Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kết luận Hội nghị trực tuyến.
Khẳng định trước mắt sẽ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế để giảm chi ngân sách.
Đó là kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương vừa diễn ra.
Nghiêm khắc nhìn nhận nguyên nhân chủ quan
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng có yếu tố khách quan nhưng cũng có yếu tố chủ quan. Một phần là do bộ máy mới đi vào điều hành, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm.
"Nghiêm túc rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp. Vì vậy quyết tâm Thủ tướng và Chính phủ là hành động quyết liệt, ưu tiên giải quyết điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, tạo cơ sở tăng trưởng bền vững. Trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ" - Thủ tướng khẳng định.
Do đó, việc phấn đấu đạt mục tiêu GDP tăng 6,7%, cần phải có giải pháp đồng bộ, quyết tâm chính trị cao của các bộ ngành, chính phủ và 63 địa phương, trong đó có 13 địa phương trọng điểm kinh tế, thì mới vượt qua khó khăn này.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Mục tiêu thống nhất là phải ổn định vĩ mô, đặc biệt cảnh giác cao với lạm phát, nhất là chính sách giá dịch vụ, y tế giáo dục sắp được ban hành.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, các bộ ngành địa phương cần xem việc lập lại trật tự kỷ cương như nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh các vấn đề sử dụng tài sản công, những kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, xác định trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ có dự thảo về kỷ cương hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2016.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, khai thác tiềm năng tăng trưởng: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh và giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất; mở rộng tận dụng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, xúc tiến thương mại.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo điều hành chủ động linh hoạt công cụ tài khóa, chính sách tiền tệ để giữ ổn định vĩ mô, giải ngân cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, vấn đề bất cập trong đầu tư công giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xử lý, giải quyết.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp
Thứ ba, giải quyết bài toán nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu từng ngành và địa phương đặt ra hành động cụ thể, tái cơ cấu với gắn định tính, định lượng, chỉ tiêu cụ thể.
Thứ tư, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, trong đó tập trung hai trung tâm TPHCM và HN. Thủ tướng cho biết, mục tiêu năm 2020 là có hơn 1 triệu DN, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tập trung tháo gỡ các nghị định mới, tiếp tục nhiệm vụ thể chế để thực hiện tốt hơn.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi cơ chế chính sách về khởi nghiệp, hàng tháng Bộ trưởng kịp thời báo cáo khó khăn với Chính phủ trong việc thúc đẩy DN khởi nghiệp" - Thủ tướng yêu cầu.
Thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và xã hội hóa, tự chủ sự nghiệp công lập. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả năng lực cạnh tranh, sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chống tham nhũng.
Theo đó, cần có lộ trình cụ thể thoái vốn ngoài ngành, thực tế hiện nay nhiều bộ ngành và địa phương rất chậm cổ phần hóa. Việc sử dụng số tiền cổ phần hóa như thế nào cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cũng cho phép lấy tiền cổ phần hóa để đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh các Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về tiến độ cổ phần hóa, đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, để từ đó giảm chi ngân sách. Theo đó, có chế tài cụ thể với người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
Thủ tướng chỉ rõ gánh nặng đội ngũ công chức đang hưởng lương nhà nước: "Chúng ta đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực ở mọi cấp ngành, liên quan đến tài sản, đất đai. Giải quyết khiếu nại đông người ở địa phương...
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét