Mạc, đặt niên hiệu là Càn Thống năm thứ 1.
… Tháng 7, ngày mồng 2, Phò mã đô uý thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn đem quân chiếm giữ châu Vạn Ninh, bị ốm chết. Con là bọn phò mã Sơn Đông chạy sang Long Châu phụ theo Mạc Kính Cung. 1594, … Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại khuyên Mạc Kính Cung rằng: “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng“. Đến đây thì chết.”
Dù rằng sau khi con cháu nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng (1593), rồi chạy sang Quảng Tây (Long Châu), chỉ “mách” với nhà Minh về việc chúa Trịnh tiếm quyền , chứ không cầu cứu để nhà Minh mang quân vào Việt Nam (lúc này nhà Minh đang suy vong). ĐVSKTT: “Bính Thân, [Quang Hưng] năm thứ 19 [1596] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 24). ..Bấy giờ bề tôi họ Mạc lắm quỷ kế, tố cáo với nhà Minh rằng: Quân nhà Lê chính là họ Trịnh tranh cường, dấy binh đánh giết bề tôi thần phục của thượng quốc cùng con cháu họ Mạc, thực không phải là quân trung hưng của con cháu nhà Lê. Vì thế, nhà Minh nhiều lần sai sứ qua cửa Trấn Nam Giao, mang điệp văn sang nước ta hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực là con cháu nhà Lê hay không”.
Qua những điều đã trình bày, chúng ta -hậu thế với quan niệm lấy dân tộc làm căn bản, nghĩ thế nào về những sự kiện nêu trên?
3- “Biến cố Mạc Đăng Dung” và vùng đất dâng/trả/nộp (?)
Trước khi có nhận xét về vấn đề này, chúng ta nên tìm hiểu một cách tổng quát về chủ quyền vùng đất dâng/nộp/trả (?) cho Trung Hoa qua những tài liệu đã tra cứu.
Từ khi Việt Nan tái lập nền độc lập sau một ngàn năm bị đô hộ, cương vực vùng này:
-Thời nhà Đinh, biên cương giáp giới tới núi Ô Lôi (phía đông vịnh Long Môn) thuộc châu Khâm theo hướng đông tây, phía nam là biển, phía bắc không được đề cập đến. -Thời nhà Tiền Lê qua thời Lý đến thời nhà Trần, đã không có những biến động về biên giới vùng này theo sử liệu. Biên cương vùng này không thay đổi từ khi nước Việt lấy lại nền độc lập cho đến thời Minh thuộc.
-Thời Hậu Lê đã có những biến cố đáng kể về vùng biên giới tiếp giáp với châu Khâm:
Năm 1427, 7 động thuộc ba đô Như Tích, Chiêm (Thiếp) Lãng và Thì (Thời) La do Hoàng Kim Quảng và Hoàng Thánh Hứa xin nội thuộc vào Việt Nam.
Việt Nam làm chủ vùng đất này và các động có tính cách tự trị theo như ĐNNTC viết: “Họ Lê phong cho các chức kinh lược sứ, kinh lược đồng tri, và thiêm sự mà vẫn nối đời giữ đất thuộc vào châu Vạn Ninh, …”.
BienCo - MacDangDung-sharp
Bản đồ phỏng đoán vùng đất Hoàng Kim Quảng và Hoàng Thánh Hứa xin nội thuộc vào Đại Việt năm 1427 (vùng gạch chéo)
Những sự việc nên được nhận xét:
– Những “động” này là dân bản xứ, họ đã tự trị từ nhiều đời,. Năm 1427, các động này đã tự nguyện xin nội thuộc vào Đại Việt, vì không chịu nổi ách đô hộ tàn bạo của Trung Hoa. Việt Nam không xâm chiếm, vì thế những “động” này thuộc lãnh thổ của Việt Nam (74).
-Từ năm 1427 đến 1540 với hơn một thế kỷ (113 năm) nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Vì đây là lãnh thổ nên bằng bất cứ giá nào phải bảo vệ, dù phải hy sinh cá nhân dòng họ hay triều đại của mình.
– Tuy nhiên nếu phải hi sinh cái mà người ta cho để giữ cái mình đã có và để tránh cảnh binh đao cho dân tộc, trường hợp thất bại thì có thể đưa đến cảnh quân ngoại xâm tràn ngập và nước nhà lại bị cảnh đô hộ như trường hợp nhà Hồ! Nếu vậy trường hợp này có cần phải được hậu thế xét lại hay không?
– Tình hình nhà Mạc lúc này lưỡng đầu thọ địch, phía nam thì bị hai họ Trịnh và Nguyễn đang tấn công (75) để khôi phục lại ngai vàng cho nhà Lê, phía bắc thì bị quân Minh de dọa. Mạc Đăng Dung chọn cách đầu hàng và trả đất để bảo vệ mình và dòng họ hay vì dân tộc? Mạc Đăng Dung “trả”đất cho nhà Minh Năm 1540 Mạc Đăng Dung đã trả nhà Minh 7 động [Thiếp (Chiêm) Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Tư (Kim) Lặc, La Phù và Thì (Thời) La] mà Hoàng Kim Quảng và Hoàng Thánh Hứa xin nội thuộc Việt Nam năm 1427.Tuy nhiên so sánh lãnh thổ của Việt Nam tại vùng này từ thời nhà Đinh đến khi có hiệp định biên giới Pháp-Trung; thì vùng đất động Thì La đã bị mất. Theo như sách“Phương Đình địa dư chí”của cụ Nguyễn Văn Siêu; thì thời nhà Đinh lãnh thổ Việt Nam đến núi Ô Lôi, gồm cả vùng Phòng Thành cảng và phía đông là bán đảo có hai trấn Quang Pha và Xí Sa đến gần trấn Long Môn ngày nay (như đã vẽ lại trong bản đồ thời Tiền Lê, Lý, Trần); đây là vùng đất động Thì La, vùng này thuộc lãnh thổ Việt Nam cho đến cuối thời nhà Trần. Tuy nhiên sau thời Minh thuộc, vùng này lại xin nội thuộc và Việt Nam năm 1427, rồi Mạc Đăng Dung hoàn trả lại cho nhà Minh năm 1540. Có phải nhà Mạc đã “dâng/nộp” thêm vùng này cho nhà Minh hay vì sự hiểu biết “mập mờ” về chủ quyền lãnh thổ các đời trước; nên họ Mạc đã trả “dư” vùng đất động Thì La, mà động này xin nội thuộc vào Việt Nam 113 năm trước? Sự việc này cần phải được tra cứu thêm!
4- Mạc Đăng Dung và “phiên toà” gần 5 thế kỷ
Sự kiện về Thái Tổ Mạc Đăng Dung dâng /trả /nộp (?) vùng đất 7 động cho Trung Quốc và ông đã bị một số các sử gia kết án là “kẻ phản quốc”, điều này có đúng theo quan niệm người Việt ngày nay, hoặc hậu thế hay không ? Người dân – những người làm chủ dải đất này -đã từng bị dồn vào thế “thấp cổ bé miệng” đã chưa có tiếng nói. Tuy nhiên tội “phản quốc”, dâng đất biển cho ngoại bang sẽ bị con dân nước Việt đời đời nguyền rủa! Qua những sự kiện từ từ được đưa ra ánh sáng, với những tài liệu được truy cập dễ dàng thời nay – Internet, rồi những so sánh. Hãy để người dân Việt phán xử Thái tổ Mạc Đăng Dung – tiền nhân – là kẻ có tội hay không (“guilty or not guilty”).
Theo như hệ thống tư pháp ngày nay tại các nước dân chủ . Một phiên tòa (theo như sự hiểu biết rất sơ sài của người viết) gồm có chánh án (judge), bồi thẩm đoàn (jurors), công tố viên (prosecutors), luật sư biện hộ (defense artorneys) , nhân chứng (witnesses) và bị can (defendant). Ngày nay với sự thông tin và truyền thông rộng rãi chúng ta có thể (giả sử) dựng lên một phiên toà mà sự tham dự là người dân nước Việt, để đưa việc này ra ánh sáng sự thật:
Bị can là Thái tổ Mạc Đăng Dung, công tố viên là các sử gia đã lên án ông về nhiều tội danh, đặc biệt là tội “phản quốc”, “dâng đất cho ngoại bang”. Luật sư biện hộ là các sử gia bào chữa cho ông trước công luận như cụ Nguyễn Văn Siêu, sử gia Phạm Văn Sơn, học giả Trần Khuê và tác giả đương thời là ông Trần Gia Phụng trong bài viết “Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử”, v.v…. Nhân chứng là những người tra cứu các tài lệu về và nêu lên các tài liệu này. Bồi thẩm đoàn là các độc giả, những người đọc, biết về sự kiện, biết các bằng chứng để kết luận là Mạc Đăng Dung có tội với dân tộc hay không. Chánh án sẽ là hậu thế, bản án sẽ là những trang sử được ghi lại về sự việc Mạc Đăng Dung là kẻ có tội với dân tộc Việt hay không?. Người viết chỉ là một trong những người đi tìm và nêu lên những bằng chứng.
E – Tài liệu và sử liệu ngụy tạo với chủ đích?
Tham khảo các tài liệu hay sử liệu của Trung Quốc để biết về vấn đề biên giới Việt – Trung là cả một vấn đề! Có phải Trung Quốc với âm mưu bành trướng đã có nhiều điều chứng tỏ là họ đã làm gần như bất cứ thủ đoạn nào để đạt mục đích cho âm mưu truyền kiếp này? Khi còn là các quận huyện của Trung Hoa trong thời Bắc thuộc, Trung Hoa coi Việt cổ như quận huyện của họ, những tài liệu viết trong thời điểm này, chúng ta có thể tạm tin tưởng với sự cảnh giác! Tuy nhiên; sau khi Việt Nam có độc lập thì những tài liệu tham khảo này cần phải được so sánh từ mâu thuẫn tới tương đồng để “may ra” có thể có những kết luận hợp lý cho sự tham khảo.
Trong việc phân định biên giới Việt – Trung cuối thế kỷ 19; do người Pháp và Trung Hoa quyết định, Việt Nam đã mất khá nhiều đất đai tại vùng biên giới giữa Quảng Ninh và Khâm châu. Đã có những âm mưu (từ lâu?) về việc thay đổi tài liệu để Trung Hoa dành phần thắng với mục đích có thêm đất của lãnh thổ Việt Nam? Chiến thuật “tầm ăn dâu”?
1- Trong bài viết Thử nhìn lại một số âm mưu của người Hán …” của tác giả Trương Nhân Tuấn, ông đã nêu lên vấn đề như sau:
“… âm mưu cổ điển của người Hoa, lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử, lấy tên một (hay những) địa danh thuộc Trung Quốc, đặt cho các vùng lãnh thổ của Việt Nam, sau đó nói là đất của họ và xua quân sang chiếm.…”
… “…Trong suốt 12 năm phân định và cắm mốc biên giới, phía bên người Hoa luôn tìm cách để lấn đất của Việt Nam. Mưu mô thường thấy nhất là hoán đổi tên các địa phương, sông, núi. Âm mưu này đã lập đi lập lại rất nhiều lần…”
Chi tiết về vấn đề núi Phân Mao để phân định biên giới trong cùng bài viết:
“Bản báo cáo của ông Chiniac de Labastide, chủ tịch uỷ ban phân giới (1890-1891) viết: “riêng về Phân-Mao Lãnh thì quan-trọng nhất cho việc xác-định đường biên-giới… hiện nay có thế xác-quyết một cách chắc-chắn rằng, không những núi này không có ở đây mà nó còn không hiện-hữu trong toàn vùng biên-giới mà Uỷ-Ban Phân-Giới đã thám-hiểm. Không có một trái núi nào có tên tương-tự.”
Việc này cho thấy phía người Hoa đã đặt tên «Phân Mao» cho một ngọn núi vô danh ở thật xa về phía nam. Ông viết tiếp: “theo vài tác-giả (nv: Deveria ?), núi Phân-Mao Lãnh có thể ở cách Khâm-Châu khoảng 360 lí, tức 140 Km… khi tôi cho ông Chủ-Tịch Ủy-Ban Phân-Giới Trung-Hoa, mặc-dầu có nhiều nỗ-lực tìm kiếm, tôi vẫn không tìm ra trái núi mà dưới chân nó có trụ đồng để đánh dấu biên-giới của tướng Mã-Viện là Phân-Mao Lãnh. Núi này hoàn-toàn không ai biết. Ông này trước tiên im-lặng, và vài ngày sau, ông chỉ tôi ở trên bản-đồ, không phải ở phía Ðông-Nam mà ở phía Ðông-Bắc của Bản-Hưng, phía nam Pi-Lao, một trái núi nhỏ và cho đó là Phân-Mao-Lãnh. Khi tôi la lớn về sự xác-nhận phi-lý này thì ông ta mới trả lời cho tôi, bằng một dáng-điệu trịnh-trọng, trái núi này không phải là Ðại Phân-Mao Lãnh, nổi tiếng do trụ đồng của tướng Mã-Viện, mà chỉ là một Tiểu Phân-Mao Lãnh…
Khoảng-cách xa-xôi của trái núi được chỉ-định và cái miếu thờ Phục-Ba tướng quân – miếu này cách trái núi 3 cây số – cho ta thấy biết bao nhiêu họ đã lường-gạt chúng ta; họ đặt tên, tùy theo sự cần-thiết của họ, trái núi này hay trái núi kia, một cái tên lịch-sử của một trái núi thuộc vùng khác và dựa vào đó để thiết-lập chủ-quyền của họ về đất đai.”
… Hậu quả việc này ra sao ? Ông Chiniac de Labastide viết trong bản báo cáo nói trên: «Nhờ vào sự kiên-trì (sic !), người Hoa đã thắng được các Uỷ-Viên Pháp, đã dành được của An-Nam một vùng đất nghèo, nhưng rộng lớn mà họ chờ đợi để lấy ra từ đó những ưu-điểm quan-trọng. Giữa hai điểm này, trên một chiều dài khoảng 40 cây số, người ta đã bỏ biên-giới lịch-sử của An-Nam và Trung-Hoa để lấy một đường biên-giới khác, ở xa về phía nam, một đường biên-giới hoàn-toàn qui-ước. Việc này đã nhường cho Trung-Hoa 7 xã rưỡi thuộc tổng Bát-Tràng của An-Nam và hai xã khác cũng của An-Nam thuộc tổng Kiến-Duyên”.
2- Bài viết PHÂN MAO LĨNH trong cuộc thương lượng PHÁP – THANH về vấn đề biên giới VIỆT – TRUNG” của tác giả Lưu Văn Lợi :
” … Ngày 29 tháng 3 năm 1887, Ch. Dillon và Ðặng Thừa Tu cùng các ủy viên khác đã ký biên bản về việc hoạch định biên giới từ Trúc Sơn đến Chi Mã trong đó có đoạn sau đây về núi Phân Mao: “…” Theo văn bản này, Trung Quốc đã lấy được núi Phân Mao và vùng chung quanh theo ý đồ của Ðặng Thừa Tu, thế nghĩa là thế nào. Ðiều đáng nói ở đây là bản Pháp văn mà phía Pháp đưa ra ký lại dịch từ một biên bản bằng Trung văn do đoàn đại biểu Trung Quốc cung cấp Chỉ biết rằng sau này đoàn đại biểu cắm mốc của Pháp đã làm một biên bản nhận xét biên bản ngày 29 tháng 3 năm 1887 nói trên, sau khi đã đo đạc và biên vẽ một bản đồ chính xác đoạn biên giới từ ngã ba sông Ca Long đến Bắc Cương ải và nhận xét toàn bộ biên bản ngày 29 tháng 3, sau đó kết luận:
… – Ðường biên giới theo điều ước do biên bản ngày 29 tháng 3 năm 1887 vạch ra chỗ nào cũng tồi (défectueuse) và không chỗ nào chấp nhận được.
– Ủy ban hoạch định biên giới của Pháp đã chấp nhận đường biên giới đó là vì họ đã bị lừa gạt bởi một bản đồ xuyên tạc rằng lãnh thổ Việt Nam ăn sâu vào Trung Quốc, trong khi đó ngược lại trên thực tế, lãnh thổ của Thiên triều (céleste empire) lại ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam. …”
Ủy ban hoạch định biên giới (UBHĐBG) của Pháp đã biết mình bị lừa nhưng không biết mình bị lừa ở chỗ nào. Ông Déveria đã dịch sách ĐTNTC và in những tài liệu này trong quyển “La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique”, xuất bản tại Paris năm 1886. Theo như thiển ý của người viết, thì bản ĐTNTC mà ông Devéria đọc và dịch đã bị thay đổi có chủ đích với một âm mưu dài hạn. Phỏng đoán là UBHĐBG Pháp đã dùng sách này để tham chiếu cho việc phân định đường biên giới; mà sách này đã tham khảo với những sự ngụy tạo của Trung Hoa như sau:
-Vị trí núi Phân Mao (Phân Mao lĩnh) đã bị thay đổi từ 3 dặm kế huyện đường châu Khâm thành 300 dặm về phía tây nam kế bên đường biện giới Việt – Trung ngày nay.
-Tên sông Thiếp Lãng (đường biên giới cổ) cũng đã bị gán cho một cho một con sông cách huyện đường châu Khâm 240 dặm về phía tây nam, kế phía đông của sông Bắc Luân là đường biên giới Việt – Trung ngày nay (kế phía bắc thị xã Móng Cái).. Bản dịch ĐTNTC trong sách của ông Devéria: “Dòng Thiếp Lãng Giang 貼朗江, cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam (ĐTNTC, sđd, q 348, tờ thứ 9). Sông này bắt nguồn từ những ngọn núi về phía tây bắc huyện Khâm Châu.”
Đặt căn bản vào địa hình (từ Google Earth) và bản đồ; thì không có một dòng sông nào bắt nguồn từ phía tây bắc huyện Khâm Châu chảy đến phía tây nam là đường biên giới ngày nay! Nếu ngụy tạo là sông Thiếp Lãng bắt nguồn từ phía “tây bắc” thành phía “tây nam”thì có phải đúng với hình chụp của vệ tinh (lúc này chưa có!) hơn không? Rõ “khôn” mà không “ngoan”!
Những điều nêu trên đã chứng tỏ là người Trung Hoa đã thay đổi tài liệu, để thực hiện âm mưu chiếm đất lâu đời của họ. Ông Devéria đã bị lừa và phái đoàn phân định biên giới người Pháp cũng đã bị lừa, nước Việt Nam và dân tộc Việt nhận lãnh hậu quả!
VI- Kết luận
Động Cổ Sâm, núi Phân Mao; như đã được nêu lên trong lời tựa, đây là hai địa danh liên quan đến biên cương nước Việt, vấn đề này đã gây nên nhiều câu hỏi có liên quan đến “đường” hay “vùng” biên giới tại phía cực đông nước Việt giáp giới với Trung Quốc. Vùng đất đã gây nên nhiều tranh chấp trong việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa thời Pháp thuộc. Sau hiệp định biên giới Pháp – Trung năm1887, Việt Nam đã mất một vùng lãnh thổ cho Trung Quốc, mà nơi đó có người Việt cư trú, họ đã trở thành kẻ thiểu số trong vùng đất đã từng là tổ quốc của họ.
Đã có nhiều tìm hiểu, nhiều bài viết tra cứu về vùng đất này để biết đâu là phần đất thuộc ta, thuộc Tàu qua thời gian. Người viết cũng chỉ là một trong những người này và viết nên những điều mình tìm thấy; hầu mong có thể làm sáng tỏ được vấn đề. Qua những trình bày dù có thể thiếu sót, người viết cũng cố nêu lên những điều đã tìm kiếm được để góp phần làm sáng tỏ sự thật của lịch sử.
Một điều bất hạnh cho dân Việt là Việt Nam ở kế bên Trung Quốc – Hán – một dân tộc với tư tưởng Hán hoá (sinicization) từ khi họ có lịch sử. Họ luôn muốn bành trướng và muốn những dân tộc chung quanh họ phải trở thành người Hán như họ. Họ đã phần nào làm được điều này! Mông Cổ với đoàn quân gần như khó có quốc gia nào có thể ngăn cản họ ở thời trung cổ, đã chinh phục tới Âu châu, chiếm đóng Trung Hoa, nhưng chính những kẻ chiếm đóng này đã bị Hán hoá. Mãn Thanh đã chiếm Trung Hoa, thời nhà Thanh, họ đã bị Hán hóa. Thời điểm xa hơn nữa về quá khứ, Bách Việt, cũng đã bị Hán hóa – ngoại trừ Lạc Việt, tiền thân của người Việt ngày nay – không bị Hán hóa, hay không thể Hán hóa, dù đã bao lần bị xâm lăng, chiếm đóng, cai trị, bắc thuộc, v.v… Tộc Việt vẫn là người Việt với nhiều sắc tộc Việt khác. Người Hoa hay Hán đã sang nước Việt để cai trị trong cả ngàn năm bắc thuộc, thay vì người Việt trở thành người Hán, họ lại trở thành người Việt để chống lại tộc Hán. Điển hình là Lý Bí (Nam Đế), Hồ Quý Ly, cũng như nhà Trần mà tổ tiên từ Phúc Kiến. Hồ Nguyên Trừng – người chế súng cho nhà Minh- con trưởng của Hồ Quý Ly bị bắt về Tàu, dù đã làm từng làm đến chức thượng thư bộ Công của nhà Minh, ông đã viết sách “Nam Ông mộng lục” để nhớ về nước Nam.
Qua những thăng trầm của lịch sử mà người Việt đã phải gánh chịu từ đàn anh phương bắc, nếu muốn tồn tại cũng như chúng ta đã và đang tồn tại, sự cảnh giác với người đàn anh tham lam luôn phải được duy trì.
Biển, đảo, đất của Việt Nam đã và đang bị xâm chiếm cũng như bị đe dọa cho âm mưu bành trướng và Hán hóa này! Chúng ta cảnh giác nhưng chúng ta phải làm gì để tồn tại!? Câu hỏi này dành cho các bạn trẻ cũng như hậu duệ của các bạn!
Trần Việt Bắc
11/2010

Ghi chú:
(1) Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC) hoàn tất năm Càn Long thứ 15 (1789) sau hai lần tu chính. Lần tu chính thứ 3 bắt đầu từ năm 1811. Năm 1842 là năm chính thức hoàn thành bộ sách này.
(2) Nguồn: h**p://w*w.dcvblogs.com/vuhuusan/2007/12/t-ca-namquan-dn-i-chilang-chau.html (3) Ghi chú số 13, trang 79: “Bản dịch của ông Devéria, Ðại Thanh Nhất Thống Chí (DTNTC) 大清一統志 (500 quyển, in năm 1764 theo lệnh của vua Càn Long, trọn bộ) , trong quyển La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois). l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris năm 1886”. 
(4) h**p://w*w.talawas.org/?p=18427
(5) Độc giả có thể dùng Google search với tên sách để mua từ Amazon hay đọc trực tiếp trong website dưới đây: h**p://books.google.com/books?id=QGDdkw250JMC&printsec=frontcover&dq=%22La+Fronti%C3%A8re+Sino-Annamite%22&source=bl&ots=u1YQ5S7DZu&sig=bANJkp2h5rJK9CnbJLdOkLwtixw&hl=en&ei=ljBWTOzIN4K4sQPIwd3aAg&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=4&ved=0CBsQ6AEwAw#v=onepage&q&f=false(6)Trong bài viết “Tìm hiểu về Ải Nam-Quan qua một vài tài-liệu nước ngoài”,
(Nguồn: h**p://w*w.danchu.net/ArticlesChinhLuan/Collection4/TruongNhanTuan4003.htm). Tác giả Trương Nhân Tuấn viết: Ghi chú : – “Lý”: đơn-vị đo chiều dài, có nhiều trị-số khác nhau. Ðơn-vị lý được Pháp dùng với Tàu để phân-định biên-giới Việt-Trung có chiều dài 560 mét. Lý “bình-thường”, dùng trong các sử sách như Ðại-Thanh Nhứt Thống Chí có chiều dài là 400 mét. Nhưng trong các bản-đồ do các nhà truyền-giáo Jésuites thiết-lập thì họ sử-dụng đường kinh-tuyến Bắc-Kinh (114° 49’ 30’’), đơn-vị lý được tính theo hải-lý (mille marin, dặm biển), mỗi hải-lý dài 10 lý. Tức 1 lý vào khoảng 185 mét.
(7) ĐNNTC nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4, trang 8 viết về tỉnh Quảng Yên (8) – “Lịch Sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG”cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân”. Tác giả TRƯƠNG NHÂN TUẤN Nguồn: h**p://w*w.talawas.org/?p=18427
(9) Đơn vị đo lường: 1 độ = 1 hải lý (nautical mile) tại xích đạo.
1 phút (cung -arc) = 1 hải lý = 1.85200 Km tại đường xích đạo. Một độ = 1.852 x 60 = 111.12 Km
1 giây (cung – arc) = 308.67 m
(10) Đời Đường, năm Nguyên Hòa : 806-820.
(11) Nguồn: đoạn này được trích dẫn trong bài viết “Đồng trụ nằm ở đâu” trong trang web“Lý học Đông phương” 
(12) Nguyên Hòa: Ghi chú số 9: “Niên hiệu Đường Hiến Tông nhà Đường (TQ), ( 778 – 820 ), dùng từ năm 806 đến năm 820”
(13) “Sông tả hữu” là Tả giang và Hữu giang ở Quảng Tây.
(14) Vùng đất thuộc huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang ngày nay
(15) Uất thủy: Thọ Linh giang, hay gọi tắt là Linh giang, sông Giang ở tỉnh Quảng Bình ngày nay. Có thuyết cho rằng Linh giang là sông Hương tỉnh Thừa Thiên – Huế
(16) Huyện Thọ Linh: ngày nay vẫn có địa danh này, thị xã, phía nam sông Gianh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên người viết phỏng đoán đây chỉ là sự trùng tên mà thôi, hoặc là người đời sau đặt tên cho một vùng đất có liên quan đến địa danh Thọ Linh. Tên Thọ Linh dùng trong Thủy Kính chú có khi nhà Tùy chiếm Lâm Ấp (năm 605- do Lưu Phương làm tướng)
(17) Đoạn dịch của dịch giả Tích Dã trong: hxxp://wxw.viethoc.org/phorum/read.php?10,6822
Nhà Tấn (265 – 420) gồm có Tây Tấn (265 – 316) và Đông Tấn (317- 420)
(18)Tấn thư viết vào thời nhà Đường do Phòng Huyền Linh (579 – 648) chủ biên
(19) Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328-1398)
(20) Họ Hoàng là một trong 5 thị tộc có thế lực của người Tráng tại Quảng Tây.
(21) ĐVSKTT: “Giáp Tý, /Anh Vũ Chiêu Thắng/ năm thứ 9 [1084] , (Tống Nguyên Phong năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 6, sai thi lang bộ Binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới.” Trại Vĩnh Bình đã có từ trước, toạ lạc tại huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, kế bên phía đông của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
(22) Phiên âm Hán Việt về Minh Thực Lục: “Thập nhị nguyệt Ất Dậu sóc, khiển hành nhân Trần Thành -Lã Nhượng sứ An Nam. Tiên thị, Tư Minh phủ thổ quan tri phủ Hoàng Quảng Thành tấu ngôn: “bản phủ tự cố Nguyên thiết trí Tư Minh châu, hậu cải Tư Minh lộ quân dân tổng quản phủ, sở hạt Tả giang nhất lộ châu huyện động trại đông chí Thượng Tư châu, nam chí đồng trụ. Nguyên binh chinh Giao Chỉ, khứ đồng trụ bách lí, lập Vĩnh Bình trại quân dân vạn hộ phủ, trí binh thú thủ, nhi mệnh Giao nhân cung cụ quân hướng. Nguyên quí nhiễu loạn, Giao nhân dĩ binh công phá Vĩnh Bình trại, toại Việt đồng trụ nhị bách dư lí, xâm đoạt Tư Minh thuộc địa Khâu Ô n -Như Ngao -Khánh Viễn – Uyên- Thác đẳng ngũ huyện, bức dân phụ chi, dĩ thị ngũ huyện tuế phú giai lệnh thổ quan đại thâu. Tiền giả, bản phủ thất lí vu trào triều, toại chí Giao nhân xâm bách ích thậm, cập cáo lễ bộ nhiệm thượng thư lập trạm vu Đồng Đăng, Đồng Đăng thực Tư Minh phủ địa, nhi Giao nhân nãi xưng thuộc đồng trụ giới. Thần thường cụ tấu, mông triều đình khiển hình bộ thượng thư dương tĩnh hạch thực kỳ sự, huống kim Kiến Vũ chí thượng hữu khả khảo , khất lệnh An Nam dĩ tiền ngũ huyện hoàn thần cựu phong, nhưng chỉ đồng trụ vi giới, thứ sử cương vực phục chính, tuế phú bất hư. Thượng lệnh hộ bộ cụ kỳ sở tấu, khiển thành đẳng vãng An Nam dụ hoàn chi”.
(23) Phiên âm Hán nôm: “Phân Mao lĩnh châu tây nam tam bách lục thập lý , dữ Giao Chỉ phân giới . Sơn lĩnh sinh mao, nam bắc dị hướng . Tương truyền Hán Mã Viện bình Giao Chỉ , lập đồng trụ kỳ hạ , dĩ biểu Hán giới . Đường An Nam đô hộ Mã Tổng diệc kiến nhị đồng trụ ,…” 
Nguyên văn: “分茅岭州西南三百六十里,与交趾分界。山岭生茅,南北异向。相传汉马援平交趾,立铜柱其下,以表汉界。唐安南都护马总亦建二铜柱,”
(24) Năm Nguyên Hòa: “Niên hiệu của Đường Hiến Tông nhà Đường (778 – 820 ), dùng từ năm 806 đến năm 820”
(25) Thời điểm này, nhà Đông Hán với một dải đất mênh mông cho khoảng 50 triệu dân! Chiếm đất cho sự “bành trướng” và “Hán hóa” những dân tộc chung quanh? Có lẽ các dân tộc lân bang của Hán đã có câu trả lời?! Lịch sử vẫn lập lại khi có cơ hội!!
(26) Nguồn: hxxp://books.google.com/books?id=ViSrAAAAIAAJ&pg=PA251&lpg=PA251&dq=Liu+Yung-fu+chuan&source=bl&ots=eJT7EI-meT&sig=A5khPR1LxkiADB2WdBwjrJ6uVL4&hl=en&ei=gNJQSo_8PIW2swPnudmqDQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=1#v=onepage&q=Liu%20Yung-fu%20chuan&f=false
(27) Nguồn: hxxp://wxw.historychina.net/cns/QSYJ/ZTYJ/GATZT/05/09/2005/6635.html “Lưu Vĩnh Phúc bình truyện” , Lý Can Phân (nv: một học giả của Trung Quốc, thời điểm 1962) Phiên âm Hán Việt: “Tha phụ thân Lưu Dĩ Lai thiên cư Khâm châu, Phòng Thành ti, Cổ Sâm古森 động dĩ tiền đích tổ phụ – tằng tổ phụ, thị Hán tộc, hậu lai phụ thân thảo liệu đương địa Trần thị vi mẫu. Trần thị, khán lai khả năng thị Tráng tộc, nhân vi Cổ Sâm động thị Tráng tộc tụ cư khu, Tống đại tằng tại Na Lý 那里 thiết lập Cổ Sâm động, dĩ đương địa Tráng nhân vi động quan, Minh sơ thiết lập NhưTích thổ tuần kiểm ti.” Nguyên Văn : 刘永福评传, 李干芬
“他父亲刘以来迁居钦州防城司古森洞以前的祖父 – 曾祖父,是汉族,后来父亲讨了当地陈氏为母。陈氏,看来可能是壮族,因为古森洞是壮族聚居区,宋代曾在那里设立古森洞,以当地壮人为洞官,明初设立如昔土巡检司。”
(28) Địa danh “Như Tích” đã có từ thời Lê Đại Hành – Lê Hoàn. ĐVSKTT: “Bính Thân, /Ứng Thiên/ năm thứ 3 [996] … Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâm Châu của Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng),”.
(29) Nguồn: hxxp://wxw.djbkw.com/paper/2009/0206/article_2007.html Phiên âm Hán Nôm:: “Lưu Vĩnh Phúc hoà tha đích Hắc Kỳ quân” Lưu Vĩnh Phúc nguyên tịch Quảng Tây Bác Bạch huyện , nhân gia trung bần cùng bất kham , tha đích phụ thân bả gia thiên đáo Quảng Đông Khâm châu (hiện thuộc Quảng Tây) Phòng Thành ty thuộc Cổ Sâm động Tiểu Phong hương . 1837niên , Lưu Vĩnh Phúc tựu xuất sinh tại giá lý . Hậu lai , tha môn hựu cử gia thiên di đáo Quảng Tây Thượng Tư châu”. Nguyên văn: “刘永福和他的黑旗军” 
刘永福原籍广西博白县,因家中贫穷不堪,他的父亲把家迁到广东钦州(现属广西)防城司属古森洞小峰乡。1837年,刘永福就出生在这里。后来,他们又举家迁移到广西上思州。” 
(30) Nguồn: hxxp://wxw.lantianyu.net/pdf52/ts067037.htm
Phiên âm Hán Nôm: “Ái quốc chủ nghĩa giáo dục tùng thư :Hắc Kỳ quân
Nhất – “Hắc Hổ tướng quân” Lưu Vĩnh Phúc Lưu Vĩnh Phúc 1837 niên xuất sinh vu Quảng Đông Cổ Sâm động Tiểu Phong hương (kim Quảng Tây Tráng tộc tự trị khu Phòng Thành huyện nội) . Do vu gia cảnh bần cùng, 5 tuế thời, Lưu Vĩnh Phúc tựu tuỳ khán ba ba mụ mụ thiên di đáo liệu Quảng Tây Thượng Tư châu cảnh nội”.

Nguyên văn: 爱国主义教育丛书:黑旗军
一 – “黑虎将军”刘永福
刘永福 1837 年出生于广东古森洞小峰乡(今广西壮族自治区防城县 内)
由于家境贫穷,5 岁时,刘永福就随着 爸爸妈妈迁移到了广西上思州 境内。
(31) “Phòng Thành huyện nội” : huyện Phòng Thành (nay thuộc Phòng Thành Cảng thị) là một đơn vị hành chính, một vùng đất kéo dài tới kế biên giới Việt Nam, gồm cả thị trấn Đông Hưng. “Phòng Thành huyện nội” tọa lạc tại đâu trong huyện Phòng Thành? Có một bài viết trong trang web: hxxp://u.nndv.cn/space.php?uid=967&do=thread&id=1099Bài viết này với hình ảnh của những biến cố trong thị trấn Phòng Thành “Cương hoạch đắc giải phóng đích Phòng Thành huyện nội nhất cảnh (刚获得解放的防城县内一景)”, vì thế người viết tạm kết luận “Phòng Thành huyện nội” là thị trấn Phòng Thành.
(32) Nguồn: hxxp://zh.wikisource.org/zh-hans/%E8%AE%80%E5%8F%B2%E6%96%B9%E8%BC%BF%E7%B4%80%E8%A6%81/%E5%8D%B7%E4%B8%80%E7%99%BE%E5%9B%9BBộ sách “Độc sử phương dư kỷ yếu(读史方舆纪要 gồm 130 quyển, soạn trong 20 năm) do Cố Tổ Vũ (1631- 1692) người tỉnh Giang Tô làm chủ biên, sách viết dưới thời Thuận Trị và đầu thời Khang Hi, sách có trước sách Đại Thanh Nhất Thống chí.
(33) Phiên dịch Hán Nôm: “ [Chí] vân :châu tây nam hữu Ná Tô ải, kỳ đông nam viết Nhẫm Quân ải, hựu đông hữu Ná Long ải, ải ngoại tức Giao Chỉ cảnh, gian dân thông phiên giả suất do thử. Kim phế. Như Tích trại châu tây bách lục thập lý (160 dặm). Liên Tả Hữu lưỡng giang khê động, tiếp Giao Chỉ giới. Trại cư đại sơn chi điên (đỉnh núi), thế thậm hiểm trở. Tống trí động trưởng quản hạt Thì La – Thiếp Lãng đẳng thất động. Thiên Hi (1190) gian, tuế điều binh thủ chi. Nguyên nhân kỳ chế. Chí Chính thập nhị niên (cuối đời Nhà Nguyên- 1352) trung, trí tuần ty vu Như Tích trại. Tuyên Đức nhị niên (1427), thổ tù Hoàng Kim Quảng, lưỡng giang động tặc Hoàng Thánh Hứa khấu Khâm châu cập Linh Sơn – An Viễn nhị huyện, vu thị Thì La – Thiếp Lãng thất động nhân dân vong tán đãi tận.” 
Nguyên văn : 。《志》云:州西南有那苏隘,其东南曰稔均隘,又东有那隆隘,隘外即交趾境,奸民通番者率由此。今废。如昔寨州西百六十里。连左右两江溪洞,接交趾界。寨据大山之巅,势甚险阻。宋置峒长管辖时罗 – 贴浪等七峒。天禧间,岁调兵守之。元因其制。至正十二年,两江峒贼黄圣许寇钦州及灵山 – 安远二县,于是时罗 – 帖浪七峒人民亡散殆尽。
(34) Phiên âm Hán Nôm: “Mạc Đăng Dung hàng, qui Tư Lẫm – Kim Lặc – Cổ Sâm – Liễu Cát tứ động địa, vu thị thuỷ phục cố cảnh. 《chí 》vân :Thiếp Lãng động, tại Thiếp Lãng đô Tư Nha thôn. Tương cận vi Tư Lẫm động, tại Tư Lẫm thôn. Hựu tây vi Cổ Sâm động. Kỳ Thì La động tại Thì La đô, Như Tích động tại Như Tích đô Tư Lặc thôn, tương cận giả vi Bác Thị động, tại Liễu Cát thôn, Giám Sơn động tại La Phù thôn. Sở vị thất động dã.”
(35) Nguồn: hxxp://sinosurname.spaces.live.com/blog/cns!77B02AA5FAAB9CAD!4691.entryĐoạn văn liên quan đến đô Thì La được phiên âm Hán nôm như sau: “từ đường của Huyên Thuần Vư 禤纯旺) toạ lạc tại Thì La đô (kim Quảng Đông Phòng Thành cảng Phòng Thành trấn ) Duyên giang nhai biên đích Mai lĩnh nam trắc” . 
Nguyên văn: “祠座落在时罗都(今广东防城港防城镇)沿江街边的梅岭南侧”
(36) Nguồn: hxxp://qkzz.net/article/85850810-6187-48e3-ba65-d099ad1a999b.htm
Phiên âm Hán Nôm: “Khâm Châu tây bộ đích địa phương sử dư đô động chi dân tổ tiên ký ức đích sáng chế” “…Minh sơ thiết tuân hoá hương , hạ thiết tam đô: Thì La – Thiếp Lãng – Như Tích . Tại Gia Tĩnh [Khâm Châu chí] trung , thất động chi danh nhất nhất toạ thực , phân biệt vi : Bác Thị – Giám Sơn – Thiếp Lãng – Thì La – Tư Lẫm – Như Tích – Cổ Sâm . Đương thời tình hình thị tam đô chi hạ thống thất động , Thì La đô thống Thì La , Thiếp Lãng đô thống Thiếp Lãng – Tư Lẫm – Cổ Sâm , Như Tích đô thống Như Tích – Bác Thị – Giám Sơn . Tuyên Đức nhị niên (1427), Như Tích đô dân Hoàng Kim Quảng suất Như Tích đô hạ Giám Sơn – Bác Thị , Thiếp Lãng đô hạ Tư Lẫm – Cổ Sâm tứ động bạn phụ An Nam , Như Tích động nãi Như Tích đô chi sở tại , sử tịch tuy chỉ tứ động bạn phụ , đản Như Tích động thực tế thượng dã tại bạn phụ địa khu chi nội . Thử tứ động vị trí đại khái tại kimPhòng Thành giang dĩ tây – Ná Thoa trấn dĩ nam đích vị trí . Gia Tĩnh thập cửu niên (1540) An Nam Mạc Đăng Dung thỉnh qui tứ động , tại thử hậu đích ký tải trung , Như Tích bị Tư Lặc đại thế , Bác Thị diệc cải xưng Hà Châu (diệc xưng Nha Cát – A Cát – Cát Nguyên) (Liễu Cát), Giám Sơn cải xưng La Phù , Tư Lẫm – Cổ Sâm danh xưng chiếu cựu . đô động chi danh nhất trực duyên dụng chí Thanh mạt… “.
(37) Năm 1427, ông lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đang làm chủ tình thế gần như tòan cõi nước Việt. Cuối năm 1427, quân đô hộ nhà Minh đầu hàng, Việt Nam lấy lại nền tự chủ.
(38) Tài liệu Trung Hoa viết là Nha Cát 丫葛, ĐVSKTT viết là Liễu Cát 了葛, hai chữ “Nha丫” và “Liễu了” viết gần giống nhau nếu viết nét thảo, có thể bị lầm trong vấn đề sao chép. Người viết dùng chữ Liễu Cát theo như sử Việt.
(39) ĐVSK TT viết: “Năm Canh Tý (1540), mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung … nộp các động Tê Phù 澌浮, Kim Lặc 金勒, Cổ Sâm 古森, Liễu Cát 了葛, An Lương 安良, La Phù 羅 浮của Châu Vĩnh An 永安州trấn Yên Quảng cho xin nội thuộc, lệ vào Khâm Châu 欽州 “. Người viết có nhận xét là động Tư Lẫm có lẽ cũng là động Tê Phù, Hán tự chữ 澌 phiên âm là “Tê hay “Tư “.
(40) Nguồn: hxxp://wxw.historykingdom.com/read.php?tid=41585
Phiên âm Hán Nôm: “Khâm Liêm phương chí” Đích phàm lệ môn mục dữ Minh Thanh thời kỳ đích biên dân xã hội “… Kỳ địa tại Khâm châu tây nam Cổ Sâm động địa phương , bao khoả vu Thập Vạn đại sơn chi trung , quảng mậu tương cận bách lý , “xuân hạ chướng lệ tối thậm , nhân hoạn hoàng thũng đại đỗ , nãi thuỷ thổ cực ác chi khu . ” án 《thông chí 》tải :kỳ địa vi Khâm biên tận giới , dữ Quảng Tây Thượng Tư châu – An Nam Cổ Sâm hàtiếp nhưỡng , nhi các bất tương thuộc . Chí vân :“tục xưng Quảng Đông bất yếu – Quảng Tây bất yếu , An Nam bất yếu . Dĩ hoang tịch hiểm trở , nan dĩ thống hạt . ” Đản sự quan cương giới chủ quyền , khởi khả sơ lược vô tải ?! Khâm chí ký viết :“Ung Chính lục niên (Mậu Thân , 1728) xuân nhị nguyệt , đốc phủ hội sớ , thỉnh quy Khâm châu , tựu cận Phù Tuy .” …”
Nguyên văn: “钦廉方志的凡例门目与明清时期的边民社会
…其地在钦州西南古森洞地方,包裹于十万大山之中,广 袤将近百里,“春夏瘴疠最甚,人患黄肿大肚,乃水土极恶之区。”按《通志》载:其 地为钦边尽界,与广西上思州、安南古森河接壤,而各不相属。志云:“俗称广东不要 – 广西不要,安南不要。以荒僻险阻,难以统辖。”但事关疆界主权,岂可疏略无载?! 钦志记曰:“雍正六年(戊申,1728)春二月,督抚会疏,请归钦州,就近抚绥。
(41) Đơn vị “lý” thời nhà Thanh trong khoảng từ 462.00m –503.89m, 100 “lý” (dặm) khoảng 50Km
Nguồn: hxxp://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_units_of_measurement
(42) Phù Tuy (Fusui 玞绥 ), tên cũ là Tân Ninh nằm tại phía tây tây nam tỉnh Nam Ninh (khoảng 100km). Huyện Phù Tuy thuộc Sùng Tả thị ngày nay
(43) Huyện Thượng Tư thuộc Phòng Thành Cảng thị ngày nay
(44) Nguồn: hxxp://luangongquan.bokee.com/viewdiary.14297360.html Phiên âm Hán Nôm: “Trung Việt biên giới đích biến thiên” “Gia Tĩnh nhị niên (1523 Minh Thế Tông) , Việt Nam phát sinh nội loạn , An Nam (anh) Mạc Đăng Dung hướng Minh thỉnh hàng , tướng tứ động chi địa (kim Quảng Tây đích Bắc Luân hà dĩ bắc nhất trực đáo Quảng Tây đích Giang Bình )hoàn cấp Trung Quốc , kỳ trung其中, Kim Lặc 金勒 dĩ Đàm Lân hà 谭鳞河, Liễu Cát dĩ Mang Khê hà 芒溪河, Tư Lẫm dĩ Tam Kỳ hà 三歧河 , Cổ Sâm dĩ Cổ Sâm hà 古森河vi giới , …” .
(45) Toàn bản đồ: trang 492, sách đã dẫn, web site: hxxp://wxw.archive.org/stream/histoiredelinter00roma#page/n9/mode/2up
(46) Sông Ngư Hồng:
UserPostedImage
47) Hựu Ngư Hồng giang, tại châu tây nhị thập lý, xuất tây bắc An Kinh sơn chi dương. 
又渔洪江,在州西二十里,出西北安京山之阳。
An Kinh sơn ở An Kinh huyện . An Kinh huyện là tên của Khâm châu thời nhà Tùy
(48) Sông Phượng Hoàng:
UserPostedImage
(49) Phiên âm Hán Nôm: “Châu tây tam thập lý hựu hữu Phượng Hoàng giang, lưu hội Ngư Hồng giang.”
州西三十里又有凤凰江,流会鱼洪江
(50) Sông Ná Lãng:
UserPostedImage
(51) Nguồn: hxxp://wxw.kemap.net/map/UploadPic/2008-3/200831011214084434.jpg và bản đồ đính kèm: những địa danh với chữ “Ná” (hay “Na”, “Nà”) với hình bầu dục bao quanh được ghi thêm bởi người viết: hxxp://lh4.ggpht.com/_Kvf9I0nZIAI/TLj-w2e4goI/AAAAAAAAAa8/37RTAOOi4yw/DongHung-DiaDanh-Na.jpg
(52) Sông Đoàn Lãng:
UserPostedImage
(53) Lịch triều hiến chương, phần Bang giao chí đã trích lời trong tờ biểu nhà Mạc dâng vua Minh năm 1540 : “còn như việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích và Thiếp Lãng là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông, nếu quả thực như lời ấy thì đó lại là cái lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin trao trả lại để thuộc về Khâm Châu”
(54)Nguồn (với độ phân giải cao): 
hxxp://vi.wikipidia.org/wiki/T% E1%BA%ADp_tin:Paklung413.jpg
(54) Phiên âm Hán Nôm: “Phân Mao lĩnh châu tây nam tam bách lục thập (360) lý, dữ Giao Chỉ phân giới”
Nguyên văn: ” 分茅岭州西南三百六十里,与交趾分界。”
(55) Nguồn: wxw.bhlib.com/bhwenshi/13-06.doc
(56) Phiên âm Hán Nôm từ nguyên văn : “Đáo liễu Thanh triều Càn Long niên vấn , Liêm châu tri phủ Chu Thạc Huân bút ký đề cung liễu hữu quan “Phân Mao đồng trụ ” giảo vi tường tận đích tư liệu :“Liêm quận kim thạch , dĩ Phục Ba đồng trụ vi tối trứ . Trụ tại Khâm Châu trị tây Thiếp Lãng (贴浪) Cổ Sâm động (nguyên bản viết là 垌, phiên âm là “trợ”, có lẽ đây là lỗi đả tự, phải là 洞, phiên âm là “động”) , Hán Phục Ba tướng quân bình Giao Chỉ , lập đồng trụ dĩ biểu Hán giới , tức cổ Hợp Phố quận giới . Đề nhật ‘đồng trụ chiết , Giao Chỉ diệt ’ Giao nhân cụ , tuế dĩ thổ bồi chi . Minh Vạn Lịch nhị thập tứ niên , hữuThiếp Lãng động, Đổng Triều Hội tằng chí Phân Mao lĩnh , thân kiến lĩnh thượng mao nam bắc phân phi , Giao nhân niên niên bồi thổ dĩ trụ , kim cao bất mãn trượng , trụ thượng tự tích mạc chí , Sùng Trinh cửu niên , tuần đạo Trương Quốc Kinh khiển động trưởng Hoàng Thủ Nhân phỏng đắc chi . ” (Dân Quốc bản [Hợp Phố huyện chí •nghệ văn chí ])
(57) Nhận xét về địa danh Thiếp Lãng:
Thiếp Lãng trong ĐTNTC (in lại trong sách của Devéria ) in lại là 貼 浪 Thiếp Lãng trong bài viết “Kim thạch bi kiệt”” này là 贴浪
Chiêm Lãng trong các tài liệu tiếng Việt, nếu chuyển ngữ là 蛅 浪.
Người viết phỏng đoán các chữ này cùng viết hay nói về một vùng đất.
(58) Hình “mao thảo” hay cỏ tranh: hxxp://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/85/JapaneseBloodGrass2.JPG/220px-JapaneseBloodGrass2.JPG
(59) Ngoại trừ một “làng, bản” có tên là “Mao Bình – 茅平”, kế biên giới Việt Nam ngày nay, cách châu Khâm 115 km kế biên giới Việt Nam (cách Móng Cái khoảng 20Km về hướng tây bắc) không nằm chung với nhóm này.
(60) Nguồn: “hxxp://wxw.kemap.net/map/UploadPic/2008-3/200831011214084434.jpg
(62)Nhận định qua bài viết “Giao Chỉ và Tượng quận” của cùng tác giả
(63) Nguồn: “http://www.kemap.net/map/UploadPic/2008-3/200831011214084434.jpg
(64) Phiên âm Hán Nôm: “Hựu Như Hồng trấn, diệc tại châu tây nam. Tống chí Đạo Nguyên niên, Giao Chỉ Lê Hoàn khấu Khâm châu Như Hồng trấn. Như Hồng, hoặc viết tức Ngư Hồng chi ngoa dã. Minh Vĩnh Lạc thất niên (1409), Giao Chỉ tặc thuyền kiếp lược Khâm châu Ngư Hồng thôn, quan quân truy chí Giao Chỉ Vạn Ninh huyện hải thượng, ngộ tặc châu, tận cầm chi.” Nguyên văn: “又如洪镇,亦在州西南。宋至道元年,交趾黎桓寇钦州如洪镇。如洪,或曰即鱼洪之讹也。明永乐七年,交趾贼船劫掠钦州鱼洪村,官军追至交趾万宁县海上,遇贼舟,尽擒之”.
(65) ĐVSKTT viết về biến cố này là ” Ất Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 2 /995/ , (Tống Chí Đạo năm thứ 1″. Tra cứu theo biên niên sử của Trung Hoa thì đây là năm Chí Đạo. Có lẽ sách ĐSPDKY của Cố Tổ Vũ viết lầm!
(66) Châu Vĩnh An : là trấn Triều Dương cũ. Châu Vạn Ninh là châu đã có từ trước; các động do Hoàng Kim Quảng xin nhập nào Việt Nam năm 1427 được nhà Lê cho lệ thuộc vào châu này. Ghi chú trong ĐVSKTT: ” Châu Vạn Ninh : sau là phủ Hải Ninh, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. “
(67) Sùng Trinh đế Chu Do Kiểm thắt cổ tự tử tháng 4 năm 1644; khi Sấm Vương Lý Tự Thành kéo quân về Bắc Kinh. Vì Ngô Tam Quế giúp, nên nhà Thanh chiếm được Bắc Kinh và làm chủ Trung Hoa từ tháng 10 năm 1644.
(68) Vùng Quy Thuận gồm hai châu Quy Hoá (归化) và Thuận An (顺安) hợp lại từ thế kỷ 13 thời nhà Tống , vùng này nằm kế phía bắc của tỉnh Cao Bằng. Thị trấn chính của vùng này là Tịnh Tây ( Jingxi 靖西). Quy Thuận châu chí : “… Quy Thuận châu , Tống trí ;Minh Vĩnh Lạc thuộc Trấn An phủ , hoằng trị cải trí Quy Thuận thổ châu ;Thanh sơ thuộc Tư Ân phủ , Ung Chính cải thổ quy lưu”
(69) KĐVSTGCM: “từ năm Gia Tĩnh thứ 7 (1528) đến năm thứ 17 (1538), trải hàng 10 năm chưa từng có sứ đi thông hiếu, thế mà sử cũ, ở năm Gia Tĩnh thứ 7, đã vội chép rằng “Đăng Dung tính chuyện cắt đất dâng nộp hai châu Quy, Thuận, từ đó Nam, Bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu “. Về việc này, những điểm sử cũ chép đó điều xa sự thực, nên nay rút bớt đi mà chép phụ vào đây để tham khảo.”
(70) Ming Shi Lu ( Minh Thực Lục, Thế Tông Thực Lục, năm Gia Tĩnh” . Bản dịch Anh ngữ trong trang web sau:
http://epress.nus.edu.sg/msl/entry/2568
(71) Tham khảo tài liệu từ sách “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm” của Lâm Hán Đạt và Tào Dự Chương, nhà xuất bả n Trẻ, tập 3, trang 342,
(72) Nguyên xướng của Mao Bá Ôn là: 
Vịnh Cánh Bèo: Tùy điền trục thủy mạo ương châm
Ðáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu bản căn không hữu cán
Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm
Ðồ trừ tự xứ minh tri tán
Ðản thức phù thì ná thức trầm
Ðại để trung thiên phong khí ác Tảo qui hồ hải tiện nan tầm. 

Lược dịch: Ruộng nước lênh đênh nhỏ tựa kim
Nơi nơi trông thấy mọc nông mèm
Ðã không cành cỗi còn không gốc
Dám có rễ mầm lại có tim
Nào biết nơi tan duy biết tụ
Chỉ hay khi nổi nọ hay chìm
Giữa trời giông tố thình lình nổi Quét bạt ra khơi hết kế tìm. 

Ðại biểu nhà Mạc đã trả lời: Cẩm lân mật mật bất dung châm
Ðối diệp liên căn bất kế thâm
Thượng dữ bạch vân tranh thủy diện
Khẳng giao hồng nhật chiếu ba tâm
Thiên tùng lãng đả thanh nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Ða thiểu ngư long tàng giá lý Thái công vô kế hạ câu tầm. 

Lược dịch: Vẫy gấm khen dầy chẳng lọt kim
Lá liền dễ mọc kệ nông mèm
Mây bạc không cho soi thủy diện
Ánh hồng đâu dễ rọi ba tâm
Sóng dồn ngàn lớp không xô vỡ
Gió rập muôn cơn khó đánh chìm
Rồng cá ít nhiều nương dưới đó Cần câu Lã Vọng hết mong chờ. 

(73) Dù rằng sau khi con cháu nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng (1593), rồi chạy sang Quảng Tây (Long Châu), họ chỉ “mách” với nhà Minh về việc chúa Trịnh tiếm quyền , chứ không cầu cứu để nhà Minh mang quân vào Việt Nam (lúc này nhà Minh đang suy vong): ĐVSKTT: “Bính Thân, [Quang Hưng] năm thứ 19 [1596] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 24). ..Bấy giờ bề tôi họ Mạc lắm quỷ kế, tố cáo với nhà Minh rằng: Quân nhà Lê chính là họ Trịnh tranh cường, dấy binh đánh giết bề tôi thần phục của thượng quốc cùng con cháu họ Mạc, thực không phải là quân trung hưng của con cháu nhà Lê. Vì thế, nhà Minh nhiều lần sai sứ qua cửa Trấn Nam Giao, mang điệp văn sang nước ta hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực là con cháu nhà Lê hay không”.
(74) Lấy một trường hợp làm thí dụ: đảo Hawaii thành một tiểu bang của Hoa Kỳ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1959 với tỷ lệ 17/1, đảo quốc này đã trở thành một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ.
(75) ĐVSKTT: “Kỷ Hợi, [Nguyên Hoà] năm thứ 7 [1539] , (Mạc Đại Chính năm thứ 10; Minh Gia Tĩnh năm thứ 18). Vua phong đại tướng quân Trịnh Kiểm làm Dực [3a] quận công, (người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc2393 ), Trịnh Công Năng làm Tuyên quận công, Lại Thế Vinh làm Hoà quận công. Bọn Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công, Thuỵ quận công, Nghi quận công đều được ban ấn coi quân, sai đem quân bản bộ tiến đánh các nơi để lo lấy lại Tây Kinh (nv: Lam Sơn), khí thế quân sĩ mạnh thêm. Sau tiến đánh huyện Lôi Dương, quân Mạc phần nhiều bị thua, rồi đem quân về”.

Không có nhận xét nào: