Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

VỤ FORMOSA: Kiện ra tòa hay thỏa thuận ngoài tòa?


Doanh Anh | 

VỤ FORMOSA: Kiện ra tòa hay thỏa thuận ngoài tòa?
Đường ống dẫn nước thải của Formosa. Ảnh: Lao động

Nếu nhìn đây chỉ là 1 cam kết của Formosa thì vấn đề là ai có thể khởi kiện Formosa?



Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết ngày 30/06, trong đó có đề cập đến thủ phạm là nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhiều nhà học thuật kinh tế lẫn luật gia đề nghị thực hiện tiến trình pháp lý để kiện công ty này ra tòa.
DEEPWATER HORIZON VÀ FORMOSA HÀ TĨNH
Một số ý kiến lấy trường hợp vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico (Deepwater Horizon) hồi năm 2010 để làm một case study (ví dụ thực tiễn). Có một số điểm khá giống nhau giữa 2 vụ gây ô nhiễm môi trường này.
Xuất phát từ một sự cố kỹ thuật, giàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng dầu khí BP (Anh) bị phát nổ phía Tây Nam bờ biển Louisiana, Mỹ. Tai nạn này khiến giàn khoan bốc cháy và chìm, gây ra tràn dầu tại vùng Vịnh Mexico, ảnh hưởng nặng nề đến ngành ngư nghiệp và du lịch của các quốc gia chịu ảnh hường.
Cũng vậy, trong trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường, Trần Hồng Hà, cho biết trong quá trình vận hành thử tại Formosa Hà Tĩnh đã xảy ra sự cố chập điện, làm ảnh hưởng quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải.

Từ đó, chất thải bị đổ ra biển chưa qua xử lý, gây ra vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Vụ kiện BP từ đó kéo dài cho đến tháng 07-2015 thì BP mới đồng ý trả cho chính phủ Mỹ 18,7 tỷ USD và chi phí dọn dẹp và bồi thường đã lên đến 54 tỷ USD.
Tuy nhiên, đây là là những thỏa thuận dàn xếp ngoài tòa (settlement) chứ không phải là một phán quyết của tòa án. Tuy trước đó, sau hơn 5 năm điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã ra phán quyết yêu cầu BP phải trả 1 khoản tiền là 20,8 tỷ USD cho sự cố môi trường tại Vịnh Mexico.
Vụ kiện tràn dầu tại Vịnh Mexico đã mất hơn 5 năm để toàn bộ hệ thống pháp lý của chính phủ Mỹ vào cuộc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho vụ bồi thường được xem là vụ án môi trường lớn nhất lịch sử Mỹ này.
Hầu như những vụ kiện xuyên biên giới mang tính thương mại đa số đều được giải quyết ngoài tòa.
Một luật gia ngành công pháp quốc tế tại Việt Nam không muốn nêu tên trong bài viết này nhận định, lý do chính là do các thủ tục liên quan đến 1 vụ kiện có yếu tố quốc tế thường phải kéo dài và tốn nhiều tiền của. Do đó, luật sư hai bên đều tìm cách dàn xếp ngoài tòa sẽ đạt được hiệu quả hơn.
500 TRIỆU USD liệu đã phải LÀ CON SỐ CUỐI CÙNG?
Quay lại vấn đề 500 triệu USD của Formosa cam kết bồi thường. Vấn đề đang được thảo luận và bàn tán nhiều nhất nằm ở việc con số này căn cứ vào đâu? Đây có phải là kết quả giải quyết ngoài tòa hay không?
Phải chăng ý kiến cho rằng cần có 1 vụ kiện chỉ để làm tiền đề cho việc thương thảo ngoài tòa với Formosa? Hay thật sự cần một vụ kiện để đòi bồi thường nhiều hơn con số 500 triệu USD?
Nếu nhìn công bố ngày 30/06 vừa qua là một thỏa thuận ngoài tư pháp của chính phủ Việt Nam và Formosa Hà Tĩnh thì rõ ràng không thể có một cơ quan nào thuộc chính phủ sẽ đứng ra khởi kiện Formosa, ví dụ Bộ Tư Pháp chẳng hạn.
Nếu có kiện thì phải là một tổ chức xã hội dân sự như Hội Nông dân chẳng hạn.
Nếu nhìn đây chỉ là 1 cam kết của Formosa thì vấn đề là ai sẽ khởi kiện Formosa? Con số 500 triệu USD chỉ là do phía Formosa đề nghị chứ chưa phải là con số đã chốt lại sau khi dàn xếp ngoài tư pháp.
VỤ FORMOSA: Kiện ra tòa hay thỏa thuận ngoài tòa? - Ảnh 1.
Cuộc sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn khi xảy ra sự cố cá chết ở miền Trung. Ảnh: Ngọc Tú
Như đã nói, để khởi kiện một vụ án môi trường lớn như vậy, có khả năng cần tới vài năm mới đưa vụ kiện ra tòa được.
Ngay tại Mỹ, vụ kiện BP cũng cần đến 5 năm thu thập thiệt hại và căn cứ khoa học để đàm phán.
Liệu Việt Nam có đủ sức theo đuổi một vụ kiện dự đoán là sẽ kéo dài vài năm như vậy hay không? Hay chọn giải pháp settlement như các vụ kiện môi trường trên thế giới đã từng làm.
Trên Bloomberg ngày 30/06, ngay khi chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, ông Fred Burke, thành viên của hãng luật Baker & McKenzie (Vietnam) nhận định, có thể Chính phủ Việt Nam muốn gửi một thông điệp đến các nhà đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam rằng họ cần phải tôn trọng luật pháp và khi vi phạm họ sẽ bị chế tài.
Bài viết này không dựa trên các chuẩn mực đạo đức của người Việt hay của một dân tộc nào như "đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại". Bài viết chỉ muốn nêu ra những lập luận hành xử mang tính hiệu quả và pháp định.
Việc có cho phép Formosa tiếp tục đầu tư tại Việt Nam hay không còn phải căn cứ các hợp đồng đã ký kết giữa đôi bên. Vì ngoài nhà đầu tư Đài Loan, Việt Nam còn hàng chục nhà đầu tư nước ngoài khác.
Có thể họ cũng đang theo dõi hành xử của không chỉ chính phủ mà cả thái độ của dư luận.
Các hoạt động tranh tụng hoặc chế tài giữa nhà đầu tư và bên được đầu tư đều cần phải dựa trên pháp lý của nước sở tại và các thông lệ quốc tế chứ không nên chỉ dựa vào những yêu cầu của những người mang tư tưởng dân túy (populist).
theo Trí Thức Trẻ

Formosa và những lỗ hổng pháp lý

Ống xả thải chôn ngầm dưới biển của Công ty Formosa
   Đằng sau kỳ vọng kinh tế, vấn đề quản lý chất thải đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết bởi hầu hết các khu công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường.

Cần phải xây hồ lắng
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, kinh tế biển trên cả nước đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam, trong đó có các khu kinh tế ven biển. Tuy nhiên, đằng sau kỳ vọng kinh tế, vấn đề quản lý chất thải đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết bởi hầu hết các khu kinh tế - công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường.
Sau sự cố xả thải làm cá chết hàng loại, hủy hoại hệ sinh thái biển suốt hàng trăm kilomet biển miền Trung của nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc cần rà soát và thắt chặt quản lý vấn đề xả thải tại các khu kinh tế-công nghiệp ven biển.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi –Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển cho biết, nhiều khu kinh tế - công nghiệp ven biển vẫn chưa đề cao ý thức bảo vệ môi trường và xả thải có hàm lượng độc tố vượt tiêu chuẩn ra biển.
Theo ông Hồi, những dự án trong các khu kinh tế lớn ven biển, như Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam), Nghi Sơn (Thanh Hóa) cần phải có sự đánh giá và kiểm tra kỹ lưỡng về các tác động môi trường, tránh để đến khi ô nhiễm rồi mới vào cuộc khắc phục thì cũng đã muộn. Được biết, hiện nay, Khu kinh tế Nghi Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó để đầu tư vào hạng mục này cần nguồn vốn lớn, theo ước tính khoảng 102 triệu USD.
Nói về bài học Formosa, theo ông Hồi, quy định của pháp luật không cho phép chôn ống xả thải ngầm ra biển, phải đi nổi trên bề mặt. Các dự án sau này cần phải tuân thủ điều này. Hơn nữa, trước khi thải ra biển cũng cần phải qua một ‘hồ lắng’ để các cơ quan quản lý môi trường có thể kiểm soát được chất lượng thải.
Hồ này phải được xây dựng nằm ngoài khu vực doanh nghiệp, để cơ quan chức năng có thể chủ động và thường xuyên giám sát và kiểm tra chất lượng nước thải. Nếu hồ lắng đặt bên trong khu công nghiệp thì việc kiểm tra thường xuyên sẽ bị hạn chế, phiền hà” – ông Hồi cho biết.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi –Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam
Ông Hồi cho biết, trong các hệ thống quan trắc chất thải hiện nay còn có lỗ hổng. Hệ thống quan trắc biển có 22 thông số, nhưng những thông số liên quan đến ô nhiễm thì chỉ có 6 thông số, tập trung vào một số kim loại nặng và thuốc trừ sâu. Hệ thống quan trắc đó chủ yếu chỉ quan trắc môi trường nền, chưa phải hệ thống quan trắc tác động. Tất nhiên môi trường nền cũng có tác dụng cảnh báo, nhưng hệ thống đó không phản ánh đúng các nguồn thải đặc thù, nên cần rà soát trong thời gian tới.
Đồng thời, theo ông Hồi, để hạn chế ô nhiễm cần thiết phải lưu ý đến giai đoạn ‘sàng lọc đầu tư’ với các chế tài và quy trình giám sát chặt chẽ. Nếu xem xét thấy dự án nào "có vấn đề" thì cần thẳng thừng từ chối. Các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong việc này, vì khi sàng lọc đầu tư không chỉ có vấn đề môi trường mà còn cả khía cạnh an ninh quốc gia nữa.
Lỗ hồng trong giám sát
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, về mặt quy chuẩn, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.
“Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số”- Bộ trưởng Hà cho hay.
Cũng theo ông Hà, trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ Cảng, dầu mỡ... thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của FHS. Đây là một vấn đề.
Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: cyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung.
Tuy nhiên, trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến.
“Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung” – ông Hà nhấn mạnh.
Hơn nữa, về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được.
“Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm” – Bộ trưởng Hà cho hay.
Mới đây, khi thăm Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các nhà máy chỉ được vận hành sau khi đã hoàn thiện các công trình xử lý chất thải (rác thải, nước thải, khí thải). Chất thải sau khi xử lý phải được kiểm tra, đảm bảo các yêu cầu môi trường, đáp ứng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế trước khi xả ra môi trường
“Từ bài học của Formosa, phải luôn cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong từng nhà máy, tuỳ theo mức độ xả thải, phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Trong từng KCN, phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc giám sát môi trường, xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường theo đúng các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, phải nghiệm thu kết quả xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Trí Lâm

Không có nhận xét nào: