Năm 2013, Benigno Aquino III được Time xếp vào danh sách 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới |
Phán quyết Tòa trọng tài thường trực (The Hague) ngày 12-7-2016 nghiêng về Philippines là di sản của cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Quan hệ kinh tế khá lệ thuộc, từng là đối tác quốc phòng với Trung Quốc, chưa kể tình trạng đất nước nghèo và quân đội yếu… vẫn không là những biện bạch mà Aquino nêu ra để lẩn tránh va chạm với một sức mạnh hung hăng luôn muốn đè bẹp mình.
Cần nhắc lại, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu là viên chức ngoại giao nước ngoài thứ hai, sau Đại sứ Mỹ Harry Thomas Jr, là người mà Aquino tiếp tại tư dinh ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống cho thấy ông chiến thắng. Quan hệ Trung Quốc-Philippines thời Gloria Macapagal Arroyo phát triển tốt và Aquino không có lý do để làm nó xấu đi. Chọc giận một gã khổng lồ có những biểu hiện côn đồ trong chính sách ngoại giao là điều càng không nên. Năm 2011, Aquino kinh lý Bắc Kinh theo lời mời Tập Cận Bình. Tay bắt mặt mừng, bang giao hữu hảo. Quan hệ hai nước nồng ấm đến mức Philippines có thể được xem là đồng minh, hay chí ít cũng là đối tác đáng tin cậy của Trung Quốc tại khu vực.
Cho nên, tháng 4-2012, khi tàu chiến Trung Quốc đụng độ tàu chiến Philippines tại bãi đá cạn Panatag (Scarborough), Malacañang (Dinh tổng thống) gần như hoàn toàn bất ngờ. Họ không biết nên phản ứng thế nào. Chuyện xảy ra khi một tàu chiến Philippines vây đuổi một số tàu đánh cá Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough thì tàu hải giám Trung Quốc lao đến chặn lại rồi tuyên bố Scarborough thuộc chủ quyền họ. Đây là lần đầu tiên kể từ 1995 mà Trung Quốc tỏ rõ công khai chiếm hữu Scarborough.
Khủng hoảng leo thang. Aquino bế tắc. Ba tháng sau, tháng 7-2012, Malacañang triệu tập họp khẩn, với sự tham dự của hai cựu tổng thống Fidel Ramos và Joseph Estrada, các nghị sĩ và thành viên nội các. Họ biểu quyết đề xuất đưa vấn đề lên ASEAN. Trong khi đó, Bắc Kinh cương quyết không quốc tế hóa vụ việc và yêu cầu vấn đề tranh chấp phải được giải quyết song phương. Họ cũng nói rõ: không được lôi Mỹ vào!
Có tên quốc tế là Scarborough (đặt theo tên chiếc tàu yểu mệnh của hãng Đông Ấn bị chìm tại đó năm 1784), bãi cạn 150 km2 này, nằm ở tọa độ 15°11′ Bắc 117°46′ Đông, được Philippines gọi là Panatag và Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi cách tỉnh Zambales của Philippines 229 km (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines như qui định trong Công ước LHQ về Luật Biển-UNCLOS), Scarborough cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 km. Philippines dẫn chứng cứ liệu lịch sử, cho thấy, Scarborough từng có mặt trong bản đồ Carta Hydrographical y Chorographics De Las Yslas Filipinas (Thủy văn địa chí bản đồ về các hòn đảo Philippines).
Ấn hành năm 1734, tấm bản đồ này của nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Cha Pedro Murillo Velarde, đã công nhận Scarborough là một phần của tỉnh Zambales. Tiếp đó, trong cuộc khảo sát năm 1808, Alejandro Malaspina (nhà quý tộc Ý phục vụ cho hải quân Tây Ban Nha) cũng thừa nhận tương tự. Phần mình, với lý lẽ giống như quan điểm quanh vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng nói cùn rằng Scarborough là của mình. Họ nói rằng dân họ là những người đầu tiên phát hiện Scarborough khi thực hiện cuộc khảo sát đo đạc và vẽ bản đồ biển Đông thời nhà Nguyên (1271-1368) rồi tiếp tục vẽ đo lần nữa vào năm 1279 bởi nhà thiên văn học Quách Thủ Kính...
Sau nhiều tháng khẩu chiến, Malacañang nhận thấy điều khiến Trung Quốc sợ nhất là quốc tế hóa vấn đề. Aquino quyết định đánh vào nỗi sợ đó. Ông đưa Trung Quốc ra tòa! Ngày 21-1-2013 Philippines bắt đầu tiến trình khởi kiện Trung Quốc, dựa theo Phụ lục VII của UNCLOS. Ngày 30-4-2014, Manila đấm một cú ngoạn mục vào mặt gã khổng lồ: họ đệ trình bộ hồ sơ 4.000 trang lên Tòa trọng tài thường trực (PCA). Trong cuộc họp báo về sự kiện này, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói: “Đây là vấn đề bảo vệ chính đáng những gì thuộc về chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm tương lai thế hệ con cháu chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tất cả các nước. Đây là vấn đề giúp mang lại sự ổn định hòa bình và an ninh khu vực. Và cuối cùng, đây là vấn đề không chỉ tìm kiếm bất kỳ nghị quyết nào mà là một giải pháp công bằng và bền lâu dựa trên luật quốc tế”. Bộ hồ sợ gồm 10 tập. Volume I (270 trang) phân tích về luật, các chứng cứ liên quan tranh chấp, và đặc biệt phân tích yếu tố pháp lý cho thấy PCA hoàn toàn đủ thẩm quyền để thụ lý và phán xét. Đây là điều cần phải nhấn mạnh, nếu không, vụ kiện sẽ không có giá trị. Volume II đến X (tổng cộng hơn 3.700 trang) chứa những chứng cứ và bản đồ ủng hộ lập luận chủ quyền của Manila…
Không phải tất cả ý kiến trong nước đều ủng hộ Tổng thống Aquino. Bắt đầu có những chuyên gia phân tích rằng Aquino đã liều lĩnh đưa quốc gia đến bờ vực rủi ro, không chỉ kinh tế mà còn quân sự. Những so sánh quân sự hai bên bắt đầu được nêu ra. Ngân sách quốc phòng Philippines không bằng 2% Trung Quốc. Dự trữ quốc gia 3.000 tỷ USD có thể giúp Trung Quốc đánh Philippines tơi tả mà không mảy may thiệt hại kinh tế. Không quân Trung Quốc có 315.000 người, Philippines chỉ có 15.000. Hải quân Trung Quốc có 255.000, Phi chỉ có 24.000 người. Trung Quốc có 2.910 máy bay quân sự trong khi Phi có vỏn vẹn 56. Trung Quốc có 19 khu trục hạm trong khi Phi không có chiếc nào. Trung Quốc có 4.500 tên lửa chiến thuật trong khi Phi không có một. Đừng kích động chiến tranh và châm ngòi cho chiến tranh. Nhiều ý kiến lên tiếng…
Tuy nhiên, như đã thấy, Manila không run sợ. Philippines không có sức mạnh quân sự. Họ chỉ có sức mạnh tinh thần dân tộc. Vũ khí của họ là pháp lý. Lý lẽ tranh luận chủ quyền phải được xây dựng trên nền tảng pháp lý và chỉ có thể dựa vào pháp lý để bảo vệ chủ quyền. Cách đối đầu với một kẻ ngông cuồng không biết lý lẽ là dạy cho hắn hiểu lý lẽ là gì. Một quốc gia to lớn không có “nhân phẩm” cần phải được giáo dục về giá trị nhân phẩm quốc gia. Bằng ý chí và quyết đoán, Aquino hiểu rằng, một quốc gia yếu khác với một quốc gia nhược. Một quốc gia yếu luôn cần một bộ máy lãnh đạo mạnh, có đủ dũng khí để đương đầu thế lực ngoại xâm, bằng bất kỳ phương tiện và cách thức gì, bất chấp nó hung hăn thế nào, và đặc biệt, luôn có đủ tự trọng để không hổ thẹn với người dân.
Trong số hàng triệu người dân Philippines đang vui mừng hôm nay trước phán quyết PCA, chắc chắn có không ít người nhớ đến Aquino. Trong số người dân nhiều quốc gia châu Á đang theo dõi sự kiện này, hẳn có không ít người nghĩ rằng các nước nhỏ châu Á khác đang cần có những lãnh đạo như Aquino. Mặc cảm tự tròng vào cổ cái gọi là “lời nguyền địa lý”, cùng những viện dẫn tự ti về yếu kém quân sự, chẳng gì hơn là lớp tráng phủ ngụy biện được dùng để che một sự thuần phục cúi đầu.
Mạnh Kim
(FB Mạnh Kim)
'Sói đói' đặt chân vào nhà 'dê con'
- 13 tháng 3 2015
Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma ngày 14/3/1988, xảy ra cách đây 27 năm. 74 chiến sĩ đa phần là công binh thuộc Trung đoàn công binh 83 và Lữ đoàn 146 của Hải quân Việt Nam, được giao nhiệm vụ triển khai chiến dịch mang tên CQ-88, xây dựng lại 3 hòn đảo Garma, Colin và Len Đao nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc thềm lục địa, chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Khi xuất quân làm nhiệm vụ, 74 chiến sĩ công binh này đã được cấp trên quán triệt “không được nổ súng bằng bất cứ giá nào”.
Do đó, họ chủ yếu mang theo lương thực, xi măng, cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn mà không mang theo bất cứ một loại vũ khí hạng nặng nào, chỉ trừ vài ba khẩu súng AK. 74 chiến sĩ công binh của Trung đoàn công binh 83 đã đến đảo Gạc Ma chiều ngày 13/3/1988. Sáng ngày 14/3/ họ đã bị 3 tàu Trung Quốc tấn công, 64 chiến sĩ đã hy sinh và chỉ còn 9 chiến sĩ may mắn sống sót trở về.
Đảo Gạc Ma, Colin và Len Đao là chùm đảo quan trọng: nằm trên tuyến đường tiếp tế cho đảo Sinh Tồn, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các hòn đảo khác trong chum đảo Trường Sa. Gạc Ma nằm ở vị trí trung tâm chi phối toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập nước Trung Hoa 1/10/1949, chúng ta thấy đó là nhà quyết sách được lập trình, tính toán kỹ lưỡng, nhất quán, không bao giờ có các quyết sách, hành vi ngẫu hứng. Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm đã chủ trương quyết định thế nào thì thế hệ sau tiếp tục theo đuổi, kiên trì quyết sách đó. Khác với Việt Nam, các thế hệ sau thường phải đứng ra nhận lãnh, giải quyết hậu quả của thế hệ trước.
Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp Trung Quốc có thể trái quan điểm nhau trong các quyết sách đối nội. Riêng đối ngoại thì họ luôn thống nhất bởi những quyết sách đó luôn bám vào cái trục xoay, cái cốt lõi của chủ thuyết đối ngoại nhất quán của Trung Quốc: Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn.
Sự kiện Trung Quốc cho tàu đánh chiếm Gạc Ma, tàn sát các chiến sĩ công binh của Việt Nam vào sáng ngày 14/3/1988 là hành động được tính toán, để nhằm làm cơ sở, tiền đề cho những tuyên bố ngày 8/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc. Khi đó, ông giải thích với báo chí việc Trung Quốc cho cơi nới, mở rộng đảo Gạc Ma thành căn cứ hải quân lớn trên Biển Đông, vùng nằm trong chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Ông trắng trợn tuyên bố Biển Đông là “sân nhà của Trung Quốc” và vì thế, “mọi công việc xây dựng, cải tạo đảo do Bắc Kinh tiến hành đều hợp pháp”.
Có thể xâu chuỗi lại hàng loạt sự kiện xảy ra trong quan hệ Việt-Trung giai đoạn thập kỷ 80 của thế kỷ trước để thấy rằng: Đánh chiếm Gạc Ma là một hành động quân sự nhằm triển khai ý chí, tham vọng, mưu đồ chiến lược, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chủ trương này được Mao Trạch Đông đề ra và năm 1974 Trung Quôc triển khai bước 1: đánh chiếm Hoàng Sa; năm 1988 triển khai bước tiếp theo: chiếm Gạc Ma.
Trong các vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế, chính trị, Trung Quốc đã lựa chọn đánh chiếm Biển Đông là một quyết sách đầy tham vọng và thâm hiểm. Sau cuộc chiến tranh đánh 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam thất bại, Trung Quốc nhận ra nếu chỉ gây sự với Việt Nam trên khu vực biên giới thì không đạt được những tham vọng chiến lược bành trướng và rất tốn kém cả về nhân tài, vật lực.
Tôi đã hàng chục lần lên Vị Xuyên Hà Giang. Tôi đã đặt chân tới chân ngọn núi 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn nghiên cứu, điều tra nguyên nhân vì sao từ 1981-1989 Trung Quốc đã tập trung tại địa bàn này, một lực lượng 27 sư đoàn của 5 đại quân khu, đánh dữ dội, công kiên với quân đội Việt Nam trong gần 10 năm và cũng đã phải chịu tổn thất nặng nề.
Nếu tính cả lực lượng tiếp tế, dân binh thì Trung Quốc đã tập trung tại đây, chủ yếu khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ, một vùng đất với diện tích chưa tới 100 km2, lực lượng khoảng 50-60 vạn quân trong 10 năm, bằng lực lượng quân viễn chinh Mỹ đưa vào miền năm giai đoạn 1965-1975.
Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ một lần duy nhất đưa quân vào Việt Nam từ hướng Côn Minh, đó là đội quân của Mộng Thạnh thời nhà Minh được đưa vào cùng với Liễu Thăng để cứu Vương Thông bị vây hãm ở Đông Đô. Các triều đại phong kiến Trung Hoa triển khai, tấn công xâm lược Việt Nam từ hướng Lạng Sơn và vùng biển Vân Đồn Quảng Ninh.
Tôi cho rằng Trung Quốc dồn binh lực tập trung mở mặt trận Vị Xuyên 1981-1989 là nhằm thu hút sự chú ý của Việt Nam vào chiến trường này để rồi bất thần đánh úp Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Như vậy, Trung Quốc đã đạt được mục đích chiến lược bằng sự nghi binh và sự che dấu ý đồ chiến lược thâm hiểm giống với cách Việt Nam đánh úp Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975.
Sau khi đã chiếm được Gạc Ma, một trong những yết hầu quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc chuyển sang chiến lược hoà hoãn, ru ngủ Việt Nam. Trung Quốc chìa bàn tay “nhung” ra cho Việt Nam bắt bằng thoả thuận Thành Đô năm 1990. Còn nhớ bước vào giai đoạn những năm 90, Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra phương châm “16 chữ vàng”, “quan hệ 4 tốt”.
Có thể coi việc Trung Quốc chiếm Gạc Ma trong trận ngày 14/3/1988 giống hành vi của “chó sói” đã đặt được một chân trong ngôi nhà của các chú “dê con” trong khi mẹ vắng nhà. Sau khi sói ta đã đặt được 2 chân rồi thì bước tiếp theo chắc chắn sẽ là những cú nhảy bổ vào căn nhà của những chú dê con cuồng tín và ngu tín tội nghiệp.
Liệu Trung Quốc có đạt được tham vọng độc chiểm Biển Đông hay không, điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, tham vọng của những cái đầu nóng Trung Hoa đang nung nấu tham vọng bá quyền, nước lớn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, blogger và nhà văn đang sống ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét