Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

"Nước cờ sáng"... của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Formosa: không để hòa, phải bắt cho được "tướng" ?; Phải làm rõ việc cấp phép đầu tư cho Formosa lên tới 70 năm; TS Lưu Bích Hồ: Vụ Formosa, cán bộ sai thì phải xử lý chứ không thể rút kinh nghiệm là xong!

Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc cấp phép dự án Formosa


Với hậu quả nghiêm trọng mà Formosa gây ra, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu rà soát xem có tiêu cực hay không trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án.

Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ngày 1/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh số tiền 500 triệu USD Formosa bồi thường do sự cố xả thải gây cá chết hàng loạt phải được sử dụng chính xác, đúng đối tượng, trên cơ sở kê khai thực tế thiệt hại và không để thất thoát, tiêu cực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Bộ Công thương cũng phải tham gia vì có những ngành nghề khác bị ảnh hưởng như diêm dân, dịch vụ, du lịch.
Ông đề nghị tập trung giúp ngư dân ra biển, tẩy rửa cải tạo môi trường, xây dựng trang thiết bị quan trắc môi trường. "Những việc này đòi hỏi chi phí cao nhưng cũng tạo ra thêm việc làm cho người dân", ông nói.
Dự kiến đến cuối tháng 7, Chính phủ sẽ công khai, minh bạch phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại.
Từ việc Formosa gây hậu quả nặng nề, ông Bình yêu cầu thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho doanh nghiệp này. "Phải xem trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật", ông nói.
Ông cũng đề nghị rà soát thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để kiểm soát được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường, bảo đảm thực thi đúng pháp luật; rút kinh nghiệm để ứng phó các sự cố tương tự nhanh chóng, không bị động.
co-hay-khongtieu-cuctrong-cap-phep-du-an-cho-formosa
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình.
Chia sẻ quan điểm về chủ trương bồi thường cho người dân tại 4 tỉnh miền Trung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số kiến nghị.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển đội tàu, đóng tàu mới, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, thu mua tạm trữ..., ông Nhân cho rằng Chính phủ cần công bố vùng ngư trường không an toàn để người dân tránh, yên tâm đánh bắt ở những nơi an toàn, được chứng nhận và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quan điểm của Chính phủ sẽ theo hướng đầu tư cho đánh bắt xa bờ, mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững cho ngư dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về môi trường, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, chủ động cung cấp thông tin về sự cố một cách chính xác, kịp thời.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.
Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.
Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Nguyễn Hoài
( Vnexpress )

Phải làm rõ việc cấp phép đầu tư cho Formosa lên tới 70 năm

Dân trí GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - băn khoăn về việc chưa thấy các cơ quan chức năng nhắc tới việc xử lý những tập thể, cá nhân có trách nhiệm lớn trong toàn bộ quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa và để công ty này xả thải độc ra biển.


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng như các bộ ngành, các nhà khoa học đã đánh giá toàn diện, xác định nguyên nhân, đấu tranh về pháp lý buộc những người gây ra thảm họa môi trường phải nhận tội và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hiện trạng.
“Đối với ngư dân gặp nạn và người dân nói chung, 3 tháng điều tra là rất dài, nhưng để thu thập chứng cứ và đấu tranh pháp lý với một tập đoàn quốc tế có đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật như Formosa và buộc họ nhận tội, chấp nhận đền bù thì thời gian đó không dài. Đó là một sự cố gắng rất lớn”- ông Thuyết nói.
Tuy vậy, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc Chính phủ họp báo quốc tế công bố nguyên nhân, thủ phạm và biện pháp khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra mới chỉ là “giải quyết bước đầu”. Vấn đề đặt ra, quan trọng hơn, trong thời gian tới sẽ phải đánh giá toàn diện thiệt hại của người dân 4 tỉnh miền Trung để đền bù xứng đáng và có kế hoạch tổ chức lại việc sản xuất, đánh bắt cá, kinh doanh hải sản; làm sạch biển và rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, xả thải, xử lý ô nhiễm môi trường của Formosa.
Theo dõi thông tin về phương hướng xử lý sắp tới, điều khiến GS Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn là chưa thấy các cơ quan chức năng nhắc tới việc xem xét, xử lý đối với những tập thể, cá nhân có trách nhiệm lớn trong toàn bộ quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa và để công ty này xả thải chất độc ra biển, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, náo loạn cuộc sống của người dân 4 tỉnh miền Trung suốt thời gian qua.
“Nếu không làm rõ trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân có liên quan thì không tránh khỏi việc mọc ra những Formosa mới trong tương lai” - ông Thuyết nói.
Nhân sự việc này, GS Thuyết cũng đề nghị làm rõ việc cho phép Formosa thuê đất tới 70 năm, thay vì 50 năm như quy định của Luật Đầu tư mà trước đây Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ.
“Người dân ở đâu thì đó là bờ cõi, biên cương, chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Vì Công ty Formosa xả thải chất độc, gây ô nhiễm nặng nề mà người dân không thể ra khơi đánh bắt cá được thì điều đó sẽ còn ảnh hưởng lớn đến chủ quyền và việc thực hiện quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta. Vì vậy, việc này phải công khai cho nhân dân biết và phải được xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật” - ông Thuyết đề nghị.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, tại Kết luận thanh tra, việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ đã dẫn ra quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 cho thấy thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án Formosa trên 50 năm.
“Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động của dự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến quốc phòng và an ninh), cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động động dự án sau đầu tư”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV Dân trí từ Thanh tra Chính phủ, đến nay trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cấp phép cho Formosa đầu tư lên tới 70 năm vẫn chưa được làm rõ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM phân tích: Công ty Formosa xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro-ôxit sắt là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường. Tương tự như vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải trước đây, những người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của Formosa hoàn toàn có đủ cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở mức bồi thường 500 triệu USD mà Formosa đã đưa ra, người dân có thể thương lượng thỏa thuận với Formosa về mức bồi thường cao hơn hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền nếu cảm thấy không thỏa đáng.
“Với kinh nghiệm của tôi khi hỗ trợ người dân khởi kiện Vedan trước đây, do số lượng người dân bị thiệt hại và tính chất, mức độ của thiệt hại vô cùng lớn nên cần có một tổ chức hoặc hiệp hội đứng ra để hỗ trợ, bảo vệ cho người nông dân như Hiệp hội Thủy sản, Hội nông dân hoặc thành lập một Ban yêu cầu bồi thường…”- ông Hậu nói.
Tiếp tục quan trắc nước biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện chương trình quan trắc nước biển ven bờ với tần suất 2 lần/tuần.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 4 tỉnh này đã triển khai thực hiện chương trình quan trắc tại vũng bãi tắm và thường xuyên cung cấp số liệu cho người dân. Tổng cục Môi trường đã tiến hành lấy mẫu và thông báo kết quả trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường ( www.monre.gov.vn ).
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức cuộc họp đánh giá sơ kết tình hình thực hiện chương trình quan trắc môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Các kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước biển ven bờ cơ bản nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - ngoại trừ thông số tổng dầu, mỡ khoáng và một số thông số kim loại nặng Cr, Fe đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại một số thời điểm.
Căn cứ tình hình thực tế và kiến nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động quan trắc tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh ven biển miền Trung vào các ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần. Kết quả này sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong trường hợp khi có sự cố, hiện tượng bất thường tại các vùng biển, UBND các tỉnh phải chỉ đạo các đơn vị kịp thời thực hiện quan trắc và thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật.
Thế Kha

TS Lưu Bích Hồ:

Vụ Formosa, cán bộ sai thì phải xử lý chứ không thể rút kinh nghiệm là xong!

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
   Cuộc điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt kéo dài gần 3 tháng đã khiến Công ty Formosa phải thừa nhận hành vi hủy hoại môi trường và buộc phải bồi thường. Tuy nhiên, đằng sau thảm họa, dư luận đang chú ý đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thẩm định đầu tư và giám sát quá trình thi công, vận hành thử của nhà máy này.
Lỗ hổng trong giám sát
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 1.7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cần thanh tra, kiểm tra xem trong quá trình cấp phép cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý bởi vì người dân cũng mong đợi việc này.
Thảm họa môi trường lần này là một bài học đắt giá cho việc quản lý, giám sát đầu tư. Để tránh tái diễn tình trạng trên, người dân cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận phía Việt Nam có lỗ hổng trong quá trình giám sát vận hành thử nghiệm nhà máy này.
Cụ thể, theo ông Hà, nguồn nước thải của Formosa gồm nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Về quy chuẩn, có 2 quy chuẩn là quy chuẩn 40 - xác định với nước thải công nghiệp và quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép.
Trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ cảng, dầu mỡ... thì quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Do đó, việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn nước thải sinh hoá từ các cốc cần phải đảm bảo được quy chuẩn 52 thì chưa làm được.
"Thực tế, đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ rằng, việc quy trách nhiệm thì chúng ta chưa làm, mới chỉ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết hàng loạt.
“Thời gian tới chắc chắn sẽ phải làm việc này bởi Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố là ai sai đến đâu xử đến đó, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào. Formosa đã phải chịu trách nhiệm của mình trước tiên rồi”, TS Hồ nói.
Theo ông Lưu Bích Hồ, sau khi công bố nguyên nhân thì còn rất nhiều việc phải làm nữa bởi đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ các sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan chứ không phải chỉ thế là xong.
Theo ý kiến của TS Hồ, trách nhiệm của cơ quan quản lý từ các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng phải chịu trách nhiệm. Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, sai đến đâu xử đến đó chứ không thể cứ rút kinh nghiệm như các vụ việc khác là xong. Cần phải làm đến cùng chứ không thể xuê xoa trong vụ việc này được.
“Trách nhiệm từ việc thẩm định đầu tư cho đến việc giám sát quá trình vận hành, xả thải của doanh nghiệp, một lượng chất độc khổng lồ được thải ra hàng trăm km2 trên biển, hủy hoại môi trường như vậy thì quá nghiêm trọng”, ông Hồ nói.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng nói với báo điện tử Một Thế Giới rằng, việc tìm ra nguyên nhân là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, tạo được lòng tin từ phía nhân dân.
Tuy nhiên, theo bà An, phía Việt Nam cần phải làm rõ sự việc, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, phải làm rõ người rõ việc chứ không ngoại lệ với ai cả, nhất là trong các khâu thẩm tra, cấp phép đầu tư rồi giám sát hoạt động thử nghiệm. Cơ quan chức năng cần điều tra rõ việc này.
Quan trọng hơn, theo bà An là đừng để xảy ra một sự cố nào như trường hợp của Formosa nữa.
Tôi cho rằng phòng là chính, cần phải rà soát lại tất cả các khu công nghệp ven biển, ven sông để tránh hậu họa. Nếu không đảm bảo thì cần chấm dứt sản xuất. Trước khi phê chuẩn đầu tư cũng cần phải thẩm tra kỹ lưỡng công nghệ, máy móc và đánh giá tác động môi trường”, bà An nói.
Rà soát các nhà máy khác
Theo TS Lưu Bích Hồ, sự việc cá chết cũng góp phần cảnh tỉnh người dân bởi khắp đất nước Việt Nam có rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp và không ít nơi cũng đang gặp vấn đề về môi trường. Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan liên quan cần tiến hành một cuộc tổng kiểm tra để thấy rõ vấn đề, chứ không thể chỉ đến lúc xảy ra sự cố mới nhảy vào thì mọi chuyện đã quá muộn.
“Chúng ta cũng cần phải hoàn chỉnh hơn nữa công tác giám sát hoạt động môi trường. Hiện nay, nói thì nhiều chứ việc thực hiện thì chưa được bao nhiêu, từ nói đến làm thì còn một khoảng cách khá xa”, TS Lưu Bích Hồ cho hay.
Ông Lưu Bích Hồ nói thêm, lâu nay, chúng ta vẫn coi trọng việc thu hút nguồn vốn FDI và chắc chắn chúng ta còn phải thu hút nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, quá trình thu hút FDI cần phải có sự rà soát kỹ lưỡng, đúng với quy hoạch phát triển, phải đảm bảo được yêu cầu về công nghệ, về xử lý chất thải môi trường chứ không xuê xoa được. Dự án nào không đảm bảo tuyệt đối không cấp phép.
“Hiện nay đã phân cấp nhiều cho các địa phương cho nên trách nhiệm của các địa phương rất nặng nề. Cấp Trung ương cần phải trực tiếp phê duyệt những dự án lớn chứ không giao hẳn cho địa phương được”, TS Hồ cho hay.
Đồng thời, theo TS Hồ, đi đôi với việc đề cao trách nhiệm thì cần tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý để quản lý được tốt hơn. Cách làm việc của chúng ta không chặt chẽ nên các nhà đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận là chính mà không đảm bảo được yêu cầu.
“Không phải các doanh nghiệp FDI vào nước ta thì muốn làm gì thì làm. Thời gian tới chúng ta cần phải thay đổi”, TS Hồ nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, có nhiều vấn đề cần làm rõ. Trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm.
Thứ hai, theo bà Lan, về phía Việt Nam, cần làm rõ những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giám sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay.
“Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được”, bà Phạm Chi Lan nói.
Trí Lâm

Không có nhận xét nào: