11/05/2016 16:33 GMT+7
Kết quả quan trắc ngày 8/5 của Tổng cục Môi trường tại 2 bãi tắm tại Hà Tĩnh cho thấy, hàm lượng kim loại sắt có giá trị vượt giá trị tối đa cho phép đối với vùng bãi tắm và thể thao dưới nước.
Bãi tắm biển tại tỉnh Hà Tĩnh.
|
Hai bãi tắm có hàm lượng Sắt vượt tiêu chuẩn là bãi tắm Xuân Hải và bãi tắm Thạch Hải thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, kết quả quan trắc thông số kim loại Sắt tại bãi tắm Xuân Hải vào sáng 8/5 cho kết quả là 0,7 mg/l trong khi giá trị tối đa cho phép là 0,5 mg/l. Tương tự, hàm lượng Sắt tại bãi tắm Thạch Hải sáng 8/5 có giá trị lên tới 0,8mg/l.
Đến chiều cùng ngày, kết quả quan trắc tại 2 bãi tắm này cho thấy hàm lượng kim loại Sắt đã quay về trong giá trị cho phép của quy chuẩn.
Trao đổi với VietNamNet, GS Trần Hồng Côn, Phòng Thí nghiệm Hóa môi trường, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bản thân kim loại Sắt quan trắc được trong nước biển không có hại. "Tuy nhiên, quá trình diễn ra trước đó thì có thể gây hại cho các sinh vật biển", GS Côn cho hay.
Ông Côn lý giải, khi quan trắc thấy hàm lượng Sắt tăng cao trong nước biển thì có nghĩa là nguồn gốc Sắt thải vào môi trường biển là dạng Sắt 2 (Fe2). Do đó, khi vào nước biển, nó sẽ bị oxy hóa để trở thành Sắt 3 (Fe). Quá trình này sẽ lấy oxy hòa tan trong nước biển, khiến lượng oxy hòa tan trong nước giảm xuống.
Tiếp đó, Sắt 3 sẽ trải qua quá trình thủy phân để trở thành Hydroxit Sắt làm nước biển đục sau đó lắng xuống đáy. Quá trình này, theo GS Côn cũng sẽ làm giảm độ pH của nước.
Việc làm giảm lượng oxy hòa tan cũng như độ pH trong nước biển sẽ có hại tới sinh vật biển sống trong môi trường đó.
Do đó, theo GS Côn, nếu như khi nguồn Sắt thải vào nước biển nhanh chóng bị pha loãng, hai quá trình trên vẫn diễn ra nhưng Sắt nhanh chóng bị lắng xuống và không gây ra nhiều nguy hại. Tuy nhiên, nếu như nguồn Sắt thải ra môi trường tại một khu vực cục bộ, Sắt không bị pha loãng thì nồng độ oxy hòa tan và độ pH tại khu vực này sẽ giảm, cá và các sinh vật biển sẽ chết.
"Môi trường thải chất ấy (Sắt) là môi trường axit nữa thì cái đó tác động mới mạnh", GS Côn cho biết thêm.
Ông Côn cũng khẳng định, kết quả quan trắc buổi chiều cho thấy hàm lượng Sắt trong môi trường nước đã bị pha loãng. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, thời điểm buổi sáng, khi hàm lượng Sắt trong nước vượt giá trị tối đa cho phép chính là lúc "rất nguy hiểm với sinh vật biển".
Trong khi đó, ông Vũ Thường Bồi, Hội Hóa học Việt Nam khẳng định, hàm lượng Sắt trong nước biển vượt tiêu chuẩn cho phép không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tắm biển.
Lê Văn
(Xã hội) - “Khi trôi về đến các bãi tắm, dù đã bị hòa loãng nhưng hàm lượng sắt trong nước biển vẫn vượt lên bất thường. Vậy thì tại điểm khởi phát, hàm lượng này chắc chắn cao hơn nhiều và nơi đó chính là tử huyệt của toàn bộ sinh vật thủy sinh” – PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định.
Vừa qua, kết quả quan trắc vào buổi sáng ngày 08/5 cho thấy, hàm lượng sắt (Fe) trong nước biển tại hai bãi tắm Xuân Hải và Thạch Hải của tỉnh Hà Tĩnh đều vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, tại bãi tắm Xuân Hải, hàm lượng Fe là 0,7mg/l (vượt quy chuẩn Việt Nam 0,2mg/l); còn tại bãi tắm Thạch Hải, hàm lượng đo được vượt quy chuẩn 0,3mg/l.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Đại học khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), ở các bãi tắm mà đã phân tích được hàm lượng vượt ngưỡng cho phép như vậy thì ở nơi khởi thải, hàm lượng sắt chắc chắn phải rất cao.
“Nếu chỉ nhìn vào chỉ số 0,7 mg/l hay 0,8mg/l thì có thể thấy, hàm lượng sắt trong nước dù vượt ngưỡng nhưng chưa ảnh hưởng quá lớn tới các các sinh vật thủy sinh. Do đó, cũng chưa tới mức làm chết các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, khi về tới các bãi tắm, nước biển đã bị hòa loãng rất nhiều. Vậy thì ở tại điểm khởi phát, hàm lượng sắt phải “cách xa” nhiều so với những con số trên” – PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định.
PGS phân tích, về cơ bản, sắt không phải là chất độc nên việc trong nước chứa sắt không ảnh hưởng tới việc tắm hay bất kỳ hoạt động nào của con người trên biển. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, trước khi sắt bị hòa tan trong nước thì ở nơi khởi thải ra thứ kim loại này sẽ gây ra nhiều tác động đối với môi trường thủy sinh.
Cụ thể, sắt II được thải ra không bao giờ đi một mình mà phải tồn tại trong một môi trường axit rất cao. Bản thân môi trường axit này cũng gây hại nghiêm trọng đối với các sinh vật thủy sinh. Khi sắt II bị thải ra ngoài nước biển thì sẽ bị oxy hóa lên sắt III. Quá trình này lấy mất oxy hòa tan trong nước, độ pH cũng giảm xuống. Do đó, sinh vật biển không có oxy để thở thì sẽ bị chết ngạt. Quá trình thủy phân để tạo ra sắt III hydroxit để lắng xuống đã lấy mất (OH-) của nước khiến độ pH tiếp tục giảm xuống.
“Cả quá trình giảm pH trong nước do sắt thủy phân, lấy oxy để oxy hóa từ sắt II lên sắt III; cộng với nồng độ axit trong môi trường chứa sắt đã được thải ra đủ làm cho sinh vật biển tại đó kết thúc sự sống. Và nơi đó chính là “tử huyệt” của toàn bộ sinh vật thủy sinh” – PGS.TS Trần Hồng Côn dẫn giải.
Cũng theo PGS Trần Hồng Côn, đó mới chỉ là những phân tích ban đầu riêng về sắt, còn chưa kể tới các chất độc khác, các dioxit khác đi cùng cũng ảnh hưởng, tác động không hề nhỏ tới sự sống của các loài sinh vật biển.
Như vậy, có thể thấy, chỉ số vượt ngưỡng đo được từ việc quan trắc nước biển vừa qua không phải là con số “không đáng kể”.
Trước đó, nhằm đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế (phục vụ tắm biển và các hoạt động thể thao dưới nước), từ ngày 28/4, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường các tỉnh trên đã lấy mẫu nước ven bờ để xem xét các chỉ số như: pH, DO, N-NH4, CN, Cr, Cr tổng, TSS, Pb, Fe, Cu, Zn…
Mỗi tỉnh lấy mẫu nước tại ít nhất 3 vị trí, nhiều nhất là 6, tập trung ở các bãi tắm, trong đó có Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình); Triệu Lăng, Cửa Việt (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An (Thừa Thiên – Huế).
Kết quả, tại bãi tắm Xuân Hải, hàm lượng sắt (Fe) sáng 8/5 là 0,7 mg/l, vượt quy chuẩn Việt Nam 0,2 mg/l; còn bãi tắm Thạch Hải vượt 0,3 mg/l. Các chỉ số khác như pH, Mn, DO tại các bãi tắm được lấy mẫu nước đều nằm trong giới hạn cho phép.
(Theo Tri Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét