Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Ba tỉnh mong đường sắt tới Trung Quốc: Chở hàng Trung Quốc

(Xã hội) - Ông Bùi Danh Liên cho rằng việc xây dựng đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc cần phải nghiên cứu thận trọng, tránh vội vàng.

Việt Nam phải thận trọng
Ngày 1/7, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay có 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đã đề xuất với Bộ GTVT về việc xây đường sắt tốc độ cao kết nối 3 tỉnh đó với Trung Quốc.
“Địa phương nào khi đề xuất cũng cấp bách và chính đáng. Chúng tôi sẽ tập hợp các đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng Việt Nam cần phải xem xét thận trọng các dự án này.
Theo ông Liên, ý tưởng về việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc đã xuất hiện từ lâu. Phía nước bạn đã nhiều lần đưa ra lời đề nghị, cũng như khẳng định đầu tư vốn để đẩy mạnh phát triển dự án đường sắt xuyên Á từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nối với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Ba tinh mong duong sat toi Trung Quoc: Cho hang Trung Quoc
Ông Bùi Danh Liên cho rằng việc xây dựng đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc cần phải nghiên cứu thận trọng, tránh vội vàng. Ảnh minh họa
“Phía Trung Quốc và Việt Nam đã có ý tưởng về đường sắt cao tốc để lưu thông hàng hóa từ phía Trung Quốc sang cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng trở thành cửa khẩu thông quan cho hàng hóa Trung Quốc từ Côn Minh, Vân Nam đi ra quốc tế.

Thực hiện được việc này sẽ có lợi cho cả 2 phía. Vì vậy các chuyên gia và người dân địa phương các tỉnh giáp giới nằm trên trục đường đó cũng rất hoan nghênh”, ông Liên khẳng định.
Tuy nhiên vị chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều căng thẳng, bất đồng với Trung Quốc về biển Đông thì việc phát triển các dự án đường sắt cao tốc phải hết sức thận trọng.
“Nếu quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tốt đẹp thì việc xây dựng này hoàn toàn phục vụ việc phát triển kinh tế của vùng lưu vực sông Hồng và Đông Nam Á. Không phải đường sắt cao tốc mà còn là các con đường xuyên Á, xuyên qua các nước ASEAN.
Nhưng hiện nay tình hình biển Đông đang căng thẳng, đưa ra ý tưởng hợp tác thì người dân không yên tâm. Quan hệ giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc còn rất nhiều điều nghi ngại, niềm tin của thế giới với nước này đã giảm sút mạnh.
Cho nên khi xây dựng đường sắt cao tốc về mặt kinh tế hết sức đáng trông đợi nhưng vì các tỉnh biên giới của chúng ta có lịch sử lâu dài với nhiều biến động với Trung Quốc về chính trị, xã hội, quân sự cho nên tôi cho rằng phải hết sức cảnh giác”, ông Liên nhấn mạnh.
Đánh giá tổng thể về các tuyến đường kết nối, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, nếu các dự án này được triển khai thì chủ yếu phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua cảng Hải Phòng, tức là Việt Nam chở hàng cho nước bạn để lấy tiền.
“Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang bên nước bạn thì có nhưng không nhiều. Hiện nay chúng ta đang khai thác bằng đường bộ là chủ yếu. Các tuyến đường sắt chủ yếu nhằm quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Liên nói.
Nhìn bài học từ Cát Linh – Hà Đông
Nhìn nhận ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, về lâu dài, phương án tính xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh của Việt Nam với Trung Quốc là cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là phải có sự tính toán và nghiên cứu thận trọng.
“Tôi nghĩ rằng mọi dự án đều cần phải có thời gian. Cho nên với những đề xuất từ các tỉnh thì không phải là gấp gáp mà chúng ta phải khởi động. Một dự án đường sắt xuyên quốc gia như vậy phải mất nhiều năm, nếu thuận lợi thì thực hiện mà không thuận lợi thì dừng lại.
Chủ yếu dự án này là khai thác nguồn vốn của Trung Quốc đầu tư, sau đó hoàn vốn thông qua thuế đường, thuế cảng. Còn Việt Nam hiện nay chưa có vốn để làm”, ông Liên nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng từ bài học kinh nghiệm trong dự án đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông, vị chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần có hết sức chú tâm đến hợp đồng cũng như các điều kiện ràng buộc giữa 2 bên.
“Từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chúng ta phải rút kinh nghiệm về hợp đồng. Không chỉ mình Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng có nhưng trục trặc khi làm ăn với Trung Quốc cho nên  việc ký kết hợp đồng, vay vốn đối với các đối tác Trung Quốc phải hết sức chặt chẽ. Chúng ta phải có những giằng buộc nhất định khi nhà thầu không hoàn thành dự án, dự án bị chậm…để xử lý theo pháp luật”, ông Liên nêu quan điểm.
(Theo Báo Đất Việt)

Không có nhận xét nào: