10/05/2016 - 07:20
VietTimes -- "Chúng ta không khuyến khích chủ
nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng cũng phải nhìn lại xem phía Trung Quốc đã cư xử
với chúng ta như thế nào. Miệng họ nói hữu hảo, nhưng họ lại đi chiếm lãnh thổ
của chúng ta", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ quan điểm của ông với
VietTimes.
Ông Vũ Khoan đã thẳng thắn
nhận định về quan hệ Việt-Mỹ trước thềm chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ
Barack Obama vào cuối tháng 5 này, tình hình Biển Đông và một số vấn đề nóng
khác...
Nhiều vấn đề quan trọng
sẽ được bàn thảo
Nhiều người cho rằng
chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5 này sẽ mở ra
một triển vọng hợp tác mới. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, đây chỉ là chuyến
thăm xã giao vì ông Obama đã ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ rồi. Là nhà hoạt
động ngoại giao lâu năm, lại từng là quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước,
theo ông Việt Nam hy vọng gì ở chuyến thăm này?
- Thật ra những chuyến
thăm ngoại giao cấp cao thường có tính biểu tượng rất cao, cho dù nó không đưa
đến một thỏa thuận cụ thể nào. Bản thân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa
Kỳ Obama đã nói lên tầm quan trọng của nó rồi. Chuyến thăm này nằm trong khuôn
khổ của một tính toán chính trị, hay nói đúng ra là tính toán chiến lược rất
quan trọng của Mỹ.
Chuyến đi diễn ra trong
bối cảnh Mỹ đang chuyển hướng chiến lược xoay trục sang Châu Á- Thái Bình Dương
(TBD). Mà trong Châu Á- TBD thì Việt Nam luôn có vị trí địa chính trị, địa kinh
tế cực kỳ quan trọng.
Điều đầu tiên tôi muốn
nhấn mạnh đến tính biểu tượng của chuyến thăm này. Thứ nhất, nó thể hiện chính
sách của Mỹ coi trọng Châu Á-TBD trong đó coi trọng Việt Nam. Thứ hai, nó đánh dấu một bước phát triển thêm
nữa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, vì nếu nhìn lại 21 năm vừa rồi thì mối quan hệ đó
được tịnh tiến từng bước: năm 1993 Tổng thống Bill Clinton bắt đầu bãi bỏ cấm
vận, đến 1995 thì thiết lập quan hệ ngoại giao, đến 2000 mới ký Hiệp định
Thương mại Việt-Mỹ (BTA), rồi 2006 mới kết thúc đàm phán WTO và ông George
W.Bush lần đầu tiên thăm Việt Nam, rồi tiếp sau đó là năm 2005 Thủ tướng Phan
Văn Khải sang thăm chính thức Hoa Kỳ, tiến lên một bậc cao là năm 2015 Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ, vào nhà Trắng- tất cả những chuyện đó
đánh dấu những bước phát triển mới. Việc Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam lại
đánh dấu thêm một bước tiến mới nữa.
Điều thứ hai tôi muốn nói
tới là tính thực tế của chuyến thăm. Tại cuộc gặp cấp cao lần này, hai bên Việt
Nam và Hoa Kỳ sẽ đề ra đường hướng đẩy mạnh phát triển quan hệ giữa hai nước.
Có thể có người lo ngại rằng, ông Obama sắp hết nhiệm kỳ đến nơi rồi, ông ấy đề
ra đường hướng gì nữa. Chúng ta cần hiểu rằng, với nước Mỹ, bất kể ai cầm quyền
thì chính quyền đó đều phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu. Mà như tôi đã
nói, khu vực châu Á-TBD là khu vực chiến lược có ý nghĩa cực kỳ quan trọng
trong chiến lược toàn cầu của nước Mỹ.
Theo ông, trong
chuyến thăm Việt Nam lần này hai bên sẽ trao đổi cụ thể những vấn đề gì?
- Về kết quả của những vấn
đề cụ thể còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, hàng
loạt vấn đề quan trọng đang chờ hai bên và chắc chắn lãnh đạo cấp cao hai nước
sẽ phải trao đổi. Ví dụ vấn đề TPP, hai nước cùng là thành viên TPP thì sẽ phê
chuẩn thế nào? Sẽ thực hiện thế nào? Rồi Mỹ cần giúp đỡ Việt Nam thế nào để
thực hiện TPP… Tôi chắc đấy sẽ là vấn đề mà hai bên sẽ dành nhiều thời gian để
trao đổi.
Vấn đề thứ hai mà Việt Nam
và Mỹ quan tâm nữa là hợp tác quốc phòng. Lĩnh vực hợp tác này cũng đã có những
bước tiến rất dài rồi, nhưng hiện vẫn còn một vướng mắc là Chính phủ Mỹ mới gỡ
bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Ngày càng có
nhiều tiếng nói của dư luận Mỹ đòi phải bỏ lệnh cấm vận ấy đi đối với Việt Nam.
Tôi chắc đó cũng là đề tài mà hai bên sẽ đàm phán.
Đề tài thứ ba là vấn đề
Biển Đông. Lập trường của chúng ta về vấn đề này thế nào thì ai cũng biết và
lập trường của Mỹ thế nào ai cũng rõ. Vì hai bên cùng đều có mối quan tâm chung
nên chắc cũng phải trao đổi tìm ra giải pháp nhằm giữ ổn định tình hình ở Biển
Đông. Rồi thì vấn đề tự do hàng hải, an toàn hàng hải cũng là những cái cần
phải trao đổi, thỏa thuận.
Vấn đề thứ 4 là ASEAN. Mỹ
rất coi trọng khối ASEAN. Cuộc gặp của Tổng thống Obama với lãnh đạo 10 nước
ASEAN vừa rồi ở Sunnylands, California cho thấy Mỹ đánh giá ASEAN rất quan
trọng, mà Việt Nam lại là thành viên tích cực của ASEAN. Vì vậy, tôi nghĩ đề
tài Mỹ - ASEAN sẽ là vấn đề mà hai bên có thể trao đổi được, hay đề tài Mỹ và
sông Mê Kông. Mỹ có một diễn đàn với các nước sông Mê Kông hoạt động nhiều năm
nay rồi, trong bối cảnh mới hạn hán, biến đổi khí hậu như thế, tôi nghĩ đề tài
hợp tác chống biến đổi khí hậu hoặc hợp tác trên sông Mê Kông cũng là một đề
tài để mà thảo luận.
Đừng kỳ vọng ai
cứu nếu mình không tự cứu
Vậy cách nhìn nhận
của ông về vấn đề này như thế nào với tư cách là một nhà lãnh đạo ngành ngoại
giao kỳ cựu?
- Thái độ của tôi là coi
trọng những việc như vậy. Tuy nhiên làm được đến đâu, và làm như thế nào thì
tùy thuộc rất nhiều nhân tố, mà trong đó nội lực của chúng ta là cực kỳ quan
trọng. Nội lực ở đây là cả nội lực vật chất, nội lực tinh thần. TPP có đấy
nhưng chúng ta có tận dụng được lợi ích mà nó mang lại hay không là do chính
chúng ta, chứ không phải “trên trời” rơi xuống, nên đừng có tư tưởng “há miệng
chờ sung”.
Thưa ông, như chúng
ta nhận thấy, quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đang từng bước phát triển lớn mạnh. Theo
ông thì liệu Việt Nam và Mỹ có thể nâng tầm quan hệ lên mức chiến lược, thậm
chí là đồng minh như quan hệ Mỹ với Nhật Bản, Mỹ với Hàn Quốc không?
- Trước tiên phải nói
rằng, tên gọi của mối quan hệ cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn
là thực chất của mối quan hệ đó. Xét trên thực tế thì thấy, chúng ta có những
mối quan hệ tầm chiến lược, rồi quan hệ đặc biệt với nước này, nước kia, nhưng
thực chất không mang lại nhiều hiệu quả lắm. Trái lại, quan hệ của chúng ta với
Mỹ, tuy chỉ là quan hệ đối tác toàn diện thôi, thấp hơn quan hệ đối tác chiến
lược, nhưng nó sôi động hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn. Ví dụ, buôn bán chẳng
hạn, với Mỹ năm 2014 lên tới 36 tỷ USD. Trong khi đó với hàng chục đối tác
chiến lược khác, thì chỉ chừng vài tỷ thôi. Vì thế chúng ta hãy quan tâm đến
thực chất, còn vấn đề nâng lên mức như thế nào, ra làm sao, thì hai nước phải
tính toán, xuất phát từ lợi ích của bản thân mình, rồi bàn cờ chiến lược trên
thế giới, rồi khả năng hiện thực v.v. Tính toán rất nhiều mặt, cũng không nên
quá tâm tư về chuyện đó, mà hãy nhìn vào thực chất của các mối quan hệ.
Nhân đây, tôi cũng phải
nói là hiện có một số người kỳ vọng quá mức vào mối quan hệ với nước này, nước
kia. Mình phải biết được vị thế của mình đang ở đâu. Phải rất thực tế, xuất
phát từ lợi ích trước mắt và lâu dài của dân tộc mà tính toán, xem xét các mối
quan hệ, chứ không phải ngẫu hứng được. Phải dựa vào nội lực của mình là chính,
đừng trông đợi vào người này, người kia che chở cho mình. Trong quá khứ Việt
Nam đã từng nằm trên bàn cờ chiến lược của nước này, nước kia rồi. Vì vậy, nếu
có nằm trên bàn cờ thế giới thì cũng phải là con xe, con pháo, con mã,
chứ không thể biến mình thành con tốt được.
Đừng có kỳ vọng là ai đến
cứu mình nếu mình không tự cứu mình. Trước hết chúng ta phải tự mình thay đổi
mình. Ví dụ: về kinh tế, nếu mình không khắc phục những cái khó khăn nội tại
đi, đổi mới thể chế đi, làm ăn cho tử tế đi… Nếu bản thân mình không phát triển
được thì chả ai cứu được mình đâu. Quan hệ quốc tế là điều kiện cần, rất cần,
nhưng chưa đủ. Mà cái đủ phải là nội lực kia. Mình hãy đi trên đôi chân của
mình và suy nghĩ, tính toán bằng cái đầu của mình, cái đầu mình không tỉnh táo,
cái chân mình không vững thì chắc chả ai cần đến mình đâu và chắc chả ai cứu
được mình đâu.
Gin hay quốc lủi đều là
rượu cả!
Trong đàm phán quốc
tế, các bên đưa ra những điều kiện cũng là chuyện bình thường. Trong chuyến
thăm sắp tới chắc Tổng thống Mỹ cũng sẽ có những điều kiện và một trong những
điều kiện lâu nay họ vẫn đưa ra là “vấn đề nhân quyền”. Thưa ông, liệu
đây có phải là vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quan hệ Việt Nam với Mỹ hay
không?
- Đây là một vấn đề khác
biệt. Tuy nhiên tôi không nghĩ là vướng mắc lớn nhất, chí ít thì, trong chuyến
thăm Mỹ hồi năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong tuyên bố chung,
đã có một câu rất quan trọng có thể nói là “cái đinh” của vấn đề. Đó là “hai
bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. “Tôi” quý “anh”, mặc dù hai
bên có thể khác biệt vì sự lựa chọn thể chế. “Tôi” không chống lại chế độ của
Mỹ, chuyện đó là của nước Mỹ, của nhân dân Mỹ quyết định. Thế thì của “tôi” thế
nào thì “anh” cũng đừng can gián vào chứ. Chuyện thể chế của Việt Nam là do
người Việt Nam quyết định. Điều cốt lõi như thế đã được cam kết rồi.
Quyền sinh ra, quyền sống
và quyền được mưu cầu hạnh phúc là quyền thiêng liêng nhất của con người. Đó là
giá trị chung của nhân loại, chứ không phải là câu chuyện của riêng ai. Chúng
ta đấu tranh, rồi đổ bao nhiêu xương máu cũng là để đạt được điều đó. Trong
Tuyên ngôn độc lập Bác đã nói như thế nào, mọi người đều nhớ rất rõ. Thế rồi
trong Hiến pháp năm 1946 được minh định như thế nào? Hiến pháp năm 2013 ghi thế
nào? Đâu có phải là chúng ta đi ngược lại giá trị nhân quyền của nhân loại. Tuy
nhiên nó đi từng bước, phải phù hợp với truyền thống, trong từng thời điểm, ở
những điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nhiều người nước ngoài
cũng hay hỏi về vấn đề này. Tôi nói, người Mỹ thích uống rượu Gin, người Nga
thích Vodka, trong khi đó người Việt Nam lại thích uống rượu quốc lủi.
Rượu nào cũng là rượu cả, đều có chất cồn. Khác nhau là mỗi người uống theo một
kiểu thôi. “Tôi” không chống “anh” thích Gin, thì “anh” cũng không nên bài xích
“tôi” thích quốc lủi. Rồi thì thức ăn cũng đều là thịt, cá, mì, gạo, rau cả,
nhưng mỗi nước có kiểu chế biến, xào nấu khác nhau, thành ra các món ăn khác
nhau thôi.
Vấn đề nhân quyền cũng vậy
thôi, chính câu trong Tuyên ngôn độc lập của Tổng thống Jefferson viết Bác Hồ
đã trích dẫn lại trong bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đấy thôi. Như thế là
gặp nhau ở giá trị chung, còn thể hiện nó như thế nào thì mỗi nước một hoàn
cảnh. Vì vậy, khi người Mỹ người ta đưa ra yêu cầu đó cũng là chuyện bình
thường và chúng ta bình tĩnh đối thoại với họ để đi đến hiểu nhau hơn.
Tôi hơi ngạc nhiên khi có
quan chức cứ hỏi tôi: “Mình phải đối phó với vấn đề này như thế nào?”. Ơ, lạ
nhỉ? Sao lại là đổi phó? Đấy là chuyện tự mình thấy phải phấn đấu cho nhân dân
mình được hưởng những quyền đó chứ. Chẳng lẽ mình không muốn cho nhân dân được
hưởng nhân quyền à? Mình đưa vào Hiến pháp rồi. Thậm chí gần đây chúng ta đã có
những quy định rất tiến bộ như quyền “im lặng” chẳng hạn, thì đó là những cái
tự mình làm chứ có phải bị ai ép làm đâu. Chuyện Mỹ áp đặt là chuyện của họ cứ
làm, chuyện của mình thì mình phải phấn đấu cho nhân dân được hưởng quyền tự
do, dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc- đó là mục tiêu của chúng ta cơ mà.
Mỹ không để Trung Quốc
muốn làm gì thì làm
Hiện nay có một
luồng ý kiến cho rằng sở dĩ Trung Quốc có những hành động hết sức phiêu lưu và
đang từng bước tiến tới khống chế Biển Đông là vì họ căn cứ vào nhiều yếu tố,
nhưng trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, đó là họ cho rằng Việt Nam đang
“lừng khừng” trong việc lựa chọn quan hệ. Thứ hai, nhiệm kỳ bầu cử Tổng thống
Mỹ sắp đến rồi, nước Mỹ đang tập trung cho đối nội, ít dám tăng cường sức lực
tại Biển Đông. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Trước hết, không thể nói
Việt Nam đang “lừng khừng” không biết mình đang làm gì và đang đứng ở đâu trong
mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, Việt Nam-
Trung Quốc. Đây là sự tính toán, cân nhắc kỹ càng chứ đừng gọi cái đó là
“lừng khừng”. Làm ngoại giao không ngẫu hứng được đâu, mà trong các mối quan hệ
quốc tế thì phải tính toán làm sao để có lợi nhất cho mình. Có những điều tính
toán không thể nói rộng ra được, vì thế mới có những người lợi dụng vào đó để
kích động, nói là Việt Nam không dám bày tỏ quan điểm của mình.
Làm thế nào để bảo vệ được
độc lập, chủ quyền, bảo vệ được sự ổn định để phát triển đất nước trong bối
cảnh hiện nay là bài toán cực kỳ khó, phải cân nhắc rất kỹ chứ đâu có phải
chuyện “lừng khừng” hay “không lừng khừng”. Suốt ngày họp lên họp xuống, tính
toán đủ các nhân tố có thể thế này, có thể thế kia, chứ đâu chỉ ngồi mà “lừng
khừng” đâu.
Vấn đề thứ hai, có đúng là Mỹ đang phải tập trung vào vấn đề đối
nội như bầu cử Tổng thống mà không tỏ thái độ cứng rắn với các hành động của
Trung Quốc ở Biển Đông hay không? Tôi khẳng định là không! Chả thấy họ “lừng
khừng” gì cả. Quốc hội Mỹ cũng tỏ thái độ. Thượng viện cũng tỏ thái độ. Hạ viện
cũng tỏ thái độ. Phía chính quyền thì Tổng thống Obama cũng tỏ thái độ, Ngoại
trưởng cũng tỏ thái độ, Bộ trưởng Quốc phòng cũng tỏ thái độ... Rồi họ tính đến
điều này, điều kia, đi chỗ này đi chỗ kia để tuyên bố, để bày tỏ thái độ cứng
rắn với các hành động đe dọa nghiêm trọng an ninh Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam của
Tổng thống Obama cũng là biểu hiện mối quan tâm của họ. Họ có tính toán chiến
lược của họ, còn họ làm đến đâu thì họ phải cân nhắc kỹ lưỡng tới lợi ích rộng
lớn của họ. Nên nhớ rằng, Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới và lợi ích của họ
là lợi ích toàn cầu chứ không phải lợi ích riêng với Việt Nam.
Thưa ông, chúng ta
không khuyến khích tư tưởng cực đoan, càng không có chủ trương kích động chủ
nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng đang có một thực tế là hiện nay người Việt Nam
rất “dị ứng” với người Trung Quốc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đường lối ngoại giao của
chúng ta với Trung Quốc là rất rõ ràng: hai nước láng giềng hữu nghị với nhau,
cùng nhau hợp tác phát triển. Không thể khác được, dù có thế này, thế khác thì
chúng ta vẫn phải sống cạnh Trung Quốc, giống như sống với Lào và Campuchia
thôi. Láng giềng, làng xóm cho dù có lủng củng, có lúc “ném rác” sang nhà nhau
thì rồi cuối cũng cũng phải dàn xếp với nhau mà sống chứ.
Chúng ta cũng hiểu được
nước ta so với Trung Quốc là nước nhỏ. Thế nên ông cha ta ngày xưa, mỗi lần
quân Trung Quốc sang xâm lược, đánh đuổi giặc xong rồi chúng ta lại sang giàn
hòa ngay. Đấy là cái khôn khéo của một nước nhỏ cạnh một nước lớn. Hàng ngàn
năm nay chúng ta đã cư xử như vậy. Chúng ta bây giờ cũng như vậy, muốn cuộc
sống hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, chúng ta phấn đấu rất nhiều, cố “nghiến
răng” lại quên đi những đau xót do chiến tranh gây ra. Chiến tranh biên giới
năm 1979 không đau xót hay sao? Chiến tranh Tây Nam không đau xót hay sao?
Nhưng rồi chúng ta phải gác chuyện đó lại để phát triển quan hệ hữu nghị với họ
vì sự phát triển của dân tộc ta.
Còn tâm lý của nhiều người
Việt Nam bây giờ hễ cứ nhắc tới Trung Quốc là người ta “dị ứng”. Đó là điều có
thật, mặc dù không ai muốn như vậy cả. Chúng ta thử đặt vấn đề thế này: tại sao
người Pháp, người Nhật xâm lược nước ta, ta chiến thắng, ta cư xử với tù binh,
bệnh binh của Nhật, Pháp rất nhân đạo, tử tế. Rồi với phí công Mỹ bị bắt chúng
ta cũng cư xử nhân đạo, mặc dù họ ném bom sát hại nhiều người dân thường Việt
Nam. Nhưng chiến tranh kết thúc, quan hệ được thiết lập, người Việt Nam đâu có
“thù ghét” người Pháp, người Nhật, người Mỹ.
Thế thì cái gì nó cũng có
hai mặt của nó. Chúng ta không khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng
cũng phải nhìn lại xem phía Trung Quốc đã cư xử với chúng ta như thế nào. Miệng
họ nói hữu hảo, nhưng họ lại đi chiếm lãnh thổ của chúng ta. Vì vậy Trung Quốc
cũng phải có một chính sách như thế nào đó để tôn trọng dân tộc chúng ta, tôn
trọng chủ quyền của chúng ta, nếu không thì làm sao ai cấm được người dân Việt
Nam cứ “dị ứng” khi nhắc đến Trung Quốc.
Xin cám ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét