Ý kiến: 'Từ Tam Quốc tới Biển Đông'
Blogger Phạm Viết Đào
- 26 tháng 6 2015
Trung Quốc gây sự trên biến Hoa Đông và Biển Đông nhằm tạo ra những căng thẳng giả tạo, tạo ra những cuộc chiến tranh ảo để kích hoạt, xốc dậy tinh thần bá quyền đại Hán và có cớ chạy đua vũ trang.
Việc đổ tiền xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông không mang ý nghĩa phòng thủ về quân sự mà chỉ mang ý nghĩa chính trị, doạ nạt những quốc gia nhỏ yếu hơn vì như một viên tướng Mỹ tuyên bố: hòn đảo này không chịu nổi 300 quả tên lửa Mỹ.
Việc chạy đua vũ trang của Trung Quốc không phải để đánh ai, bành trướng lãnh thổ, lãnh hải vì trong lịch sử Trung Quốc thường thua trong các cuộc viễn chinh; hành động tăng cường vũ trang là để đối phó tình trạng suy vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sử dụng sức mạnh quân đội để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng, khắc chế xu hướng ly tâm và ly khai ( liệt quốc) tức là sự phân rã của đất nước xã hội Trung Quốc thách thức quyền lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, để cứu đoàn quân đang chịu khát khi hành quân qua sa mạc Tào Tháo đã dùng mẹo phao tin: phía trước có rừng mơ. Nghe thấy mơ quân sĩ ứa nước miếng ra và quên được cơn khát.
Lôi cuốn dư luận
Những động thái gây sự trên Biển Hoa Đông và Biển Đông có giống chuyện rừng mơ Tào Tháo mà ông Tập Cận Bình muốn cuốn dư luận Trung Quốc vốn đang bức bí bởi thể chế và các vấn đề kinh tế-xã hội-chính trị nảy sinh do phát triển nóng?
Có hai cuộc chiến ảo Trung Quốc có thể tiến hành, tạo chiến tranh ảo trên biển thuận hơn vì gây chiến tranh ảo trên bộ rất dễ xảy ra chiến tranh thật.
Trung Quốc có hàng chục quốc gia láng giềng lân bang và đều có vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc và nếu xảy ra chiến tranh thật thì lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc chắc cũng không muốn vì thường thua.
Sử dụng sức mạnh quân đội để bảo vệ sự chuyên quyền do Đảng Cộng sản là chính sách mâu thuẫn, tiềm ẩn thảm hoạ, một chính sách tự nó phát sinh những hố tử thần giống với việc dùng con dao hai lưỡi.
Không ngẫu nhiên với lực lương chính quy trên 2,3 triệu người, với 7 đại quân khu nhưng cấp hàm cao nhất của quân đội Trung Quốc hiện tại chỉ tới hàm thượng tướng.
Không một viên tướng nào sau khi ông Mao Trạch Đông chết đi được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị.
Do phát triển nóng, lại do những đặc điểm địa lý, lịch sử, sắc tộc, cộng với thể chế cộng sản thối nát đã dẫn tới sự phát triển không đồng đều, công bằng, trong khuôn khổ luật pháp giữa các vùng, miền, khu vực, sắc tộc, làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội.
Những mâu thuẫn này đã kích hoạt tinh thần ly tâm và ly khai. Bởi một tỉnh, một quân khu của Trung Quốc có diện tích và dân cư ngang bằng với một quốc gia tầm trung của thế giới.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng khởi đầu nhắm vào lực lượng vũ trang thực chất là chiến dịch thanh lọc nội bộ, thanh lọc những phần tử không ăn cánh, không trung thành với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Tập Cận Bình.
Quân đội là đối tượng ông Tập thấy phải dọn dẹp trước để mỵ dân, làm dịu bớt những bức xúc, những vấn đề nóng do nền chính trị-kinh tế-xã hội cộng sản Trung Quốc mang lại.
Với chiến dịch Đả hổ diệt ruồi này, Tập Cận Bình vô tình đã động vào gót chân Achille của chế độ độc tài đảng trị Trung Quốc, đụng vào niêu cơm của những đảng viên cao cấp.
Nếu ông Tập Cận Bình muốn thực tập chống tham nhũng thì phải giải tán đảng cộng sản Trung Quốc, loại hết thảy mọi đặc quyền đặc lợi của cái loại giá áo túi cơm như có lúc ông Tập tuyên bố đang nấp dưới ngọn cờ cộng sản.
Chiên dịch Đả hổ trở thành gậy ông đập lưng ông, mua thù chuốc oán, làm cho xã hội Trung Quốc bất an và phân tâm thêm.
Trung thành hơn năng lực?
Việc đưa ra toà một uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị phụ tránh chính pháp, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, người có công xây dựng được một mạng lại an ninh mật vụ hùng mạnh; tạo nên sự tập quyền vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự là một đòn chí mạng đánh vào nền móng của ngôi nhà cộng sản Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang là cha đẻ của chủ nghĩa thực dân Trung Hoa kiểu mới, tung toàn lực để đầu tư khai thác (exploitation,) tìm đủ mọi cách để sở hữu chiếm đoạt bao gồm cả dùng thủ đoạn chính trị lẫn đầu tư tung vốn (acquisition) và bành trướng tối đa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lên những quốc gia Trung Quốc khai phá đầu tư.
Dưới thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, chiến lược phát triển năng lương được phát triển tăng tốc ra cả ngoài biên giới hải đảo Trung Quốc, sang cả tận đất Mỹ.
Công ty dầu hỏa của Trung Quốc CNOOP dưới quyền của Chu Vĩnh Khang đã suýt nữa tóm thâu trọn vẹn thành công ty dầu hỏa Unocal 76 nếu Hạ Viện Hoa Kỳ không can thiệp.
Một con người có công lớn với Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang; một con người sinh ra từ gia đình có công khai quốc như Bạc Hy Lai, tại sao suýt bị đẩy lên đoạn đầu đài?
Chuyện này làm chúng ta liên tưởng cái xoáy phản chủ khiến Nguỵ Diên bị mất mạng bởi Gia Cát Lượng, mặc dù Gia Cát Lượng rất biết công, tài Nguỵ Diên.
Nguỵ Diên có tài, có công bị giết, trong khi Thục Hán đang cạn kiệt nhân tài và Gia Cát Lượng lại phó thác cho một tướng đàn em, tướng chiêu hồi Khương Duy, tướng của Nguỵ đã đầu hàng Gia Cát Lượng, nắm quân đội Hán?
Điều này cho thấy sách lược chọn người ngoan, người trung thành chứ không chọn người tài, có chính kiến, bản lĩnh riêng của Tập Cận Bình học theo Gia Cát Lượng.
Để an toàn cho việc chọc trời khuấy nước, không cách nào khác Tập Cận Bình phải nắm chắc tay súng, tức củng cố lực lượng quân đội.
Không ngẫu nhiên mà có lúc ông Tập đã có lúc tuyên bố khi lao vào chiến dịch Đả hổ, ông không màng tới vấn đề sống chết của cá nhân.
Tuyên bố này của Tập Cận Bình làm cho chúng ta nhớ tới việc Bàng Đức thời Tam Quốc, khi được Tào Tháo giao cho đi cứu Tào Nhân nguy khốn ở Phàn Thành do bị Quan Vũ bao vây, Bàng Đức đã cho quân chở quan tài ra trận.
Qua động thái này cho thấy xã hội Trung Quốc đang trầm tích những vấn đề sống còn, những xung đột nội tại khốc liệt tới cực độ.
Để tiêu hoá được những tử địa đó, không còn cách nào khác là chạy đua vũ trang, củng cố lực lượng quân đội bằng việc tạo ra những cuộc chiến tranh ảo.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của ông Phạm Viết Đào, hiện sống tại Hà Nội.
Xem bài cùng tác giả:
"Hãy giúp Trung Quốc tìm ra lối rút đường lưỡi bò trong danh dự"
(GDVN) - Có rất nhiều bằng chứng để bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không sẵn sàng xem xét chúng.
Trung Quốc ra lệnh gọi tái ngũ binh lính hải quân trước thềm phán quyết PCAThời báo Hoàn Cầu lộng ngôn khi Hội đồng Trọng tài PCA sắp ra phán quyếtTàu sân bay Mỹ đưa 10 quan chức cấp cao Campuchia ra giữa Hoàng Sa và Trường Sa
Nhà nghiên cứu Bill Hayton từ Chương trình Châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) tại London ngày 10/7 bình luận trên Nikkei Asian Review, hãy giúp Trung Quốc tìm đường rút lui ở Biển Đông, bởi chiến lược (độc chiếm) Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi sẽ bị đảo ngược.
4 giờ chiều nay giờ Hà Nội, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ công bố phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNLOCS 1982 ở Biển Đông. Theo Bill Hayton, có hai điều dư luận có thể tự tin rằng nó sẽ xảy ra.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton, ảnh: Internet / Youtube. |
Một là phán quyết do PCA công bố chiều này sẽ chỉ ra rằng một số yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai là, người phát ngôn của Trung Quốc sẽ tung ra một tràng những lời lẽ chống lại PCA và Philippines, nhắc lại lập trường 3 không: Không tham gia, không chấp nhận và không thừa nhận nó.
Các Đại sứ của Trung Quốc tại nước ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng. Trước phán quyết, họ đã viết bài và mua vị trí đăng trên các tờ báo lớn tại nước sở tại họ làm Đại sứ, phạm vi khắp nơi trên thế giới.
Một số bài viết còn tập trung công kích các cá nhân thẩm phán tham gia Hội đồng Trọng tài, thậm chí cả nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển Shunji Yanai.
Trung Quốc sẽ cảm thấy mất mặt và cần một lối thoát
Nhà nghiên cứu Bill Hayton nhận định, dư luận quốc tế nên bỏ qua những lời nói (sáo rỗng, thuộc lòng) từ phía Trung Quốc. Bộ máy cầm quyền tại nước này sẽ cảm thấy mất mặt và cần có một lối thoát trong danh dự, vì thất bại dưới một nước nhỏ như Philippines.
Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh thực sự sẽ làm gì để phản ứng với phán quyết của PCA? Họ có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng bằng cách phong tỏa, trục xuất lực lượng Philippines đồn trú ở một số thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa, có thể kéo chiến đấu cơ và tên lửa ra đảo nhân tạo hay tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông?
Không có gì là ngẫu nhiên khi Hoa Kỳ vừa công bố triển khai một cụm tàu sân bay thứ hai tới Tây Thái Bình Dương lúc này. Bill Hayton cho biết, ông tin rằng một số thông điệp đang được trao đổi liên tục giữa các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh và Washington nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào bất ngờ, sốc nổi.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, phán quyết của Hội đồng Trọng tài không liên quan đến vấn đề yêu sách chủ quyền / lãnh thổ.
Qua nhiều thập kỷ giáo dục lịch sử (sai lệch), Trung Quốc đã thuyết phục bản thân họ rằng, chỉ có họ mới là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả các thực thể bên trong đường lưỡi bò tự xưng của họ.
Có rất nhiều bằng chứng để bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không sẵn sàng xem xét chúng. Một số nhà quan sát Trung Quốc tin là ông Bình đang biến chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông thành một cuộc "thập tự chính" cá nhân.
Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông và bài học cho Việt Nam |
Trong vài tháng qua, Mỹ dường như đã đặt ra giới hạn đỏ tại bãi cạn Scarborough. Mỹ triển khai máy bay tấn công đến Philippines, sau đó không lâu thì các tàu nạo vét Trung Quốc đã quay lại bãi cạn này.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại, trong khi các tàu sân bay Hoa Kỳ không thể nằm mãi ở Biển Đông. Ngăn chặn không phải một giải pháp hữu hiệu nếu xét trong dài hạn.
Theo Bill Hayton, một Trung Quốc tức giận vì bị mất mặt sẽ không phải điều tốt cho cả Hoa Kỳ lẫn khu vực. Bởi vậy khu vực cần có một lộ trình bền vững hơn cho hòa bình và ổn định.
Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát trong danh dự khỏi cuộc đối đầu hiện nay. Trong ngắn hạn họ cần một "chiến thắng", ngoài ra thế giới cần thuyết phục Trung Quốc không cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Một trật tự mới sẽ hình thành sau phán quyết?
Bill Hayton nhận định, Trung Quốc hoàn toàn có thể kiện Nhật Bản chính xác theo những gì Philippines đã làm với họ. Nhật Bản tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh rặng san hô ở Okinotorishima.
Nhật Bản cho rằng rặng san hô ở Okinotorishima đủ tiêu chuẩn có vùng đặc quyền kinh tế vì nó có thể "duy trì sự sống của con người" (theo Điều 121 UNCLOS 1982), nhưng nhà nghiên cứu Bill Hayton cho rằng, nó không khác gì bãi cạn Scarborough.
Có khả năng Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 sẽ ra phán quyết Scarborough không thể có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines.
Nếu Trung Quốc muốn một chiến thắng dễ dàng, họ có thể lặp lại điều này với Nhật Bản.
Còn Tokyo sẽ phải chấp nhận "sự mất mát" như một cái giá phải trả để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Về lâu dài, trật tự dựa trên luật pháp cần có sự ủng hộ của Trung Quốc, Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh đã có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang dịch chuyển theo xu hướng này.
Bắc Kinh đã thực hiện nhiều bước, bao gồm việc quy trình ban hành các quyết định của chính phủ mới được thiết kế để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã thuê các luật sư quốc tế và thành lập một ủy ban tư vấn về hoạt động này cho chính phủ.
Nhưng điều này không có nghĩa là các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẵn sàng dừng ngay các bước đi của họ ở Biển Đông. Họ có sĩ diện của mình và sẽ không dừng lại mà không có một lý do phù hợp.
Những nhận xét công kích từ các nước láng giềng, các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ (nếu thiếu đối thoại và thiện chí) có thể gây ra những hiệu ứng ngược, làm tăng nguy cơ đối đầu.
Điều gì sẽ khiến Trung Quốc chấp nhận hiện trạng ở Biển Đông? Có thể sẽ là quá nhiều để mong đợi Bắc Kinh chính thức công nhận tuyên bố của các đối thủ, nhưng liệu họ có thể đạt được một thỏa hiệp không chính thức trên cả phương diện tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền và ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982?
Các bên yêu sách ở Đông Nam Á đã thực hiện điều này. Các nước đã không nhượng bộ trong yêu sách của mình, cũng như hoạt động chiếm đóng ngoài thực địa, nhưng họ đồng ý với nhau rằng các bên không nên làm bất cứ điều gì để thay đổi hiện trạng.
Những hiểu lầm về phán quyết của PCA |
Bây giờ vị trí chiến lược của Trung Quốc ở Trường Sa đã khá "an toàn" với 7 căn cứ khổng lồ gần như hoàn tất, liệu Trung Quốc có chấp nhận một dàn xếp tương tự (giữ nguyên hiện trạng)?
Trong thời điểm này hiện có rất ít điều khuyến khích Trung Quốc thỏa hiệp với các bên tranh chấp, theo lời ông Dương Khiết Trì: "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, đó đơn giản là một thực tế".
Nói cách khác, Trung Quốc bỏ qua (phản đối, yêu sách và quyền lợi chính đáng của) các nước nhỏ, thậm chí có thể "đè bẹp" họ, Bill Hayton nhận định.
Theo ông, những gì Trung Quốc thực sự tìm kiếm và háo hức là một sự công nhận của Mỹ về "mô hình mới của quan hệ nước lớn". Ông Obama đã từng nhắc đến khái niệm này sau cuộc họp với ông Tập Cận Bình tháng Ba 2014 tại Sunnylands.
Tuy nhiên sau những lời chỉ trích và phản đối từ Tokyo, Washington không bao giờ nhắc lại khái niệm này nữa. Có lẽ bây giờ đã có một lý do tốt để làm sống lại nó, Bill Hayton nhận xét.
Trung - Mỹ cần tìm tiếng nói chung
Những gì sẽ đảm bảo cho một nền hòa bình, ổn định thực sự ở Hoa Đông và Biển Đông? Trung Quốc sẽ phải đồng ý, thừa nhận thực tế các loại tranh chấp khác nhau, trong đó có khả năng áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 với các thực thể tranh chấp.
Mỹ có lẽ cũng sẽ nhấn mạnh đến một số chế độ kiểm soát tên lửa ở khu vực này, bằng cách loại bỏ các mối đe dọa tiềm năng nhằm vào các tàu chiến và máy bay quá cảnh. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp một số cam kết an ninh, không bao giờ đe dọa các tuyến đường biển kết nối với Trung Quốc qua khu vực.
Tất nhiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn nhiều vấn đề khác va chạm.
Washington cần làm giảm bớt lo ngại của lãnh đạo Trung Nam Hải rằng Mỹ đang tìm cách lật đổ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Điều này không phải là không thể. Vừa qua Tổng thống Mỹ đã phát biểu tại Việt Nam: "Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí của họ lên người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền của Việt Nam do người dân Việt Nam quyết định."
Hoa Kỳ đã cam kết rằng, sẽ không làm bất cứ điều gì để lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, tại sao Washington không làm điều tương tự với Trung Quốc?
Các cuộc đàm phán Trung - Mỹ sẽ trở nên phức tạp bởi những lợi ích cốt lõi khác của Bắc Kinh, bao gồm vấn đề Đài Loan, đòi hỏi một sự khéo léo đáng kể trong ngoại giao.
Đông Nam Á không muốn trở thành nơi cạnh tranh quyền lực của các siêu cường để hủy hoại 40 năm hòa bình và phát triển. Cả khu vực và thế giới cần một Biển Đông hòa bình và ổn định.
Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải công nhận hiện trạng, nếu các điều kiện này được đáp ứng thì đã đến lúc cần chấp nhận một mối quan hệ mới giữa 2 siêu cường.
Một vài suy nghĩ
Cá nhân người viết cho rằng, các bình luận của nhà nghiên cứu Bill Hayton xuất phát từ thiện chí, mong mỏi bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đồng thời cũng tính đến thực tế sự trỗi dậy của Trung Quốc, một siêu cường mới nổi cần không gian và khẳng định mình.
Người viết cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng, làm mất mặt hay công kích Trung Quốc sau phán quyết sẽ được PCA công bố chiều nay không phải một lựa chọn khôn ngoan.
Khi PCA ra phán quyết công bằng và khách quan, bên nào sẽ thắng? |
Phát biểu của ông Dương Khiết Trì về cái gọi là "nước lớn, nước nhỏ" quả thực quá lạc hậu trong thế giới văn minh hiện đại, nhưng không vì thế mà nhảy vào tranh luận đúng sai với ông ta.
Làm sao để có thể lắng nghe Trung Quốc nói, và khiến họ phải lắng nghe các bên liên quan, đó mới là việc cần làm.
Bởi chỉ có đối thoại thì hai bên mới bày tỏ được lập trường, quan điểm, suy nghĩ của mình, đặc biệt là những khác biệt trong nhận thức, giải thích luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hơn nữa, phán quyết của Hội đồng Trọng tài do PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mới chỉ đề cập một phần trong các tranh chấp pháp lý phức tạp ở Biển Đông. Nó không phải chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề.
Trong thời điểm này, mọi phản ứng, ứng xử với Trung Quốc đều rất nhạy cảm và có thể gây ra những tranh cãi trong dư luận. Đó là việc bình thường, miễn là làm sao giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt và đối thoại, tìm kiếm thiện chí lắng nghe nhau thì sẽ giữ được hòa bình, ổn định.
Chỉ có đối thoại thì lẽ phải, công lý, sự thật mới có cơ hội được làm rõ. Người viết cho rằng, cũng chỉ có đối thoại mới giúp phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực các phán quyết của cơ quan tài phán.
Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của quốc gia, hòa bình, ổn định và luật pháp công lý quốc tế là mục tiêu tối thượng cần được bảo vệ.
Nhưng biện pháp thực hiện, phương tiện thực hiện cần hết sức linh hoạt mới có thể đạt được mục tiêu ấy, đặc biệt là với các nước có tiềm lực, thế lực nhỏ yếu hơn, thiết nghĩ đó chính là tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến" mà Cụ Hồ đã dạy.
Đó cũng là lý do tại sao người viết thêm tên gọi "đường lưỡi bò" và "trong danh dự" vào trong tít bài viết của học giả Bill Hayton trên Nikkei Asian Review.
Lối thoát trong danh dự cho Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách nào sẽ cần nỗ lực và thiện chí của nhiều bên. Trung Quốc có thể tuyên bố 3 Không với phán quyết PCA sắp công bố để giữ thể diện, nhưng sau đó họ cũng có thể âm thầm thực hiện phán quyết của PCA, nhất là về đường lưỡi bò, nếu họ thấy mình được tôn trọng và không có ai đe dọa họ.
Hồng Thủy
Xem bài cùng tác giả:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét