Trưởng đoàn thanh tra Vũng Áng: “Các nhà khoa học bảo không thể nóng vội”
Dân trí Trưởng đoàn thanh tra Khu kinh tế Vũng Áng - ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - khẳng định: “Khối lượng tài liệu vô cùng lớn, các nhà khoa học bảo không thể nóng vội, phải hết sức khách quan và phải có một khoảng thời gian nhất định mới có kết luận cuối cùng”.
>> Trạm quan trắc tự động giám sát Formosa xả thải: "Chưa biết khi nào xong!"
>> Bộ Tài nguyên - Môi trường: Chưa thể khẳng định Formosa liên quan đến thảm trạng cá chết (!?)
Sau cuộc họp bàn với các nhà khoa học về kết quả kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng, chiều tối qua (10/5), ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra Formosa - đã dành cho PV Dân trí một cuộc trao đổi ngắn ngay tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phóng viên: Thưa ông, đến nay đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đã hoàn tất kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay chưa?
Ông Hoàng Văn Thức: Sau khi Thủ tướng Chính phủ và một số Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đoàn vào kiểm tra rà soát với mong muốn tìm ra nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Bộ cũng phải tiến hành tổng rà soát lại các khu kinh tế, khu dịch vụ có hoạt động sản xuất xả thải, phát thải ra môi trường, đặc biệt là vùng nằm trong 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Đối với khu kinh tế Vũng Áng, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành lớn nhất từ trước tới nay, mời rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong công nghệ môi trường... Bên cạnh đó là đại diện của nhiều bộ ngành, cơ quan liên quan.
Đoàn có 6 tổ vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng từ ngày 4/5 đến ngày 7/5. Đoàn này không giống như kiểm tra hành chính thông thường mà có nhiều nhà khoa học đi cùng, giúp Chính phủ trả lời cho nhân dân biết về nguyên nhân gây ra sự cố môi trường vừa rồi. Đoàn làm việc rất trách nhiệm, công tâm, khách quan, khoa học.
Có một khối lượng tài liệu vô cùng lớn về các nhật ký vận hành phải rà soát lại toàn bộ quá trình sản xuất của các doanh nghiệp từ khi đầu tư xây dựng tới triển khai, đi vào hoạt động; đặc biệt liên quan đến công đoạn phát sinh khí thải, chất thải ra môi trường, chất thải rắn nguy hại...
Đoàn đã khảo sát, lấy được tài liệu của doanh nghiệp, photo tài liệu mang về để các nhà khoa học điều tra, tổng hợp phân tích tiếp về các tài liệu.
Chúng tôi về cũng không được nghỉ đâu. Như tôi, 1h30 đêm Thứ bảy sang ngày Chủ nhật vừa rồi mới về tới Hà Nội, nhưng sáng thứ 2 các nhóm bắt đầu họp bàn, làm việc luôn rồi.
Chiều 10/5 mới kết thúc cuộc làm việc với các nhà khoa học. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề để xem xét. Các nhà khoa học yêu cầu có một số liệu cần phải kiểm nghiệm, đối chứng lại với các doanh nghiệp. Có những số liệu phải mô hình hóa nên sẽ có một số nhóm tiếp tục vào Hà Tĩnh để rà soát tiếp rồi mới đưa ra kết quả cuối cùng.
Nhân dân rất nóng lòng trông mong vào đoàn kiểm tra này, báo chí cũng thế. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước cũng phải phụ thuộc theo các nhà khoa học. Các nhà khoa học bảo không thể nóng vội, phải hết sức khách quan và phải có một khoảng thời gian mới có kết luận cuối cùng.
Dự kiến hôm nay, ngày 11/5, sẽ tiếp tục có một số nhà khoa học vào làm việc tại Khu kinh tế vũng Áng để đối chứng tài liệu, kiểm tra thêm, tiếp tục thu thập thêm thông tin, lấy thêm các mẫu phân tích; thậm chí mang theo một số thiết bị vào kiểm chứng lại mô hình phát thải như thế nào.
Đến giờ chưa rõ thời gian hoàn tất kết luận thanh tra Formosa.
Vừa rồi vào kiểm tra, thanh tra, các ông có phát hiện Formosa làm gì chưa đúng với các quy định của pháp luật hay không?
Đây là làm chung cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng. Quá trình thanh tra vẫn tiếp tục, một số cái đang trong quá trình phải tìm hiểu rõ.
Có những cái chưa đủ thông tin, một số số liệu doanh nghiệp họ cung cấp cho nhóm chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu nhưng giờ phải vào kiểm chứng lại. Số liệu người ta cung cấp chưa sát theo phán đoán của mình.
Bước đầu đoàn thanh tra có phát hiện vi phạm nào mà các doanh nghiệp không thể chối cãi hoặc đã phải ký vào biên bản thừa nhận vi phạm?
Trong quy định, ngoài các biên bản tại hiện trường còn phụ thuộc vào phân tích đánh giá tổng hợp của các dữ liệu, chất thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước biển, trầm tích biển để kiểm chứng. Các tài liệu vẫn đang cập nhật, cần phải bổ sung tình tiết. Đưa ra kết luận gì phải dựa trên cơ sở khoa học khách quan. Bây giờ đang trong quá trình về kiểm tra, mang tài liệu về Hà Nội phân tích thêm, bởi đây là dự án lớn nên phải làm thận trọng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến khi nào sẽ có kết luận thanh tra tại Khu kinh tế Vũng Áng, thưa ông?
Chưa có thời gian ấn định nhưng chúng tôi đang làm việc hết sức khẩn trương, khoa học để trong thời gian sớm nhất có kết luận cuối cùng.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó như Dân trí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các địa phương theo quy định của pháp luật, rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ven biển, không được để tình trạng xả thải ra biển mà không được quan trắc theo quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xả nước thải làm ảnh hưởng môi trường biển.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.
Thế Kha (thực hiện)
Lưu Trọng Văn - Vùi lấp sự thật mới là chất thải cực độc nhất.
Gã có một cô bạn trẻ tên là Nguyễn Thu Hoà rất mê biển. Cô mở một nhà hàng tên là Chài. Cô ham mê kinh doanh, không bao giờ bàn chuyện thời cuộc chính trị với gã. Vậy mà đùng một cái gã nhận được điện thoại của cô: Em đang ở Nhân Trạch, Bố Trạch , Quảng Bình.
Ối giời, điểm nóng của cá chết ở miền Trung.
Thế rồi bật lên tiếng khóc của cô.
Sau khi nén được cơn nức nở cô kể cô bỏ ra 50 triệu rồi vận động bạn bè thêm 300 triệu nữa cô cùng một nhóm bạn trẻ ra Quảng Bình. Ba việc.
1. Thu gom xác cá chết và dọn sạch bãi biển.
2. Giúp tiền và gạo cho bà con ngư dân khó khăn vì cá chết.
3. Vận động bà con thu gom cá chết, nhóm của cô sẽ mua với giá 5000 đồng một kí lô cá chết để đem chôn.
Gã hỏi mọi chuyện suôn sẻ chứ?
Cô bảo, không hiểu sao chính quyền không muốn cho tụi em tiếp xúc với dân. Còn khi gặp dân, ai cũng nói một ý, chúng tôi cần biết sự thật vì sao cá chết chứ không cần gạo, không cần tiền cứu trợ.
Điều lạ nhất là chính nhiều dân chài không muốn đi nhặt cá chết, không muốn chôn cá chết, vì họ nói, họ không muốn chôn sự thật, nhưng vì biết để thế sẽ rất độc hại môi trường nên họ đành đem chôn.
Cô lại sụt sịt khóc.
Con bạn em nói: Vùi lấp sự thật mới chính là chất thải cực độc nhất.
***
Thời buổi này làm người xấu dễ, làm người tốt khó- muốn làm người tốt phải đấu tranh. Nhưng nếu không làm thì ai làm? Không phải lúc này thì lúc nào? Vì biển sạch của tổ quốc nhất định phải làm người tốt đến cùng.
Lời của Hoà kêu gọi các bạn trẻ.
Bạn có thể không cứu được bạn, nhưng chúng ta sẽ có thể cứu được chúng ta.
Lời thề của Hoà và nhóm bạn trẻ của mình trước Biển Đông.
Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)
Cảnh giác trước chiêu bài giật dây, kích động của kẻ xấu
Không quá khó để nhận diện đây là “kịch bản” do những kẻ cơ hội chính trị “đạo diễn”, bằng cách hô hào trên các trang mạng xã hội, thậm chí “xuống đường”. Thực chất của vấn đề là tổ chức phản động Việt Tân đang cấu kết cùng các thế lực xấu trong nước, lợi dụng sự lo lắng, bức xúc trong dư luận nhân dân để kích động, xuyên tạc sự thật, làm hại uy tín và chống phá chính quyền.
Buổi sáng chủ nhật 8-5, tuần thứ hai liên tiếp, một nhóm người nuôi ý định tụ tập, tuần hành trái pháp luật ở khu vực Nhà hát Lớn, hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố trung tâm thành phố Hà Nội, để bày tỏ cái gọi là “sự bất bình” trước hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển một số tỉnh miền Trung.
Không quá khó để nhận diện đây là “kịch bản” do những kẻ cơ hội chính trị “đạo diễn”, bằng cách hô hào trên các trang mạng xã hội, thậm chí “xuống đường”. Thực chất của vấn đề là tổ chức phản động Việt Tân đang cấu kết cùng các thế lực xấu trong nước, lợi dụng sự lo lắng, bức xúc trong dư luận nhân dân để kích động, xuyên tạc sự thật, làm hại uy tín và chống phá chính quyền.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển Bắc miền Trung đang là sự canh cánh với không chỉ ngư dân, mà với người dân cả nước. Chính phủ đã nhìn nhận rõ về sự cố môi trường chưa từng có tiền lệ này: ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, và mời các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế khẩn trương, tích cực vào cuộc, sớm có kết luận nguyên nhân hải sản chết bất thường và công bố công khai, bảo đảm tính khoa học, độc lập.
Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia vừa được thành lập để phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung. Và mới nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... đã vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân và hộ kinh doanh hải sản bị thiệt hại; bảo đảm ổn định cuộc sống, không để người dân thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn và trường hợp bị thiệt hại nặng.
Được biết nguyên nhân về hiện tượng cá chết là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, những kết luận, đánh giá khoa học không thể đưa ra một cách vội vã, thiếu cơ sở. Nguyên tắc khách quan, chính xác để đưa ra kết luận cuối cùng là điều mà các chuyên gia, nhà khoa học đang nỗ lực thực hiện.
Trong bối cảnh ấy, ý đồ lợi dụng hiện tượng cá chết để mưu tính cho “kế hoạch” gây rối lòng dân, kích động người dân tụ tập tuần hành, gây mất trật tự công cộng, là điều cần phải được thẳng thắn vạch ra, và xử lý triệt để. Mỗi người dân cần nhận thức rõ ý đồ của những kẻ xấu; cùng với đó, là hệ lụy sẽ xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, du lịch, hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là hình ảnh yên bình của Thủ đô.
Việc tụ tập, tuần hành trái quy định như trên đã vi phạm điều 7, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP, và điều 35 Luật giao thông đường bộ. Các lực lượng chức năng Hà Nội và đại bộ phận nhân dân kiên quyết ngăn chặn, phản đối các hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để thực hiện mưu đồ và hành động chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước.
Mỗi người dân Thủ đô hãy thật tỉnh táo, hãy thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những việc làm thiết thực; không để bị lợi dụng, bị cuốn vào trò đội lốt biểu tình của những kẻ xấu./.
Ông Đỗ Văn Tý – trú ở 55 phố Ngõ Huyện, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm:
Đặt niềm tin vào Chính phủ
Những ngày vừa qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và nhiều người dân biết được hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Chúng tôi hết sức đồng cảm và chia sẻ với những mất mát, tổn thất của ngư dân. Thế nhưng khi những băn khoăn, lo lắng đồng cảm với ngư dân chưa kịp lắng xuống, thì chúng tôi lại hết sức bất bình, bức xúc vì cách hành xử của một nhóm người, tại địa bàn trung tâm thành phố trong liên tiếp 2 ngày chủ nhật gần đây. Họ tụ tập, đi bộ dưới lòng đường, hò hét và giơ những biểu ngữ “bảo vệ môi trường”. Tôi cho rằng đây hoàn toàn không phải cách để “bảo vệ môi trường” hay chia sẻ khó khăn với ngư dân. Nó bộc lộ rõ ý đồ, mục đích xấu khác.
Thủ tướng Chính phủ và đã chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành đang vào cuộc tích cực, trách nhiệm. Tôi cho rằng mỗi người dân cần đặt niềm tin vào Chính phủ và các cơ quan chức năng, các chuyên gia. Hành động tụ tập tuần hành, hò hét, kích động vừa không trả lời được câu hỏi vì sao cá chết, mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hình ảnh Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Bà Trịnh Thị Sáu, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2, Chi nhánh Hoàn Kiếm:
Mỗi lần họ tụ tập, chúng tôi khổ
Lần đầu vào ngày chủ nhật, 1-5, và sáng 8-5, mỗi lần những nhóm người đó xuất hiện, tụ tập, là chúng tôi lại khổ. Anh chị em công nhân môi trường chúng tôi hết sức vất vả vì phải thu dọn biểu ngữ, băng rôn, túi nilon, vỏ chai nước…bị vứt ra đường.
Nhiều du khách ở tỉnh ngoài về, và cả khách nước ngoài, họ ngạc nhiên lắm bởi vì sao giữa Thủ đô lại có hiện tượng lộn xộn, mất mỹ quan, thiếu ý thức như vậy. Chưa kể cảnh ùn tắc ở những tuyến phố họ đi qua. Vì bất cứ lý do gì, tôi phản đối và bất bình vì cách hành xử như vậy; và mong muốn cơ quan chức năng sớm ngăn chặn, giải quyết triệt để.
Bà Nguyễn Minh Hảo – trú ở phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền:
Cần kiên quyết giải quyết triệt để hiện tượng tụ tập, tuần hành
Tôi và nhiều người dân ở khu vực hồ Hoàn Kiếm rất mừng và ủng hộ biện pháp quyết liệt, đúng đắn của lực lượng chức năng, khi đã ngăn chặn, không để xảy ra hiện tượng tụ tập, tuần hành gây mấy trật tự ở khu vực Nhà hát Lớn, hồ Hoàn Kiếm…sáng 8-5.
Hà Nội và các địa phương đang trong không khí của những ngày hội lớn, bầu cử Quốc hội và HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mỗi người dân cần có ý thức, đóng góp công sức cho thành công của ngày hội lớn.
Việc chia sẻ, đồng cảm với mất mát của ngư dân là đúng. Sớm biết được nguyên nhân cá chết là điều quan trọng. Và quan trọng không kém là cách thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ phải đúng pháp luật, không được cố tình suy diễn, bẻ quặt vấn đề, hiện tượng có thể dẫn đến bất lợi cho đất nước, nhân dân.
Tôi và nhiều người dân không thể chấp nhận việc lợi dụng “bảo vệ môi trường” để gây ùn tắc, lộn xộn, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và mưu sinh của người dân Thủ đô. Càng không thể chấp nhận việc người lớn “kéo” con trẻ tham gia việc tụ tập, tuần hành trái pháp luật. Quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, tôi đề nghị những trường hợp cố tình vi phạm phải bị xử lý nghiêm, để đảm bảo kỷ cương, để Hà Nội thật sự bình yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét