Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Tội nghiệp ngư dân phát hiện ống xả thải Formosa đang bị bắt ở Úc?; Bác tin ngư dân phát hiện ống xả Formosa phải nộp 40 triệu tiền chuộc

“Chồng tôi nghe lời bạn bè sang vùng biển của Úc đánh bắt hải sản. Ai ngờ vừa đi chưa được bao lâu thì đã bị bắt. Chồng tôi nhiều lần gọi điện về nhà nói làm hồ sơ và gửi tiền sang mới được thả về” - vợ của ngư dân Nguyễn Xuân Thành (Hà Tĩnh) - người đầu tiên phát hiện ống xả thải ngầm của Formosa dưới đáy biển, chia sẻ.

 
Tha hương vì ngư trường cạn kiệt

Đến khu tái định cư ở thôn Ba Đồng phường Kỳ Phương thị xã Kỳ Anh hỏi về nhà ngư dân Nguyễn Xuân Thành ai cũng rõ tường tận về chuyện anh Thành là người đầu tiên phát hiện ống xả thải ngầm của Formosa dưới đáy biển. Tuy nhiên, khi tìm đến nhà anh Thành vào thời điểm này (ngày 5.7) không khí rất ảm đạm, vợ và 4 đứa con hết sức hoang mang vì bố điện về đang bị nhà chức trách Úc bắt vì vào vùng biển nước này trái phép.
Khi được hỏi về cuộc sống của gia đình sau khi anh Thành phát hiện ống xả thải ngầm của Formosa đổ ra biển, chị Trần Thị Gái (35 tuổi, vợ anh Thành) nói: “Tôi rất tự hào về chồng mình làm việc có ích".
ngu dan phat hien ong xa thai formosa dang bi bat o uc? hinh anh 1
Vợ con ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở quê nhà hoang mang lo lắng thông tin chồng bị bắt.

Theo chị, cuối tháng 3, sau một lần lặn biển bắt hải sản, anh Thành phát hiện một đường ống xả thải ngầm cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối. Sau đó anh Thành về trình báo với Đồn Biên phòng Đèo Ngang.
"Không chỉ bây giờ sự việc được rõ ràng, thủ phạm gây ô nhiễm môi trường được công bố làFormosa mà trước đó, gia đình tôi vẫn đi biển bình thường, không có áp lực gì cả mà trái lại rất được người dân tin tưởng và nhiều người biết hơn”- chị Gái cho hay.
Cũng theo chị Gái, cũng từ lần phát hiện đó và đặc biệt là sau khi cá biển chết hàng loạt trôi dạt vào bờ, việc đi biển của bà con ngư dân ở đây gặp khó khăn, cá ít đi.
“Trước đây, mỗi đêm lặn biển đánh bắt tôm hùm, cá mú, chồng tôi có thể kiếm không dưới 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau vụ việc cá biển chết bất thường, việc đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn. Anh Thành vào vùng biển Quảng Bình lặn cũng không đánh bắt được” - chị Gái nói.
Chị Gái cho biết thêm, ngư trường ở vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình thưa vắng cá tôm, lặn biển vất vả không có thu nhập, chồng chị được một chủ tàu ở Quảng Ngãi bàn sang vùng biển của nước Úc đánh bắt. Chỉ sau khi hiện tượng cá chết xảy ra một tuần, anh Thành bàn với vợ vay mượn được 30 triệu đồng mua lương thực, áo quần, thuốc men cùng với bạn tàu của ngư dân Quảng Ngãi sang vùng biển của Úc tha hương đánh bắt.
Vay tiền nóng để chuộc chồng về
Chị Trần Thị Gái cho biết: “Ngoài chồng tôi còn có ông Oanh và chú Thành cùng ở thôn Ba Đồng đi trên chuyến tàu đó sang Úc làm nghề lặn, nay cũng bị bắt vì vào vùng biển nước họ bất hợp pháp và không mang theo giấy tờ”.     
Chị Gái vừa gạt nước mắt kể, sau 25 ngày biệt tăm, mới thấy chồng gọi điện về. "Cách đây hơn 1 tuần, tôi bàng hoàng nhận được điện thoại số lạ. Mở máy, tôi nghe tiếng chồng mình thông báo bị nhà chức trách Úc bắt đưa lên nhà giam ở trên bờ và bảo tôi đi làm giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu đưa tiền gửi sang để chuộc về vì anh ấy vào khu vực nước họ trái phép” - chị này cho hay.
Cũng theo chị Gái, sau đó chị đã lên Ủy ban xã làm lại giấy tờ và đi vay lãi nóng được hơn 40 triệu đồng gửi cho chị Hiền (một chủ tàu cá ở Quảng Ngãi) nhờ chuyển sang Đại sứ quán bên đó.
"Sáng nay, chồng tôi gọi điện về báo nếu hồ sơ và tiền gửi sang sớm thì khoảng giữa tuần sau là chồng tôi được thả về nhà” - chị Gái phấn khởi.
Theo chị, đầu năm nay, thấy công việc đánh bắt thuận lợi, hai vợ chồng có một khoản tiền đền bù nên mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng cất ngôi nhà ở vùng tái định cư Kỳ Phương và đóng một chiếc thuyền nhỏ để chồng đi lặn biển làm ăn.
ngu dan phat hien ong xa thai formosa dang bi bat o uc? hinh anh 2
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành lúc còn ở nhà (Ảnh: báo Đời sống pháp luật).
"Anh Thành tha hương nay bị bắt chưa biết thế nào. Bây giờ nợ nần chồng chất, một mình tôi 4 đứa con nheo nhóc. Đứa con trai đầu năm nay mới 14 tuổi đã phải đi phục vụ nhà hàng thuê" - chị Gái nức nở.
Chiều 5.7, ông Bùi Đức Trình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh thông tin: “Mặc dù anh Nguyễn Xuân Thành đã chuyển lên vùng tái định cư của phường Kỳ Phương nhưng vẫn đang thuộc quản lý xã Kỳ Lợi. Hiện tôi cũng chưa nhận được thông báo của các cơ quan chức năng, cũng như phía Úc thông báo về địa phương việc anh Thành bị bắt nên không nắm được”.
                                                              
Hữu Anh

Bác tin ngư dân phát hiện ống xả Formosa phải nộp 40 triệu tiền chuộc



06/07/2016 12:05

(NLĐO)- Đại sứ Việt Nam tại Úc khẳng định không có chuyện gia đình ngư dân Nguyễn Xuân Thành chuyển 40 triệu đồng qua Đại sứ quán để "chuộc" người về.

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: ĐS và PL
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: ĐS và PL
Sáng nay 6-7, ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Úc, đã xác minh thông tin ngư dân Nguyễn Xuân Thành (ở Hà Tĩnh) bị phía Úc bắt giữ.
Ông Thành chính là ngư dân đã phát hiện ống xả thải ngầm của Formosa dưới đáy biển vào tháng 4 vừa qua.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thành (SN 1976, ở xóm 4 Đông Yêu, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cùng 21 ngư dân trên 2 tàu cá QNg 9046TS và QNg90947TS ngày 22-6 vừa qua đã bị lực lượng chức năng Úc bắt với cáo buộc xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế phía Tây Bắc Úc. Hiện các ngư dân đang bị tạm giữ tại Bắc Úc để điều tra.
Liên quan đến thông tin gia đình ông Nguyễn Xuân Thành phải nộp cho chủ tàu 40 triệu đồng để chuyển qua Đại sứ quán, Đại sứ Lương Thanh Nghị khẳng định hiện đại sứ quán chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan vấn đề này từ các cơ quan chức năng của Úc cũng như từ các ngư dân. Việc có bị phạt tiền hay không do phía Úc quyết định sau khi đã tiến hành xét xử.
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, từ cuối tháng 3-2016 đến cuối tháng 6-2016, các cơ quan chức năng Úc đã bắt giữ tổng cộng 6 tàu cá gồm 84 ngư dân Việt Nam (chủ yếu đến từ Quảng Ngãi, Bình Thuận) với cáo buộc xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép. Đại sứ quán đã phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam và Úc đưa về nước 28 ngư dân (bị bắt ngày 27-3-2016 tại khu vực Tây Bắc bang Queensland); hiện đang tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm đưa về nước các ngư dân còn lại sau khi phía Úc tiến hành xét xử tại Tòa án Darwin - Bắc Úc. Ngày 28-6, phía Úc thông báo đã xét xử 30 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ngày 2-6, theo đó các ngư dân bị án tù treo 2 tháng, thuyền trưởng bị 7 tháng tù treo; mỗi ngư dân bị phạt 1.000 AUD, thuyền trưởng bị phạt 2.000 AUD).
Theo quy định của pháp luật Úc, các ngư dân bị bắt với cáo buộc xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép sẽ bị giam giữ để phục vụ điều tra, sau đó tiến hành xét xử tại tòa án khu vực, có thể bị tù, bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm và các tàu thuyền sẽ bị phá hủy.
Đại sứ quán đề nghị các cơ quan liên quan trong nước và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân tránh xâm phạm vùng biển của nước khác khi đánh bắt xa bờ.
Trước đó, báo chí đưa tin ngư dân Nguyễn Xuân Thành, người phát hiện ống xả thải của Formosa dưới đáy biển Hà Tĩnh, đã bị lực lượng chức năng Úc bắt cùng một số ngư dân khác với cáo buộc xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép. Người nhà cho biết đã phải đi làm lại giấy tờ và đi vay lãi nóng được hơn 40 triệu đồng gửi cho một chủ tàu cá ở Quảng Ngãi nhờ chuyển sang Đại sứ quán bên Úc để chuộc người về.
D.Ngọc

Không có nhận xét nào: