Tuần duyên Philippines và Nhật cùng luyện tập chống cướp biển ở ngoài khơi Vịnh Manila, ngày 13/07/2016. TED ALJIBE / AFP |
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/7 /2016 theo hướng phủ nhận hầu hết các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã được dư luận quốc tế rộng rãi ủng hộ và ghi nhận như một thắng lợi ngoại giao của Philippines trước Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington đằng sau tuyên bố ủng hộ quyết định của Tòa, đã kín đáo nhắc nhở các nước có liên quan như Philippines, Việt Nam hay Indonesia cũng như một số quốc gia châu Á khác nên bình tĩnh hành động, không làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.
Một quan chức Mỹ, giấu tên, hôm qua (13/07) cho biết quan điểm của Washington lúc này là các nước có liên quan cần phải kiềm chế để có thể đi đến giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách có lý không bị cảm xúc lấn át.
Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter, ngoại trưởng John Kerry và một số quan chức khác của chính quyền Mỹ đã trực tiếp gửi thư, điện hoặc thông qua các cơ quan đại diện Mỹ đến các nước liên quan trực tiếp và những nước có quan tâm nhiều đến quyết định vừa rồi của Tòa Trọng Tài. Nội dung thông điệp, theo quan chức Mỹ nói trên, « là kêu gọi tất cả mọi người trấn tĩnh, không nên có ý đồ tập hợp chống Trung Quốc, đó là điều có thể dẫn tới hiểu lầm là Hoa Kỳ đang tập hợp liên minh kiềm chế Trung Quốc ».
Hoa Kỳ có lý do để đưa ra thông điệp hòa dịu, bởi vì ngay sau khi Tòa ra phán quyết, ngoài phản ứng của Trung Quốc là bác bỏ thẳng thừng, một vài nước liên quan đã có những động thái có thể làm tình hình xấu đi. Trong đó có Đài Loan. Hiện Đài Bắc đang chiếm hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là Ba Bình, mà họ đặt tên là đảo Thái Bình. Theo phán quyết của Tòa thì đó chỉ là một bãi đá và Đài Loan cũng không có « quyền lịch sử » nào ở Ba Bình. Ngay lập tức, hôm qua Đài Loan đã điều tàu chiến ra đảo. Bà tổng thống Thái Anh Văn còn lên tận chiến hạm giao nhiêm vụ bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Đài Loan.
Philippines, nước đứng ra khởi kiện và là đồng minh của Mỹ, ngay sau khi có phán quyết thuận lợi, cũng đã giữ bình tĩnh, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, phản ứng có chừng mực.
Theo một quan chức Mỹ, nếu ông Benigno Aquino nổi tiếng cứng rắn với Bắc Kinh thì tân tổng thống Rodrigo Duterte hiện vẫn còn là một « ẩn số ». Trước khi có quyết định của Tòa Thường Trực, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfi Lorenzana cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter và được biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cam kết với nhau phản ứng có chừng mực về phán quyết của Tòa. Ông Lorenzana bổ sung, Philippines hứa hành động tương tự.
Phản đối gay gắt phán quyết của Tòa, nhưng Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi đàm phán với Manila và coi đây là lúc để đặt lại vấn đề « theo đúng hướng ». Ít nhiều thì đó cũng là một dấu hiệu chuyển biến đầu tiên.
Sau một ngày cao giọng lên án, chỉ trích phán quyết của Tòa, hôm nay tờ báo chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Nhân Dân Nhật Báo khẳng định, Bắc Kinh đã cho thấy có thể giải quyết các vấn đề lãnh thổ qua đàm phán. Tờ báo dẫn chứng bằng hiệp định phân định biên giới trên biển trong vịnh Bắc Bộ đã ký được với Việt Nam, cũng như họ đang đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề lãnh hải…
Tuy vậy, hôm qua, Bắc Kinh vẫn có một động thái xác quyết chủ quyền ở các khu vực họ đang chiếm giữ trên Biển Đông bằng việc đưa hai chiếc máy bay dân sự hạ cánh tại hai sân bay mà họ vừa xây dựng trên những đảo mới bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Một hành động bị Washington đánh giá là gây căng thẳng nhiều hơn là hòa dịu.
Giới phân tích chính trị đều nhận định phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là một thất bại lớn của Trung Quốc trên trường ngoại giao quốc tế. Nhưng quyết định của Tòa chỉ có thể tạo đà để các bên tiến tới đàm phán giải quyết các tranh chấp. Các nước có liên quan cũng như có lợi ích trong khu vực đang nóng này cần bình tĩnh, tỉnh táo nhìn nhận thực chất vấn đề, không nên hành động thái quá và nhất là tránh làm dấy lên bầu không khí dân tộc chủ nghĩa. Điều đó có thể phá hỏng một phán quyết hoàn toàn mang ý nghĩa trung gian, hòa giải của Tòa La Haye.
Anh Vũ
(RFI)
Thủ tướng VN và TQ hội đàm sau phán quyết biển Đông
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam 'phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông'. (Ảnh tư liệu) |
Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau hôm nay, 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.
Đây được coi là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa quan chức đôi bên sau phán quyết lịch sử, trao phần thắng cho Philippines hôm 12/7.
Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói tại cuộc họp rằng, đôi bên nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình”, và “thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.
Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm rằng Hà Nội “kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế”, đồng thời “coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.
Qua quan sát các thông tin đăng tải trên truyền thông hai nước, chưa rõ hai bên có trao đổi về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không.
Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu kéo dài hai ngày ở Mông Cổ, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia châu Á và châu Âu, sẽ khai mạc vào ngày mai, 15/7. Theo tin từ Philippines, tân tổng thống nước này sẽ không tới tham dự.
Đầu tuần này, ông Khổng Huyễn Hữu, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, đầu tuần này tuyên bố rằng ASEM “không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông,” và vấn đề tranh chấp này không nên được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chuyến thăm tới Mông Cổ để dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu hôm 13/7.
(VOA)
ASEAN im lặng trước phán quyết Biển Đông do áp lực Trung Quốc
Thêm chú thíchThủ tướng Cam Bốt Hun Sen (trái) và đồng nhiệm Lào Thongloun Sisoulith tại Phnom Penh, 27/06/2016.REUTERS/Samrang Pring |
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không ra được thông cáo chung về vụ Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các nhà ngoại giao khu vực hôm nay 14/07/2016 cho AFP biết như trên, tố cáo sự im lặng này là do Bắc Kinh gây áp lực.
Các nước ASEAN đã nêu khả năng đưa ra tuyên bố về phán quyết hôm thứ Ba 12/7 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo đó đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp. Nhưng 10 quốc gia thành viên ASEAN, mà tình đoàn kết đã bị rạn nứt trước chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, không thể tìm được tiếng nói chung.
Nguồn tin ngoại giao trên đây cho biết : « Các viên chức ASEAN đã chuẩn bị một dự thảo, nhưng đã không đồng thuận được trong việc ra một thông cáo chung ». Người ta tin rằng Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng đối với các đồng minh Lào và Cam Bốt để ngăn chận việc ra tuyên bố về vụ kiện lịch sử này. « Một số nước ASEAN chắc chắn là không vui, hành động của Bắc Kinh có thể được cho là can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN ».
Một nhà ngoại giao cao cấp khác của ASEAN cũng nhận định Trung Quốc đã « thành công trong việc chia rẽ ASEAN trên hồ sơ Biển Đông, thông qua các đồng minh », ý nói Lào và Cam Bốt.
Tháng trước, ASEAN đã gây ngạc nhiên khi nhanh chóng rút lại một thông cáo chung do Malaysia soạn thảo sau hội nghị ASEAN-Trung Quốc, cảnh báo về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bắc Kinh bị tố cáo là đã gây áp lực, và thất bại trên đây cho thấy sự bất lực của khối ASEAN trong việc duy trì đoàn kết trên hồ sơ này.
Trong khi Philippines và Việt Nam chỉ trích thái độ hung hăng của Trung Quốc, Lào và Cam Bốt thường đứng về phía người láng giềng khổng lồ vốn tỏ ra hào phóng với họ. Lào giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.
Khi được hỏi về sự thiếu vắng tuyên bố chung ASEAN, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose hôm nay trả lời : « Xin vui lòng chất vấn chủ tịch là Lào ». Còn Cam Bốt trước đó đã nói rằng sẽ không ủng hộ việc ra ASEAN ra tuyên bố, như vậy đã chặn đứng khả năng này vì khối ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận.
Trong những năm gần đây, ASEAN đã từng phát hành các thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại trước các hoạt động xây dựng tại Biển Đông, tuy vẫn thận trọng không nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng theo Lauro Baja, nguyên đại diện Philippines tại Liên Hiệp Quốc, trong những ngày này, vấn đề có thể làm chia rẽ ASEAN không được đặt ra. Ông nói : « Nay chúng tôi không còn có thể hy vọng trong tương lai sẽ có được một tuyên bố chung của ASEAN về Trung Quốc ».
Thụy My
(RFI)
Tướng Kiều Lương. (Ảnh: China.com.cn)
Tướng TQ: "Nếu có chiến tranh, tàu sân bay Mỹ không còn đường về"
Thủy Thu |
Đây là lời đe dọa của thiếu tướng, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Kiều Lương, được tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng tải ngày 14/7.
Tướng Kiều Lương ngang ngược chỉ trích phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7 về vụ kiện giữa Philippines-Trung Quốc "vốn không có hiệu lực với Trung Quốc nhưng lại bôi nhọ Bắc Kinh".
Theo ông này, vụ kiện biển Đông vừa qua là "mối đe dọa địa chính trị nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc gặp phải kể từ khi cải cách mở cửa".
Kiều tuyên bố, Trung Quốc cần phải có chuẩn bị và việc này sẽ chủ yếu được quyết định từ sức mạnh, chiến lược quân sự.
"Ví như với một nước có tiềm lực mạnh như Mỹ thì tất cả những động thái của nước này ở biển Đông đều chỉ là khoe mẽ, tuy muốn gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng lại chưa dám lật mặt hoàn toàn" - Kiều Lương viết trong bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu.
Hơn nữa, viên tướng này đánh giá hai tàu sân bay, USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan, được Mỹ đưa đến biển Đông không vì mục đích gây hấn với Trung Quốc.
"Hai tàu sân bay của Mỹ sẽ không gặp vấn đề gì nếu chỉ lưu thông hàng hải trên biển Đông nhưng nếu chiến tranh xảy ra, hai tàu này sẽ không có đường về", tướng diều hâu lên giọng đe dọa.
Kiều Lương lý giải, biển Đông quá nhỏ hẹp để biến thành "chiến trường", nhưng nếu xảy ra chiến tranh, quốc gia chiếm ưu thế duy nhất chính là Trung Quốc bởi việc này xuất phát từ nhiều nhân tố khác nhau liên quan đến địa chính trị.
theo Thế giới trẻ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: REUTERS)
Nga không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông
Ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ra tuyên bố nhấn mạnh lập trường "nhất quán và không thay đổi" của Moskva, theo đó các bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Bà Zakharova khẳng định Nga ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Bà Zakharova cũng nêu rõ về mặt nguyên tắc Nga không đứng về bất cứ bên nào và sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm tong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).
Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn (Mischief) hay bãi Cỏ Mây (Thomas).
PCA cũng khẳng định thực thể Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế.
PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.
Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.
Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề./.
theo VietnamPlus
(Ảnh minh họa: AP)
Kyodo: Nhật Bản sẽ kiện Trung Quốc ra PCA
Hải Võ |
Đảng cầm quyền Nhật Bản quyết định yêu cầu nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành thủ tục khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực (PCA).
Kyodo News (Nhật Bản) ngày 13/7 đưa tin, Ủy ban về khai thác tài nguyên biển Hoa Đông thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản do chính trị gia Yoshiaki Harada làm chủ tịch, đã cơ bản quyết định sẽ yêu cầu chính phủ Nhật đệ trình trình tự pháp lý ở Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Động thái này nhằm ngăn chặn và buộc Trung Quốc dừng hoạt động khai thác tại các mỏ dầu khí trên biển Hoa Đông.
Theo Kyodo, sau khi phán quyết của PCA về vụ kiện Philippines-Trung Quốc hôm 12/7 bác bỏ căn cứ pháp lý của "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc áp đặt trên biển Đông và khẳng định Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này, LDP tin rằng cần vận dụng một cách đầy đủ cơ quan tư pháp quốc tế.
Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, LDP đặt kế hoạch hoàn thành nội dung cụ thể của phương án kiện Trung Quốc ra PCA, và gửi yêu cầu tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 7.
Nội dung chủ yếu của thỏa thuận Trung-Nhật năm 2008 gồm: Hai nước cùng khai thác tài nguyên ở một khu vực được xác định bằng hiệp thương; Hoan nghênh pháp nhân Nhật Bản tham gia khai thác ở mỏ dầu Xuân Hiểu theo quy định của luật pháp Trung Quốc về hợp tác đối ngoại để khai thác dầu khí đại dương.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước bùng phát tháng 9/2010 khi Nhật bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc do tàu này va chạm với hai tàu tuần tra biển của Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung, Nhật cùng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng ngoại giao khiến thỏa thuận về khai thác chung trên biển bị gác lại cho đến nay.
Xoay quanh vấn đề các mỏ dầu khí, dù Trung-Nhật đã đạt thỏa thuận khai thác chung vào năm 2008, song hiện tại Bắc Kinh đang đơn phương thúc đẩy hoạt động khai thác trên biển Hoa Đông.
Đảng cầm quyền Nhật Bản nhận định hành động của Trung Quốc vi phạm Điều 74 của UNCLOS, quy định về nghĩa vụ nỗ lực thực hiện thỏa thuận đã ký kết giữa các nước. Tokyo sẽ khởi kiện Bắc Kinh dựa trên cơ sở này.
Ông Yoshiaki Harada đã lắng nghe ý kiến từ Bộ ngoại giao và Bộ tư pháp Nhật trong giai đoạn thảo luận trước ngày 13.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Bộ ngoại giao Trung Quốc trước đó từng nhiều lần tuyên bố hoạt động khai thác dầu khí mà nước này tiến hành trên biển Hoa Đông "nằm ở vùng biển thuộc quyền quản lý không tranh cãi của Trung Quốc", đồng thời cảnh cáo Nhật Bản "không có quyền phát ngôn bừa bãi".
Trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu, Giáo sư Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc, ông Liêm Đức Khôi cho biết mâu thuẫn giữa Nhật và Trung Quốc trong vấn đề dầu khí biển Hoa Đông chủ yếu nằm ở việc phân giới trên biển mà UNCLOS không đưa ra tiêu chuẩn quy định cụ thể.
Có quan điểm cho rằng, nếu hai nước cùng khai thác trên một vùng biển thì có thể phân chia theo "đường trung gian" - tức mỗi bên một nửa.
Quan điểm khác nhận định có thể phân giới căn cứ theo thềm lục địa kéo dài. Theo ông Liêm, Trung Quốc là quốc gia nằm trên thềm lục địa nên chủ trương phân giới bằng cách này, trong khi Nhật Bản phản đối và muốn sử dụng biện pháp "đường trung gian".
Học giả người Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh có đầy đủ căn cứ trong vấn đề khai thác tài nguyên biển Hoa Đông và điều này cho phép chính phủ Trung Quốc có hành động và thái độ cứng rắn hơn với Nhật Bản.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét