Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

"Ngư ông" Việt đắc lợi...tuyên bố cứng rắn ủng hộ Tòa; Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc; Trước phán quyết của Tòa Án Quốc tế: Tập Cận Bình ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng khai chiến; "Hãy giúp Trung Quốc tìm ra lối rút đường lưỡi bò trong danh dự"; Tân Hoa Xã: Phán quyết vụ kiện biển Đông của PCA vô giá trị

TRỰC TIẾP Phản ứng các nước về phán quyết PCA

16:25Tin Mới Nhất



Tòa quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Tòa kết luận không có căn cứ pháp l‎ý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong ‘đường chín đoạn’,” theo thông cáo của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.
"Tòa xác định rằng, mặc dù các nhà hàng hải TQ và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy từ các Quốc gia khác, đã từng trong lịch sử sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam Trung Hoa, hiện không hề có chứng cứ gì rằng Trung Quốc đã thực thi về mặt lịch sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên. Vì thế, Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn.”
Trung Quốc đã ra phản ứng, nói phán quyết “vô căn cứ”.

Tân Hoa Xã nói phán quyết “không có giá trị”. Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói: “Toà trọng tài không có quyền tài phán, Trung Quốc không chấp nhận, cũng không công nhận.”
Philippe Sands, một luật sư cho Philippines trong vụ kiện, nói đây là “phán quyết rõ ràng và thống nhất ủng hộ pháp quyền và chủ quyền của Philippines”.
Trong văn bản 497 trang, các quan tòa nói các tàu chấp pháp Trung Quốc gây rủi ro đụng chạm với tàu đánh cá Philippines trong vùng biển và việc xây dựng của Trung Quốc gây thiệt hại vô kể với các rạn san hô.
Nhật Bản tuyên bố phán quyết của tòa án ở Hague là mang tính chung cuộc, ràng buộc pháp l‎ý, yêu cầu các bên liên quan tới vụ kiện thực hiện theo quyết định này.
Ngoại trưởng Fumio Kishida nói trong thông cáo rằng Nhật Bản đã luôn ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
"Đường Chín Đoạn" là gì?
Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khoảng trên 85% diện tích Biển Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển này.
"Đường Chín Đoạn" chạy có những chỗ cách xa khỏi Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển Philippines, Malaysia và Việt Nam vài trăm cây số.
"Đường Chín Đoạn" ban đầu xuất hiện trên một bản đồ của Trung Quốc hồi 1947 với 11 đoạn đứt quãng, khi lực lượng hải quân của Trung Hoa Dân Quốc thuộc Quốc Dân đảng khi đó kiểm soát được một số đảo vốn do Nhật chiếm đóng trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai.
Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Quốc Dân đảng phải bỏ chạy ra Đài Loan, chính quyền cộng sản đã tự tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa kế toàn bộ các tuyên bố về biển đảo của nước này trong khu vực.
Sau đó, đầu thập niên 1950, hai "đoạn đứt quãng" được bỏ đi ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như một hành động thân thiện của Bắc Kinh với chính quyền miền Bắc Việt Nam.
PCA là tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất thế giới, chuyên xử lý các vụ tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp trọng tài "và các biện pháp hoà bình khác".
PCA được thành lập năm 1899 trong Hội nghị Hoà bình Hague, do Sa Hoàng Đệ Nhị của Nga tổ chức. Cơ quan này dẫn chiếu tới các hợp đồng, các thoả thuận đặc biệt, và nhiều hiệp ước khác nhau của Liên hợp quốc để phân xử tranh chấp.
PCA cũng hiện diện thường trực tại Mauritius, và có thể tiến hành các phiên tranh tụng trên toàn thế giới.

18:29



Phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/7:
Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

18:22



Một ngày bận rộng cho BBC: ba phóng viên tường thuật cho BBC World TV: Hồng Nga từ The Hague, Jonah Fisher từ Manila và Stephen McDonell từ Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

17:55



Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/7:

Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về phán quyết của Tòa trọng tài vụ Nam Hải thành lập theo yêu cầu của Nước Cộng hòa Philippines:

Về việc Tòa trọng tài vụ Nam Hải thành lập theo yêu cầu đơn phương của Philippines (gọi tắt là Tòa trọng tài) ngày 12/7/2016 đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố, phán quyết này là vô hiệu, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận.

Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về quyền tài phán và vấn đề có thể thụ lý. Chính phủ Trung Quốc lập tức tuyên bố phán quyết này là vô hiệu, không có sức ràng buộc, lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán.

Mục đích của việc Philippines đơn phương đưa vấn đề lên trọng tài là ác ý, không phải là để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, cũng không phải là giữ gìn hoà bình và ổn định trên Nam Hải, mà là để phủ định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải, hành vi đưa lên trọng tài của Philippines là vi phạm luật pháp quốc tế.

Hành vi và phán quyết của Toà trọng tài đã trái ngược nghiêm trọng với thực tiễn thông thường của Toà trọng tài quốc tế, trái ngược hoàn toàn với mục đích và tôn chỉ thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển", phương hại nghiêm trọng tính hoàn chỉnh và uy tín của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển", xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc với tư cách là nhà nước chủ quyền và nước ký kết "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển", là phán quyết không công bằng và bất hợp pháp.

Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải không bị ảnh hưởng bởi phán quyền của trọng tài trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc phản đối và không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết trọng tài này.

Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định, về tranh chấp vấn đề lãnh thổ và hoạch định biên giới trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào áp đặt Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn tắc cơ bản của quan hệ quốc tế được xác định trong "Hiến chương Liên Hợp Quốc", giải quyết tranh chấp hữu quan trên Nam hải, thông qua đàm phán và hiệp thương, giữ gìn hoà bình và ổn định trên Nam Hải.”

17:51



17:51



Chỉ công dân Trung Quốc mới được đi tour ra Hoàng Sa.
Trung Quốc ngay từ đầu đã nói không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ và từ một thời gian qua đã tổ chức cho du khách ra Hoàng Sa.
Một số chuyến bay dân sự thử nghiệm từ Hải Khẩu, Hải Nam cũng được tổ chức ra sân bay mới tôn tạo ở Trường Sa.

17:31Tin Mới Nhất




Sau khi có phán quyết của tòa ở Hague, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố chính thức:
“Để tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải, tăng cường hợp tác giữa các nước tại Nam Hải, giữ gìn hoà bình và ổn định của Nam Hải, Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra Tuyên bố:
Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa. Nhân dân Trung Quốc đã có hơn 2000 năm lịch sử hoạt động tại Nam Hải. Trung Quốc là nước phát hiện, đặt tên và khai thác tận dụng sớm nhất các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, thi hành chủ quyền và quyền quản lý sớm nhất, liên tục, hoà bình và hiệu quả đối với các đảo trên Nam Hải và vùng biển liên quan, đã xác lập chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi liên quan tại Nam Hải.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Chính phủ Trung Quốc năm 1947 đã biên soạn "Địa lý chí lược các đảo Nam Hải" và vẽ bản đồ "Vị trí các đảo Nam Hải" trên các đoạn đứt khúc, đồng thời chính thức công bố trước thế giới vào tháng 2/1948.
Từ khi thành lập vào ngày 1/10/1949 đến nay, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải. Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải bao gồm:
1/ Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Nam Hải, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đẩo Nam Sa;
2/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp;
3/ Các đảo trên Nam Hải của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;
4/ Trung Quốc có quyền lợi mang tính lịch sử tại Nam Hải.
Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối một số nước xâm chiếm trái phép một số đảo và bãi đá thuộc Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, cũng như hành vi xâm phạm quyền quản lý vùng biển liên quan của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cùng với nước đương sự liên quan trực tiếp giải quyết hoà bình tranh chấp liên quan trên Nam Hải thông qua đàm phán và hiệp thương dựa theo luật pháp quốc tế trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử.

Trung Quốc tôn trọng và ủng hộ các nước được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Nam Hải theo luật pháp quốc tế.”

17:27



Cảnh phản ứng của một số nhà hoạt động Philippines tại Manila sau khi có tin về phán quyết của tòa.

17:19



Nhắc lại vụ kiện Philippines về Đường Lưỡi Bò:
"Philippines đưa vụ kiện 'đường chín đoạn' ra Tòa Trọng tài năm 2013.
Họ cáo buộc Trung Quốc cấm đánh bắt cá, nạo vét để bồi đắp đảo nhân tạo và gây nguy hiểm cho tàu bè tại Biển Đông.
Họ cũng yêu cầu tòa bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về 'đường chín đoạn', chiếm giữ 90% Biển Nam Hải (Biển Đông), trên bản đồ chính thức của Trung Quốc.
Theo nhà báo và cũng là nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton, phần lớn vụ kiện là yêu cầu tòa án ra phán quyết về những tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia tại Biển Đông.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã viết một loạt bài trên các báo tiếng Anh chỉ rõ lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.
Trung Quốc cho biết khoảng 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ rằng nên bác phán quyết của tòa, nhưng chỉ một vài nước tuyên bố ủng hộ họ công khai."

17:11



Phóng viên BBC Jonah Fischer từ Manila: "Nay Trung Quốc chắc chắn lo sợ Việt Nam cũng sẽ làm theo Philippines là đem một vụ kiện ra Tòa."

17:11



Phóng viên Jonah Fischer của BBC từ Manila: "Phán quyết của Tòa Trọng tài là một cú giáng mạnh vào Trung Quốc."
"Không chỉ Đường Chín Đoạn bị bác bỏ mà Tòa còn nói rằng các cấu trúc (features) Trung Quốc xây trên Biển Đông không tạo ra cơ sở để có chủ quyền. Đây là thắng lợi lớn cho Philippines."
( BBC )

Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc

12/07/2016 15:52 GMT+7
TTO - Tòa Trọng tài thường trực (PCA) công bố kết quả phán quyết vụ kiện biển Đông, tuyên bố đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý. 
Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc
Một nhóm người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm PCA công bố phán quyết - Ảnh: /Rappler
Theo ABS-CBN, Tòa trọng tài tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tòa Trọng tài tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Và tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông.
Thông cáo của PCA nêu rõ: “Tòa Trọng tài kết luận rằng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định nước này có quyền lịch sử đối với các tài nguyên, theo các quyền được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ở các khu vực biển trong phạm vi đường lưỡi bò”.
Theo thông cáo báo chí của PCA, Tòa Trọng tài kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá” hợp pháp, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
Báo Rappler của Phillippines cho biết Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ không tổ chức bất kỳ buổi lễ nào để công bố kết quả phán quyết. PCA cho biết Tòa sẽ chuyển kết quả phán quyết cho các bên liên quan trước khi công bố rộng rãi cho công chúng.
Xuất hiện tại họp báo ở Philippines, ngoại trưởng Philippines nói rằng các chuyên gia Philippines sẽ nghiên cứu kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài. “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế,” ông nói.
Ngoại trưởng Philippines nói thêm ông hoan nghênh kết quả phán quyết có lợi cho Philippines.
Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc
Các phóng viên tập trung ở trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines tại Manila để tham gia buổi họp báo - Ảnh: ABS-CBN News
Trước thời điểm công bố, trang web của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan (pcacases.com) tổ chức công bố kết quả phán quyết. Trang web này đang trong tình trạng không thể truy cập được vì quá tải.
Tại Manila, Bộ Ngoại giao Philippines đã tổ chức họp báo về vụ việc. Trong phòng họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines ở thủ đô Manila, một phóng viên cho biết chưa bao giờ nhìn thấy quang cảnh đông đúc đến vậy.
Anh Chino Leyco, phóng viên của tờ Manila Bulletin, chia sẻ với Tuổi Trẻ dù phụ trách mảng kinh tế nhưng anh vẫn rất quan tâm đến kết quả phán quyết của Tòa trọng tài.
Chino cho hay đồng nghiệp theo dõi mảng đối ngoại ở báo anh đang tập trung đợi chờ phán quyết để cung cấp thông tin kịp thời cho bạn đọc quan tâm.
Chino cho biết Ngoại trưởng Philippines Yasay chuẩn bị tổ chức họp báo để ra tuyên bố của nước này về kết quả phán quyết.
Từ thủ đô Kuala Lumpur, anh Amirn Fareed Rahim, phụ trách mảng chính trị của tập đoàn cố vấn KRA, cho biết Bộ Ngoại giao Malaysia đang theo dõi sát sao kết quả phán quyết.
Amir dự đoán Philippines sẽ dành thắng lợi và đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ được Tòa tuyên bố không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, Amir cũng cho rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết và vận động hành lang một số quốc gia trong khối ASEAN trì hoãn công bố kết quả phán quyết.
Amir cũng dự đoán một số cường quốc như Mỹ và Nhật sẽ ra tuyên bố ủng hộ kết quả phiên tòa.
Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc
Diễn biến vụ kiện
QUỲNH TRUNG







"Hãy giúp Trung Quốc tìm ra lối rút đường lưỡi bò trong danh dự"


(GDVN) - Có rất nhiều bằng chứng để bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không sẵn sàng xem xét chúng.

Nhà nghiên cứu Bill Hayton từ Chương trình Châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) tại London ngày 10/7 bình luận trên Nikkei Asian Review, hãy giúp Trung Quốc tìm đường rút lui ở Biển Đông, bởi chiến lược (độc chiếm) Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi sẽ bị đảo ngược.
4 giờ chiều nay giờ Hà Nội, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ công bố phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNLOCS 1982 ở Biển Đông. Theo Bill Hayton, có hai điều dư luận có thể tự tin rằng nó sẽ xảy ra.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton, ảnh: Internet / Youtube.
Một là phán quyết do PCA công bố chiều này sẽ chỉ ra rằng một số yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai là, người phát ngôn của Trung Quốc sẽ tung ra một tràng những lời lẽ chống lại PCA và Philippines, nhắc lại lập trường 3 không: Không tham gia, không chấp nhận và không thừa nhận nó.
Các Đại sứ của Trung Quốc tại nước ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng. Trước phán quyết, họ đã viết bài và mua vị trí đăng trên các tờ báo lớn tại nước sở tại họ làm Đại sứ, phạm vi khắp nơi trên thế giới.
Một số bài viết còn tập trung công kích các cá nhân thẩm phán tham gia Hội đồng Trọng tài, thậm chí cả nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển Shunji Yanai.
Trung Quốc sẽ cảm thấy mất mặt và cần một lối thoát
Nhà nghiên cứu Bill Hayton nhận định, dư luận quốc tế nên bỏ qua những lời nói (sáo rỗng, thuộc lòng) từ phía Trung Quốc. Bộ máy cầm quyền tại nước này sẽ cảm thấy mất mặt và cần có một lối thoát trong danh dự, vì thất bại dưới một nước nhỏ như Philippines.
Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh thực sự sẽ làm gì để phản ứng với phán quyết của PCA? Họ có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng bằng cách phong tỏa, trục xuất lực lượng Philippines đồn trú ở một số thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa, có thể kéo chiến đấu cơ và tên lửa ra đảo nhân tạo hay tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông?
Không có gì là ngẫu nhiên khi Hoa Kỳ vừa công bố triển khai một cụm tàu sân bay thứ hai tới Tây Thái Bình Dương lúc này. Bill Hayton cho biết, ông tin rằng một số thông điệp đang được trao đổi liên tục giữa các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh và Washington nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào bất ngờ, sốc nổi.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, phán quyết của Hội đồng Trọng tài không liên quan đến vấn đề yêu sách chủ quyền / lãnh thổ.
Qua nhiều thập kỷ giáo dục lịch sử (sai lệch), Trung Quốc đã thuyết phục bản thân họ rằng, chỉ có họ mới là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả các thực thể bên trong đường lưỡi bò tự xưng của họ.
Có rất nhiều bằng chứng để bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không sẵn sàng xem xét chúng. Một số nhà quan sát Trung Quốc tin là ông Bình đang biến chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông thành một cuộc "thập tự chính" cá nhân.

Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông và bài học cho Việt Nam

Trong vài tháng qua, Mỹ dường như đã đặt ra giới hạn đỏ tại bãi cạn Scarborough. Mỹ triển khai máy bay tấn công đến Philippines, sau đó không lâu thì các tàu nạo vét Trung Quốc đã quay lại bãi cạn này.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại, trong khi các tàu sân bay Hoa Kỳ không thể nằm mãi ở Biển Đông. Ngăn chặn không phải một giải pháp hữu hiệu nếu xét trong dài hạn.
Theo Bill Hayton, một Trung Quốc tức giận vì bị mất mặt sẽ không phải điều tốt cho cả Hoa Kỳ lẫn khu vực. Bởi vậy khu vực cần có một lộ trình bền vững hơn cho hòa bình và ổn định.
Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát trong danh dự khỏi cuộc đối đầu hiện nay. Trong ngắn hạn họ cần một "chiến thắng", ngoài ra thế giới cần thuyết phục Trung Quốc không cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Một trật tự mới sẽ hình thành sau phán quyết?
Bill Hayton nhận định, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiện Nhật Bản chính xác theo những gì Philippines đã làm với họ. Nhật Bản tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh rặng san hô ở Okinotorishima.
Nhật Bản cho rằng rặng san hô ở Okinotorishima đủ tiêu chuẩn có vùng đặc quyền kinh tế vì nó có thể "duy trì sự sống của con người" (theo Điều 121 UNCLOS 1982), nhưng nhà nghiên cứu Bill Hayton cho rằng, nó không khác gì bãi cạn Scarborough.
Có khả năng Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 sẽ ra phán quyết Scarborough không thể có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines.
Nếu Trung Quốc muốn một chiến thắng dễ dàng, họ có thể lặp lại điều này với Nhật Bản.
Còn Tokyo sẽ phải chấp nhận "sự mất mát" như một cái giá phải trả để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Về lâu dài, trật tự dựa trên luật pháp cần có sự ủng hộ của Trung Quốc, Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang dịch chuyển theo xu hướng này.
Bắc Kinh đã thực hiện nhiều bước, bao gồm việc quy trình ban hành các quyết định của chính phủ mới được thiết kế để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã thuê các luật sư quốc tế và thành lập một ủy ban tư vấn về hoạt động này cho chính phủ.
Nhưng điều này không có nghĩa là các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẵn sàng dừng ngay các bước đi của họ ở Biển Đông. Họ có sĩ diện của mình và sẽ không dừng lại mà không có một lý do phù hợp.
Những nhận xét công kích từ các nước láng giềng, các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ (nếu thiếu đối thoại và thiện chí) có thể gây ra những hiệu ứng ngược, làm tăng nguy cơ đối đầu.
Điều gì sẽ khiến Trung Quốc chấp nhận hiện trạng ở Biển Đông? Có thể sẽ là quá nhiều để mong đợi Bắc Kinh chính thức công nhận tuyên bố của các đối thủ, nhưng liệu họ có thể đạt được một thỏa hiệp không chính thức trên cả phương diện tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền và ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982?
Các bên yêu sách ở Đông Nam Á đã thực hiện điều này. Các nước đã không nhượng bộ trong yêu sách của mình, cũng như hoạt động chiếm đóng ngoài thực địa, nhưng họ đồng ý với nhau rằng các bên không nên làm bất cứ điều gì để thay đổi hiện trạng.

Những hiểu lầm về phán quyết của PCA

Bây giờ vị trí chiến lược của Trung Quốc ở Trường Sa đã khá "an toàn" với 7 căn cứ khổng lồ gần như hoàn tất, liệu Trung Quốc có chấp nhận một dàn xếp tương tự (giữ nguyên hiện trạng)?
Trong thời điểm này hiện có rất ít điều khuyến khích Trung Quốc thỏa hiệp với các bên tranh chấp, theo lời ông Dương Khiết Trì: "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, đó đơn giản là một thực tế".
Nói cách khác, Trung Quốc bỏ qua (phản đối, yêu sách và quyền lợi chính đáng của) các nước nhỏ, thậm chí có thể "đè bẹp" họ, Bill Hayton nhận định.
Theo ông, những gì Trung Quốc thực sự tìm kiếm và háo hức là một sự công nhận của Mỹ về "mô hình mới của quan hệ nước lớn". Ông Obama đã từng nhắc đến khái niệm này sau cuộc họp với ông Tập Cận Bình tháng Ba 2014 tại Sunnylands.
Tuy nhiên sau những lời chỉ trích và phản đối từ Tokyo, Washington không bao giờ nhắc lại khái niệm này nữa. Có lẽ bây giờ đã có một lý do tốt để làm sống lại nó, Bill Hayton nhận xét.
Trung - Mỹ cần tìm tiếng nói chung
Những gì sẽ đảm bảo cho một nền hòa bình, ổn định thực sự ở Hoa Đông và Biển Đông? Trung Quốc sẽ phải đồng ý, thừa nhận thực tế các loại tranh chấp khác nhau, trong đó cótranh chấp áp dụng và giải thích UNCLOS 1982.
Mỹ có lẽ cũng sẽ nhấn mạnh đến một số chế độ kiểm soát tên lửa ở khu vực này, bằng cách loại bỏ các mối đe dọa tiềm năng nhằm vào các tàu chiến và máy bay quá cảnh. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp một số cam kết an ninh, không bao giờ đe dọa các tuyến đường biển kết nối với Trung Quốc qua khu vực.
Tất nhiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn nhiều vấn đề khác va chạm.
Washington cần làm giảm bớt lo ngại của lãnh đạo Trung Nam Hải rằng Mỹ đang tìm cách lật đổ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã cam kết rằng, sẽ không làm bất cứ điều gì để lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, tại sao Washington không làm điều tương tự với Trung Quốc?
Các cuộc đàm phán Trung - Mỹ sẽ trở nên phức tạp bởi những lợi ích cốt lõi khác của Bắc Kinh, bao gồm vấn đề Đài Loan, đòi hỏi một sự khéo léo đáng kể trong ngoại giao.
Đông Nam Á không muốn trở thành nơi cạnh tranh quyền lực của các siêu cường để hủy hoại 40 năm hòa bình và phát triển. Cả khu vực và thế giới cần một Biển Đông hòa bình và ổn định.
Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải công nhận hiện trạng, nếu các điều kiện này được đáp ứng thì đã đến lúc cần chấp nhận một mối quan hệ mới giữa 2 siêu cường.
Một vài suy nghĩ
Cá nhân người viết cho rằng, các bình luận của nhà nghiên cứu Bill Hayton xuất phát từ thiện chí, mong mỏi bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đồng thời cũng tính đến thực tế sự trỗi dậy của Trung Quốc, một siêu cường mới nổi cần không gian và khẳng định mình.
Người viết cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng, làm mất mặt hay công kích Trung Quốc sau phán quyết sẽ được PCA công bố chiều nay không phải một lựa chọn khôn ngoan.

Khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan, bên nào sẽ thắng?

Phát biểu của ông Dương Khiết Trì về cái gọi là "nước lớn, nước nhỏ" quả thực quá lạc hậu trong thế giới văn minh hiện đại, nhưng không vì thế mà nhảy vào tranh luận đúng sai với ông ta.
Làm sao để có thể lắng nghe Trung Quốc nói, và khiến họ phải lắng nghe các bên liên quan, đó mới là việc cần làm.
Bởi chỉ có đối thoại thì hai bên mới bày tỏ được lập trường, quan điểm, suy nghĩ của mình, đặc biệt là những khác biệt trong nhận thức, giải thích luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hơn nữa, phán quyết của Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mới chỉ đề cập một phần trong các tranh chấp pháp lý phức tạp ở Biển Đông. Nó không phải chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề.
Trong thời điểm này, mọi phản ứng, ứng xử với Trung Quốc đều rất nhạy cảm và có thể gây ra những tranh cãi trong dư luận. Đó là việc bình thường, miễn là làm sao giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt và đối thoại, tìm kiếm thiện chí lắng nghe nhau thì sẽ giữ được hòa bình, ổn định.
Chỉ có đối thoại thì lẽ phải, công lý, sự thật mới có cơ hội được làm rõ. Người viết cho rằng, cũng chỉ có đối thoại mới giúp phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực các phán quyết của cơ quan tài phán.
Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của quốc gia, hòa bình, ổn định và luật pháp công lý quốc tế là mục tiêu tối thượng cần được bảo vệ.
Nhưng biện pháp thực hiện, phương tiện thực hiện cần hết sức linh hoạt mới có thể đạt được mục tiêu ấy, đặc biệt là với các nước có tiềm lực, thế lực nhỏ yếu hơn, thiết nghĩ đó chính là tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến" mà Cụ Hồ đã dạy.
Đó cũng là lý do tại sao người viết thêm tên gọi "đường lưỡi bò" và "trong danh dự" vào trong tít bài viết của học giả Bill Hayton trên Nikkei Asian Review.
Lối thoát trong danh dự cho Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách nào sẽ cần nỗ lực và thiện chí của nhiều bên. Trung Quốc có thể tuyên bố 3 Không với phán quyết PCA sắp công bố để giữ thể diện, nhưng sau đó họ cũng có thể âm thầm thực hiện phán quyết của PCA, nhất là về đường lưỡi bò, nếu họ thấy mình được tôn trọng và không có ai đe dọa họ.

Tòa Trọng tài bác bỏ 'quyền lịch sử' của Trung Quốc trên Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Hội đồng trọng tài của PCA. Ảnh: PCA
Hội đồng trọng tài của PCA. Ảnh: PCA.
Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", Reuters dẫn thông báo từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, cho biết. Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc.
Trong bản phán quyết dài 497 trang, Tòa Trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.
Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines, StraitsTimes dẫn phán quyết của tòa.
Phán quyết cho rằng Trung Quốc đã cản trở các quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Năm 2013, Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò", cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Philippines khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Tháng 10/2015, PCA tuyên bố có thẩm quyền xử vụ kiện.
Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện, cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết từ PCA.
Diễn tiến vụ kiện Biển Đông. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành.
Diễn tiến vụ kiện Biển Đông. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành.
Như Tâm

Tòa trọng tài: "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

Dân trí Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan ngày 12/7 đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, trong đó tòa khẳng định yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
 >> Giáo sư Carl Thayer lên tiếng về Trung Quốc trước giờ phán quyết PCA
 >> Báo Trung Quốc tiết lộ cơ chế phản ứng của Bắc Kinh sau phán quyết của tòa trọng tài
 >> G7 sẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết vụ kiện Biển Đông

“Tòa thấy rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực thi quyền kiểm soát hoàn hoàn về mặt lịch sử đối với vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên. Tòa cũng kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc khẳng định quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên nằm trong “đường 9 đoạn”, tuyên bố của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 viết.
Phiên xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được coi là vụ kiện thế kỷ bởi đây là lần đầu tiên một quốc gia có động thái, nỗ lực dùng biện pháp pháp lý để giải quyết những bất đồng ở Biển Đông. Theo đó, các nước đều hy vọng tòa có thể đưa ra lời giải thích về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển. Hơn nữa, vụ kiện này chưa có tiền lệ vì yêu sách đường lưỡi bò là hy hữu.
Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật Quốc tế, Học Viện Ngoại giao Việt Nam, cũng cho rằng, phán quyết của tòa không giải quyết hoàn toàn tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ giúp thu hẹp lại, sáng tỏ thêm một số nội dung tranh chấp bởi không có bất kỳ vấn đề nào Philippines đưa ra liên quan đến chủ quyền, hơn nữa tòa cũng không có thẩm quyền xét xử vì nằm ngoài phạm vi giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển 1982.
Giới hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế đã đưa ra không ít bình luận phán đoán phản ứng của Trung Quốc trước và sau phán quyết. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả lại phán quyết bằng việc trắng trợn tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không hoặc tăng cường các hoạt động cải tạo, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng của Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia và kiêm biên tập cấp cao của tạp chí National Interest, cũng đặt ra một giả thiết rằng, Trung Quốc có thể sẽ hung hăng hơn ở nhiều vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng sự chú ý của châu Á nói riêng và thế giới khỏi vấn đề Biển Đông. Theo chuyên gia này, cho dù là kịch bản nào thì châu Á cũng cần chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó.
Cùng chung quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, dù phán quyết theo hướng nào thì nhiều khả năng Trung Quốc vẫn có những động thái leo thang căng thẳng trên thực địa, do đó Việt Nam cần có sự chuẩn bị phù hợp để ứng phó.
Minh Phương


Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết vụ kiện biển Đông


  • PCA: "Đường chín đoạn" không có cơ sở pháp lý để
    16:2012/07/2016
    Tờ Strait Times (Singapore) đưa tin, PCA đã ra phán quyết: Về quyền lịch sử và "đường chín đoạn" của Trung Quốc, Tòa cho rằng, dù 2 nhà thám hiểm và ngư dân Trung Quốc, cũng như của một số quốc gia khác, trong lịch sử đã hoạt động trên các đảo ở Biển Đông, song không có bất kì chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã có kiểm soát tuyệt đối đối với vùng biển hay các tài nguyên liên quan.
    Tòa kết luận, không có một căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc có thể khẳng định quyền lịch sử đối với tài nguyên trong các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn".
    Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết vụ kiện biển Đông - Ảnh 1.
    Phán quyết của PCA về vụ kiện biển Đông được công bố. (Ảnh: Strait Times)
  • Tân Hoa Xã: Phán quyết vụ kiện biển Đông của PCA vô giá trị
    16:0212/07/2016
    Vào lúc 17h01 (giờ Bắc Kinh, tức 16h00 giờ Việt Nam), hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo với thái độ tức tối rằng Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đã đưa ra "phán quyết cuối cùng vô giá trị và phi pháp" đối với vụ kiện biển Đông do Philippines làm nguyên đơn.
    Tân Hoa Xã không đề cập cụ thể nội dung phán quyết nhận được, nhưng lặp lại luận điệu hung hăng thời gian qua của chính phủ Trung Quốc khi tuyên bố "chính phủ nước Cộng hòa Philippines dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III đơn phương khởi kiện ra tòa trọng tài là vi phạm luật pháp quốc tế, tòa trọng tài không có thẩm quyền, Trung Quốc không chấp nhận và không thừa nhận".
    Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết vụ kiện biển Đông - Ảnh 1.
    Cảnh các phóng viên đứng chờ bên ngoài Cung điện Hòa bình, Hague, Hà Lan hôm 12/7. (Ảnh: BBC)
    Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết vụ kiện biển Đông - Ảnh 2.
    Cảnh biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila, Philippines, ngày 12/7, vài giờ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. (Ảnh: BBC)
theo Thế giới trẻ



http://static.viettimes.vn/uploaded/quynhhuong/2016_02_26/m777howitzer009_2622016.jpg?width=650
Hình minh họa
Nguồn tin từ phía quân đội Bắc Kinh tiết lộ với boxun, nhằm tới kết quả bất lợi có thể xuất hiện của Trọng tài Nam Hải, cùng việc Mĩ có thể nhân phán quyết hữu quan mà phát động một cuộc khiêu khích, Chủ tịch Quân ủy TƯ Tập Cận Bình đã phát đi mệnh lệnh " chuẩn bị tác chiến", yêu cầu quân đội "sẵn sàng cho cuộc chiến" để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ Nam Hải. Chiến khu Miền Nam đã ở vào trạng thái cảnh giới cấp 1, Hạm đội Nam Hải, bộ đội tên lửa và không quân đã ở vào trạng thái trước chiến trận.

Nguồn tin từ phía quân đội cho biết, vào 5h chiều 12.7 theo giờ Bắc Kinh, Tòa án quốc tế La Hay sẽ công bố kết quả trọng tài Vụ Philippines khởi kiện chủ trương Nam Hải của Trung Quốc. Về sự trọng tài này, Trung Nam Hải đã sớm phán đoán sẽ "bất lợi cho mình", đồng thời đã công khai tỏ rõ lập trường "không tham dự, không chấp nhận, không thừa nhận, không thi hành" sự trọng tài hữu quan; trọng tài đối với Trung Quốc thực sự chỉ là "tờ giấy lộn".

Song, sau khi Tòa án quốc tế đưa ra lời trọng tài để phủ nhận chủ trương các rạn san hô hợp pháp và lãnh hải đối với Nam Hải của Trung Quốc, quân Mĩ với "đại binh áp sát cương giới", tập trung hỏa lực 2 cụm chiến đấu tàu sân bay tại Nam Hải, rất có thể sẽ lấy trọng tài làm cái cớ để lại "tự do ra vào" đường hàng hải tại vùng biển và phạm vi không phận có các rạn san hô có liên quan tại Nam Hải mà phía Trung Quốc đang kiểm soát, thậm chí còn có thể đi vào cả phạm vi lãnh hải 12 hải lí, khiêu khích chủ trương chủ quyền và lãnh hải của phía Trung Quốc, tát cho Bắc Kinh nảy đom đóm mắt.

Đây mới là sự khiêu khích chí mạng nhất. Trước bầu không khí công luận, tâm trạng quân đội trong nước hiện tại, nếu như lại áp dụng thái độ nhẫn nhịn trước sự khiêu khích có thể xuất hiện của Mĩ, hoặc chỉ dừng ở bước phản đối miệng bằng ngoại giao, bí mật cho phép dân chúng trong nước phát động một cuộc biểu tình lớn chống Mĩ, thậm chí dùng tàu quân sự và máy bay chiến đấu để "trục xuất" mang tính tượng trưng, thì không những không thể thuyết phục được lòng dân, mà còn gây nhục nhã cho Quân ủy Trung ương khóa mới với người đứng đầu là Tập Cận Bình.

Nguồn tin tiết lộ với boxun, tuần trước, chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình ra chỉ thị, yêu cầu toàn quân "sẵn sàng mọi mặt". Lệnh tác chiến quyết định: Toàn quân ở vào trạng thái cảnh giới cấp 2, Chiến khu Miền Nam cảnh giới cấp 1, Hạm đội Nam Hải hải quân, bộ đội tên lửa và không quân ở vào trạng thái cận chiến; bộ đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở vào trạng thái cảnh giới cấp 1.

Đồng thời, để tăng cường thực lực cho Hạm đội Nam Hải, Lệnh tác chiến quyết định, vói danh nghĩa tham gia diễn tập quân sự hàng năm, nhiều tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ được điều động từ Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải đã đi vào Nam Hải, gia nhập Hạm đội Nam Hải, do Chiến khu Miền Nam thống nhất điều khiển; tên lửa chiến lược Đông Phong-210 của bộ đội tên lửa lập tức di chuyển tới Chiến khu Miền Nam.

Theo chỉ lệnh, bộ đội tiền tuyến của Chiến khu Miền Nam thực sự đã được trao quyền có thể "khai chiến". Vì thế, 4 vị thượng tướng Trung cộng là Tư lệnh Chiến khu Miền Nam Vương Giáo Thành đã cùng với Tư lệnh viên hải quân Ngô Thắng Lợi, Chính ủy Miêu Hoa, còn có cả Tham mưu phó Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Vương Quán Trung, mượn danh nghĩa "chỉ huy diễn tập" để đến Nam Hải bố trí sẵn sàng tác chiến.

Nguồn tin từ phía quân đội cho biết, cái gọi là 3 hạm đội lớn tề tựu tại Nam Hải lần này thực ra đều chỉ là những tàu chủ lực hạng hai, tàu 115 là loại 051C, có tuổi thọ trên 15 năm, tàu 136 là lớp hiện đại của Nga, nhập về đã gần 20 năm, chống hạm thì còn được, còn phòng không thì thường". Tàu hạng hai đã đặt ở nơi công khai, thế còn tàu quân sự nằm ở đâu? Đó mới là mấu chốt".

Nguồn tin cho biết, các tàu chủ lực của 3 hạm đội lớn là 052C\D và 054A, tin không nói những tàu chủ lực thực sự sắc nét nhất của Trung Quốc có tham dự vào diễn tập hay không. "Ngoài ra còn có một lượng lớn tàu ngầm thông thường và tàu ngầm tấn công, bao gồm cả 093B đã cố tình tiết lộ từ trước, chúng đi đâu cả rồi? Về những điều này, người Mĩ biết rất rõ".

Nguồn tin cho biết, sau khi kết thúc diễn tập quân sự tại vùng biển Tây Sa vào ngày 11.7, thượng tướng Tư lệnh Chiến khu Miền Nam Vương Giáo Thành và Tư lệnh viên hải quân Ngô Thắng Lợi sẽ cùng với chiến hạm đi xuống phía nam, vào tiền tuyến Nam Sa, chỉ huy mọi ứng biến tại hiện trường.

Hiện Mĩ đã tập kết 2 hạm đội lớn tại Nam Hải, bao gồm Tàu sân bay USS Ronald Reagan và cụm chiến đấu Tàu sân bay Stennis thuộc Hạm đội 7, cùng 3 tàu khu trục diệt đạn đạo từ vũ trụ. Tổng số hơn 20 tàu quân sự cỡ lớn và khoảng 200 máy bay chiến đấu đang rập rình tại Nam Hải. Thùng thuốc súng Nam Hải chỉ châm ngòi là nổ.

Nguồn tin cho biết, Lệnh tác chiến do chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình kí lần này không hề lấy ý kiến trước chủ tịch Quân ủy tiền nhiệm, các ủy viên Bộ Chính trị cùng các nguyên lão trong Đảng. "Hiện các cánh trong Đảng đều không ngăn cản quyết định của Tập, song chắc chắn có người đang muốn cười nhạo đằng sau".

Nguồn tin từ phía quân đội cho boxun biết, các nguyên lão trong Đảng đều không ra mặt "bàn ra" quân lệnh, phía quân sự lại càng không có ai ngăn trở, người đứng đầu các đại quân dự họp không ai là không tỏ thái độ "đồng ý nhất trí" ủng hộ việc soạn Chiến lệnh của Tập Cận Bình. Nguồn tin nói "phía quân sự chỉ mong được khai chiến", cũng có nhà phân tích cho rằng, sự cân nhắc của Tập Cận Bình có thể là, "đánh" thì sẽ tạo được uy tín, đồng thời cũng đã có sự cân nhắc đến việc đánh lạc hướng mọi mâu thuẫn trong nước".

Nguồn tin nói, sau khi Lệnh tác chiến của Tập Cận Bình được ban ra, thượng tướng Vương Quán Trung Tham mưu phó Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương kiêm Tổng thư kí Hội đồng Quốc phòng Nhà nước, lập tức triệu tập Hội nghị tổng động viên sẵn sàng chiến đấu tại Chiến khu Miền Nam, 3 Tỉnh khu Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây đã tiến hành tổng động viên sẵn sàng chiến đấu quốc phòng. Hạm đội Nam Hải lại chiêu mộ sĩ quan hải quân, lính kĩ thuật... đã xuất ngũ 2 năm gần đây quay lại quân đội làm nghĩa vụ.

Nguyễn Trung Thuần
Nguồn tin độc quyền đặc biệt của boxun tại Bắc Kinh:http://boxun.com/news/gb/china/2016/07/201607120605.shtml…


Hồng Thủ


Không có nhận xét nào: