Kiều Vui |
Theo Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đã gửi đề xuất xây đường sắt cao tốc kết nối các địa phương này với Trung Quốc.
Thông tin tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 1/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho hay, hiện có 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đều đề xuất xây đường sắt tốc độ cao kết nối 3 tỉnh đó với Trung Quốc.
"Địa phương nào khi đề xuất cũng cấp bách và chính đáng. Chúng tôi sẽ tập hợp các đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Câu chuyện đường sắt tốc độ cao ở các địa phương miền Bắc và việc kết nối với mạng lưới giao thông Trung Quốc từng nhiều lần được đề cập.
Cuối năm 2015, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông, lãnh đạo Lạng Sơn cho hay phía Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội.
“Phía Trung Quốc cho rằng đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hiện dùng cho cả tàu hàng và chở khách nên tốc độ không cao và họ mong muốn có một tuyến với tốc độ cao khoảng 200 km/h”, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh thời điểm đó cho biết.
Một vấn đề thời sự khác được đề cập trong phiên họp của Chính phủ ngày 1/7 là việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Thừa nhận BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu thực tế khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông.
“Chúng tôi đang chờ quyết định cuối cùng để triển khai sử dụng vốn dư 17.000 tỷ đồng hoàn thành 24 dự án. Nếu không có gói đặc biệt thì nhiệm kỳ tới rất khó phát triển”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Ông thông tin, ngành giao thông đang tập trung cơ cấu lại hình thức vận tải, cơ cấu lại đầu tư. Năm năm qua đầu tư giao thông đường bộ quá lớn trong khi đầu tư cho đường thủy nội địa rất thấp.
“Cần tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng cho đường thủy. Như đường thủy miền Tây đóng góp 70 – 75% năng lực vận tải”, ông Nghĩa nói.
theo Zing
"Một số người Việt đang tiếp tay cho người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình"
Dân trí Nguyên là Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình chia sẻ: từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất khổ sở khi phải đích thân đi xử lý người Việt mình. Bởi chính người Việt của mình lại tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình. Vì thế, trong lúc này các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho các hành vi trên.
Doanh nghiệp Trung Quốc luôn tranh thủ mua chuộc doanh nghiệp Việt Nam
Nói về hiện tượng người Trung Quốc giới thiệu xuyên tạc về lịch sử Việt Nam thời gian gần đây, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bức xúc; đã từ lâu những người làm du lịch Việt Nam luôn phải đối mặt với mới những trường hợp đó, có lúc rộ lên, có lúc chìm xuống, nhưng lần này thậm tệ hơn. Có một điểm dễ nhận thấy rất rõ là các doanh nghiệp Trung Quốc luôn luôn tranh thủ các điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam để mua chuộc các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian gần đây có vẻ như các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng đưa các tour giá rẻ sang Việt Nam với số lượng khách khá đông. “Họ đưa giá tour rất thấp, và để bù lỗ họ phải đưa khách vào các điểm mua, sắm, ăn chơi của họ. Công việc này chỉ có mỗi HDV mới có thể lùa khách vào được và việc này người Trung Quốc chỉ dùng người Trung Quốc mới hoàn hảo. Trước thì lén lút giờ đông quá thì họ công khai luôn”, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội chia sẻ.
Trả lời báo chí về hiện tượng người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong khi hoạt động hướng dẫn chui tại Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (TCDL) nói: Quan điểm của tôi là kiên quyết xử lý. Có thể là trục xuất nếu có tên tuổi người lao động Trung Quốc hoạt động trái phép, TCDL sẽ thông báo rõ với phía Trung Quốc để xử lý cá nhân này. Trong trường hợp Đà Nẵng xử lý quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo, dứt khoát sẽ không bao che, dung túng.
Trục xuất một vài cá nhân, không giải quyết được vấn đề
Thế nhưng, theo ông Vũ Thế Bình, nếu chúng ta chỉ trục xuất một vài cá nhân thôi thì chưa phải là biện pháp để dẹp bỏ những hiện tượng này. Ở đây là cả hệ thống, chúng ta phải giải quyết cả gốc mới dẹp bỏ được nó.
Mỗi địa điểm chỉ chứa được một lượng khách nhất định, thực tế có những nơi khách Trung Quốc đến đông nghẹt, khiến các thị trường khách đến từ các quốc gia khác không chịu nổi phải bỏ đi. Vì thế, chúng ta không cân đối được, thì chúng ta sẽ tự tiêu diệt mình.
Ông Bình nói: "Từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất khổ sở khi phải đích thân đi xử lý người Việt mình. Bởi chính người Việt của mình lại tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình." - ảnh Hữu Thắng
Ông Bình đề xuất; trước hiện tượng này, Việt Nam nên quy định hạn ngạch riêng cho khách Trung Quốc để ngăn chặn những điều đang xảy ra gây bức xúc dư luận.
“Muốn đến Việt Nam anh sang chỗ khác, chứ không phải nhất thiết phải “nhồi” vào Nha Trang, hay Đà Nẵng như thế được. Chúng ta cần phải xử lý những HDV là người Việt Nam đang tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Một số HDV của Việt Nam bây giờ chỉ chăm chăm đến mấy đồng tiền thù lao của Trung Quốc để chỉ ngồi đó không nói gì, mặc cho người Trung Quốc nói bậy nói bạ về Việt Nam. Theo tôi, bây giờ, ngành du lịch cần kiểm tra cả HDV trong lúc hành nghề, nếu đưa khách đi mà không hành nghề thì các địa phương cũng cần xử lý ngay", ông Bình chia sẻ!
Trước hiện tượng có rất nhiều HDV “chui” người Trung Quốc đang hoành hành tại Việt Nam, mới đây TCDL đã liên tục có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động lữ hành, hoạt động HDV. Cơ quan này yêu cầu các sở du lịch, sở văn hóa thể thao và du lịch xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nội dung công văn của TCDL nhấn mạnh; trong trường hợp, nếu phát hiện công ty lữ hành quốc tế vi phạm báo cáo ngay TCDL để cơ quan này thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Thu hồi thẻ HDV khi phát hiện HDV vi phạm. Yêu cầu các hiệp hội, câu lạc bộ du lịch không để các cá nhân, tổ chức là người nước ngoài lợi dụng bất chính. Phối hợp với các cơ quan công an, sở lao động thương binh xã hội các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý những người lao động nước ngoài hành nghề trái phép trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường kiểm tra các dịch vụ du lịch, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, sử dụng tiền đồng trong giao dịch mua bán.
Riêng với Khánh Hòa, cơ quan này cũng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh trái phép của người nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam tại các điểm tham quan phục vụ khách Trung Quốc.
Trao đổi với PV Dân trí về hiện tượng đau lòng trên, ông Vũ Thế Bình chia sẻ, việc đối phó với HDV chui là người Trung Quốc luôn luôn phức tạp và khó khăn, chúng ta phải có chế tài, bộ máy mạnh mẽ đi theo đó mới có thể ngăn chặn được việc làm sai trái này.
Bài: Thu Hà - Hữu Thắng
Ảnh: Hữu Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét