(Quốc tế) - Nhà Trắng công bố lịch trình chuyến thăm chính thức tới Việt Nam và Nhật Bản của Tổng thống Barack Obama, chuyến thăm thứ 10 của ông tới châu Á.
Lịch trình
Theo đó, chuyến công du này của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ diễn ra từ ngày 21-28/5. Chuyến thăm sẽ khẳng định những cam kết của ông Obama đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là chuyến thăm được thiết kế nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao, chính trị và an ninh giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vưc, Nhà Trắng cho biết.
Dự kiến, ông Obama sẽ đặt chân tới Việt Nam trước. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Obama sẽ có các cuộc gặp chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam để bàn biện pháp thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ và tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực bao gồm hợp tác kinh tế, hợp tác nhân dân, an ninh, nhân quyền, cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ sẽ có một bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ. Trong các cuộc gặp và sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM, ông Obama sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.
Ông cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với thành viên của tổ chức Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, các doanh nhân, và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Khi tới thăm Nhật, ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông tại Ise-Shima. Hội nghị này sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo G7 thúc đẩy các lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và an ninh, cũng như giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp song phương để bàn về tăng cường mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật, bao gồm hợp tác về kinh tế và an ninh, cũng như các thách thức toàn cầu.
Cuối cùng, ông Obama sẽ cùng ông Abe có một chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima, nơi Mỹ đã trút bom nguyên tử ở thời điểm gần kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Hiroshima nhằm nhấn mạnh cam kết của ông trong việc theo đuổi hòa bình và an ninh trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân, Nhà Trắng cho biết.
Hàng rào bảo vệ
Theo tổ chức phi chính phủ Mỹ National Taxpayers Union, khi tổng thống Mỹ thăm chính thức một nước khác, chính phủ sẽ trả tiền cho tất cả các chi phí liên quan, bao gồm thức ăn, chỗ ở, đi lại, phí phát sinh cho cả tổng thống và tất cả những người đi cùng.
Riêng Air Force One, chuyên cơ phục vụ cho chuyến đi quốc tế của tổng thống Mỹ có thể ngốn vài triệu USD. Ví dụ, trong chuyến đi lịch sử của ông Obama về quê cha Kenya tháng 7/2015, cần gần 14 giờ để bay từ căn cứ không quân Andrews ở ngay ngoại ô Washington đến Nairobi, Kenya; rồi từ đó đến Addis Ababa, Ethiopia và trở lại Washington cần thêm 15 giờ. Điều đó có nghĩa là chi phí vận hành máy bay sẽ là gần 6 triệu USD.
Air Force One được trang bị thiết bị quân sự cần thiết để đảm bảo an toàn cho tổng thống, bao gồm cả các hệ thống phòng thủ tên lửa, khả năng gây nhiễu radar và thiết bị đàm thoại có hình.
Đáng chú ý, chuyên cơ Air Force One chở tổng thống sẽ được tháp tùng bởi ít nhất 6 máy bay khác. Vài chiếc trong số này mang theo những trang bị cần thiết như trực thăng, xe limousine, phương tiện liên lạc… Những phi cơ khác chở hàng trăm đặc vụ cùng nhân viên phục vụ tổng thống.
“Hàng nghìn người được điều động mỗi lần tổng thống di chuyển”, ông Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách “Standing Next to History: An Agent’s Life Inside the Secret Service” viết về cuộc sống của những nhân viên mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ nói.
Đối với hàng rào an ninh bảo vệ tổng thống Mỹ, nó được phân làm ba lớp nhằm đảm bảo không ai có thể bất ngờ tiếp cận hay gây nguy hiểm cho người đứng đầu Nhà Trắng.
Oregon Live dẫn lời ông Ronald Kessler, tác giả nhiều cuốn sách viết về mật vụ Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), cho hay lực lượng bảo vệ tổng thống còn phải phối hợp hành động với cảnh sát địa phương để liệt kê tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn và điểm mặt những thành phần có khả năng đe dọa tới tổng thống. Sau đó, các mật vụ sẽ liên lạc với những người này để cảnh báo rằng họ đang bị giám sát rất chặt chẽ.
Chó nghiệp vụ cũng là một thành phần không thể thiếu trong đoàn bảo vệ tổng thống Mỹ. Trước ngày chuyến công du diễn ra, các đặc vụ sẽ đưa những con chó có khả năng đánh hơi bom tới từng tuyến đường mà tổng thống sẽ đi qua để kiểm tra.
Họ còn phải di dời mọi phương tiện đỗ tại các con phố xung quanh nơi tổng thống ở nhằm chắc chắn rằng không ai có thể đặt được bom xe gần khách sạn của tổng thống, ông Robinson cho hay. Bên cạnh đó, họ đôi khi phải bố trí cả những tấm màn chắn quanh chiếc xe chở tổng thống để giúp ông không bị lộ diện.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của nhân viên mật vụ là đảm bảo tổng thống luôn ở gần các bệnh viện dã chiến, cách tối đa 10 phút đi xe. Họ sẽ cắt cử người túc trực tại các bệnh viện này để trợ giúp, phối hợp với đội ngũ y bác sĩ nếu cần cấp cứu.
Ngoài ra, để giữ an toàn tối đa cho tổng thống, những tuyến đường mà đoàn xe của ông đi qua cũng sẽ bị cấm.
Khi tổng thống tới khách sạn, các nhân viên mật vụ có thể sẽ không đưa ông vào theo lối cửa chính. Thay vào đó, họ dùng những cánh cửa phụ, thậm chí hộ tống tổng thống về phòng nghỉ thông qua lối đi trong nhà bếp, ông Kessler giải thích.
Nhân viên mật vụ còn phải kiểm tra nhân thân, hồ sơ lý lịch của tất cả nhân viên khách sạn nơi tổng thống ở, Kessler cho biết thêm. Bất kỳ ai có tiền sử bạo lực, kể cả những hành vi rất nhỏ, đều được yêu cầu ở nhà trong suốt thời gian tổng thống lưu trú. Thêm vào đó, mọi phòng khách sạn phía trên, phía dưới và xung quanh buồng của tổng thống cũng bị phong tỏa.
Các nhân viên mật vụ sẽ rà soát toàn bộ phòng nghỉ của tổng thống trước khi ông bước chân vào. Họ kiểm tra xem có dấu vết của thiết bị nghe lén hay vật liệu nổ hay không. Sau đó, họ tháo rời tất cả những bức tranh treo trên tường để đảm báo không có thứ gì được giấu đằng sau chúng hay bên trong các khung hình. Họ cũng lắp đặt vật liệu chống đạn che kín các ô cửa sổ hay tháo bỏ điện thoại và tivi bố trí sẵn trong phòng để thay thế bằng những vật dụng bảo mật hơn.
Robinson tiết lộ, nhân viên mật vụ sẽ dựng vành đai an ninh ba lớp xung quanh tổng thống. Cảnh sát trấn giữ vòng ngoài cùng, nhân viên mật vụ xếp ở lớp giữa và cuối cùng, các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống trấn thủ lớp trong cùng, gần với ông chủ Nhà Trắng nhất.
Khi tổng thống Mỹ công du, ông thường mang theo thức ăn của riêng mình, Robinson cho hay. Một đội ngũ đầu bếp và nhân viên phục vụ sẽ đảm nhận trách nhiệm mua đồ ăn, nấu nướng, dưới sự giám sát của các mật vụ. Họ muốn chắc chắn rằng không ai có thể can thiệp vào quá trình này.
(Theo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét